Hội An - Trung tâm giao thương khu vực và quốc tế

Thứ ba - 16/01/2018 02:28
Khi vào khai phá đất Đàng Trong năm 1558, tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng Nguyễn Hoàng (1524-1613), với tầm nhìn chiến lược và những biện pháp thận trọng, ông đã chuẩn bị những bước đi lâu dài cho việc xây dựng và phát triển của một chính thể lâu dài. Để thu phục nhân tâm và cũng là để giữ sự bình yên cho chính thể, Nguyễn Hoàng đã ra sức: “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là Chúa Tiên. Nghiệp đế dựng nên thực là xây nền từ đấy”.
          Thời gian Nguyễn Hoàng xây dựng và củng cố chính quyền Đàng Trong cũng là thời đại hưng thịnh của hệ thống thương mại Châu Á và thế giới. Đó là “Thời đại hoàng kim” (Golden age) đối với nền kinh tế hải thương của nhiều quốc gia khu vực. Để phát triển, Đàng Trong đã hội nhập mau chóng với mô hình phát triển chung của hầu hết các quốc gia Đông Á. Dựa vào sức mạnh của kinh tế công thương, như một yêu cầu tất yếu, chúa Nguyễn đã cho khôi phục vị thế của Chiêm Cảng. Tên gọi Faifo (Hải phố - Hội An) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều thương nhân khu vực và quốc tế. Nhưng không chỉ Hội An, một hệ thống cảng miền Trung vốn có truyền thống từ thời đại Champa cũng được phục hồi trong bối cảnh kinh tế, chính trị mới. Trong đó, các thương cảng như Thanh Hà (Huế) ở phía bắc và Nước Mặn (Bình Định) ở phía nam vừa là những thương cảng phát triển độc lập vừa nằm trong hệ thống và có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ cho Hội An. Trên thực tế, với sự dự nhập, hỗ trợ bởi các trung tâm sản xuất và khai thác, các thương cảng miền Trung đã tạo nên một hệ thống liên kết với vai trò điều phối của Hội An. Hội An là cảng trung tâm của Đàng Trong đồng thời cũng là một thương cảng chính yếu của Đàng Trong đã được quốc tế hóa.

          Do có các chính sách hợp thời và hợp lòng người mà chính quyền Đàng Trong đã tập trung được quyền lực, duy trì được sự ổn định xã hội đồng thời thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Đó chính là những tác nhân bên trong (endogenous factors) dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt đô thị và cảng thị trong đó tiêu biểu là đô thị cảng Hội An. Từ một Chiêm cảng bị suy tàn, Hội An đã mau chóng phục hưng và trở thành trung tâm thương mại lớn ở khu vực Đông Nam Á. Từ cuối thế kỷ XVI, Hội An đã trở thành trung tâm kinh tế đối ngoại (entrepôts) quan trọng nhất của Đàng Trong và là một trong những thương cảng quốc tế trọng yếu trong tuyến giao thương Đông Á. Cảng thị này đã trở thành một “Trung tâm liên vùng” để cùng với Goa (Ấn Độ), Ayutthaya (Siam), Malacca (Malaysia), Batavia (Indonesia), Luzon (Philippines)... nối kết với Formosa (Đài Loan), Macao, Hạ Môn (Trung Quốc) Deshima (Nhật Bản), Pusan (Hàn Quốc) để tạo nên một hệ thống thương mại có độ liên kết chặt và tương đối hoàn chỉnh của châu Á.

          Trong các mối quan hệ đa dạng của Đàng Trong, thương nhân và các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã đến xứ Cochinchina sớm nhất. Từ năm 1515, thuyền buôn Bồ Đào Nha đã đến Faifo và từ năm 1540 thì cập bến thường xuyên thương cảng này. Đến đầu thế kỷ XVII, không chỉ có các thương nhân châu Á, hầu hết các cường quốc thương mại châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh… đều đến Hội An buôn bán. Với các quốc gia châu Á, giới thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản đã nhận được nhiều điều kiện ưu đãi trong việc buôn bán với chính quyền Đàng Trong. Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử thương mại Việt Nam nền kinh tế ngoại thương lại có quan hệ rộng mở, đa dạng và phát triển hưng thịnh như giai đoạn thế kỷ XVI-XVII. Hầu hết các cường quốc kinh tế thời bấy giờ đều đến thiết lập quan hệ, giao thương với Đàng Trong.

          Là một “Thể chế biển”, luôn triệt để phát huy truyền thống khai thác biển, phát triển giao thương và giao lưu văn hóa trên biển, chính quyền Đàng Trong đã sớm nhận thấy kinh tế ngoại thương chỉ có thể tồn tại, phát triển trong hệ thống. Vì thế, cùng với việc củng cố các trung tâm sản xuất thủ công, khai thác nguyên liệu, chúa Nguyễn cũng có nhiều biện pháp bảo vệ và mở rộng hoạt động của các thương cảng. Sau năm 1672, khi cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn chấm dứt, chúa Nguyễn đã đẩy mạnh khai phá vùng đất phương Nam, mở rộng ảnh hưởng đến các vùng châu thổ sông Đồng Nai và cuối cùng là châu thổ Mekong. Nhờ đó, đến thế kỷ XVIII cùng với Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn..., các cảng như Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên đều trở thành thương cảng trọng yếu của Đàng Trong. Thông qua hoạt động của các thương cảng mà “Chúa đã thu được nhiều lợi nhuận lớn trong việc buôn bán bằng thu thuế hàng hóa cũng như thuế hải khẩu ngài đặt ra và cả nước đều kiếm được nhiều mối lợi không thể tả hết”.  
 
          Với các thương nhân châu Á, vốn đã có mối quan hệ mật thiết với các thương cảng miền Trung từ thời đại Champa, đến thế kỷ XVI-XVII các thương nhân Trung Quốc, Xiêm La, Chân Lạp, Patani, Java, Manila và Nhật Bản đã thường xuyên đến Hội An và các cảng miền Trung buôn bán. Theo quan sát của Thomas Bowyear, được A.Lamb ghi chép lại, thì trong khoảng năm 1695 hàng năm có khoảng từ 10 đến 12 thuyền buôn Trung Hoa đến Hội An buôn bán. Nhưng khi chính quyền Edo (1600-1868) hạn chế thuyền buôn Trung Hoa đến Nhật Bản thì trong các năm (1740-1750), số thuyền của Hoa thương đến Đàng Trong đã tăng lên mỗi năm chừng 80 chiếc. Trong tác phẩm Oost-Indische Compagnie en Quinam (Công ty Đông Ấn ở Quảng Nam) thương nhân người Hà Lan W.J.M Buch cũng cho rằng: “Lý do khiến cho có nhiều thương gia như vậy từ Trung Hoa đến Quảng Nam là vì có thể tìm thấy ở đây một trung tâm buôn bán với các nước và vùng lân cận. Hồ tiêu được chở tới đây từ Palembang, Pahang và các vùng khác; long não từ Borneo, gỗ vang, ngà voi,… đồ sứ thô và các hàng hóa khác. Với những gì còn lại, họ có thể mua thêm hồ tiêu, ngà voi, bột gia vị, bạch đậu khấu của Quảng Nam v.v… Do đó thuyền của họ chở về Trung Hoa thường là đầy hàng”.

          Cũng cần phải nói thêm rằng, sau khi nhà Thanh thay thế nhà Minh năm 1644, đã có những cuộc di cư lớn của người Hoa (Hán) đến các quốc gia Đông Á. Các đợt di cư đó đã dẫn đến mức độ tập trung cao của các cộng đồng Hoa kiều ở các thành thị, thương cảng khu vực. Vì lẽ sinh tồn, họ đã ra sức bao chiếm nhiều lĩnh vực, hoạt động kinh tế ở Đông Á. Trong khi đó, vị trí của người Ấn trong mạng lưới giao thương khu vực lại trở nên mờ nhạt. Thay vào đó là sự hiện diện ngày một thường xuyên của các tập đoàn thương mại, công ty Đông Ấn châu Âu. Dựa vào các hải đoàn mạnh, vũ khí hiện đại và nguồn hàng phong phú… các thương nhân châu Âu đã thâm nhập vào thị trường khu vực, giành đoạt quyền lợi với các thương nhân Đông Á để rồi, như lịch sử đã cho thấy, hình thành thế cuộc vừa đối đầu (confrontation) vừa hợp tác (cooperation) giữa các tập đoàn thương nhân. Trong nhiều thế kỷ, cùng với các thương nhân Châu Á các thương nhân phương Tây đã thâm nhập vào nhiều hoạt động của các thương cảng. Không chỉ đưa hàng đến nơi đô hội thương nhân phương Tây còn tổ chức mạng lưới buôn bán đến cả các vùng núi cao để mua bán, đổi lấy ngà voi, hồ tiêu, sừng tê, da hươu, gỗ quý, các nguồn lâm sản, bạc, đồng và thiếc... 

          Với Nhật Bản, sau những thăm dò ban đầu và xung đột quân sự vì “hiểu nhầm” (sự kiện Bạch Tần Hiển Quý năm 1585), đến đầu thế kỷ XVII, chính quyền Edo (1600-1868) đã chính thức thiết lập quan hệ với Đàng Trong. Từ đó, cho đến khi Nhật Bản thực thi chính sách tỏa quốc (1639-1853), các thuyền buôn Châu ấn (Shuin-sen) của Nhật Bản đã đến nhiều thương cảng của Việt Nam để buôn bán. Với Đàng Trong, các thương nhân Nhật Bản đã trở thành những bạn hàng trọng yếu của “Quảng Nam quốc”. Như vậy là, cùng với thương nhân Trung Hoa, đến đầu thế kỷ XVII hệ thông giao thương Đông Á đã có thêm một thế lực doanh thương mới, có tiềm lực kinh tế lớn, hoạt động tích cực và hiệu quả trên nhiều thị trường khu vực. Để tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với Nhật Bản, năm 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn gả con gái cho thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro, cho phép người Nhật (và cả giới Hoa thương) lập hội quán, phố Nhật kiều, Hoa kiều để buôn bán lâu dài. Chúa Nguyễn còn cho họ quyền tự quản, tự bầu nên trưởng khu để thực hiện quyền “ngoại trị pháp quyền”, tự điều hành các hoạt động buôn bán và quản lý cộng đồng cư dân Nhật Bản. Chúa Nguyễn đã bày tỏ sự tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục và luật pháp Nhật Bản. Theo đó, từ năm 1633-1672 đã có 6 người Nhật thay nhau giữ trọng trách đó. Họ là những người có thế lực lớn trong cộng đồng người Nhật và được chúa Nguyễn tin cậy.

          Có thể thấy, cùng với việc tự khẳng định chủ quyền của mình ở Đàng Trong như một thể chế kinh tế - xã hội và chính trị độc lập, việc chúa Nguyễn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, góp phần cùng với các quốc gia trong khu vực giải trừ nạn hải tặc, đem lại môi trường ổn định cho giao thương quốc tế đã khiến cho chính quyền Nhật Bản và các tập đoàn thương nhân khác phải có ý thức đầy đủ hơn về chủ quyền của Đàng Trong, nhìn nhận chính quyền này như là một chính thể mạnh trong quan hệ quốc tế cũng như các mối giao thương khu vực. Tuy nhiên, sau một thời kỳ hoạt động nhộn nhịp, đến những năm 1635-1639, vì nhiều nguyên nhân, chính quyền Edo đã thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku) không cho phép thuyền buôn Châu ấn (Shuin-sen) ra nước ngoài. Lập tức giới thương nhân Trung Hoa đã chiếm lĩnh thị trường khu vực. Do thu được nhiều mối lợi từ thị trường Đàng Trong, nhiều Hoa thương quê Quảng Châu, Phúc Kiến, Hải Nam… đã trở thành những nhà kinh doanh lớn, giàu có. Do Nhật Bản thực thi chính sách tỏa quốc,  cùng với thương nhân Hà Lan, giới Hoa thương đã đóng vai trò trung gian trong việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Việt Nam và thị trường Đông Nam Á. Họ chính là những thương nhân trung gian chủ yếu để kết nối thị trường Đàng Trong với Nhật Bản và đưa các sản phẩm hàng hóa của Nhật Bản, ví như gốm sứ Hizen, đến thị trường Việt Nam, khu vực và thế giới.   
 
          Điều cuối cùng cần phải chú ý là, với tầm nhìn của một chính thể mạnh, luôn giữ thế chủ động trong quan hệ đối ngoại, bên cạnh chính sách khai mở chính quyền Đàng Trong cũng luôn phải lường tính đến việc bảo vệ an toàn cho hệ thống kinh tế đối ngoại trong đó đặc biệt là thương cảng trọng yếu Hội An. Cùng với hệ thống phòng vệ, quan sát ở Cù Lao Chàm (Chiêm Bất Lao, tiền cảng của Hội An), các chúa Nguyễn đã thiết lập một căn cứ hải quân mạnh ngay ở phía hữu ngạn cửa sông Thu Bồn, tức vùng  “Đại Chiêm hải khẩu” để bảo vệ cho Hội An, hoạt động giao thương quốc tế cũng như cho xứ Quảng. Với tư duy đó, dinh trấn Thanh Chiêm cũng giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo đảm an ninh vùng thượng nguồn sông Thu Bồn bên cạnh trách nhiệm chính là điều hành, xử lý các hoạt động thường xuyên của khu thương cảng.

          Không chỉ dừng lại trong việc buôn bán ở các thương cảng vùng cửa sông và hải đảo ven bờ, chính quyền Đàng Trong còn thực thi một chính sách hướng biển rộng lớn. Chúa Nguyễn đã cho lập các đội hải thuyền ra các vùng đảo xa như Hoàng Sa, Trường Sa... để khai thác sản vật và từng bước khẳng định chủ quyền. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng từng có những trang viết cụ thể, sinh động về nhiệm vụ và hoạt động của đội Hoàng Sa. Như vậy, từ mục tiêu kinh tế, các chúa Nguyễn ngày càng có ý thức đầy đủ và sâu sắc hơn về các nguồn lợi kinh tế và chủ quyền ở Biển Đông. Đội Hoàng Sa (Paracels) được lập ra để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước. Trong suốt quá trình khai thác, xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chính quyền Đàng Trong không có tranh chấp về quyền lợi kinh tế và chủ quyền với bất cứ quốc gia nào. Về sau, để khẳng định phạm vi ảnh hưởng, chính quyền Đàng Trong đã mở rộng địa bàn hoạt động đến vùng cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên nhưng vẫn sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản.

          Lịch sử cho thấy, trong suốt thời kỳ hình thành, phát triển của thương mại Đàng Trong cũng như cảng thị quốc tế Hội An mặc dù Hội An (Faifo) luôn là điểm đến của nhiều thương nhân trong nước, khu vực và phương Tây nhưng ở đây đã không diễn ra một cuộc tranh chấp hay xung đột kinh tế lớn nào. Điều đó cho thấy uy lực và năng lực điều hành, tổ chức, quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại của chính quyền Đàng Trong cũng như dinh trấn Quảng Nam. Một chính sách khai mở, đa phương hóa quan hệ và thực thi chế độ thuế quan nghiêm cẩn… đã đem lại sức mạnh thực tế cho chúa Nguyễn. Trải qua hơn 2 thế kỷ, mặc dù phải đương đầu với những áp lực chính trị từ nhiều phía và biết bao thủ đoạn buôn lậu, trốn thuế của các thương nhân ngoại quốc nhưng chính quyền Đàng Trong đã thực thi quyền lực của mình với một ý thức mạnh mẽ và bảo vệ trọn vẹn chủ quyền dân tộc. 
 

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Kim

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây