Nhìn dưới góc độ di sản văn hóa vật thể, theo thống kê ở Cẩm Kim hiện còn 30 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, xếp hạng và đưa vào danh mục bảo tồn gồm: 20 di tích kiến trúc nghệ thuật; 10 di tích lịch sử đấu tranh yêu nước, cách mạng. Các di tích kiến trúc lịch sử văn hóa Cẩm Kim vẫn còn giữ được những nét độc đáo, gắn bó, hòa quyện với một làng quê truyền thống vốn có nghề mộc nổi tiếng. Đó là những ngôi nhà cổ để ở kết hợp với việc thờ tự ông bà, tổ tiên, thể hiện những nét tài hoa của các lớp nghệ nhân còn được bảo tồn, trong không gian xóm làng, ôm theo những con đường quanh co, với những vườn cây ăn trái, hàng rào xanh rì bóng mát; những công trình tín ngưỡng - tôn giáo quy mô vừa phải, trầm mặc rêu phong cổ kính, ghi dấu đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh tự bao đời của con người nơi đây; Cả những công trình di tích, dấu tích lịch sử cách mạng, ghi dấu những câu chuyện lịch sử, những chiến công hiển hách, anh dũng của các lớp thế hệ người dân Cẩm Kim vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương đất nước trước mọi kẻ thù xâm lược.
Nhìn dưới góc độ di sản văn hóa phi vật thể, Cẩm Kim vốn là nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, để lại nguồn di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú và giá trị. Căn cứ vào kết quả sưu tầm, nghiên cứu trong thời gian qua có thể nhận biết về giá trị di sản văn hóa phi vật thể như sau:
- Tín ngưỡng - thờ cúng - lễ lệ, lễ hội: Ở Cẩm Kim, phần lớn trong các gia đình đều cơ bản có bàn thờ ông bà, tổ tiên, thờ ông Táo và thờ Ngũ tự. Nhiều nhà kết hợp có trang thờ Phật, thờ Quan Công, hoặc khóm thần Tài, thờ Trạng, Tổ cô, vô danh... Cũng có một số gia đình theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành hay đạo BHAI’I. Đặc biệt, theo thống kê ở Cẩm Kim có tới 27 chư phái tộc đều có nhà thờ, duy trì đều đặn hàng năm lễ Chạp mả/hội tộc khá rầm rộ. Trong cộng đồng hàng năm còn tổ chức các kỳ lễ lệ, lễ hội, gắn với sinh hoạt vui chơi, giải trí. Gồm có lễ lệ mùa xuân: cúng cầu an, cúng đất và các lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp tại đình Tiền hiền, lăng, miếu; Lễ lệ mùa thu: cúng tạ tại đình làng, lăng, miếu sau khi mãn mùa làm ăn trong năm; Các ngày tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh Minh, Phật đản, Đoan ngọ, Vu Lan, Trung thu, Hạ nguyên. Ngoài ra, còn có những phong tục tập quán mang những nét riêng gắn với hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp như: cúng thần nông, cúng mục đồng, lễ cúng vạn mành, nghề lưới giã cào, cúng bến... thời gian cúng tuỳ thuộc vào từng nghề, từng vạn, thôn/xóm. Mỗi một nghề đều thờ một vị tổ nghề và có phong tục hành nghề, lễ lệ, quy định kiêng cữ riêng trong sinh hoạt và trong quá trình hành nghề.
- Sinh hoạt vui chơi giải trí và ẩm thực: Người dân Cẩm Kim xưa, sau những ngày làm việc vất vả hoặc những lúc vãn mùa, nông nhàn hay trong những ngày lễ lệ, lễ hội sau nghi thức tế lễ họ cũng tìm đến những thú vui như đá gà, thả diều, chơi cây cảnh, câu cá, chơi bài chòi, bài kiệu, hát hò khoan đối đáp, đua ghe... Cùng với các thú vui chơi giải trí là thú ẩm thực. Nhìn chung, ẩm thực của người dân Cẩm Kim vẫn mang những nét chung của cư dân vùng duyên hải, sông nước Hội An, gồm các món ăn được chế biến từ các loại thủy sản tôm, cua, rạm, tép, sìa, nghêu, ốc, chíp chíp, lạch, các loại cá sông, cá đồng... đặc biệt con mạy - tên gọi dân gian của một loại động vật thủy sinh, thuộc bộ giáp xác, họ cua ghẹ, sinh sống chủ yếu ở các gò bãi đất cát ngập triều vùng cửa sông, ven biển, bắt về làm món mắm mạy rất đặc biệt; hay dời/rươi - sinh sống trong các đồng lát, đồng lúa ở các hói nước, bắt về xào lá nghệ, lá hành hoặc đúc/đổ chả...; Hoặc các món chế biến từ các loại rau trồng như rau lang, rau muống, rau cải, rau dền, mướp, bí đao, ngọn/bông bí đỏ... và các loại rau mọc hoang ngoài đồng như rau xam, rau đắng, rau trai, rau quéo... cùng các loại đậu, bắp, khoai... ; các loại trái cây; các loại bánh, chè, khoai khô hoặc đậu đen nấu đường... hay mì Quảng, bánh bèo, bánh xèo... rất đa dạng, phong phú còn được bảo lưu cách chế biến, với hương liệu địa phương, truyền thống mà chỉ khi được ăn, thưởng thức chúng ta mới cảm nhận được cái ngon, cái hương vị đặc trưng riêng có của vùng quê Cẩm Kim này.
- Văn hóa, văn nghệ - tri thức dân gian ở Cẩm Kim cũng khá dồi dào về số lượng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung. Chúng bao gồm đầy đủ thể loại của văn hóa, văn nghệ dân gian như tục ngữ, ca dao, vè, các làn điệu dân ca, các hình thức diễn xướng dân gian, hát tuồng dân gian, các truyền thuyết, tuồng tích, truyện kể về vùng đất, về các nhân vật cổ tích và lịch sử, về các đề tài dân gian, các bài văn tế, các sáng tác khuyết danh... ở thể loại tục ngữ, ca dao, bên cạnh các nội dung liên quan đến hoạt động của sản xuất, chiến đấu, đến đời sống tình cảm của cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp tại Hội An, còn có một số lượng khá lớn các đơn vị tục ngữ, ca dao, nói về hoạt động thương nghiệp, phản ánh các vấn đề liên quan đến sinh hoạt và đời sống tình cảm của vùng quê sông nước, nhất là tri thức dân gian liên quan đến kinh nghiệm sản xuất, thời tiết và chữa bệnh...
Làng Mộc Kim Bồng, mà còn đóng góp to lớn cho sự hình thành, phát triển của Đô thị thương cảng cổ Faifo - Hội An. Nhiều nghệ nhân mộc Kim Bồng còn được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm, ban tước (như: Nguyễn Đình Bài, Phạm Văn Mai, Phan Văn Mưu...), cho tham gia xây dựng, tu bổ kinh thành Huế và nhiều công trình di tích ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Theo Khoa bảng Quảng Nam Kim Bồng có những người học hành nổi tiếng thi hương tại trường thi Thừa Thiên đỗ cử nhân như ông Hoàng Kim Côn - đứng vị thứ 14/39 khoa thi năm 1843, Huỳnh Toản - đứng vị thứ 28/32 khoa thi năm 1867. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, Cẩm Kim đã có nhiều người tham gia phong trào đấu tranh yêu nước, cách mạng và từ năm 1930 nơi đây đã có Tổ đảng của Đảng cộng sản Đông Dương. Trong suốt 45 năm (1930 - 1975) nhân dân Cẩm Kim, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua bao gian khổ, thử thách, lập nên nhiều chiến công, thành tích góp phần giải phóng hoàn toàn quê hương Cẩm Kim nói riêng và Hội An nói chung. Với những cống hiên to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Kim đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng: Nhân dân làng Kim Bồng đã có thành tích góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945 vào năm 1984 và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2000..
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền