Năm ở vị thế thuận lợi cùng với chính sách cởi mở của các chúa Nguyễn, trong các thế kỷ XVI-XVIII, Hội An trở thành một trung tâm kinh tế lớn của Đàng Trong, là một trong những thương cảng mậu dịch quốc tế phồn thịnh bậc nhất ở khu vực. Chính vì vậy, Hội An cũng là cửa ngõ của sự giao lưu, tiếp nhận nhiều nền văn hóa, tôn giáo lớn trên thế giới, từ phương Đông đến phương Tây, trong đó có Thiên Chúa giáo. Sự kiện phái đoàn truyền giáo Dòng Tên do giáo sĩ Francesco Bozomi dẫn đầu cùng giáo sĩ Diego Carvalho và ba thầy dòng, trong đó có hai người Nhật Bản, đến Cửa Hàn, rồi Hội An vào ngày 18/01/1615 mở đầu cho sự hình thành đạo Thiên Chúa tại Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung. Với hơn 400 năm tồn tại trên mảnh đất Hội An, đạo Thiên Chúa đã để lại những nét đa dạng trong bức tranh lịch sử, văn hóa Hội An mà lễ hội Noel ở Hội An là một tiêu biểu.
Lễ Noel hay còn gọi là lễ Giáng Sinh là một trong những lễ hội lớn của những người theo đạo Thiên Chúa trên thế giới nhằm kỷ niệm sự kiện chúa Giê-su Ki-tô nhập thế làm người để cứu độ nhân loại. Theo Kinh Thánh, Chúa Giê-su Ki-tô được sinh ra tại thành Bê-lem, miền Giu-đê thuộc đế quốc La Mã vào thời vua Hê-rô-đê, khoảng đầu Công nguyên. Lễ noel được tổ chức vào tối ngày 24 và sáng ngày 25 tháng 12 dương lịch. Ở Hội An, nghi lễ được tổ chức vào tối ngày 24/12 gọi là lễ vọng Giáng Sinh, nghi lễ chính được cử hành sáng ngày 25/12.
Mặc dù trong tiết trời se lạnh của mùa đông, nhưng từ giữa tháng 12 dương lịch, không khí đón Noel ở Hội An đã bắt đầu rộn ràng nhiều nơi, không chỉ ở nhà các giáo dân hay các ngôi thánh đường mà còn từ các khu resort, khách sạn đến các nhà hàng, quán bar,… với việc trang hoàng lồng đèn, hang đá, ông già noel với đàn tuần lộc kéo xe, cây thông noel trang trí dây giả tuyết, cặp chuông, thiệp mừng,… Cung bậc cảm xúc trong không khí rộn ràng ấy còn dâng cao bởi âm thanh trong trẻo ngân vang của những bản nhạc Giáng Sinh.
Vào tối ngày 24/12, lễ vọng Giáng Sinh tại nhà thờ Công giáo Hội An được tổ chức trọng thể với sự tham dự của đông đảo người theo đạo, du khách và nhân dân. Chương trình hát mừng Chúa giáng sinh và trình diễn các tiết mục hoạt cảnh trong phần canh thức kéo dài chừng 1giờ đồng hồ trước khi nghi thức lễ vọng Giáng Sinh cử hành. Các bài hát múa và nội dung hoạt cảnh thay đổi qua từng năm tùy theo chủ đề. Các tiết mục hoạt cảnh được trích diễn từ những sự kiện ghi chép trong Kinh Thánh như Chúa tạo lập vũ trụ và loài người, Vườn địa đàng, thử thách và sa ngã, trận đại hồng thủy, dân Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập, hành trình dân Do Thái thoát khỏi đất Ai Cập, Chúa Giê-su nhập thể và sinh hạ làm người, 3 nhà chiêm tinh phương Đông đến bái lạy chúa Giê-su hài đồng lúc mới được sinh ra... Tiết mục hoạt cảnh và hát múa được sắp xếp theo từng phần tùy thuộc vào chủ đề mỗi năm của lễ Giáng Sinh.
Nghi thức lễ vọng Giáng Sinh bắt đầu khoảng lúc 21h30, kéo dài khoảng 90 phút, được cử hành bởi linh mục quản xứ và sự tham gia của các vị linh mục khác. Trong những năm gần đây, với tinh thần “
sống phúc âm trong lòng dân tộc”, để cho Thiên Chúa giáo gần gũi hơn với mọi người và hòa nhập sâu vào văn hóa Việt Nam, ngoài việc trang trí trong nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh tranh ảnh hình Đức Mẹ và chúa Giê-su hài đồng hiện thân là một phụ nữ và trẻ sơ sinh người Việt, trang phục của các linh mục cử hành nghi thức lễ cũng mang dáng dấp Việt Nam. Phụ giúp các linh mục cử hành nghi thức lễ là 4-8 lễ sinh. Ca đoàn cũng là thành phần không thể thiếu trong lúc cử hành nghi lễ. Các thành viên trong Ca đoàn đều mặc đồng phục, hát phụng vụ lễ tạo nên tính trang trọng linh thiêng trong suốt thời gian cử hành lễ. Những người theo đạo hay du khách đến tham dự buổi lễ với tâm nguyện cầu mong cho gia đình, thân nhân và mọi người được mạnh khỏe, thôn xóm yên vui, đất nước giàu đẹp và thế giới hòa bình.
Vào dịp lễ Noel, trên đường phố, nhiều quầy hàng bày bán trang phục ông già Noel. Các trẻ nhỏ được cha mẹ mặc bộ đồ này trông thật dễ thương, ngộ nghỉnh. Không ít thanh thiếu niên nam nữ gửi tặng cho nhau những món quà nhỏ và tấm thiệp Giáng Sinh, đội chiếc mũ ông già Noel hòa cùng đoàn người dự lễ. Nhiều người đã tranh thủ ghi hình làm kỷ niệm trong trang phục đáng yêu này.
Lễ Noel là nghi lễ tôn giáo có tính quốc tế. Ở Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng, dịp lễ này ngày càng được nhiều người biết đến và đón nhận trong tinh thần cởi mở, hân hoan, nhất là thanh thiếu niên. Ngày nay, lễ Noel trở thành một trong những lễ hội lớn ở Hội An, góp phần tô điểm thêm đa dạng trong bức tranh văn hóa lễ hội ở Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền