Trước khi kỹ thuật in ấn được phát triển thì việc truyền bá văn hoá bằng sách vở được thực hiện bằng hình thức sao chép, chính điều đó đã hình thành nên một hệ thống những cơ quan, cá nhân chuyên chức cho công việc này. Nhà Lý để thực hiện công tác truyền bá của Phật giáo cũng có nhiều lần xin Đại Tạng hoặc chép Đại Tạng như “
Mùa thu tháng 9, xuống chiếu chép Tam tạng để ở kho Đại Hưng” (1023 秋, 九月, 詔 寫 三 藏 經, 留 於 大 興 藏) “
Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu chép Tam tạng” (1027秋, 八月, 詔 寫 三 藏 經) “
Tháng 2, xuống chiếu chép kinh Đại Tạng cất ở kho Trùng Hưng” (1036 二 月 詔 寫 大 藏 經, 留 於 重 興 藏). Nhà Trần cũng không ngoại lệ. Sau khi kỹ thuật in ấn bắt đầu được truyền bá ở Việt Nam thì việc in ấn kinh sách đại đa số được lưu truyền bằng hình thức các ván in - Mộc bản Hán Nôm. Chữ được khắc ngược lên ván gỗ để khi in lên giấy sẽ có mặt thuận có thể đọc được. Hiện nay, đa phần mộc bản không còn được sử dụng để in ấn như một hình thức truyền bá mà trở thành nguồn tư liệu quý giá phục vụ nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật… đây cũng là con đường duy nhất để tái hiện nên lịch sử văn hoá, lịch sử truyền bá của tôn giáo trong quá khứ. Hội An từng là một trung tâm giao thương kinh tế, là một trạm trung chuyển giao lưu giữa các tông phái khác nhau, ở đây hiện còn một số ngôi tổ đình lớn hoặc những dấu tích quan trọng liên quan tới các thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Một lượng lớn (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ có khoảng 1000 mộc bản các loại) các mộc bản ở các chùa, như chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Vạn Đức, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và một số nhỏ lưu tại các ngôi chùa trên địa bàn thành phố, tại các tư gia. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu về nguồn tư liệu mộc bản hiện đang được lưu giữ tại chùa Phước Lâm.
Mộc bản chùa Phước Lâm - Ảnh: Đức Chí
Chùa Phước Lâm là một ngôi chùa thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh do hòa thượng Ân Triêm (1712 – 1796) khai sơn vào khoảng năm 1736, đến nay đã trải qua 14 đời Trụ trì. Vị hòa thượng Trụ trì hiện nay là Thích Hạnh Hoa, được sự đồng ý của Hòa thượng chúng tôi đã thực hiện khảo sát nguồn tư liệu tại đây. Mộc bản chùa Phước Lâm được lưu giữ trên gác cổ lâu (gác trống) nằm về phía Tây Đại hùng Bảo điện, chất liệu của mộc bản là các loại gỗ có tính chất mềm dẻo được sử dụng trong chạm khắc như mít, thị, mấc… do các yếu tố môi trường, vi sinh vật và các tác nhân khác nên chất lượng mộc bản tại đây đã xuống cấp và đang xuống cấp nặng nếu không có các phương pháp bảo quản chuyên nghiệp. Các mộc bản ở đây chủ yếu là ván khắc của các bộ kinh Phật, bùa chú, sớ điệp, công văn được sử dụng trong chùa, trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo của nhân dân và các bản khắc kinh, giấy tờ, công văn trong tín ngưỡng thờ cúng Quan Thánh Đế Quân. Hòa thượng Thích Hạnh Hoa cho biết số mộc bản đang lưu giữ tại chùa có nhiều nguồn gốc khác nhau: là ván khắc của chùa được truyền lại từ các đời trước, của các chùa trong dòng Lâm Tế Chúc Thánh và các bản lưu lạc trong dân gian được thu lượm về chùa. Do xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau và quá trình lưu truyền đã bị hao hụt, mất mát nên số mộc bản ở đây tuy thuộc nhiều đầu mục kinh sách khác nhau nhưng hầu hết không còn đủ bộ, có rất nhiều bản chữ bị nứt, vỡ không đọc được. Hơn nữa, trong quá trình in ấn, các mộc bản này không được vệ sinh sạch sẽ nên mực in đọng lại trên ván khắc rất nhiều gây khó khăn cho việc đọc và giải mã tư liệu. Trong số các mộc bản ở đây cũng có nhiều mộc bản có nguồn gốc từ các chùa khác như chùa: Sắc tứ Kim Liên Bảo Ấn tự (賜 金 蓮 寶 印 寺)
[1], chùa Thiền Tông ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, chùa Chúc Thánh ở Hội An.
Các bản khắc này có kích thước dài - ngắn, dày - mỏng, cỡ chữ khác nhau. Bản khắc có kích thước lớn nhất là bản điệp thọ giới: 126,2 x 53,8 x 1cm bản khắc có kích thước nhỏ nhất là Thọ sinh kinh (壽 生 經): 26 x 25,5 x 3 cm.
Về mặt niên đại, một số bản có thể xác định được niên đại tuyệt đối dựa vào các dòng chữ chú thích được khắc (khắc xuôi, ngược) lên mộc bản, như bộ
Đại bi xuất tượng đà la ni kinh được khắc vào mùa hạ năm Cảnh Hưng thứ 25 do hoà thượng Phổ (?) chùa Vạn Đức đứng ra san khắc. bộ bản khắc bùa chú có dòng chữ Hán khắc lên bản đầu tiên như sau: 保 大 年 闰 二 月 十 方 本 道 仝 奉 供 勅 賜 福 林 寺 正 住 持 號 普 明 藏 板 共 十 六 片 留 在 本 寺 以 曉 後 印.
Phiên âm:
Bảo Đại tam niên nhuận nhị nguyệt, thập phương bổn đạo đồng phụng cúng Sắc tứ Phước Lâm tự chính Trụ trì hiệu Phổ Minh tàng bản cộng thập lục phiến lưu tại bản tự dĩ hiểu hậu ấn.
Dịch nghĩa:
Bảo Đại năm thứ 3 nhuận tháng 2, bổn đạo thập phương cùng phụng cúng [cho] ngài Phổ Minh [là] Chánh Tụ trì chùa Sắc tứ Phước Lâm tàng bản tổng cộng 16 phiến lưu tại bổn tự để in ấn sau này [cho] rõ ràng.
Hay trong một bản điệp có dòng: 臨 濟 源 派 … 天 台 山 禪 宗 寺 嗣 祖 开 山 諱 寶 耀 號 了 觀 和 尚 讀 偈…
Phiên âm:
Lâm Tế nguyên phái… Thiên Thai sơn Thiền Tôn tự tự tổ khai sơn húy Bảo Dực hiệu Liễu Quán hòa thượng độc kệ…
Dịch nghĩa:
Nguyên phái Lâm Tế… chùa Thiền Tôn [ở] núi Thiên Thai, nối tổ khai sơn tên húy Bảo Dực hiệu Liễu Quán hòa thượng đọc kệ…
Căn cứ vào đó có thể xác định được nguồn gốc của bản điệp này thuộc dòng Liễu Quán, tuy nhiên, dựa vào văn tự và phong cách hoa văn thì văn bản này được khắc lại vào thời Nguyễn chứ không phải thời chúa Nguyễn.
Các mộc bản không xác định được niên đại tuyệt đối thì có thể dựa vào thư pháp hay còn gọi là phong cách chữ và các phương pháp văn bản học khác để xác định niên đại tương đối. Tóm lại, các bộ mộc bản đang được lưu giữ tại chùa Phước Lâm đều có khung niên đại nằm vào khoảng từ thời các chúa Nguyễn đến vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn.
Với mục đích in ấn kinh sách, công văn phục vụ trong tín ngưỡng Phật giáo, mộc bản ở đây kinh là chủ đạo, còn lại là các khoa nghi, bùa chú phục vụ cho các nghi lễ. Các bộ kinh Phật ở đây gồm: Đại thừa Kim cương bát nhã ba la mật kinh (大 乘 金 剛 般 若 波 羅 密 經 ), Kim cương thọ mệnh kinh (金 剛 壽命 經), Diệu pháp liên hoa kinh (妙 法 蓮 花), A di đà kinh (阿 彌 陀 經 ), Vu lan bồn kinh (于 蘭 盆 經 ), Thọ sinh kinh (壽 生 經), Kinh hoa nghiêm (華 嚴 經). Tuy các bộ kinh này không còn được đầy đủ và chất lượng của các bản khắc đã xuống cấp, nhiều bản hoàn toàn không đọc được. Tuy nhiên, đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu Phật giáo, đặc biệt là hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An. Ngoài các bộ kinh, còn có các công văn phục vụ trong các nghi thức Phật giáo khác, đó là các bản bùa, chú, sớ, điệp,… đây cũng là nguồn tư liệu quý giá phục vụ nghiên cứu Phật giáo, cũng như sự giao thoa giữa Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian và Phật giáo ở Hội An. Trong số các mộc bản ở đây có bản kinh, công văn của tín ngưỡng thờ cúng Quan Công: Đại Hán Hiệp Thiên Quan Phu tử thân giáng tế thế cứu cấp văn (大 漢 協天 關 夫 子 親 降 濟 世 救 急 文), Quan Thánh đế quân giác thế chân kinh (觀 聖 帝 君 覺 世 真 經). Ngoài các văn bản này, còn có một bộ kinh có tên là Minh thánh kinh hay còn gọi là Quan Thánh đế kinh
[2], hiện vẫn chưa rõ những ván khắc này đã có ngay từ thời kỳ đầu in ấn hệ thống ván khắc này hay sau khi có sự chuyển đổi, gom mộc bản từ các chùa khác để đưa về đây, nhưng chí ít việc xuất hiện những mộc bản này cũng đã chứng tỏ rằng tục thờ cúng Quan Thánh ở Hội An đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến. Hơn nữa, tục thờ Quan Thánh không chỉ phổ biến trong dân gian mà còn được phối thờ trong các chùa ở Hội An, rõ ràng, đã có sự giao thoa, đan xen về mặt văn hóa tín ngưỡng ở đây
[3].
Ngoài giá trị về mặt nội dung, mộc bản chùa Phước Lâm còn mang nhiều giá trị về mặt nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ của nghệ nhân mộc ở Hội An và một số địa phương khác. Nhiều bản khắc chi tiết và rất tinh xảo hình chư Phật, Bồ Tát, La Hán, khắc văn tự, hoa văn, và nhân vật. Các bản như: hồng danh bửu sám nghi thức (鴻 名 寶 懴 儀 式), niệm Phật vãng sanh tịnh thổ Tây phương công cứ chi đồ (念 佛 往 生 淨 土 西 方 公 據 之 圖), chư Phật hải hội (諸 佛 海 會), đại bi chú (大 悲 咒), hình nhân thế mạng… Những hình này có khi được đan cài vào trong kinh như một tranh minh hoạ cho một chương, một phẩm của kinh, hoặc trực tiếp để sử dụng vào trong các nghi thứ như
Niệm Phật vãng sinh Tịnh Thổ Tây phương công cứ chi đồ được khắc cực kỳ chi tiết về thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà, hay mang tính khái quát, giới thiệu kinh điển bằng đồ hình như
Đại bi chú có độ chi tiết, phức tạp rất cao nhưng được các nghệ nhân mộc thể hiện nhuần nhuyễn không thua kém tranh vẽ.
Với vai trò như một trung tâm của Phật giáo Trung bộ, hệ thống mộc bản ở chùa Phước Lâm hay toàn bộ hệ thống mộc bản hiện còn lưu giữ tại khu vực này đã được nhìn nhận quan tâm một cách đúng mức. Tuy nhiên, chính trong công việc quản lý bảo tồn hay sưu tầm tư liệu của chính các cơ quan tham gia vào việc nghiên cứu hệ thống tư liệu này đã làm tổn hại đến không ít hệ thống mộc bản hiện còn cũng không quá phong phú này. Công tác sưu tầm tư liệu sẽ đảm bảo được nguồn tư liệu phong phú phục vụ học tập, nghiên cứu lâu dài. Tuy nhiên, để duy trì tốt được việc sưu tầm tư liệu này cần phải có những phương pháp chuẩn mực hơn, nếu không sẽ tạo nên tổn hại lên hệ thống tư liệu vốn đã rất khó để bảo quản và lưu giữ này.