Một số nghề đánh bắt trên sông ở Cẩm Kim - Hội An

Chủ nhật - 13/03/2016 22:33
          Cẩm Kim nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, địa hình gắn liền với sông nước nên thuận lợi cho hoạt động ngư nghiệp phát triển, trong đó có các nghề đánh bắt trên sông. Theo số liệu thống kê năm 2015, ở Cẩm Kim hiện có 69 chiếc ghe khai thác trên sông với hơn 115 lao động phân bố trên địa bàn toàn xã. Nghề sông ở Cẩm Kim hoạt động quanh năm, gồm nhiều nghề[1], trong đó có một số nghề không còn hoạt động nữa[2] và một số nghề đang hoạt động như nghề đáy, nghề rớ chồ, nghề lưới bén, nghề te, nghề chươm… Địa bàn đánh bắt tập trung ở khu vực đoạn sông Thu Bồn chảy qua Hội An và khu vực lân cận, các lạch sông, hói ở Cẩm Kim. Trong bài viết này xin được giới thiệu một số nghề sông đang hoạt động hiệu quả ở Cẩm Kim.

          Nghề lưới bén: Hiện còn nhiều hộ làm nghề, tập trung tại thôn Trung Châu, Trung Hà, Đông Hà. Lưới bén bủa tại sông Thu Bồn đoạn chảy qua Hội An và khu vực lân cận để đón bắt cá. Cá gặp lưới sẽ bị vướng vây, không thoát ra được. Khi bủa, ngư dân dùng ghe nhỏ, kết hợp với gõ, đập để xua cá vào lưới. Lưới bén gồm nhiều loại như lưới 1, lưới 2, lưới 3, lưới 4, lưới 5. Lưới 1 đến lưới 4 chủ yếu bắt cá nhỏ. Lưới 5 bắt các loại cá lớn như cá trảnh, cá hồng, cá hanh, cá đối…[3]

          Nghề rớ chồ: Hiện còn 08 hộ[4] làm nghề ở tại thôn Trung Hà, Đông Hà, Đông Vĩnh. Nghề rớ chồ hoạt động quanh năm[5], dùng để bắt tôm, cua, cá đối, cá mú… Rớ chồ thường đặt ở một vị trí cố định trên sông (khu vực thôn Đông Hà, Đông Vĩnh), gồm rớ và chồ được liên kết bằng hệ thống dây để buông xuống và kéo rớ lên. Chồ có giường để ngồi kéo rớ bằng một hệ thống trục quay. Rớ bằng lưới nhợ giăng trên bốn trụ tre được cố định bằng cọc, dây giằng và dây liên kết với trục quay để hạ lưới xuống và kéo lên để bắt cá[6]. Nghề rớ chồ thường làm ban đêm, khi nước đứng hoặc chảy nhẹ, nước chảy mạnh thì không kéo vì khi đó trọng lượng rớ rất nặng. Để nhử cá vào trong rớ người làm phải dùng đèn để chiếu sáng, đèn được bắt vào giữa rớ. Khi rớ được kéo lên, người kéo rớ bơi ghe hoặc thúng ra dùng cây tre nhỏ quét các loại cá vào lổ nhỏ để trút cá. Khi quét và trút cá phải tuân theo hướng gió, nếu gió ở dưới thổi lên, bơi ghe xuống phía dưới quét lên và ngược lại.
 
ro cho

         Nghề đáy: Đáy là công cụ dùng để đánh bắt cá, tôm và các loại thủy sản khác. Đáy đan bằng sợi nhợ, hình phễu, miệng rộng, phía sau có đụt để giữ cá. Nghề đáy hoạt động quanh năm, mỗi tháng làm khoảng 10 ngày tùy theo con nước lên xuống. Đáy được cắm cố định ở những nơi nước chảy (phía trước sông Thu Bồn - khu vực từ bến đò Cẩm Kim dọc xuống thôn Đông Vĩnh), miệng ngược với chiều nước để đón cá, tôm và một số loại thủy sản khác[7]. Để đánh bắt tôm, vào những ngày mùa con nước thủy triều[8] lên xuống lúc cực điểm, khoảng 5giờ chiều bắt đầu giăng đáy đến khoảng 9giờ đêm thì kéo lên. Để đánh bắt lạch thì dựng đáy vào mùa mưa bão vì lúc này lạch mới có nhiều. Sau mỗi lần kéo  lên thì dỡ đáy đem về nhà. Hiện nay, ở Cẩm Kim còn 04 hộ làm nghề đáy.
 
nghe day

          Nghề lưới kéo: Hiện nay còn một số hộ làm nghề ở tại thôn Trung Châu[9]. Nghề này làm từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch, trong đó thời vụ đánh bắt cao điểm tập trung từ tháng 2 đến tháng 5. Lưới kéo đánh bắt cá cồi, cá móm, cá trảnh, cá hanh... Nghề lưới kéo làm ban ngày là chủ yếu. Người làm nghề thường đi đánh bắt từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Khi bủa phải chọn nơi thế bờ dốc, cặm cây sát mép bờ sông, bủa lưới theo hướng vòng cung để kéo lưới được dễ dàng, thả lưới xuống sông thì kéo lên ngay không ngâm lâu, nếu có cá thì gỡ, sau đó di chuyển đến chỗ khác để bủa.

          Trong quá trình làm nghề, các hộ làm nghề sông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là nhận biết được dòng nước thủy triều lên xuống, xác định ánh trăng trong một tháng để đánh bắt có hiệu quả… Bên cạnh đó, người làm nghề có những kiêng cữ riêng như không hành nghề đánh bắt vào các ngày rằm, 30, mồng 1 âm lịch vì họ cử sát sanh, hay cử gặp người có tang khi xuất phát hành nghề.

          Đối với nghề sông, cộng đồng dân cư làm nghề tổ chức 2 lễ cúng vào ngày 16/1 âm lịch và ngày 16/7 âm lịch. Lễ cúng diễn ra tại các bến sông dọc thôn Trung Châu, Trung Hà, Đông Hà, Đông Vĩnh với mục đích cầu mong sự may mắn, làm ăn phát đạt, thuận lợi trong năm. Đối tượng cúng thường là các vị thần sông nước, đất đai, thành hoàng bổn xứ. Ngoài ra, các hộ làm nghề sông còn cúng mở hàng trước khi bắt đầu mùa đánh bắt mới. Thường là những ngày đầu năm mới, từ mồng 2 Âm lịch trở đi. Địa điểm cúng thường là trên ghe. Lễ vật cúng gồm có hoa quả, áo giấy, hương đèn…

          Nhìn chung, một số nghề sông ở Cẩm Kim đang hoạt động có hiệu quả, qua đó đóng góp một phần vào tổng thu nhập chung của toàn xã. Nghề sông ở Cẩm Kim gồm nhiều nghề với nhiều loại hình và kỹ thuật đánh bắt rất phong phú và đa dạng. Vì vậy, cần bảo tồn và gìn giữ một số công cụ, kỹ thuật đánh bắt, duy trì và phát huy các lễ cúng liên quan đến nghề sông, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa ngành nghề ở Cẩm Kim.
 

[1] Nghề sông có nhiều kỹ thuật đánh bắt, trong bài viết này một số kỹ thuật đánh bắt chúng tôi thống nhất tên gọi chung là nghề.
[2] Một số nghề sông không còn hoạt động nữa: nghề nơm, chao tép.
[3] Công cụ đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An, sđd, tr.32, 44.
[4] Gồm Nguyễn Trước, Phạm Công Chánh, Đỗ Văn Cường, Đỗ Mạnh Thường, Nguyễn Đào, Nguyễn Đình Nở, Lê Văn Hiệp, Nguyễn Phi Điểu.
[5] Vào những tháng mưa lũ thì không dựng rớ chồ, sau lũ khoảng 1 tháng thì bắt đầu dựng rớ chồ vì lúc này mới có tôm cá.
[6] Công cụ đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An, sđd, tr.43.
[7] Công cụ đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An, sđd, tr.46.
[8] Nước lớn (lên), nước ròng (xuống)
[9] Như hộ ông Trần Sáu, Trần Bảy…

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây