Trước tiên là việc rà soát để đưa vào danh mục di tích bảo vệ của Thành phố. Từ năm 2000, qua đợt điều tra trên phạm vi toàn Thành phố, 70 di tích lịch sử cách mạng ở hầu khắp các địa phương đã được xác định giá trị để đưa vào danh mục di tích chung được bảo vệ. Trong năm 2013 và 2015, 02 di tích mới đã được bổ sung, nâng tổng số di tích được bảo vệ hiện nay là 72 di tích. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên để các cấp, các ngành thực hiện công tác quản lý đối với bộ phận di tích này.
Bia Di tích lịch sử Cách mạng Đình Thanh Nhứt - Cẩm Thanh - Ảnh: Nguyễn Cường
Song song với đó, công tác điều tra, khảo sát, sưu tầm tư liệu về di tích cũng được thực hiện qua từng năm. Qua đó đã lập hồ sơ cho 72/72 di tích nhằm hệ thống thông tin liên quan thuận tiện cho việc quản lý thường xuyên. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2003, một đợt điều tra, khảo sát, sưu tầm tương đối có tính quy mô trên địa bàn Thành phố đã được thực hiện và thu được những kết quả quan trọng, trong đó có 100 phiếu điều tra thông tin và tư liệu, 80 phiếu khảo sát hiện trạng di tích, 60 sơ đồ vị trí di tích. Riêng đối với di tích nhà lao Hội An, từ năm 2012 đã phát động việc sưu tầm tư liệu và hiện vật liên quan phục vụ cho dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy và cũng đạt được những kết quả bước đầu. Đây là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách bởi đa phần bộ phận di tích này hiện chỉ còn là dấu tích trong khi sự biến đổi cảnh quan và quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày càng nhanh; hơn nữa nhiều nhân chứng lịch sử tuổi ngày càng cao, trí nhớ ngày càng suy giảm dẫn đến mất dần những thông tin quý.
Xét về mặt ý nghĩa, không chỉ mang tính chất địa phương, nhiều di tích lịch sử cách mạng ở Hội An còn có tính tiêu biểu, mang tầm ảnh hưởng lớn, góp phần cung cấp tư liệu vào lịch sử đấu tranh cách mạng chung của cả Tỉnh, cả nước. Vì thế việc làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp Tỉnh cho những di tích này cũng được chú trọng và kết quả đã có 15 di tích được xếp hạng, chiếm 34% tổng số di tích các loại được xếp hạng cấp Tỉnh trên địa bàn Thành phố. Kết quả này là sự tôn vinh, khích lệ lớn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để việc quản lý loại hình di tích này ngày càng được tốt hơn.
Một kết quả quan trọng khác là việc triển khai công tác dựng bia lưu niệm nhằm giới thiệu nội dung di tích đến với các tầng lớp nhân dân. Để thực hiện công việc này, nhiều vấn đề liên quan về mặt đầu tư như xác định vị trí dựng bia, xây dựng nội dung bia, thiết kế mẫu bia,… được thực hiện cẩn trọng và đầy tâm huyết, có sự tham gia tích cực của cơ quan chuyên môn, các ban ngành, địa phương và nhân chứng lịch sử. Tùy theo giá trị, đặc điểm khu vực xác định của di tích mà hình thức bia thuộc 1 trong 3 loại: bia ngoài trời, bia gắn trên tường, bia gắn trên cột mốc. Từ năm 2002, công tác này được bắt đầu triển khai. Đến nay đã có 38/72 di tích được thực. Ngoài ra, đã có 02 di tích dựng cột mốc xác định vị trí, 03 di tích đang xúc tiến thủ tục đầu tư dựng bia ngoài trời. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện do nhà nước đầu tư 100%, không phân biệt cấp xếp hạng của di tích. Các di tích sau khi dựng bia đã thể hiện được sự trang nghiêm, trân trọng; riêng với bia ngoài trời còn có thêm tiểu công viên trồng cỏ, xây xanh tạo nên khoảng không gian thoáng đãng.
Trên lĩnh vực tu bổ, tôn tạo đã có 02 công trình trọng điểm được đầu tư thực hiện. Đó là di tích nhà cổ Đức An và di tích nhà lao Hội An - hai di tích cơ bản còn lưu giữ được nhiều giá trị cả về vật thể và phi vật thể liên quan, đồng thời có thể đưa vào tham quan, giới thiệu đến đông đảo du khách. Nhà Đức An là một trong số những ngôi nhà cổ có giá trị cao về mặt kiến trúc nghệ thuật trong quần thể kiến trúc khu phố cổ, còn là nơi ghi dấu sự thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hội An và gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Cao Hồng Lãnh. Sau khi được đầu tư, di tích đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, mỗi năm đón tiếp hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Riêng đối với nhà lao Hội An, đây là nơi ghi dấu về tội ác của địch gây ra cho hàng ngàn đồng bào ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện nhà lao vẫn còn giữ được những kiến trúc cơ bản của một công trình nhà lao thời đế quốc. Di tích đã được đầu tư xây dựng từ năm 2012 và hiện đang trong quá trình thực hiện. Đây sẽ là di tích trọng điểm để giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng ở Hội An trong thời gian đến.
Những kết quả đạt được trên đây thể hiện sự nỗ lực lớn của các cấp chính quyền Thành phố trong thời gian qua. Kết quả đó mặc dù còn khiêm tốn nhưng là rất cơ bản để có thể tiếp tục triển khai nhiều nội dung khác về mặt quản lý. Hy vọng với sự chung tay của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân trên tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào, công tác này sẽ đạt được nhiều kết quả lớn hơn, tiếp tục khẳng định giá trị của bộ phận di tích này trong kho tàng Di sản văn hóa Hội An, hướng đến phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương trong thời gian đến.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền