Hội An mừng vui với chỉ số phát triển du lịch và nỗi lo bền vững

Thứ sáu - 09/03/2018 03:14
Với những lợi thế so sánh vượt trội về tiềm năng di sản văn hóa, thiên nhiên, trong những năm qua ngành bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế du lịch ở Hội An đã đạt được những thành tựu to lớn. Đặc biệt, năm 2017 là năm trên địa bàn Hội An - Quảng Nam chứng kiến nhiều sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra như Festival/hành trình di sản, APEC, ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, Hàn Quốc...
          Thông qua các sự kiện này, hình ảnh du lịch Hội An đã được quảng bá, giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Các chỉ số đạt được của năm du lịch 2017 khá ngoạn mục về tốc độ phát triển, đóng góp cho sự tăng trưởng chung về kinh tế của thành phố, giải quyết được nhiều lao động, việc làm và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Hơn nữa đã đóng góp rất lớn từ nguồn thu cho sự nghiệp bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi phát huy các giá trị của di sản văn hóa, thiên nhiên. So với năm 2016: tổng lượt khách đến Hội An là 3,22 triệu lượt, tăng 21,66%; trong đó, khách quốc tế là 1,78 triệu lượt, tăng 30,95%. Tổng lượt khách tham quan là 2,38 triệu lượt, tăng 28,16%. Tổng lượt khách lưu trú là 1,45 triệu lượt, tăng 24,53%; trong đó khách quốc tế là 1,21 triệu lượt, tăng 25,68%. Nguồn thu từ vé tham quan đạt trên 200 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40,97 triệu đồng. Tuy nhiên, để du lịch Hội An phát triển xứng đáng với tiềm năng di sản văn hóa, thiên nhiên, đảm bảo tính bền vững, vốn có còn nhiều vấn đề phải đặt ra, trong phạm vi của bài viết này chúng tôi chỉ xin nói đến một số vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển kinh tế du lịch bền vững ở Hội An đáng được quan tâm.
 
bai 1
Du khách tham quan di tích Chùa Cầu
 
          Trước hết nói về nguồn nhân lực, Hội An muốn đi lên và phát triển kinh tế du lịch bền vững từ tài nguyên văn hóa - nhân văn và tài nguyên thiên nhiên - hệ sinh thái/đa dạng sinh học không thể không quan tâm đến nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Khi bàn về sức mạnh của một quốc gia, cố Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra công thức tổng quát là: Sức mạnh quốc gia = (Nguồn nhân lực + của cải vật chất) x Ý chí quốc gia.

          Đặt vấn đề này khi nhìn lại nguồn nhân lực - tức là lực lượng cán bộ chuyên ngành văn hóa nói chung và có chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, du lịch nói riêng của Hội An hiện nay, nếu không được quan tâm đầu tư, có chính sách thích hợp, vượt qua rào cản của cấp huyện thì chắc chắn sẽ thiếu cán bộ có chuyên môn để làm việc, nhất là ở cấp xã/phường hầu hết đều không có cán bộ chuyên trách công tác văn hóa nói chung, chứ không riêng gì công tác bảo tồn, bảo tàng di sản văn hóa, thiên nhiên và du lịch. Trong khi bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thiên nhiên là một ngành khoa học trong khái niệm chung về “bảo tồn và phát triển”,  nghĩa là bảo tồn cái gì và phát triển như thế nào quả là vấn đề không dễ nhận thức, và cũng không dễ để thống nhất. Mặt khác, thực tế hiện nay, lớp trẻ theo học ngành này cũng rất ít, ngay cả những kiến trúc sư ra trường cũng không được đào tạo về bảo tồn kiến trúc di sản văn hóa và thiên nhiên. Hơn nữa, nói về nguồn nhân lực không phải chỉ là những cán bộ chuyên môn trong các cơ quan quản lý nhà nước, ở các đơn vị sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản mà ở ngay lực lượng thợ mộc, thợ nề, người lợp ngói âm - dương... (hay nói một cách khác đó là những người thợ có tay nghề thực thi công việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích) cũng đang thiếu trầm trọng, người biết làm chứ chưa nói là giỏi nghề. Nghề này đòi hỏi tay nghề cao, khó học, trong khi lương cũng không hơn gì công việc khác, nên ít ai theo làm. Các kiến trúc sư, kỹ sư tư vấn thiết kế sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, phục hồi hay giám sát các công trình di tích vốn đã hiếm (bởi những quy định chuyên ngành) mà có thì cũng không mặn mà với công việc này, vì yêu cầu về hồ sơ và trách nhiệm thì quá cao, nhưng thù lao so với giá trị kinh phí được hưởng không tương xứng, nên hiện nay rất ít người làm/nhận tư vấn. Ngay cả các đơn vị thi công cũng rất ít đơn vị muốn nhận thi công công trình, vì khó làm, chi phí nhân công thấp so với tính chất công việc, mà muốn nhận cũng không có thợ để làm. Thực trạng này đặt ra vấn đề trong thời gian đến rất khó có công trình thi công tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích đạt yêu cầu nguyên tắc về chất lượng, tính chân xác và cả tiến độ thi công. Việc truyền nghề thủ công truyền thống, chuyển giao nghề cho thế hệ trẻ (trong các làng nghề), nghệ thuật - diễn xướng dân gian cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không tìm ra người để đào tạo/truyền nghề? Trong thời đại hội nhập nhưng cán bộ ngành văn hóa - quản lý bảo tồn di sản phần lớn khả năng ngoại ngữ lại kém, ngược lại những anh chị có trình độ ngoại ngữ lại không hiểu biết nhiều hoặc ít tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử - văn hóa, nhưng họ lại là người có “đủ điều kiện” hoạt động trên lĩnh vực du lịch văn hóa. Nhiều năm qua các anh/chị phóng viên báo/đài cũng luôn theo sát phản ánh thực trạng này với các tiêu đề: Tìm người làm văn hóa; Lo tìm truyền nhân, Áp lực lên di sản; Di sản & những nỗi lo... xoay quanh những câu chuyện, những vấn đề về nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa vững chắc (cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) và phát triển du lịch bền vững.
 
bai 2
Du khách tham quan Cù Lao Chàm

          Ngay bản thân ngành du lịch cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nhất là nguồn nhân lực được đào tạo. Tại các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ cho du khách nói chung nhiều lao động không cần qua lớp đào tạo nghề, dù là ít ngày cũng dễ dàng được sử dụng. Có thể thấy sự bùng nổ của nhiều dự án đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch tại Hội An và sắp tới ở vùng Nam Hội An và Đà Nẵng, trong khi lao động đào tạo ra trường hàng năm không đáp ứng được nhu cầu thực tế đang dẫn đến vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng… Hiệp hội du lịch của tỉnh cũng không thể làm gì hơn ngoài việc than phiền về thực trạng và tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh về cách sử dụng, thu hút lao động và giá cả dịch vụ đang diễn ra nhiều bất cấp của các doanh nghiệp hiện nay. Nhiều mặt hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ được nhập từ các địa phương khác (mà phần lớn là hàng của Trung Quốc). Ngay cả mặt hàng từ các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Hội An như mặt hàng mộc, gốm sản phẩm chỉ mang tính trình diễn còn hàng để bán cho khách chỉ là hàng nhập.

          Vấn đề đáng quan tâm nữa đó là: Hiện nay ở Hội An đang diễn ra một sự hội nhập (dân cư, kinh tế, văn hóa) mạnh mẽ theo xu hướng phát triển kinh tế văn hóa du lịch - dịch vụ - thương mại quốc tế trên nền tảng Di sản văn hóa và thiên nhiên. Diễn trình này đang đặt ra những vấn đề lớn mà Hội An phải đối mặt, cần tập trung giải quyết đó là về cơ sở hạ tầng, cơ cấu xã hội, kết cấu dân cư, thiết chế văn hóa, hành chính của một đô thị - nông thôn vốn mang tính truyền thống, lịch sử - văn hóa, vừa phải gắn với hội nhập và phát triển theo xu hướng du lịch - dịch vụ quốc tế. Đồng thời phải đảm bảo tối ưu nguyên tắc bảo tồn tính chân xác. Về góc độ không gian quản lý và phát triển ở đây không chỉ là trong phạm vi Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới mà phải bao gồm cả một tổng thể cảnh quan sông nước, biển - đảo, làng quê, làng nghề truyền thống; cả vùng di sản văn hóa đô thị và nông thôn. Trong đó phải tính đến cả yếu tố liên kết bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế du lịch trong vùng và khu vực. Ngoài việc phải giải quyết những vấn đề nêu trên, sự hội nhập - biến động dân cư (do tất yếu của sự phát triển vốn có trong lịch sử - văn hóa Hội An), tăng cơ học, đã làm thay đổi thành phần dân cư, chủ thể ngay trong các ngôi nhà di sản - không gian kiến trúc Khu phố cổ. Yếu tố này tác động mạnh mẽ đến những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng, nổi bật toàn cầu của Hội An (đó là nếp sống, ứng xử, ẩm thực, phong tục tập quán... của con người Hội An gắn kết trong quần thể di tích/ giá trị văn hóa vật thể). Mặt khác, lượng khách tăng nhanh, tăng cao dẫn đến bất cập trong quản lý các hoạt động dịch vụ; thiếu khả năng, điều kiện phục vụ du khách; hạ tầng du lịch không theo kịp... dễ xảy ra sự ồn ào, nhiều hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng xấu đến du khách, đến tính bền vững của du lịch. Thậm chí nhiều du khách đến với Khu phố cổ Hội An chỉ thấy đông người qua - lại (và cũng ở quanh khu vực Chùa Cầu, với lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm đa số). Du khách khó cảm nhận được giá trị lịch sử - văn hóa và vẻ đẹp tuyệt tác của các công trình kiến trúc, của quần thể Khu phố cổ. Ở đây đang thiếu hẳn không gian, sự tĩnh lặng cho du khách để cảm nhận? cũng chính là thiếu sự bền vững cho du lịch văn hóa?

          Đi cùng với biến động dân cư, áp lực phát triển du lịch, đô thị hóa là sự bất cập về quy hoạch chung (về phát triển đô thị - nông thôn, giao thông, các thiết chế hạ tầng...); các quy định, quy chế quản lý về: kiến trúc, xây dựng, hoạt động xã hội, văn hóa...; các quy hoạch chuyên ngành về văn hóa, du lịch, thể thao; bảo tồn Di sản... đều không theo kịp với tốc độ phát triển... Nhiều vấn đề về văn hóa - xã hội, an ninh, trật tự - an toàn xã hội, dân cư đang đặt ra bức xúc, cần phải có giải pháp khắc phục kịp thời... Riêng trong Khu phố cổ hiện có 6 quy chế/quy định (về: quản lý, bảo tồn, sử dụng, di tích; sản xuất, trật tự kinh doanh; hoạt động quảng cáo; hoạt động tham quan du lịch; hoạt động vận chuyển khách; phối hợp quản lý) nhưng tất cả đã đến lúc đều không đảm bảo tính pháp lý? Ngay cả các luật định, nghị định của nhà nước, của chính phủ khi áp dụng vào Hội An cũng rất nhiều bất cập. Bởi Hội An là di sản có người dân đang sống và sở hữu. Các hoạt động văn hóa lễ hội, tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch, hoạt động ngoại giao văn hóa và quảng bá văn hóa - du lịch Hội An những năm qua tuy đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng chủ yếu vẫn do ngân sách nhà nước đầu tư, tính xã hội hóa chưa cao; thiếu tính chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp... Trong khi đó, mối quan hệ “hữu cơ” giữa ngành du lịch và bảo tồn di sản văn hóa cũng chưa hẳn là có sự gắn kết chặt chẽ. Nhất là chưa có sự thống nhất giữa hướng dẫn viên du lịch và hướng dẫn viên di sản, với cán bộ nghiên cứu, quản lý di sản. Khoảng cách chênh lêch thu nhập giữa cán bộ nghiên cứu, quản lý, giữ gìn di sản văn hóa với cán bộ bán vé, hướng dẫn tham quan di sản cho du khách còn quá xa.
 
bai 3
Du khách trải nghiệm tour du lịch làng An Mỹ

          Chắc chắn chỉ số về doanh thu, về thu nhập và cả về số lượng du khách đến với Hội An chưa hẳn là chỉ số phát triển bền vững. Còn đó những vấn đề bất cập: Thiếu nguồn nhân lực, thiếu cơ sở hạ tầng, điều kiện phục vụ du khách và cả về định hướng quy hoạch, nguồn vốn đầu tư, quy chế quản lý, cơ chế chính sách, biện pháp chế tài... thì nỗi lo mất - còn của di sản văn hóa; sự phát triển bền vững của du lịch vẫn luôn là vấn đề đang quan tâm? Bởi có những di sản - địa điểm du lịch nổi tiếng du khách từng chen chân nhưng rồi thưa dần - vắng khách?

          Nhìn lại năm du lịch di sản văn hóa - năm 2017, quả là có nhiều điều đáng vui mừng với những chỉ số phát triển, nhưng cũng nhiều nỗi lo về tính bền vững. Nên chăng, ngành văn hóa - du lịch cần có một chương trình nghiên cứu, đánh giá cụ thể, toàn diện và trên cơ sở đó có giải pháp/biện pháp kịp thời, thích ứng để sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và mục tiêu phát triển du lịch thực sự hiệu quả, vững bền. Và cũng xuất phát từ những yếu tố đặc thù và thực trạng nêu trên, đã đến lúc Hội An “cấp thiết đòi hỏi cần có một cơ chế quản lý vận hành thích ứng, đặc thù để bảo tồn và phát triển bền vững”. Điều này từ hơn 400 năm trước, các Chúa Nguyễn (bắt đầu từ 1602 bởi Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng) đã làm, tức là đặt Faifo - Hội An dưới sự quản lý, phát triển kinh tế bằng những chủ trương, chính sách “cơ chế đặc thù”, có ý nghĩa như một “đặc khu kinh tế”. Thậm chí sau này, Hội An vẫn tiếp tục được hưởng một số ưu đãi trong thời kỳ các vua triều nhà Nguyễn và cả thời kỳ Pháp thuộc. 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây