Theo văn bia và một số tài liệu hiện còn lưu giữ tại nhà thờ cho biết nguyên gốc tộc Lưu ở huyện Sơn Đông, Ngọc Dung, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Thủy tổ tộc Lưu sang buôn bán và sinh cơ lập nghiệp tại Hội An. Hiện nay chưa có tài liệu nào xác định được niên đại xây dựng ngôi nhà thờ. Tuy nhiên, qua nội dung văn bia cho biết ngôi nhà thờ này được tu bổ lại vào năm Minh Mệnh thứ 9 (tức năm 1828).
Ngôi nhà thờ tọa lạc trên diện tích khá rộng, mặt tiền xoay về hướng Tây Nam. Xung quanh di tích ở phía Đông, Tây và Bắc là nhà ở của các hộ dân, phía trước là khoảnh sân rộng. Phía Đông nhà thờ có 01 giếng cổ hình tròn được xây bằng gạch. Ngôi nhà có diện tích 14 x 7,79 m, có 2 nếp liền kề nhau, trong đó nếp nhà trước có kích thước 8,25 x 7,79 m, kiểu 1 gian 2 chái; nếp nhà sau có kích thước 5,6 x 7,79 m, kiểu 3 gian. Toàn bộ hệ khung chịu lực của di tích được làm bằng gỗ với hệ cột tròn, gồm có 22 cột, chân cột có đá tán; đường kính các cột không đồng đều, dao động từ 14cm đến 16cm (có 06 cột có tiết diện 14cm, 01 cột có tiết diện 15cm, 10 cột có tiết diện 16cm, 01 cột có tiết diện 17cm, 01 cột có tiết diện 17,5cm, 03 cột có tiết diện 18cm). Tường bao xây bằng gạch vữa vôi, các mảng tường ngoài quét vôi màu vàng. Hệ đỡ mái bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương với bờ chảy được uốn cong, bờ nóc đắp trang trí các ô thoáng.
Nếp nhà trước kết cấu kiểu 1 gian 2 chái, trong đó gian giữa có chiều ngang 2,45 m, hai chái có chiều ngang bằng nhau cùng 1,97 m. Phần hiên có kích thước 7,79 x 1,20 m, bó nền lát đá thanh, mái hiên lợp tôn kẽm, hệ cột đỡ hiên có 04 cột ximăng. Mặt tiền vách gỗ, có 03 lối vào, hệ cửa lối vào gian giữa gồm có 4 cánh, 2 cánh cửa chính giữa kiểu thượng song hạ bản, 2 cánh cửa hai bên kiểu pano, đà cửa phía trên gắn đôi mắt cửa (hình vuông, sơn màu đỏ, khắc hình chữ Thọ cách điệu); lối vào 2 bên, mỗi lối vào có 3 cánh cửa gỗ, kiểu pano. Bên tường phía Đông có 01 cửa đi nhỏ hình vòm (cánh cửa bằng gỗ bản), kích thước 0,8 x 1,65 m và 01 cửa sổ có kích thước 0,7 x 1,1 m; bên tường phía Tây gắn 01 tấm bia đá khắc chữ Hán (nội dung về việc trùng tu ngôi nhà thờ), 01 cửa sổ pano gỗ có kích thước 0,7 x 1,1 m. Hệ vì kèo liên kết theo kiểu kẻ chuyền, được chạm trổ cách điệu ở đuôi kèo (đây là bộ vài được liên kết bởi nhiều đoạn kèo với nhau theo nguyên tắc: đầu đoạn kèo dưới gác lên trên đuôi đoạn kèo trên và đầu của hai đoạn kèo trên cùng liên kết với nhau tại đỉnh nóc). Đòn tay gồm loại có tiết diện tròn và loại có tiết diện vuông; loại tiết diện tròn phân bố ở gian giữa, loại tiết diện vuông phân bố ở hai chái. Nền nhà được lát gạch thẻ. Tại gian giữa nếp nhà trước, phía trên xuyên của cột hàng nhất phía trước có bức hoành khắc Hán tự, chữ sơn màu vàng, nền màu đỏ:
Nguyên văn: 劉 祠 堂
Phiên âm: Lưu Từ đường
Lạc khoản trên bức hoành khắc Hán tự, chữ sơn màu vàng:
Nguyên văn: 歳 次 甲 戌 年 十 一 月 吉 造
Phiên âm: Tuế thứ Giáp Tuất niên thập nhất nguyệt cát tạo.
Trên hàng cột nhất hậu có cặp liễn đối bằng gỗ khắc Hán tự, chữ sơn màu vàng, nền màu đen:
Nguyên văn: 南 洲 頡 望 楊 郡 公 评
北 斗 灊 章 法 庭 上 賞
Phiên âm: Nam châu hiệt vọng dương quận công bình
Bắc đẩu tiềm chương pháp đình thượng thưởng.
Gian phía Đông nếp nhà trước có một lối đi thông ra nếp nhà sau. Nếp nhà sau có kết cấu kiểu 3 gian, trong đó gian giữa có chiều ngang 2,25 m, 2 gian bên có chiều ngang bằng nhau 2,77 m, có 01 lối vào ở gian chính giữa, có hệ cửa bằng gỗ gồm có 2 cánh (sơn màu xanh), cửa kiểu thượng song hạ bản. Hai gian bên có 02 cửa sổ kiểu pano (gỗ), phía trên đà cửa là pano gỗ bưng kín từ đà cửa trên đến đỉnh mái che. Từ mặt tiền gian giữa có thêm hiên, hiên có kích thước 2,25 x 1,97 m, mái lợp ngói móc, có 02 cột đỡ xây bằng gạch (hình vuông), kích thước 0,25 x 0,25 m, nền nhà láng ximăng.
Khu vực thờ tự nằm ở vị trí giao nhau giữa nếp nhà trước và nếp nhà sau, có kích thước 1,7 x 2,45 m, gồm có 02 bàn thờ bằng gỗ, sát vách trong gian thờ treo 01 tấm vải đỏ (trước đây chất liệu bằng gỗ nhưng đã bị hư hỏng). Bàn thờ trong là nơi thờ Thủy tổ, các bậc tiền nhân tộc Lưu, bàn thờ ngoài đặt bộ tam sự, chất liệu bằng đồng.
Hằng năm, gia tộc tổ chức cúng tổ (chạp mã) vào ngày 27 tháng 12 âm lịch. Gia phả của tộc còn quy định về việc cúng tế trong tộc như sau: “người trong toàn tộc quy định lệ tế xuân hằng năm vào ngày 26 tháng giêng, tế thu vào ngày 27 tháng bảy. Sớ tổn tế lệ mỗi năm là ba mươi quan, nếu ngày nào mà bỏ bê lễ lệ thì phải chịu lỗi. Nay ghi rõ: Xuân tế ngày 26 tháng giêng, Thu tế ngày 27 tháng 7. Người trong tộc Lưu thế nhuận chịu góp tiền mười lăm quan”. Hiện nay, di tích do gia tộc Lưu bảo quản, thường xuyên trông coi, hương khói. Tuy nhiên trải qua tác động khắc nghiệt của thời gian một số bức hoành trong di tích bị hư hỏng, hiện trạng kỹ thuật ngôi nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt ở hệ khung gỗ, bờ nóc, hệ mái, tường bao bị hư hỏng nặng. Hội đồng gia tộc đang có kế hoạch tu sửa lại trong thời gian tới.
Nhà thờ tộc Lưu là công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cũng như về mỹ thuật. Các đồ án trang trí trên hệ khung gỗ góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ của di tích. Trên cơ sở tìm hiểu về di tích, cùng với các di tích là nhà thờ tộc khác góp phần cung cấp những thông tin quý giá nhằm xác lập đặc trưng chung của loại hình di tích này ở Hội An. Đồng thời, qua đó góp phần làm rõ hơn về quá trình nhập cư và phát triển của cộng đồng người Hoa ở Hội An, vai trò của cộng đồng người Hoa trong hoạt động kinh tế tại thương cảng Hội An trong lịch sử.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền