Vấn đề khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt của cư dân Hội An trong lịch sử

Thứ ba - 23/01/2018 02:52
Nước, đặc biệt nước ngọt giữ vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, là thành phần vật chất thiết yếu để con người tồn tại. Từ rất xưa, con người đã biết khai thác nguồn nước ngọt trong tự nhiên để phục vụ đời sống vật chất và tâm linh của mình. Trong lịch sử, cư dân Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt tự nhiên bằng nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào điều kiện địa lý - thủy văn mỗi nơi cũng như trình độ kỹ thuật mỗi thời kỳ.
bai3

          Nguồn nước ngọt tự nhiên chủ yếu nằm ở dạng nước mặt của sông, suối, ao hồ, bầu, đầm,… và ở dạng nước ngầm. Từ xưa, người dân Hội An đã khai thác nguồn nước ngọt ở các sông, suối, ao hồ, bàu, đầm… phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và phục vụ đời sống sinh hoạt thường nhật như tắm rửa, giặt,… và thậm chí để nấu ăn, uống, cúng tế. Tại vùng đất cát Thanh Hà, Cẩm Hà có nhiều bàu nước ngọt nằm ven chân cồn cát là dấu tích của vụng biển xưa kia như Bàu Tràm, Bàu Xé, Bàu Chó, Bàu Ốc, Bàu Súng… Cư dân ở đây lấy nước ngọt từ các bàu nước này để trồng lúa, tưới hoa màu như mè, đậu và các loại rau,… Vào những năm cuối thế kỷ XX, trong các cuộc điền dã, khảo sát, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở Cù Lao Chàm có một số thủy hệ do người xưa tạo nên bằng cách xếp đá để giữ và dẫn nước ngọt từ các con suối dùng vào việc cúng tế, sinh hoạt và trồng trọt. Những thủy hệ này nằm ven chân núi, gần khu dân cư hoặc khu canh tác ruộng nước, nương rẫy. Chúng có cấu trúc không đồng nhất song về cơ bản đó là những dải kè bằng đá nhằm phân dòng chảy thành nhiều khoang chứa khác nhau để lấy nước dùng vào các mục đích cụ thể, đồng thời điều tiết sự ổn định của lượng nước cho quá trình sử dụng lâu dài. Các thủy hệ phát hiện được gồm loại chỉ mang chức năng cung cấp nước sinh hoạt, trồng trọt như thủy hệ ở suối Tình; loại khác đa chức năng hơn như thủy hệ ở sau chùa Hải Tạng cung cấp nước cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, ăn uống, tắm giặt, trồng trọt và chăn nuôi. Theo các nhà nghiên cứu, có lẽ các thủy hệ này do cư dân Chăm tạo nên và được người Việt kế thừa, sử dụng. Hiện nay, hình thức xếp đá vẫn được cư dân Cù Lao Chàm sử dụng để giữ, lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt, người dân xây dựng các hồ nước bằng cách đắp chắn dòng chảy tại đầu các con suối lớn và lắp hệ thống ống dẫn nước tự chảy xuống các khu dân cư dùng cho sinh hoạt thường nhật, ăn uống, chế biến các món ẩm thực đặc sản.

          Theo ghi chép của Thiền sư Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự, vào cuối thế kỷ XVII, cư dân Cù Lao Chàm lấy nước ngọt từ các con suối về để uống và chế biến thức ăn, việc tắm giặt diễn ra ngay tại các con suối. Hải ngoại kỷ sự chép rằng: “Trực tiếp dưới hòn núi chính có miếu Bản Đầu Công, phía tả miếu chừng một trăm bước, có một suối đá, nước trong và ngọt, người trong thôn ra múc uống. Đàn ông, đàn bà đến suối tắm rửa suốt ngày, không khi nào hở…”

          Nguồn nước ngọt ở Cù Lao Chàm không chỉ được người dân địa phương khai thác, sử dụng mà còn được cung cấp cho tàu thuyền buôn, thuyền đánh cá đi qua vùng biển Cù Lao Chàm. Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chép: “Cách huyện Diên Phước 65 dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Tiêm Bút Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm; dân phường Tân Hợp ở phía Nam núi; ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền bè nước ta thường trông núi này làm chừng đi về đều đổ ở đấy để lấy củi, nước...”.
 
bai2

          Bên cạnh việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt ở dạng nước mặt, trong lịch sử cư dân Hội An cũng đã khai thác nguồn nước ngọt ở dạng nước ngầm bằng hình thức đào ao, giếng. Kỹ thuật đào giếng của người Hội An xưa đạt trình độ cao qua việc lựa chọn mạch nước ngọt và sử dụng loại vật liệu để xây giếng. Mặc dù bị tác động mạnh mẽ bởi quá trình đô thị hóa, song hiện nay, trên mảnh đất Hội An vẫn bảo tồn rất nhiều giếng cổ được xây bằng gạch, đá, có cấu trúc độc đáo. Những giếng kiểu này tập trung với mật độ cao tại khu phố cổ, phần còn lại phân bố rải rác ở các địa phương. Giếng có kiểu dáng hình vuông, hình tròn, hình trên tròn dưới vuông hoặc lục giác và hình trên vuông dưới tròn. Thành giếng xây bằng gạch đinh, gạch hình vành khăn, đá thanh và đá cong. Bên dưới thành gạch, đá thường có khung gỗ hình vuông rất dày để đảm bảo thành giếng ổn định lâu dài. Đặc biệt, phần đáy của một số giếng được lát tấm ván có đục những lỗ nhỏ để giữ nước luôn trong và tránh hiện tượng thành giếng bị tụt lún do đất bị múc lên theo nước. Giếng sâu từ 2,30 - 5,60m, đường kính miệng giếng từ 0,90 - 1,20m. Nước giếng rất trong, ngọt và dường như không bao giờ cạn. Căn cứ vào hình dáng và kết cấu, một số nhà nghiên cứu cho rằng những giếng cổ hiện còn ở Hội An do cư dân Chăm xây dựng và được các lớp cư dân Hội An sau này kế thừa, cải tạo, một số khác được xây dựng theo kỹ thuật của người Chăm.

          Có thể nói, đối với người Hội An, giếng nước trở thành hình ảnh thân quen, đã in đậm trong ký ức của nhiều người. Nhắc đến giếng nước cũng là khơi dậy biết bao câu chuyện ấm áp về tình làng, nghĩa xóm và những nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng. Ngoài giá trị hiện hữu về mặt vật thể, những giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến giếng nước cũng góp phần tạo nên hồn cốt của phố cổ Hội An. Từ lâu, người dân phố cổ tin rằng việc sử dụng nước giếng Bá Lễ đã tạo nên những hương vị, sức hấp dẫn riêng của những món ẩm thực đặc sản Hội An như cao lầu, mỳ Quảng, bánh bao bánh vạc,… Và gắn với giếng Bá Lễ là hình ảnh những con người với đôi gánh nặng trĩu hằng ngày vẫn nhịp nhàng qua những con hẻm, góc phố mang nguồn nước ngọt đến các nhà hàng để chế biến nên những món ẩm thực hấp dẫn đó. 

          Có thể nhận thấy, trong từng điều kiện tự nhiên - lịch sử, văn hóa - xã hội, cư dân Hội An có những cách thức khác nhau để khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt một cách có hiệu quả. Qua đó, nó không chỉ phán ánh được khả năng sáng tạo, tính linh hoạt mà còn chứng tỏ trình độ kỹ thuật và sự am hiểu phong thủy của người Hội An xưa. Biểu hiện vật chất của các hình thức khai thác nguồn nước ngọt trở thành bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa Hội An, là đối tượng mà chúng ta cần quan tâm bảo tồn và nghiên cứu kỹ hơn trong tương lai.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây