Đũa tre ngày ấy

Thứ ba - 24/10/2017 05:41
Hồi còn nhỏ tôi đã từng nhiều lần ngồi xem người già vót đũa tre. Một công việc tỉ mỉ, vui mắt với những thao tác điêu luyện, thuần thục. Những đôi đũa vót ra đều tăm tắp, trơn láng, một đầu dài nhỏ, một đầu lớn hơn tạo thành mút thuôn tròn để phân biệt đầu gắp thức ăn và đầu cầm. Những đôi đũa tre ngày ấy vững chắc, đẹp đẽ, khác hẳn những đôi đũa tre ốm yếu, tội nghiệp trong các bao giấy dùng đại trà hiện nay…

          Trước đây người ta rất xem trọng đôi đũa. Có lẽ vì vậy mà nó được gia công tạo tác sao cho vừa bền chắc vừa mỹ thuật. Nhìn vào những đôi đũa tre dùng trong bữa ăn hàng ngày, trong các dịp giỗ chạp cũng có thể đánh giá được sự khéo tay của những người đàn ông trong gia đình. Hầu như nhà nào ở nông thôn cũng có những người đàn ông biết vót đũa tre. Tất nhiên cũng có trường hợp mua đũa từ chợ vì không có điều kiện tự vót. Hoặc những gia đình sang trọng thì người ta mua các loại đũa son, đũa mun thậm chí cả những loại đũa xương, đũa ngà, đũa bạc, đũa vàng để dùng. Ngoài đũa dùng để ăn cơm hàng ngày còn có đũa thờ, đũa bếp (đũa cả), đũa trui… Danh mục các loại đũa vì vậy khá phong phú và đầy hứa hẹn đối với những nhà sưu tầm hoài cổ.

          Tuy nhiên giá trị của đôi đũa không chỉ nằm ở chỗ là phương tiện đưa gắp thức ăn gắn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước từ bao đời. Xung quanh đôi đũa chứa đựng bao lớp văn hóa liên quan đến những vấn đề muôn thuở của con người.

          Quá trình tiếp cận với đôi đũa đánh dấu sự lớn khôn của mỗi đời người. Một người được cho là trưởng thành khi sử dụng chính xác và thành thạo đôi đũa. Một câu chuyện kể rằng, có đứa trẻ nọ thường đánh đập, ngược đãi cha mẹ già. Người làng bắt giải liên quan nhưng vì đứa trẻ còn nhỏ nên vị quan khó xử lý. Ông bên nghĩ ra 1 cách. Đợi lúc đứa nhỏ đói, ông sai dọn cho nó 1 mâm cơm. Trêm mâm có 1 đôi đũa. Đứa nhỏ ngồi vào mâm cầm đủa so ngay ngắn và trở đầu gắp thức ăn cẩn thận. Vị quan bảo rằng, đã biết dùng đũa thì đã khôn lớn, mà đã khôn lớn thì không thể ngược đãi cha mẹ và xử phạt nghiêm đứa nhỏ.

          Trong ca dao, tục ngữ, đôi đũa bằng nhau là biểu tượng của tình yêu xứng đôi vừa lứa:
- “Đôi ta như đũa trong so
Không tề, không tiện, không đo mà bằng”
- “Đôi ta như đũa mới so
Không chọn mà gặp, không đo mà đều
Phải duyên đã quyết thì liều
Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây”
          Câu trên, “so” là danh từ chỉ dụng cụ đựng đũa, được làm từ thân tre nguyên lóng, bên trên có nẹp treo. Những ống so tre này ngày càng hiếm dần mà thay vào đó là những ống đựng đũa làm bằng nhôm, nhựa. Đũa được cho vào ống so để bảo quản khô ráo và cũng để nhận biết đôi nào cùng kiểu và đều nhau.
 
          Câu dưới “so” là động từ chỉ thao tác lựa chọn những đôi đũa bằng nhau, tương tự như nhau có thể ghép đôi để sử dụng. Thường thì người ta nắm đũa thành 1 bó và thổ xuống mặt bàn, mặt mâm để so.

  Đôi đũa so le, đũa lệch là biểu tượng của sự chênh lệch, không tương xứng, thậm chí là trắc trở của tình yêu đôi lứa.
“Mẹ tôi tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Tôi đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa”
          Như vậy đũa phải thành đôi mới trở nên hữu ích, mới trở thành là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi “loan phụng hòa minh”, “âm dương hảo hợp”. Có lẽ vì vậy mà trước đây vào dịp đám cưới người ta thường tặng cô dâu chú rễ những đôi đũa đẹp và bằng nhau để làm của hồi môn.

          Còn đũa lẽ đôi là biểu tượng của sự chia ly, của tình yêu tan vỡ. Do đó, ngày xưa có tục lệ bẻ đôi đồng tiền và chia mỗi người một chiếc đũa để đánh dấu sự đoạn nghĩa vợ chồng
  • “Đồng tiền chiếc đũa phân ly
Chàng mà xa thiếp hội ni cũng buồn”
  • “Đồng tiền chiếc đũa phân ly
Chàng về lấy vợ, thiếp đi lấy chồng”
          Cùng với biểu tượng về tình yêu lứa đôi, hình tượng đôi đũa còn được dùng để diễn đạt nhiều tình huống, khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội như “Bó đũa chọn cột cờ”, “Nói có đầu có đũa”, “Vơ đũa cả nắm”, “Đũa mốc đòi chòi mâm son”, “Vợ dại không bằng đũa chênh” v.v.... Bó đũa còn được coi là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết cộng đồng…
 
          Một số tục lệ gắn với đôi đũa đã nâng nó lên thành một công cụ mang tính lễ nghi phản ánh những niềm tin tâm linh lâu đời của người Việt. Khi đầy tháng con, gia đình của bà mẹ tổ chức cúng “đơm lẽ”. Trong lễ cúng luôn có 1 đôi đũa bông bằng tre (đũa tre, 1 đầu vót để các cọng tre lòa xòa như 1 bông hoa). Đôi đũa này được giắt trên mái nhà sau lễ cúng. Trẻ sơ sinh khi ra khỏi nhà để đi về nội ngoại, các bà mẹ thường quẹt lên trán trẻ 1 vệt lọ nghẹ (bồ hóng) và cầm theo 1 chiếc đũa. Khi ăn thì cữ dùng đũa gõ vào miệng chén, cữ đũa bị mốc, gãy. Cữ cắm đứng đôi đũa vào chén cơm vì đó là cách cắm đũa cho người khuất mặt. Những đôi đũa thờ được đặt trên bàn thờ và dùng riêng trong các dịp cúng giỗ. Đôi đũa bông cũng là vật cắm vào chén cơm cùng quả trứng gà luộc để thờ người quá cố khi chưa tẩm liệm…

          Như vậy có thể thấy đôi đũa là vật dụng theo suốt cuộc đời của mỗi con người, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bảo tồn những đôi đũa và văn hóa dùng đũa cũng là cách thiết thực để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn, tôn vinh những giá trị văn hóa sâu sắc của địa phương./.
 
         
 
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây