Hướng dẫn "phục dựng cây nêu ngày tết" trong dịp tết Nguyên Đán Mậu Tuất - 2018

Thứ ba - 06/02/2018 22:29
Dựng cây nêu là một tập tục truyền thống của cư dân Việt Nam nói chung, cư dân Hội An nói riêng vào dịp tết Nguyên đán. Từ xa xưa, để chuẩn bị ăn Tết, người ta thường lo mua sắm, làm bánh mứt, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa… và dựng một cây nêu trước sân nhà, sân đình,… Cây nêu là biểu tượng của sự trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa và khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất đai của gia đình, làng xóm, cộng đồng. Chính vì vậy, cây nêu có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt từ bao đời nay và là hình ảnh sinh động tạo cho mùa xuân thêm rộn ràng sắc màu, và đây là hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
          Theo một số tư liệu xưa, tại Đàng Trong cũng như ở Hội An, cư dân thường dựng cây nêu vào những ngày cuối năm. Trong tác phẩm Gia Định Thành thông chí được xuất bản vào thời Minh Mạng, đầu thế kỷ XIX, tác giả Trịnh Hoài Đức viết: "Ngày trừ tịch tức ngày cuối cùng của năm, ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng 1 cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu, cau, vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu… Đến ngày mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm những khoản nợ nần thiếu thốn đều không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi".  Trong sách Đại Nam Thực lục chính biên, tập sáu, phần năm Ất Tỵ, Thiệu Trị năm thứ 5 tức năm 1845, mùa Đông, tháng 12 về định lại ngày tế hợp hưởng có dụ rằng: "Hằng năm, tháng chạp làm lễ "tuế trừ", tháng đủ, vào ngày 30, tháng thiếu vào ngày 29… đến ngày làm lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, hữu ty bày đặt cổ bàn, vàng bạc, hương đèn, các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng xà, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ "tuế trừ"… lễ xong, hữu ty chiếu lệ, dựng nêu…"

          Như vậy, qua một số tư liệu lịch sử trên cho thấy ngày dựng cây nêu mang tính chính thống là vào ngày cuối cùng của một năm. Nếu tháng đủ vào ngày 30, tháng thiếu vào ngày 29 tháng Chạp. Tuy nhiên, tại Hội An qua tư liệu dân gian cho biết một số làng/xã có tục dựng nêu sớm hơn như Sơn Phong, Tân Hiệp,…

          Thực hiện kế hoạch tổ chức “Hội tết Nguyên đán Mậu Tuất, Hội An - 2018”, trong đó có hoạt động “Phục dựng cây nêu ngày tết” nhằm phục hồi, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Hội An nói chung, tạo thêm sắc xuân, không khí vui tươi đón chào năm mới Mậu Tuất - 2018. Để hoạt động “Phục dựng cây nêu ngày tết” thực hiện hiệu quả, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phổ biến một số thông tin hướng dẫn việc phục dựng cây nêu ngày tết như sau:

          1. Vật liệu:

          - Cây dùng làm cây nêu: Cây tre già, cao, to, thẳng, đều lóng, có ngọn và còn lá tươi.

          - Dây giằng: Ít nhất 3 dây giằng được làm bằng dây thừng chắc chắn, dọc dây có trang trí các loại cờ xéo nhỏ, xuân liên....

          - Cọc: Cọc tre đủ độ chắc để buộc dây giằng cây nêu.

          2. Hình thức, trang trí:

          - Cờ: Cờ hội vuông cỡ lớn (loại cờ ngũ hành, giữa lòng màu đỏ hoặc vàng, diềm ngoài không phải màu đen hoặc màu tím sậm) treo bên dưới chùm lá tre. Cán cờ treo xéo với thân tre và được buộc giằng chắc chắn.

          - Lồng đèn: Trang trí tại khuôn viên xung quanh cây nêu, đồng thời trên đỉnh cây nêu nên trang trí lồng đèn thả xuống dưới để tạo màu sắc. Tuy nhiên, cần lưu ý về màu sắc của lồng đèn, nên sử dụng màu truyền thống liên quan đến tín ngưỡng địa phương (màu vàng, đỏ…).

          - Lá phướn: Ngày xưa làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế… Ngày nay lá phướn có thể được thay thế bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm chúc mừng năm mới như: “Tân niên kính chúc quốc thái dân an phong điều vũ thuận” hoặc “chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng”... Khuyến khích sử dụng câu chữ theo kiểu truyền thống. Lá phướn được treo cùng vị trí với cờ hội buông xuống bên dưới.

          - Dụng cụ tạo âm thanh: Lệ xưa treo chuông đất, khánh sành. Nay có thể thay thế bằng chuông gió. Dụng cụ tạo âm treo phía dưới chùm lá tre bằng một vòng tre tròn.

          - Vật mang ý nghĩa tín ngưỡng (theo truyền thống của địa phương): Một nhành lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng, hoặc một giỏ nhỏ được đan bằng tre, bên trong bỏ các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau.. và một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang biểu tượng cho “tứ tung ngũ hoành”. Những đồ vật này treo phía dưới chùm lá tre bằng một vòng tre tròn, chắc chắn.

          - Trang trí trên dây giằng: Xuân liên và cờ xéo loại nhỏ nhiều màu hoặc các hình thức trang trí khác phù hợp.

          - Trang trí xung quanh gốc nêu:

          + Trang trí câu đối xuân, hình ảnh bánh trái ngày Tết

          + Bột vôi màu trắng rắc dưới đất tạo thành vòng tròn quanh gốc nêu hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng.

          Để tạo cảnh quan xung quanh khu vực dựng nêu có thể kết hợp trang trí lồng đèn hoặc các hình thức trang trí khác phù hợp như cây cảnh, panô, các đồ án mô hình về ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, con giáp của năm, các đồ án cát tường như Phúc, Lộc, Thọ... các hình ảnh mang ý nghĩa ca ngợi quê hương đất nước. Có thể trang trí cờ ngũ hành (cờ xéo lớn) nhưng lưu ý màu ở giữa lòng và diềm ngoài không là màu đen, tím sậm hoặc màu trắng.

          * Lưu ý, không nên sử dụng các loại đèn nhấp nháy và các vật dụng khác có chất liệu hiện đại, khuyến khích sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường.

          3. Lễ cúng dựng và hạ cây nêu:

          - Cúng dựng nêu: Cúng trước khi dựng nêu, cúng đất đai và thổ thần. Lễ vật gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân, trầu cau, gạo muối…

          - Cúng hạ nêu: Cúng xong thì hạ nêu vào ngày mồng 7 Tết (khai hạ). Lễ vật cúng gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân…

          Đây là lễ cúng quan trọng nên cần tổ chức trang nghiêm, đúng nghi thức và truyền thống của địa phương.

          Dựng nêu ngày tết là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc bởi lẽ cây nêu không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh mà việc trang trí cây nêu bài bản, đúng cách cũng tạo thêm sắc xuân, không khí vui tươi của ngày tết, đồng thời phản ánh ước vọng của cộng đồng về một cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc, phát triển trong năm mới.

Tác giả: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây