Việt Nam giao điểm của “con đường gốm sứ” thế giới

Thứ năm - 21/04/2016 22:42
Lâu nay, chúng ta đã nghe đọc, xem nhiều về “con đường tơ lụa” xuyên lục địa Á - Âu, vượt qua nhiều đồi núi hiểm trở, sa mạc bỏng rát, thảo nguyên mênh mông của nhiều quốc gia với từng đoàn lái buôn cưỡi trên lưng những chú lạc đà chở đầy tơ lụa. Quy luật cung - cầu và sức hấp dẫn của nguồn lợi nhuận đã thôi thúc các lái buôn lao vào cuộc trường chinh hàng ngàn dặm đầy thú vị, nhưng cũng lắm gian truân. Song, sẽ hoàn toàn thiếu sót nếu không nói đến một con đường mậu dịch khác cũng không kém phần gian truân, thú vị: “Con đường gốm sứ”.
         Khác với “con đường tơ lụa” hình thành trên lục địa, “con đường gốm sứ” được thiết lập dọc ngang chằng chịt trên các đại dương nối liền các châu lục Á - Âu - Phi - Úc. Con đường hàng hải ấy đã hình thành từ lâu trong lịch sử, nhưng phát triển rầm rộ nhất vào thế kỷ XV - XVII trong “thời kỳ phục hưng”. Với những mầm mống tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu. Những quốc gia nổi tiếng về ngành hàng hải lúc bấy giờ như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… đóng góp phần quan trọng vào việc tạo dựng, phát triển “con đường gốm sứ” thế giới. Thương thuyền của họ đã tung hoành xuôi ngược khắp Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương để đổi trao, bù đắp, cân đối nguồn hàng hóa, sản vật giữa các vùng. Và, gốm sứ - với sự hấp dẫn, độc đáo của nó - luôn là mặt hàng quan trọng được nhiều quốc gia ưa chuộng.

          Việt Nam rất may mắn được thiên nhiên ban cho vị trí lý tưởng – ngã ba đường hàng hải quốc tế - vì lẽ đó, “con đường gốm sứ” phải tất yếu đã qua và từ đây, đi nhiều nơi khác nữa.

          Gốm men Việt Nam đã có lịch sử dài non 2.000 năm, nhưng cho đến nay, các nhà khảo cổ học mới chỉ tìm thấy gốm Việt Nam gia nhập vào thị trường gốm thương mại bắt đầu từ thế kỷ XIV mà bằng chứng là mảnh gốm hoa lam tìm thấy trong ngôi mộ ở Dazaifu (Nhật Bản) có niên đại 1330. Thế kỷ XV, XVI là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của gốm thương mại Việt Nam vì gốm Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều nước Đông Nam Á, Trung Cận Đông, châu Á, Nhật Bản… Chỉ tính riêng ở Đông Nam Á, cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 32 địa điểm có gốm Việt Nam, cụ thể là Malaysia: 9, Brunei: 2, Indonesia: 11 và Philippines: 10. Còn ở Nhật Bản, gốm Việt Nam được tìm thấy nhiều ở thành phố Okinawa, Nagasaki, Hakata, Dazaifu, Osaka, Sakai, Hiroshima… Ở Trung Cận Đông, gốm Việt Nam xuất hiện tại Fustat (Ai Cập), Altur trên bán đảo Sinai và một vài nơi khác. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả nghiên cứu của các nhà khảo - cổ học. Thực tế lòng đất, lòng sông biển vẫn còn bao điều bí ẩn, chẳng hạn như khối lượng gốm sứ Việt Nam khổng lồ được vận chuyển trên một thương thuyền ngoại quốc, nếu không bị đắm gần Cù Lao Chàm vào thế kỷ XVI (do ngư dân tình cờ phát hiện, trục vớt) thì chúng đã có mặt những đâu? Chắc chắn gốm Việt Nam đã du nhập đến nhiều nơi hơn những gì đã phát hiện.

          Trong thời kỳ này, gốm sứ thương mại Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ các trung tâm lớn như Hải Hưng, với các lò nổi tiếng như Chu Đậu, Hợp Lễ, Cậy… và những sản phẩm gốm hoa lam, gốm vẽ màu trên men, như Hà Nội với lò Bát Tràng, như Bình Định, với các lò Gò Sành, Gò Hời, Gò Trường Cửu, Gò Cây Me… và gốm đơn sắc vàng nây, xanh ngọc… Các trung tâm xuất khẩu chính là Kinh kỳ, Phố Hiến (Đàng Ngoài), Hội An, Quy Nhơn (Đàng Trong). Nhiều sản phẩm đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật do được tạo tác bởi đôi tay vàng của các nghệ nhân và chúng rất xứng đáng khi hiện hữu giữa các bảo tàng tiếng tăm như Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ), Louvre (Pháp)…

          Song, do nhiều nguyên nhân, từ thế kỷ XVII trở đi, gốm thương mại Việt Nam đột nhiên vắng bóng trên thị trường thế giới. Nhật Bản là nước hiếm hoi tiếp tục nhập khẩu các loại bát, đĩa vẽ hoa cúc trên nền men lam lẫn rỉ sắt của lò Hợp Lễ ở miền Bắc hoặc đồ sành của các lò Mỹ Xuyên, Phước Tích (Thừa Thiên Huế) ở miền Trung.

          Hòa nhập vào “con đường gốm sứ”, Việt Nam cũng có dịp giao lưu kinh tế - văn hóa với thế giới bên ngoài, có dịp nhập khẩu nhiều loại hàng ưa thích, mới lạ, trong đó có nhiều gốm sứ. Từ trong lòng đất, trong lòng sông biển, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều chủng loại gốm sứ quốc tế ở Việt Nam như gốm “Kỳ Hà ấn văn đào” thời Hàn Lục Triều (Trung Quốc, thế kỷ III, IV), gốm Việt Châu, Định Châu (Trung Quốc thế kỷ IX - X), gốm Islam (Ả Rập thế kỷ IX - X), gốm sứ Cảnh Đức Trần, Phúc Kiến, Quảng Đông (Trung Quốc, thế kỷ XII - XIX) gốm Hizen (Nhật Bản, thế kỷ XVII) gốm Hà Lan, Pháp (thế kỷ XVII - XIX)…

          Vậy là, suốt trong nhiều thế kỷ, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực của mình vào guồng máy hoạt động chung của “con đường gốm sứ” thế giới. Từ Việt Nam, nhiều sản phẩm gốm sứ đậm đà bản sắc dân tộc đã theo cuộc hành trình dài ngày trên biển đến những nước xa xôi và được đổi lại bằng những sản phẩm gốm sứ của nhiều dân tộc khác. Cứ thế, nền mậu dịch gốm sứ đã góp phần thúc đẩy sự giao lưu kinh tế - văn hóa thế giới, làm cho các dân tộc ngày càng hiểu biết nhau hơn.

          Dẫu rằng ngày nay, chúng ta đang sử dụng nhiều phương tiện vận chuyển, giao thông hiện đại: máy bay, ôtô, tàu hỏa, tàu thủy cực nhanh, dẫu rằng thời gian được rút ngắn lại, không gian được xích gần lại,… nhưng hãy đừng quên rằng đã có một thời kỳ dài lịch sử, “con đường gốm sứ” với từng đoàn thuyền buồm lênh đênh hàng tháng liền trên biển, vật lộn với bao sóng gió, tai ương không chỉ vì mục đích lợi nhuận và còn tăng cường sự giao lưu hiểu biết giữa loài người. Và Việt Nam, với tư cách là giao điểm của “con đường gốm sứ” đã thực sự hòa nhập vào xu thế chung của lịch sử nhân loại.
 
(KH&PT số 38, 1995)
(Trích sách Chào năm 2000, năm 2000, Nxb Đà Nẵng, tr 333 - 335)
 
 

Tác giả: Trần Ánh - Phó Bí thư Thành ủy Hội An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây