Người xưa có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, vì vậy mà thường thấy mỗi làng có một ngôi đình riêng, thờ một vị Thành hoàng. Ở Hội An, việc bố trí thờ tự hiện nay tại các ngôi đình cho thấy có sự hợp nhất của 3 thiết chế, đó là: đình thờ thần, nhà thờ Tiền hiền và miếu âm linh. Ngoài thờ Thần bảo hộ, Thành hoàng, trong đình còn thờ các bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, phối thờ thêm nhiều vị thần khác, cả Nữ thần liên quan đến người Chăm bản địa như Thiên Y A Na; thờ âm linh, chiến sĩ trận vong. Riêng tại đình Xuân Mỹ, phường Thanh Hà có đặt miếu thờ Lục vị Tiên nương phía tây khuôn viên đình, trong hốc cây đa phía trước đình có thờ tượng voi bằng đá. Và một điều đặc biệt nữa ở Hội An, ngoài ngôi đình chung của làng còn có thêm đình ấp. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa nhận định rằng: Dù lịch sử hình thành làng xã ở Hội An lâu đời nhưng kiến trúc đình làng được xây dựng và hoàn chỉnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nhìn chung, kiến trúc các ngôi đình ở Hội An có nhiều nét tương đồng. Xét trên mặt bằng tổng thể, thông thường, phía trước là cổng vào, kế đến là khoảng sân rộng, bình phong ở khoảng giữa, phía trước sân; chính đình – tức nếp nhà chính của một ngôi đình - nằm ở trục giữa khu đất, lùi về phía sau. Mặt tiền chính đình thường quay ra phía sông, do đó, nhiều đình có hướng chính Nam hoặc hơi chếch về phía Nam. Về quy mô kiến trúc, tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi làng/ấp mà ngôi đình được xây dựng với quy mô khác nhau. Kiểu dáng mặt bằng đình khá phong phú, đa dạng. Mặt bằng chính đình chỉ gồm một nếp nhà kiểu chữ “Nhất” như đình ấp Tu Lễ, đình Tiền hiền Tân Hiệp, đình Xuyên Châu Trung… Chính đình xây dựng theo lối “tiền đình, hậu tẩm”, mặt bằng dạng chữ “Đinh”, kiểu này nhiều nhất, phổ biến nhất, như đình Sơn Phô, đình An Mỹ, đình Tiền hiền Kim Bồng… Không gian sinh hoạt của đình còn được mở rộng bằng cách xây thêm nhà Đông, nhà Tây, tạo mặt bằng kiểu chữ “Môn” như đình Để Võng, đình Cẩm Phô. Ở một số ngôi đình, do khuôn viên chật hẹp nên chỉ xây thêm nhà Đông như đình Sơn Phong, thêm nhà Tây như đình Xuân Mỹ. Một dạng mặt bằng hiếm gặp ở đình là mặt bằng kiểu chữ “Khẩu”, ngoài chính đình, nhà Đông, nhà Tây, phía trước còn xây thêm tiền sảnh tạo thành hình vuông khép kín như đình Ông Voi, Tụy Tiên đường Minh Hương.
Về hình thức kiến trúc của riêng hạng mục chính đình: tiền đình thường được xây dựng theo lối nhà 3 gian hoặc 3 gian 2 chái, hầu hết gian bên có kích thước gần bằng hoặc nhỏ hơn gian giữa. Tiền đình có dạng nhà 1 gian 2 chái rất ít gặp, chỉ thấy ở đình Để Võng và đình Xuân Mỹ. Hậu tẩm thường chỉ rộng một gian, xây nếp mái tách biệt so với tiền đình. Cá biệt, hậu tẩm đình Ông Voi xây 2 tầng, không thấy có tại các đình khác ở Hội An. Với đình Cẩm Phô, phía trước chính đình còn có thêm phương đình với nhiều chi tiết trang trí chạm trổ tinh xảo, đẹp mắt trên các cấu kiện gỗ, bờ nóc, bờ chảy giống như ở một số hội quán của người Hoa. Có thể coi đình Cẩm Phô là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp, tiêu biểu nhất ở Hội An.
Đình có tường bao che bằng gạch xây dày, hệ khung chịu lực bằng gỗ hoặc trụ xây gạch tạo cuốn vòm, mái lợp ngói âm dương. Ở một số ngôi đình, ngoài vật liệu gỗ, cột còn được làm bằng đá như đình Ông Voi, Hội An Tiên tự; hay như ở đình đá An Bàng, hệ khung chịu lực toàn bộ bằng đá. Về hình thức cột, không tìm thấy quy luật sử dụng cột tròn hay vuông ở đình. Theo thống kê, loại cột tròn chiếm đa số. Tuy nhiên, có đình vừa có cả cột tròn lẫn cột vuông. Chân cột gỗ thường có đế đá táng. Hai loại vì kèo đỡ hệ mái phổ biến trong kiến trúc đình là kèo kẻ chuyền và kèo kiểu trính chồng trụ đội. Ở một số đình, kèo hiên được chạm trổ rất đẹp. Hình thức đòn tay cũng tương tự như cột, đòn tay tròn và đòn tay vuông đều được sử dụng. Xà cò ở các đình đều là cây gỗ có tiết diện hình chữ nhật, duy chỉ có xà cò đình Ông Voi được làm từ cây gỗ tròn, vát phẳng một mặt để khắc chữ. Hệ cửa đi trước tiền đình cấu tạo kiểu “thượng song hạ bản”.
Về trang trí của hạng mục chính đình: Bờ nóc, bờ chảy đắp giật cấp, trang trí các đề tài quen thuộc như: lưỡng long triều dương, tứ linh, hoa dây, chim chóc, hồi văn, chữ Thọ… theo thủ pháp đắp vẽ, cẩn sành sứ, có tính chất đối xứng làm tăng vẻ tôn nghiêm, bề thế của ngôi đình. Bên trong tiền đình treo/vẽ nhiều hoành phi, liễn đối.
Lối vào đình thường là tam quan, lối đi giữa rộng hơn lối đi hai bên. Hình thức kiến trúc tam quan đình cũng tương tự tam quan các di tích tôn giáo, tín ngưỡng khác như chùa, miếu… Một số ít ngôi đình, lối vào chỉ gồm hai trụ biểu, tường rào thấp hai bên. Riêng đình Xuân Mỹ thì không có cổng ngõ. Bình phong nằm khoảng giữa sân, chếch về phía trước, đa số xây hình cuốn thư, mặt trước đắp vẽ đề tài “long mã phụ hà đồ”, mặt sau có bệ thờ âm linh. Sân đình Cẩm Phô, Hội An Tiên tự có đặt đỉnh hương to, chức năng như bình phong.
Qua các yếu tố kể trên, có thể nói rằng, các ngôi đình làng/ấp ở Hội An có nhiều nét tương đồng nhưng lại không có cái nào hoàn toàn giống cái nào, “không trùng lắp”, do đó rất khó để xác định đâu là hình thức kiến trúc tiêu biểu. Hiện nay, nhiều ngôi đình ở Hội An, ngoài chức năng thờ cúng tín ngưỡng, đình cũng đang được sử dụng đúng chức năng của một công trình công cộng: là nơi hội hè, họp tổ dân phố, sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi… Vì những lý do đó, đình trở thành hình ảnh thân thương trong tâm khảm của nhiều người, nhiều thế hệ, nhất là lớp người lớn tuổi. Tình cảm họ dành cho ngôi đình làng/ấp cũng nhiều như tình cảm họ dành cho những người thân thương vậy.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền