Nghề Mành ở Cẩm Kim
Thứ hai - 14/12/2015 21:25
Hiện nay, Cẩm Kim là 1 trong 13 đơn vị hành chính của thành phố Hội An, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, địa hình gắn liền sông nước nên thuận lợi cho hoạt động ngư nghiệp. Theo số liệu chúng tôi tham vấn cộng đồng tại xã Cẩm Kim vào tháng 5/2015, trên địa bàn xã có các nghề biển hoạt động như nghề mành (mành cơm, mành chốt, mành chà), giã cào, lưới rút, nghề rổi. Có thể nói, một trong những nghề biển nổi tiếng ở Cẩm Kim trước đây là nghề mành đôi.
Nghề mành hình thành rất sớm ở Cẩm Kim và trước đây khá phát triển, trong đó giai đoạn đánh bắt mạnh nhất là vào những năm 1954 - 1965. Theo chúng tôi khảo sát được, Cẩm Kim trước đây hơn 30 đôi mành, thường mỗi đôi mành có từ 10 đến 15 lao động, gồm hai ghe. Số lượng lao động ghe chính thường nhiều hơn ghe hậu cần từ 2-3 người. Trước khi đi đánh bắt, các ghe mành chuẩn bị phương tiện, công cụ đủ cho một chuyến đi, sau đó chủ ghe xem ngày giờ để xuất hành. Mỗi chuyến đi mành của ngư dân thường khoảng 10 ngày, nếu đánh bắt ở ngư trường xa thì kéo dài 1 tháng. Thời gian xuất phát cho mỗi chuyến đi thường vào các ngày mồng 2, 3 hoặc 18, 19, 20 hằng tháng.
Nghề mành đánh bắt được nhiều loại cá, trong đó cá nục và cá cơm là chủ yếu. Bên cạnh đó còn có các loại cá khác như cá hố, cá ngừ, cá trích, mực… Nghề mành hoạt động từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch, trong đó những tháng cao điểm đánh bắt là từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, các tháng còn lại không đánh bắt vì mưa gió, bão lụt. Trước đây, do chưa có điện để đánh ban đêm nên ngư dân Cẩm Kim chủ yếu đánh ngày, sau này dùng đèn măng xông, đèn điện để đánh bắt vào ban đêm. Việc sử dụng máy phát điện giúp chủ động hơn trong việc đánh bắt của nghề mành. Từ khi sử dụng đèn điện, ngư dân đánh bắt chủ yếu vào ban đêm, thời gian đánh bắt từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Vào thời kỳ phát triển thịnh vượng của nghề mành, sản lượng cá đánh bắt mỗi đêm của một đôi mành từ 10-15 tấn. Sau mỗi chuyến đi mành, trừ chi phí, người chủ ghe được hưởng 50% lợi nhuận, bạn tham gia đi mành được chia đều 50% lợi nhuận còn lại.
Khi đến địa điểm đánh bắt[1], theo kinh nghiệm của người làm nghề[2] thì bắt đầu neo ghe. Ghe chính (ghe tới) neo trước, ghe lui (ghe hậu cần) đậu phía trước ghe chính 1 khoảng. Khi thấy cá tới, ghe chính lên đèn báo hiệu (đèn màu xanh hoặc màu đỏ) cho ghe lui biết để thả thúng có thắp điện xuống. Trên thúng có 1 người điều khiển thúng. Sau đó ghe lui tắt điện để cá tụ về phía thúng, người ở trên thúng điều khiển thúng về phía ghe chính để cá đi theo. Khi thúng gần đến, ghe chính giảm cường độ ánh sáng xuống khoảng 1/3 so với lúc đầu để thúng có điện sáng dẫn cá vào lưới. Sau đó ghe tới và ghe lui áp sát vào kéo lưới lên. Khi đánh xong mẻ 1 mà thấy lượng cá tại điểm còn nhiều thì tiến hành thả lưới đánh tiếp. Thường mỗi đêm đánh từ 2-3 mẻ, có khi lượng cá nhiều thì đánh đến mẻ thứ 4, khoảng thời gian thả lưới giữa các mẻ từ 30 phút đến 1 tiếng. Cá đánh bắt được bảo quản trên ghe hậu cần, sau đó đem bán tại Cù Lao Chàm hoặc ho một số thương lái chờ sẵn cũng có lúc muối cá để đem về nhà làm mắm. Để hoạt động nghề mành, ngư dân Cẩm Kim sử dụng nhiều công cụ, phương tiện, trong đó chủ yếu gồm: 02 chiếc ghe (01ghe chính và 01 ghe hậu cần) có công suất từ 15-22CV, 01 dàn lưới[3] (có kích thước dài từ 90-120 sãi, rộng từ 75-100 sãi), 01 máy phát điện hiệu D12, D15, D22; 03 thúng chai (02 thúng ở ghe chính và 01 thúng ở ghe hậu cần), 50 - 100 tiếp điện 1,2m ở 2 ghe, đèn báo hiệu (bóng đèn đỏ, để báo hiệu cho rỗi biết ra mua cá), radio, bộ đàm, tầm ngư. Nghề mành là nghề nặng nhọc và vất vả nên hầu hết làm nghề là đàn ông. Qua quá trình hoạt động, những ngư dân làm mành ở Cẩm Kim đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm đi biển như xác định dòng nước để thả lưới, vị trí có cá để đánh bắt, xác định ánh trăng, con sóng để ghe mành ra vào cửa biển, hay xác định con gió để đánh bắt. Đặc biệt nghề mành là nghề đánh cá nước nổi nên làm nghề này lưới không bao giờ thả sát mặt đất.
Ngư dân làm nghề có những kiêng cữ riêng, họ kiêng cữ lời nói, giữ những điều cấm kỵ trong sinh hoạt để việc hành nghề được suôn sẻ, may mắn. Trước khi thả lưới, chủ ghe thường thắp hương cầu khấn các vị thần biển phù hộ để đánh được nhiều cá, các ghe bạn được bình an.
Đối với nghề mành, hàng năm các cư dân tổ chức 3 lễ cúng liên quan đến nghề. Lễ cúng 6/2 âm lịch tại Cửa Đại cầu bình an cho tàu thuyền ra vào. Lễ cúng mồng 1/3 âm lịch tại lăng cây Dông (Hòn Dài-Cù Lao Chàm) nhằm mục đích cầu ngư, cầu an cho vạn làm ăn được mùa. Vào 20/8 âm lịch cúng mãn mùa tổ chức tại bến ở Đông Hà (tổ 4) - Cẩm Kim. Để chuẩn bị cho lễ cúng, Thủ Bổn[4]-vạn trưởng là người đứng ra huy động người trong vạn tổ chức lễ cúng. Đầu tháng 12 âm lịch, vạn bắt đầu họp phân chia các ty (ban) để lo lễ cúng, cử người ra mở cửa lăng tại Hòn Dài vào ngày 6/1 âm lịch. Chính tế thường là những bậc cao niên trong vạn, người hợp tuổi trong năm, không có tang chế, sức khỏe bình thường, gia đình vẹn toàn… Lễ vật cúng gồm áo giấy, hoa quả, heo, gà. Mỗi lễ cúng 2 gà trống, 1 con đặt trong lăng cúng Thần thánh-thường là chủ lái chánh tế[5], 1 con gà cúng âm linh, cô bác ở bên ngoài lăng, đứng chánh tế lễ thường là bạn tham gia đi mành, người có kinh nghiệm làm nghề lâu năm.[1] Địa điểm đánh bắt thường là quanh Cù Lao Chàm, Đà Nẵng, một số ghe mành còn đi đánh bắt tận Hương Long (Phan Thiết), Mũi Né.
[2] Khu cá ở thường là rạn (cá vào rạn để ẩn hoặc sinh đẻ) và cồn (có rảnh để cá tụ tập).
[3] Trong quá trình khảo sát, một số cụ cao niên cho biết trước khi dùng lưới ni lông, ngư dân ở Cẩm Kim dùng lưới vải do mình làm, ở Kim Bồng trước đây có một số hộ trồng bông, từ bông trồng được họ bắt đầu bắn bông, se chỉ ra sợi nhợ và đan thành lưới. Trước 1975, vẫn có một số ghe mành làm lưới vải, theo ngư dân làm nghề cho biết lưới vải có tuổi thọ khoảng 5 năm, trong khi đó lưới ni lông có tuổi thọ từ 7 năm trở lên, vì vậy ngư dân Cẩm Kim có câu nói liên quan đến lưới mành như sau “3 năm thốn 4 năm thay”.
[4] Có thể kể tên một số người làm Thủ Bổn (vạn trưởng) như Thủ Đa, Thủ Được, Trùm Quế, … Phạm Hoang, Huỳnh Gần, Nguyễn Đình Nghiêm, Phan Hoài Chí, Nguyễn Huân, Huỳnh Cường (hiện đang giữ chức). Thủ Bổn là những người giữ từ khí (cờ xí, trống, chiêng) do vạn bầu ra, 3 năm bầu lại một lần. Vạn trưởng là người đứng đầu vạn, có chức năng tạo sự đoàn kết các lái trên biển, đưa ra những quy định để các ghe chấp hành và được các lái thống nhất, chỉ đạo các lễ cúng trong năm của vạn, hổ trợ nhau về vật chất giữa các ghe với nhau trong quá trình hành nghề. [4] Chánh tế mỗi năm thay đổi một lần. Kể từ năm 1995, nghề mành ở Cẩm Kim hoạt động không có hiệu quả, một số hộ từ mành đôi chuyển sang làm mành chiếc nhưng hiệu quả đánh bắt thấp. Do vậy, số lao động theo nghề ngày càng giảm, đa số chuyển sang làm nghề giã cào có thu nhập cao hơn, một số người chuyển sang các ngành nghề như kinh doanh, làm du lịch-dịch vụ… Hiện nay ở Cẩm Kim không còn ai làm nghề mành nữa. * Tài liệu tham khảo:
1/ Ủy ban nhân dân xã Cẩm Kim, Niên giám thống kê xã Cẩm Kim năm 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014.
2/ Ủy ban nhân dân xã Cẩm Kim, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và An ninh quốc phòng xã Cẩm Kim từ 2004-2014.
3/ Ủy ban nhân dân xã Cẩm Kim (2014), Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn xã Cẩm Kim giai đoạn 2014-2020.
4/ Ủy ban nhân dân xã Cẩm Kim (2014), Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới xã Cẩm Kim giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020.
5/ Kết quả tham vấn cộng đồng tại xã Cẩm Kim tháng 5/2015.
Tác giả: Phạm Phước Tịnh
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền