Bảo tồn di sản, hội nhập và phát triển bền vững

Thứ tư - 25/04/2018 23:02
Ngày nay, phát triển gắn với toàn cầu hóa – hội nhập được nhìn nhận như một quá trình, một xu hướng và đã trở thành một làn sóng không ngừng gia tăng mạnh mẽ. Nó thúc đẩy phát triển trong mối quan hệ, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc, các lĩnh vực trên toàn thế giới, tạo nên những thuận lợi và thách thức, bắt buộc các quốc gia, dân tộc phải đối mặt. Đặc biệt, bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên trong sự phát triển và hộp nhập luôn là những nhân tố quan tâm hàng đầu ở tất cả các nước trên thế giới.
          Trước hết có thể nói, xét đến cùng quá trình phát triển và hội nhập phải được đặc biệt chú trọng tới hội nhập văn hóa, chất lượng của hội nhập phải được đo, đếm bằng bản lĩnh và bản sắc văn hóa mà bản lĩnh và bản sắc văn hóa lại được kết tinh, gắn chặt trong di sản văn hóa và thiên nhiên, có ý nghĩa là nguồn tài sản, nguyên khí gắn với vận mệnh, chủ quyền, độc lập của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong khi Việt Nam bước vào thời kỳ mới với tinh thần chủ động hội nhập nhưng do căn bản vẫn là một nước nông nghiệp, kinh tế chưa thực sự mạnh nên trong quá trình phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức của toàn cầu hóa – hội nhập. Vì thế, ngoài việc nhờ vào sự tiếp súc của nguồn lực bên ngoài (kể cả việc để được công nhận các danh hiệu Di sản – hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới) chúng ta phải chủ động xây dựng nền tảng nguồn lực nội sinh để có thể phát triển, hội nhập thành công. Hội nhập mà không bị đánh mất hoặc làm mai một di sản, bản sắc văn hóa dân tộc. Hơn nữa, bản thân mỗi di sản thế giới (văn hóa – thiên nhiên) đều có những giá trị đặc thù, riêng có, nổi bật, vượt trội toàn cầu hay ở tầm quốc gia – khu vực. Đây chính là điều kiện để các di sản hội nhập quốc tế, trở thành tài sản – di sản vô giá, tài nguyên phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Hội nhập nhưng phải chú trọng tạo được sức đề kháng mạnh mẽ cho di sản; bảo tồn vững chắc; giữ được bản sắc – bản lĩnh dân tộc; đồng thời tạo được sự phát huy bền vững, phát triển kinh tế, tránh được tối đa những hạn chế, sai lầm. Bởi như chúng ta đã biết, sự sai lầm, mất mát về kinh tế, chúng ta có thể làm lại, bù đắp, mua lại được nhưng về di sản văn hóa – thiên nhiên thì khó có thể làm lại được, thậm chí có bao nhiêu tiền cũng không mua được.

          Thực tế, trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương hiện có hơn 60 khu di sản đô thị là di sản thế giới, phân bố hầu hết ở các nước đang phát triển, đang chịu áp lực của sự hội nhập, đô thị hóa và du lịch ồ ạt và phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn cơ bản:  Làm thế nào để có thể duy trì những chức năng của một đô thị/thành phố di sản thế giới đương thời mà không bị ảnh hưởng một cách tiêu cực đến các yếu tố mang tính “Giá trị nổi bật toàn cầu”? Và làm sao “bảo tồn” mà vẫn phát huy/ phát triển bền vững quả là bài toán vô cùng khó. Bởi như nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “Toàn cầu hóa bằng ba từ: nóng, phẳng và chậm – bao hàm cả nhận thức, cách ứng xử và cảnh báo nguy cơ. Đó chính là bản chất của quá trình phát triển hiện đại mà mỗi quốc gia, trên cơ sở đó và tùy vào thực tiễn của mình, phải lựa chọn cho mình một cách phát triển phù hợp…”. Tại hội nghị kiến trúc sư Châu Á lần thứ 32 đã đặt ra 10 vần đề cho các nhà quản lý, bảo tồn Di sản đô thị Châu Á trong nhiều thế kỷ XXI đó là: Việc thiết kế sao cho tương hợp với sự thay đổi của đô thị; Nghiên cứu đa ngành; Hợp tác nhóm; Cân bằng âm dương trong đô thị; Xử lý mật độ đô thị với chất lượng cao; Bảo vệ môi trường; Chiến lược phát triển và tái phát triển; Bản sắc và sinh hoạt đô thị; Chia sẻ lợi ích đô thị; Tạo động lực tự nhiên cho phát triển đô thị… Và vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để các Di sản đô thị phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa kiến trúc mang bản sắc riêng của địa phương. Theo kiến trúc sư Richard Hawkins (Vương quốc Anh): “Một thành phố sống tốt phải như một cơ thể sống, có khả năng phát triển và chuyển đổi – với dòng chảy năng động của người dân, của năng lượng, không khí và nước, dòng tiền, thông tin và kiến thức”.

          Nói đến phát triển và phát triển bền vững không chỉ là tăng tài sản hay các chỉ số thu nhập mà còn là vấn đề cải thiện cuộc sống của đại bộ phận người dân, là những vần đề về an ninh xã hội, an ninh kinh tế. Đó là chất lượng cuộc sống của con người mà ở đó là khả năng tiếp cận tới giáo dục, y tế, cơ hội việc làm, sự sẵn có của không khí trong lành và cuộc sống an toàn… Theo Báo cáo phát triển con người 1996 do chương trình phát triển Liên Hợp Quốc xuất bản, “phát triển con người là mục đích cuối cùng, tăng trưởng kinh tế là phương tiện”. Đúng là phát triển kinh tế, thông qua việc làm tăng tổng tài sản quốc gia, cũng làm tăng khả năng giảm nghèo và giải quyết các vần đề xã hội khác. Nhưng lịch sử cũng cho thấy nhiều ví dụ về việc tăng trưởng kinh tế không đi cùng với bước tiến tương tự trong phát triển con người”. Thay vào đó, đạt được tăng trưởng kinh tế với cái giá phải trả là tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, thất nghiệp cao hơn, nền dân chủ yếu kém hơn, đánh mất bản sắc văn hóa hoặc tiêu dùng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho thế hệ tương lai, kiểu tăng trưởng này chắc chắn sẽ không bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải liên tục được nuôi dưỡng thông qua những thành quả phát triển con người. Theo định nghĩa của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc thì phát triển là bền vững nếu có “đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không gây hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Tại hội nghị kiến trúc sư Châu Á lần thứ 32, các đại biểu tham dự thống nhất cho rằng: “Các đô thị Châu Á cần phải có bản sắc văn hóa đặc trưng, thân thiện với con người, với môi trường, tiết kiệm năng lượng và an toàn trước hiểm họa thiên nhiên… cùng nhau tìm ra những giải pháp trong dự báo, thiết kế, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị để thích ứng trước các biến động phức tạp, trong đó có biển đổi khí hậu – để đô thị các nước Châu Á phát triển bền vững và giàu bản sắc…”

          Ở Hội An, thật may mắn, tự hào cho hôm nay và các thề hệ mai sau là các lớp tiền nhân đã sáng tạo, để lại một di sản văn hóa vô giá – đó là quần thể di tích kiến trúc đô thị cổ - Di sản văn hóa thế giới gắn quyện với những giá trị văn hóa phi vật thể, làng quê, làng nghề truyền thống phong phú, độc đáo; Thiên nhiên cũng ban tặng cho nhân dân Hội An một môi trường, hệ sinh thái: sông – nước – biển – đảo với nhiều điểm kỳ thú, hấp dẫn – Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Theo các nhà sử học quốc tế: Hội An là một trường hợp mẫu hình tiêu biểu về lịch sử hình thành, phát triển đô thị ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bởi do xuất phát từ vai trò trung tâm, vị thế địa lý – lịch sử, là kết quả của sự gắn kết độc đáo, tất yếu giữa những yếu tố lịch sử phát triển trong nước với nhu cầu thị trường trên con đường “Tơ lụa – hương liệu – gốm sứ…” trên biển giữa phương Đông và phương Tây. Hơn nữa, cho đến nay Di sản đô thị Hội An vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn về cảnh quan, không gia kiến trúc và là nơi người dân vẫn sống cuộc sống đời thường ngay trong di sản với những phong tục, tập quán, nếp ứng xử, ẩm thực, sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được giữ gìn. Đúng như đánh giá của tổ chức UNESCO khi ghi danh Hội An vào Di sản Văn hóa thế giới ngày 4/12/1999: Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; là một điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn tốt. Nét độc đáo của Đô thị lịch sử, văn hóa Hội An hay Độ thị sinh thái Hội An chính là phải hiểu theo góc độ sinh thái – nhân văn. Nó khác hẳn với hệ sinh thái Nha Trang – Khánh Hòa, hệ sinh thái Đà Lạt – Lâm Đồng; cả hệ sinh thái – nhân văn Huế, Tràng An – Ninh Bình và các đô thị khác ở Việt Nam và cả trong khu vực. Nhiều chuyên gia về kinh tế du lịch thế giới cho rằng: hiếm có nơi nào trên thế giới trong phạm vi diện tích không lớn (hơn 60km2, bán kính khoảng 5 đến 10 km) mà có đầy đủ mọi tiềm năng – thế mạnh, tài nguyên du lịch như ở Hội An (gồm: Tài nguyên nhân văn – Di sản đô thị - Di sản Văn hóa thế giới, làng quê – làng nghề truyền thống; Tài nguyên sinh thái biển – đảo – sông nước… Khu dự trữ sinh quyển thế giới…). Ở đây, thực chất là sự gắn kết độc đáo trên một thể thống nhất không thể tách rời giữa lõi văn hóa – nhân văn và lõi sinh thái -  tự nhiên trong tiến trình tất yếu của đô thị hóa, hội nhập toàn cầu và phát triển du lịch.

           Với những lợi thế so sánh vượt trội về tiềm năng di sản văn hóa, thiên nhiên này, trong những năm qua hoạt động bảo tồn di sản, hội nhập và phát triển kinh tế du lịch ở Hội An đã đạt được những thành tựu to lớn. Như một nhà nghiên cứu nhận xét: “Hội An đã trở thành một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa, thiên nhiên và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch”. Đặc biệt, năm 2017 các chỉ số đạt được về kinh tế, du lịch với tốc độ phát triển cao, khá ngoại mục, đóng góp cho sự tăng trưởng chung về kinh tế của thành phố, giải quyết được nhiều lao động, việc làm và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Hơn nữa đã đóng góp rất lớn từ nguồn thu cho sự nghiệp bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi phát huy các giá trị của di sản văn hóa, thiên nhiên.

           Tuy nhiên, sau một chặng đường bảo tồn, hội nhập và phát triển, chúng ta cũng cần phải tĩnh tâm nhìn lại về mặt nhận thức và cả trên thực tiễn về những vấn đề mà các đô thị/ thành phố di sản nói chung ở Châu Á Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Trước hết, có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay ở Hội An đang diễn ra một sự hội nhập (dân cư, kinh tế, văn hóa) mạnh mẽ theo xu hướng phát triển kinh tế văn hóa du lịch – dịch vụ - thương mại quốc tế trên nền tảng Di sản văn hóa và thiên nhiên. Diễn trình này đang đặt ra những vần đề lớn mà Hội An phải đối mặt, cần tập trung giải quyết đó là về cơ sở hạ tầng, cơ cấu xã hội, quy mô, kết cấu dân cư, thiết chế văn hóa, hành chính của một đô thị - nông thôn vốn mang tính truyền thống, lịch sử - văn hóa, vừa phải gắn với hội nhập và phát triển theo xu hướng du lịch – dịch vụ quốc tế. Đồng thời phải đảm bảo tối ưu nguyên tắc bảo tồn tính chân xác. Về góc độ không gian quản lý và phát triển ở đây không chỉ là phạm vi khu phố cổ - Di sản Văn hóa thế giới mà phải đảm bảo tối ưu nguyên tắc bảo tồn tính chân xác. Về góc độ không gian quản lý và phát triển ở đây không chỉ là trong phạm vi Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới mà phải bao gồm cả một tổng thể cảnh quan sông nước, biển – đảo, làng quê, làng nghề truyền thống; cả vùng di sản văn hóa đô thị và nông thôn. Trong đó phải tính đến cả yếu tố liên kết bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế du lịch trong vùng và khu vực. Ngoài việc phải giải quyết những vấn đề nêu trên, sự hội nhập – biến động dân cư tăng cơ học khá nhanh, đã làm thay đổi thành phần dân cư, chủ thể ngay trong các ngôi nhà di sản – không gian kiến trúc Khu phố cổ. Yếu tố này làm tác động mạnh mẽ đến những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng, nổi bậc toàn cầu của Hội An (đó là nếp sống, ứng sử, ẩm thực, phong tục tập quán… của con người Hội An gắn kết trong quần thể di tích/ giá trị văn hóa vật thể). Mặt khác, lượng khách tăng nhanh, tăng cao dẫn đến bất cập trong quản lý các hoạt động dịch vụ thiếu khả năng, điều kiện phục vụ du khách; hạ tầng du lịch không theo kịp, giao thông quá tải… dễ xảy ra sự ồn ào, nhiều hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng xấu đến du khách đến tính bền vững của du lịch. Thậm chí nhiều du khách đến với khu phố cổ Hội An chỉ thấy đông người qua  - lại. Du khách khó cảm nhận được giá trị lịch sử văn hóa và vẻ đẹp tuyệt tác của các công trình kiến trúc, của quần thể Khu phố cổ. Ở đây đang thiếu hẳn không gian, sự tĩnh lặng cho du khách để cảm nhận? cũng chính là thiếu sự bền vững cho du lịch văn hóa?

           Đi cùng với biến động dân cư, áp lực phát triển du lịch, đô thị hóa là sự bất cập về quy hoạch chung (về phát triển đô thị - nông thôn, giao thông, các thiết chế hạ tầng…); các quy định, quy chế quản lý về: kiến trúc, xây dựng, hoạt động xã hội, văn hóa…; các quy hoạch chuyên ngành về giáo dục, văn hóa, du lịch, thể thao; bảo tồn di sản… đều không theo kịp với tốc độ phát triển… Nhiều vấn đề về văn hóa – xã hội, an ninh, trật tự - an toàn xã hội, dân cư đang đặt ra bức xúc, cần phải có giải pháp khắc phục kịp thời… Riêng trong khu phố cổ hiện nay có 6 quy chế/quy định (về: quản lý, bảo tồn, sử dụng, di tích; sản xuất, trật tự kinh doanh; hoạt động quảng cáo; hoạt động tham quan du lịch; hoạt động vận chuyển khách; phối hợp quản lý) nhưng đã có nhiều điều bất cập và tất cả đã đến lúc đều không đảm bảo tính pháp lý. Ngay cả các luật định, nghị định của nhà nước, của chính phủ khi áp dụng vào Hội An cũng rất nhiều bất cập. Bởi Hội An là di sản có người dân đang sống sở hữu và hoạt động kinh tế. Các hoạt động văn hóa lễ hội, tổ chức sự kiện văn hóa – du lịch, hoạt động ngoại giao văn hóa và quảng bá văn hóa – du lịch những năm qua tuy đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng tính xã hội hóa chưa cao; còn thiếu tính chủ động.

           Một bất cập đáng quan tâm nữa là về nguồn nhân lực. Hội An muốn đi lên, hội nhập và phát triển kinh tế du lịch bền vững từ tài nguyên văn hóa – nhân văn và tài nguyên thiên nhiên – hệ sinh thái/ đa dạng sinh học không thể không quan tâm đến nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Đặt vấn đề này khi nhìn lại nguồn nhân lực – tức là lực lượng cán bộ chuyên ngành văn hóa nói chung và có chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, du lịch nói riêng của Hội An hiện nay, nếu không được quan tâm đầu tư, có chính sách thích hợp, vượt qua rào cản của cấp huyện thị chắc chắn sẽ thiếu cán bộ có chuyên môn để làm việc, nhất là ở cấp xã/phường. Trong khi bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thiên nhiên là một ngành khoa học trong khái niệm chung về “bảo tồn và phát triển”, nghĩa là bảo tồn cái gì và phát triển như thế nào quả là vấn đề không dể nhận thức và cũng không dể để thống nhất. Hơn nữa, nói về nguồn nhân lực không phải chỉ là những cán bộ chuyên môn trong các cơ quan quản lý nhà nước, ở các đơn vị sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản mà ở ngay lực lượng thợ mộc, thợ nề, người lợp ngói âm dương… (hay nói một cách khác đó là những người thợ có tay nghề thực thi công việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích) cũng đang thiếu trầm trọng, người biết làm chứ chưa nói là giỏi nghề. Nghề này đòi hỏi tay nghề cao, khó học, trong khi lương cũng không hơn gì công việc khác, nên ít ai theo làm. Các kiến trúc sư, kỹ sư tư vấn thiết kế sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, phục hồi hay giám sát các công trình di tích vốn đã hiếm (bởi những quy định chuyên ngành) mà có cũng không mặn mà với công việc này, vì yêu cầu về hồ sơ và trách nhiệm thì quá cao, nhưng thù lao so với giá trị kinh phí được hưởng không tương xứng, nên hiện nay rất ít người làm/ nhận tư vấn. Ngay cả các đơn vị thi công cũng rất ít đơn vị muốn nhận thi công công trình, vì khó làm, chi phí nhân công thấp so với tính chất công việc, mà muốn nhận cũng không có thợ để làm. Việc truyền nghề thủ công truyền thống, chuyển giao nghề cho thế hệ trẻ (trong các làng nghề), nghệ thuật – diễn xướng dân gian cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không tìm ra người để đào tạo/ truyền nghề? Trong thời đại hội nhập những cán bộ ngành văn hóa – quản lý bảo tồn di sản phần lớn khả năng ngoại ngữ lại kém, ngược lại những anh chị có trình độ ngoại ngữ lại ít tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nhưng họ lại là người có “đủ điều kiện” hoạt động trên lĩnh vực du lịch văn hóa. Nhiều năm qua các anh chị phóng viên báo/đài cũng luôn theo sát phản ánh thực trạng này với các tiêu đề: Tìm người làm văn hóa; Lo tìm truyền nhân, Áp lực lên di sản; Di sản và những nỗi lo… xoay quanh những câu chuyện, những vấn đề về nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa vững chắc (cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) và phát triển du lịch bền vững.

          Chắc chắn chỉ số về doanh thu, về thu nhập và cả về số lượng du khách đến với Hội An chưa hẳn là chỉ số phát triển bền vững. Còn đó những vấn đề bất cập: Thiếu cơ sở hạ tầng, điều kiện phục vụ du khách, thiếu nguồn nhân lực và cả về định hướng quy hoạch, nguồn vốn đầu tư, quy chế quản lý, cơ chế chính sách, biện pháp chế tài… thì nỗi lo mất – còn của di sản văn hóa; sự phát triển bền vững của du lịch vẫn luôn là vấn đề đáng quan tâm? Bởi kinh nghiệm có những di sản – địa điểm du lịch nổi tiếng du khách từng chen chân nhưng rồi thưa dần – vắng khách? Nên chăng, cần sớm có giải pháp kịp thời, thích ứng để sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, thiên nhiên, hội nhập và phát triển thực sự hiệu quả, vững bền. Và cũng xuất phát từ những yếu tố đặc thù và thực trạng nêu trên, đã đến lúc Hội An cấp thiết đòi hỏi cần có một cơ chế quản lý vận hành thích ứng, đặc thù để bảo tồn và phát triển bền vững. Điều này từ hơn 400 năm trước, các Chúa Nguyễn (bắt đầu từ 1602 bởi Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng) đã làm, tức là đặt Faifo – Hội An dưới sự quản lý, phát triển kinh tế bằng những chủ trương, chính sách “cơ chế đặc thù”, có ý nghĩa như một “đặc khu kinh tế” (thậm chí sau này, Hội An vẫn tiếp tục được hưởng một số ưu đãi trong thời kỳ các vua triều nhà Nguyễn và cả thời kỳ Pháp thuộc).

Tác giả: Ths. Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây