Những tiếp cận mới trong hoạt động giáo dục Bảo tàng ở Hội An

Thứ hai - 03/04/2017 03:52
Trước đây, giới bảo tàng ở Việt Nam quan niệm rằng công tác giáo dục là công tác quần chúng, với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục văn hóa, khoa học cho quần chúng theo hình thức thuyết minh giới thiệu về lịch sử - văn hóa thông qua hiện vật trưng bày.
Cơ sở bảo tàng học đề cập đến vấn đề này như sau: “Công tác quần chúng là một khâu rất quan trọng của bảo tàng nhằm phát huy tác dụng của bảo tàng và chỉ có công tác giáo dục mới thực hiện được chức năng giáo dục cho quảng đại công chúng… Công tác quần chúng được tiến hành dưới nhiều hình thức phong phú: hội họp, cổ động, tuyên truyền… Nhưng hình thức tốt nhất có hiệu quả nhất vẫn là hình thức trưng bày hiện vật bảo tàng, làm cho quần chúng mắt thấy, tai nghe”.

           Với quan niệm trên, hầu hết các hoạt động giáo dục trong bảo tàng là tuyên truyền giáo dục thông qua hình thức hướng dẫn tham quan khái quát, hướng dẫn tham quan theo chủ đề, hướng dẫn tham quan phần trọng tâm. Ngoài ra, bảo tàng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền giáo dục dưới dạng kể chuyện truyền thống, nói chuyện lịch sử, công bố những sưu tập, hiện vật trên website…

          Phương pháp trên ít đem lại hiệu quả, bởi hình thức hướng dẫn tham quan dưới dạng “bài giảng” đơn điệu, thiếu hấp dẫn, ít tranh luận, sức thuyết phục không cao. Từ bài thuyết minh có sẵn, các thuyết minh viên áp dụng một cách máy móc cho mọi đối tượng khách. Họ không suy nghĩ, tìm hiểu nhiều, chỉ cần thuộc bài thuyết minh mà các nhà nghiên cứu đã chuẩn bị hay nhắc lại những thông tin từ các bài viết trưng bày là đã được coi như hoàn thành “xuất sắc” công tác giáo dục tuyên truyền.

          Ngày nay, công tác giáo dục trong bảo tàng không chỉ là công tác tuyên truyền với những bài thuyết minh áp dụng cho mọi đối tượng. Nếu chỉ xem hiện vật và nghe thuyết minh, khách tham quan sẽ chán nản, mệt mỏi. Vì vậy, bảo tàng phải đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành công tác giáo dục. Việc tham quan bảo tàng không chỉ đơn thuần là giải trí mà phải quan tâm du khách được gì sau chuyến tham quan ấy. Bảo tàng phải tạo ra nhiều hoạt động giáo dục theo từng đối tượng. Muốn thực hiện tốt điều này, cán bộ giáo dục bảo tàng không chỉ nắm rõ nội dung trưng bày mà phải biết khai thác, sử dụng những câu chuyện có giá trị về hiện vật một cách uyển chuyển phù hợp với từng đối tượng. Các bài viết trong trưng bày cần ngắn gọn, dễ hiểu. Người làm công tác bảo tàng cần nắm bắt tâm lý, nhu cầu của khách tham quan để tạo ra các hoạt động cho du khách khi họ đến bảo tàng.

          Từ nhận thức trên, các bảo tàng ở Hội An đã được đổi mới trong công tác giáo dục. Trước tiên, bài thuyết minh phù hợp cho từng đối tượng. Đặc biệt, có sự tương tác từ hai phía như đưa ra những vấn đề gợi mở để khách tham quan tập trung nghe, quan sát, trao đổi và đặt câu hỏi cho du khách, khuyến khích khách đưa ra câu hỏi.Các câu hỏi phù hợp với trình độ, lứa tuổi của khách tham quan.

         Từ năm 2013 đến nay, những người làm công tác bảo tàng ở Hội An xác định công tác giáo dục bảo tàng không chỉ là thuyết minh, hướng dẫn tham quan mà tổ chức hoạt động tương tác dành cho công chúng. Sự khởi đầu cho việc triển khai các hoạt động giáo dục mới này là dành cho học sinh cấp tiểu học cơ sở. Nội dung thuyết minh, kịch bản trò chơi trên cơ sở nội dung và hiện vật trưng bày đã được xây dựng. Các trò chơi cần vận động thể lực và trí lực như “Bác thợ gốm tí hon”, “Bác ngư dân chăm chỉ”, “Bác nông dân thông thái” và các hoạt động “Xé giấy dán tranh”, “Chúng em làm họa sỹ” được thực hiện dưới hình thức trình chiếu Powerpoint, mời nghệ nhân làng gốm hướng dẫn trải nghiệm,… Các hoạt động này đã khuyến khích các em chủ động tìm hiểu về di sản. Đối với cấp trung học cơ sở, các em có sự tiếp xúc rộng hơn trong nhà trường và xã hội, kiến thức cũng đa dạng phong phú hơn. Để các em hứng thú khi nghe giới thiệu, tìm hiểu trưng bày đưa ra các câu hỏi mà câu trả lời là sự gắn kết các kiến thức đã học của các em, ví dụ như phần giới thiệu về ví trí địa lý, đặc điểm dân cư ở Hội An, có câu hỏi tích hợp kiến thức: Có bao nhiêu dân tộc sinh sống ở Việt Nam? Tại Khu phố cổ Hội An, trước đây có bao nhiêu dân tộc sinh sống? Ngoài ra, thuyết minh viên cũng có những câu hỏi mang tính thăm dò, đánh giá sự hiểu biết, nhu cầu của các em để hướng dẫn cho phù hợp. Phần hoạt động trò chơi, các em được tham gia hoạt động “Em yêu lịch sử”, “Em làm họa sỹ”,… Những hoạt động giáo dục này giúp các em vừa hiểu hơn về lịch sử địa phương vừa được ôn lại kiến thức các em đã được tiếp thu tại trường.

          Cùng với hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng”, hoạt động “Giáo dục di sản trong học đường” cũng đã tiến hành. Năm 2015, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An mời chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Di sản Việt Nam tập huấn cho cán bộ Trung tâm và một số giáo viên của Trường Tiểu học Phù Đổng và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu để xây bộ tài liệu công cụ giáo dục di sản trong học đường cho học sinh lớp 1 và lớp 6. Nội dung bộ tài liệu công cụ này là tích hợp trên cơ sở tài liệu hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học như toán, lý, lịch sử, giáo dục công dân, công nghệ,… với các di tích hiện vật, tài liệu, hình ảnh trưng bày tại bảo tàng, di tích. Trên cơ sở hướng dẫn của chuyên gia, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã xây dựng được bộ tài liệu công cụ học tập tích hợp về Bảo tàng Văn hóa Dân gian cho học sinh trung học cơ sở, đó là: “Nghề trồng lúa quê em”, “Em là nghệ nhân diễn xướng dân gian” và về di tích Chùa Cầu, với “Chúng em khám phá Chùa Cầu” dành cho học sinh tiểu học cơ sở.

          Những hoạt động này nhằm mở rộng cơ hội cho học sinh trong việc tìm hiểu di sản qua không chỉ với các môn khoa học xã hội mà cả với các môn khoa học tự nhiên; Thay đổi phong cách cũ trong việc tiếp cận di tích, bảo tàng như đưa học sinh đến quá đông, đến xong rồi về, thiếu tính sư phạm; Xây dựng quan điểm tiếp cận mới làm cho học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di tích; Tổ chức cho học sinh đi học, tham quan thành nhóm nhỏ, có kế hoạch, có mục tiêu cụ thể trước, trong, sau khi tham quan.

          Đối với khách du lịch, đã tổ chức hoạt động trải nghiệm như chuốt gốm, kéo kén, thêu, do các thợ có tay nghề cao hướng dẫn du khách thực hiện tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian từ năm 2010 đến nay. Những hoạt động giáo dục tuyên truyền giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương ngày càng được chú trọng. Tháng 10 vừa qua, việc thuyết minh bằng audio guide cũng được thực hiện tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An và bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch. Tổ chức cho du khách trải nghiệm làm bánh in tại gian bếp của Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch.

          Với những cách tiếp cận mới trong hoạt động giáo dục của Bảo tàng là lấy cộng đồng xã hội, các đối tượng công chúng tham quan làm tâm điểm để xây dựng nội dung thuyết minh đã đem lại sự hứng khởi và hiểu biết hơn về lịch sử địa phương qua hoạt động trải nghiệm, khám phá bảo tàng, di tích. Từ những kết quả này đã khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ bảo tàng để tổ chức những hoạt động giáo dục đa dạng, thu hút công chúng đến với Bảo tàng ngày càng đông hơn.

          Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong công tác giáo dục di sản như sự phối hợp tích cực của Phòng Giáo dục - Đào tạo Hội An, vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là cán bộ làm công tác giáo dục bảo tàng không phải là cán bộ chuyên trách mà là cán bộ kiêm nhiệm, việc đầu tư cho công tác giáo dục di sản chưa như tương xứng, chưa có sự hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân phối hợp hoạt động trải nghiệm thường xuyên tại bảo tàng.

          Mong rằng, qua bài viết này, sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi về cách tiếp cận mới trong hoạt động giáo dục của bảo tàng để bảo tàng ở Hội An trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.
 
 

Tác giả: Lê Thị Tuấn

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây