Đầu năm 1960, khi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam được chính thức phát động, Trung ương Đảng và Bác Hồ chỉ đạo các địa phương 2 miền Nam - Bắc tổ chức kết nghĩa, tăng cường mối đoàn kết gắn bó để chiến đấu thống nhất đất nước. Ngày 12 tháng 3 năm 1960, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kết nghĩa với tỉnh Quảng Nam và chỉ đạo cho các huyện, thị, thành phố kết nghĩa với nhau. Gần 1 năm sau, thành phố Thanh Hóa và thị xã Hội An tổ chức kết nghĩa. Buổi lễ diễn ra tại thành phố Thanh Hóa với sự tham gia của lãnh đạo, nhân dân địa phương và đại diện Hội đồng hương Hội An tại Hà Nội, cán bộ, học sinh Hội An tập kết đang công tác, học tập tại Thanh Hóa. Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Hội An giai đoạn 1975, vào thời điểm đó là cán bộ tập kết đang công tác tại Hà Nội nhớ lại: “Sau sự kiện đó, tình cảm gắn bó giữa 2 địa phương ngày càng thắm thiết. Ban đầu chủ yếu là các hoạt động kết nghĩa giữa Thành phố Thanh Hóa và Hội đồng hương Hội An tại Hà Nội. Hằng năm, lãnh đạo Thành phố Thanh Hóa thường xuyên thông báo tình hình sản xuất, xây dựng của địa phương cho Hội biết, đặc biệt là trích ngân sách thành phố hỗ trợ cho Hội có điều kiện hoạt động. Ông Nguyễn Đức Minh kể tiếp: “
Năm 1962, tôi được điều về Nam chiến đấu. Khi vào đến Thanh Hóa, tôi ghé thăm các anh lãnh đạo thành phố và được đưa đi thăm thư viện Thanh Hóa - Hội An vừa được xây dựng. Lúc đó nó chỉ là ngôi nhà tranh tre nhưng rất khang trang, chứa hơn chục ngàn bản sách. Anh Hồ Văn Huấn - Bí thư Thành ủy bảo khi nào miền Nam giải phóng sẽ chuyển toàn bộ số sách này vào cho Hội An. Đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, ném bom bắn phá miền Bắc - cả nước chung một chiến hào, mối tình Nam - Bắc càng thêm son sắt thủy chung. Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong sản xuất chiến đấu để bày tỏ tình đoàn kết, ủng hộ với nhân dân Quảng Nam đang trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ, như phong trào “Vì Miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, Thanh - Quảng anh hùng phất cờ chiến thắng”, “
Ta tiến công ra đồng như Quảng Nam xông vào đồn giặc”… Hàng chục ngàn con em Thanh Hóa đã lên đường vào Nam đánh giặc, riêng tiểu đoàn đặc công Lam Sơn với 500 chiến sĩ được chi viện thẳng cho chiến trường Quảng Nam vào đầu năm 1968. Tiểu đoàn đã hoạt động trên khắp các địa bàn Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, lập nên nhiều chiến công vang dội như các trận tiến công căn cứ quân sự An Hòa, thị trấn Ái Nghĩa, Cầu Đỏ. Năm 1972 lại tăng cường thêm trung đoàn bộ binh Lam Sơn. Quan hệ kết nghĩa giữa thành phố Thanh Hóa và thị xã Hội An càng thêm mật thiết. Hai địa phương thường xuyên trao đổi thư từ động viên với thông báo thành tích chiến đấu cho nhau. Những lá thư viết dưới làng bom đạn và lấp lánh chiến công của 2 miền đã có sức động viên nhau rất lớn. Chia lửa với Hàm Rồng, Nam Ngạn, bộ đội, du kích Hội An đã san bằng quận lỵ Hiếu Nhơn, diệt, xé xác đại đội Nam Triều Tiên tại Trà Quế, tấn công trận địa pháo Chi Lăng, đánh đập các cơ quan tình báo trá hình USOM, USAID của Mỹ… Và cũng có không ít con em Thanh Hóa đã kề vai chiến đấu với quân và dân Hội An. “
Chiến trường chia lửa, hầm tối chia cơm”, họ đã viết nên những thiên truyện cảm động về tình đồng đội, đồng chí keo sơn chung thủy. Nhiều con em Thanh Hóa đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này. Trong đó nổi bật là liệt sĩ Lê Văn Đa, gia đình quê gốc Hoằng Hóa lên định cư tại huyện Thạch Thành. Trong cuộc tiến công xuân Kỷ Dậu 1969, Lê Văn Đa đã cùng đồng đội tiến công vào nội thị Hội An chiếm giữ nhiều khu phố hơn 1 ngày đêm. Khi địch tập trung quân phản kích quyết liệt, anh đã xung phong ở lại kìm chân địch để anh em rút lui an toàn. Tấm gương hy sinh của anh đã được ghi vào lịch sử Đảng bộ Hội An. Chính quyền Hội An đã đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Văn Đa nhưng do những khó khăn trong việc lập hồ sơ thủ tục nên chưa thực hiện được.
Cờ của thị xã Thanh Hóa kết nghĩa tặng nhân dân Hội An (1968)
Rất nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội Thanh Hóa vẫn còn được cán bộ lão thành cách mạng ở Hội An khắc sâu. Ông Nguyễn Đức Minh, trong chiến tranh là Chính trị viên thị đội Hội An nên nhớ rất rõ tên tuổi, hành trạng của các chiến sĩ cấp dưới. Ông kể “
Tôi nhớ nhất là trường hợp anh Huấn. Anh là trung úy, chính trị viên đại hội 2, chiến đấu rất anh dũng. Do bị thương vào sọ não nên anh có những biểu hiện không bình thường. Chúng tôi bàn nhau đưa anh lên căn cứ để ra Bắc an dưỡng. Lần thứ nhất đưa anh qua sông Thu Bồn anh Huấn lại lội về. Lần thứ 2 đưa anh đi nhưng vượt sông xong anh lại nhất quyết không đi. Anh bảo: “Khi vào Nam đánh giặc, chúng tôi đã hứa với bà con quê hương rằng: Ra đi nặng một lời thề. Hễ còn giặc Mỹ chưa về quê hương, sao các anh bắt tôi về. Rứa là anh vượt sông về lại căn cứ Cẩm Thanh. Tôi nghĩ ngoài nớ làm công tác giáo dục chính trị tốt quá, anh em mình bản lĩnh chính trị vững vàng. Chiến đấu gian khổ, thiếu cơm thiếu thuốc nhưng không có ai chiêu hồi, phản bội. Nhiều người lạc đội ngũ, bị ốm phải rớt lại, lại nhập với chúng tôi tiếp tục chiến đấu rồi hy sinh gần hết”. Nói đoạn mắt ông cụ đã ở tuổi 85 ngân ngấn lệ, giọng lạc đi hẳn. Chính ông Nguyễn Đức Minh cũng chứng kiến câu chuyện rất cảm động về mối tình son sắt Thanh Hóa - Hội An. Tháng 1 năm 1971 ông được cho ra Bắc chữa bệnh. Khi đi, thị ủy Hội An giao cho ông một tấm trướng có thêu bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Bác Hồ, thêm một khẩu súng colt và chiếc đồng hồ chiến lợi phẩm thu được của 2 tên lính Nam Triều Tiên bị du kích Cẩm An bắt sống. Ra Thanh Hóa đúng vào dịp Đảng bộ Thị xã Đại hội lần thứ VIII, khi tặng quà ông kể với đại hội rằng đó là tấm trướng được phụ nữ Hội An thêu ngay trong nhà lao thị xã và được móc nối đem ra căn cứ. Do gấp nên mới chỉ thêu được 2 chữ
Son sắt, đề nghị phụ nữ thị xã Thanh Hóa thêu tiếp chữ
một lòng còn lại. Cả đại hội vỗ tay vang dậy. Tấm trướng ấy hiện nay vẫn được Thanh Hóa lưu giữ, minh chứng hùng hồn cho tình son sắt giữa 2 thành phố.
Quan hệ kết nghĩa Hội An và thành phố Thanh Hóa không chỉ sôi nổi trong chiến tranh mà càng tiếp tục duy trì và đi vào cụ thể thiết thực sau khi đất nước thống nhất. Ông Võ Hiên, nguyên Bí thư thị ủy Hội An cho biết: “
Vấn đề hậu chiến ở Hội An rất phức tập. Dân số thị xã lúc này khoảng 120.000 người, còn lại 60.000 người. Làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm cho dân không phải là dễ bởi ruộng nương đã bị bỏ hoang hóa lâu ngày, cơ sở sản xuất công thương nghiệp ở thị xã hầu như không có gì. Trong khi đó nhiều gia đình từng là sĩ quan, công chức ngụy nay không có nghề nghiệp mưu sinh, nếu để họ thiếu ăn thì tình hình sẽ rất phức tạp. Nói chung, nhiều người cũng sống nhờ vào guồng máy chiến tranh của Mỹ - Ngụy. Cũng ngay sau chiến thắng, các anh lãnh đạo thành phố Thanh Hóa vào thăm, chúc mừng. Nghe chúng tôi thông báo tình hình sản xuất đời sống khó khăn như vậy, các anh đề xuất sẽ giúp Hội An các ngành nghề như cơ khí, mành trúc, thảm lên, gốm, thủy tinh, dệt mà thành phố đang có thế mạnh để tạo việc làm cho dân”. Chính quyền thị xã Hội An lập tức cử các đoàn cán bộ, công nhân ra Thanh Hóa học tập kỹ thuật, được thành phố Thanh Hóa đài thọ cả ăn ở. Khi dựng các xưởng sản xuất, Thanh Hóa còn cử người vào hướng dẫn, theo dõi, gửi các sản phẩm như xe cải tiến, máy tuốt lúa, mành trúc, chiếu cói, phụ tùng xe đạp… để làm mẫu; tặng các thiết bị như máy cắt, khoan sắt, chuốt mây… Với sự giúp đỡ thiết thực, nhiệt tình của thành phố Thanh Hóa, cộng với sự nhanh nhẹn, sáng tạo của người Hội An, các nghề mặt may, mành trúc ở Hội An đã phát triển mạnh mẽ. Nghề mành trúc từ 1 Hợp tác xã dần dần phát triển lên 3 đơn vị, giải quyết lao động cho cả 1000 người. Ngành cơ khí của Hội An cũng phát triển mạnh, các sản phẩm như xe cải tiến, máy tuốt lúa đạt chất lượng tốt, đặc biệt nhờ đầu tư một số máy công cụ nên Hội An cũng sản xuất được nhiều sản phẩm phụ tùng xe đạp. Nghề dệt cũng phát triển mạnh. Hội An trở thành thị xã tiểu thủ công nghiệp (
TTCN) hoạt động rất nhộn nhịp. “
Trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hóa lúc ấy, nhờ hàng TTCN Hội An mới đổi được lương thực để nuôi dân, bởi thị xã không có ưu thế về nông nghiệp. Đặc biệt các mặt hàng mành trúc, thảm len được xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu đã đem về nguồn ngoại tệ quý giá để nhập hàng tiêu dùng, đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân. Cần phải nhấn mạnh điều này mới hiểu hết ý nghĩa thiết thực, quý giá của sự giúp đỡ mà Thành phố Thanh Hóa dành cho Hội An”, ông Võ Hiên giải thích thêm. Cũng nhờ vậy Hội An có được công ty xuất nhập khẩu thuộc loại mạnh của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bấy giờ. Thư viện Thanh Hóa - Hội An như lời hứa thời ban đầu của lãnh đạo thành phố Thanh Hóa đã chuyển cho Hội An 5.000 bản sách. Đấy cũng là số sách duy nhất mà thư viện có được khi thành lập vào tháng 9 năm 1975, mang tên Thư viện Hội An - Thanh Hóa. Bấy giờ thư viện đã có 30.000 bản sách. Năm 2006, kỷ niệm 45 năm 2 thành phố kết nghĩa, Hội An đã quyên góp 500 bản sách để tặng lại bạn. Chị Huỳnh Thị Huệ - trưởng thư viện cho biết như vậy.
Những năm qua, quan hệ kết nghĩa Hội An - Thanh Hóa vẫn được duy trì tốt đẹp. Những sự kiện lớn như đại hội đảng bộ, đón các danh hiệu vinh dự của Nhà nước, mỗi địa phương đều mời lẫn nhau, tổ chức thăm hỏi hằng năm hay khi có thiên tai lũ lụt, tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Đặc biệt hướng đến kỷ niệm 50 năm kết nghĩa giữa 2 thành phố, mỗi bên đang có những việc làm rất thiết thực. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: “
Thành phố Thanh Hóa đã khởi công tôn tạo công viên Hội An. Chính quyền thành phố Hội An cũng đã có kế hoạch xây mới thư viện với kinh phí 10 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2011 để chào mừng 50 năm mối tình kết nghĩa thủy chung”.