Người Việt trong sáng tạo chữ Quốc ngữ

Thứ hai - 14/05/2018 03:27
Trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ, ngay từ lúc phôi thai (khoảng đầu thế kỷ 17), người Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao vào cuộc cách mạng chữ viết này.
images1429648 2A1

Giáo sĩ Francisco de Pina.
 
          Không phải đợi đến khi chữ Quốc ngữ hình thành người Việt mới tham gia để cải tiến và hoàn thiện mà ngay buổi đầu họ đã có những đóng góp âm thầm mà vô cùng quan trọng để sáng tạo chữ Quốc ngữ chứ nó không phải là công trình riêng của các giáo sĩ người Âu. Trong buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, có hai nhóm người Việt đã hợp tác với Francisco de Pina và các giáo sĩ phương tây để La tinh hóa tiếng Việt.

          Các giáo dân trẻ

        Đó là các thanh niên giáo dân ở các nhà đạo, các nhà thờ Thiên chúa giáo. Những người trẻ này phải học tiếng Bồ Đào Nha, phải đọc và viết thông thạo để làm thông ngôn cho các giáo sĩ trong việc giảng đạo và trong các cuộc tranh cãi. Roland Jacques cho rằng: “Khi đã học văn tự Bồ Đào Nha các trò trẻ nhanh chóng đem lại sự đóng góp thực sự cho việc phiên âm theo chữ La tinh những văn bản mới của kho tàng văn học Việt Nam. Họ cũng đóng góp vào công việc hệ thống hóa chính cách phiên âm dẫn đến chữ Quốc ngữ” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, Nxb  KHXH, 2007).

         Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phê rô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Ki tô giáo, có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Kiến thức uyên bác về chữ Hán của Phê rô đã giúp ích rất nhiều cho Pina trong công việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Roland Jacques).

         Năm 1622, Pina đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của tiếng Việt và đang nghiên cứu ngữ pháp. Ông đã làm được một tuyển tập để cung cấp các trích dẫn nhằm củng cố nghĩa của các từ và các quy tắc ngữ pháp. Kết quả đó, Pina đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam quy tụ chung quanh ông (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học).
 
images1429645 2A2

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

         Alexandre de Rhodes cũng được một cậu bé ở Thanh Chiêm giúp đỡ học tiếng Việt một cách đắc lực. Cậu bé này sau được đào luyện trở thành thầy giảng tên là Raphael Rhodes. Trong ba tuần lễ cậu đã dạy cho ông các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. A. de Rhodes kể lại: “Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực tế cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha… Cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi” (Hành trình và truyền giáo, Alexandre de Rhodes, bản dịch của Hồng Nhuệ, Ủy ban Đoàn kết công giáo TP.Hồ Chí Minh, 1994).

          Các trí thức

         Đó là các thầy đồ, các nhà sư, các đạo trưởng..., những tinh hoa của xứ Đàng Trong từ Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa đến Bình Định, Phú Yên, khắp nơi đã hội tụ về Dinh Chiêm. Họ là những cộng tác viên đắc lực của Pina trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.

         Trước hết là các thầy đồ. Đó là các nho sĩ có trình độ học vấn cao, am hiểu các kinh sách của Nho học, dạy chữ Nho theo phương pháp truyền thống. Pina ao ước được học chữ Nho với một thầy đồ để nắm chắc được các chữ tượng hình hầu có thể hiểu được toàn bộ khối văn học mà không cần trung gian. Nhưng rất tiếc là ông không thực hiện được.

         Chung quanh các nhà truyền giáo còn có các đạo trưởng, các nhà sư, nhất là khi họ đã cải theo đạo Thiên chúa. Pina mong muốn có thể sử dụng ảnh hưởng và tài năng của họ để phục vụ cho đạo Chúa. Ông cũng có thể sử dụng họ để hoàn chỉnh kiến thức ngôn ngữ của chính ông, nhất là về thuật ngữ tôn giáo và để cải thiện cách tiếp cận trong các tranh luận về tôn giáo, trong đó việc làm chủ ngôn ngữ một cách hoàn hảo là công cụ làm việc không thể thiếu được (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học).

        Các nhà sư là những người có trình độ học vấn khá cao, có thể đọc các văn bản và tài liệu tra cứu. Chính họ đã giúp cho Pina rất nhiều khi ông tập hợp các tư liệu văn học để soạn cuốn ngữ pháp. Ông phải nhờ những người thông thạo chữ Hán và chữ Nôm đọc và viết các từ ngữ để phiên các văn bản này ra chữ cái La tinh. Pina viết: “Dù con đã tập hợp các truyện thuộc các loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của các tác giả nhằm củng cố nghĩa của các từ và các quy tắc ngữ pháp, cho đến bây giờ con phải nhờ ai đó đọc các từ đó cho con”.

         Người Việt “đồng sáng tạo” chữ Quốc ngữ

       Những người Việt cũng đã giúp rất nhiều cho A. de Rhodes khi ông viết cuốn sách giáo lý “Phép giảng tám ngày”. Đọc tác phẩm này ta thấy ông sử dụng nhiều từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt như: lộn lạo, láo nháo, đơm (thêm), trời che đất chở, sống gửi thác về, dây bền khả buộc sừng trâu, ba năm bú mớm, chín tháng cưu mang, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn... chứng tỏ đã có những người Việt hợp tác với ông để soạn sách vì nếu không có họ thì làm sao một người nước ngoài mới học tiếng mà có thể vận dụng ngôn ngữ Việt một cách thành thạo như thế.

          Trong lời tựa của cuốn từ điển Việt - Bồ - La, A. de Rhodes cũng nói đến sự đóng góp của những người Việt vào công trình này: “Tuy nhiên trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô sinh (Đàng Trong) và Đông Kinh (Đàng Ngoài)” (A. d. Rhodes, Từ điển An Nam - Lustian - La tinh, bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb KHXH 1991).

        Ngoài ra trong thời kỳ này còn có tài liệu của 14 giáo dân Việt Nam ghi bằng chữ Quốc ngữ, tán đồng ý nghĩa mô thức rửa tội, do 31 linh mục Dòng Tên thảo luận ở Viện Thần học tại Áo Môn năm 1645. Tài liệu đã cho chúng ta thấy sự đóng góp của người Việt Nam trong tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.

         Trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh, Pina và các đồng huynh đã tập hợp được các cộng tác viên người Việt có chất lượng cao để sáng tạo một thứ chữ viết mới - chữ Quốc ngữ. Họ đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc cách mạng chữ viết này mà nếu “không có họ, mọi công trình ngôn ngữ học nghiêm túc không thể hoàn thành được” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học).

 

Tác giả: Châu Yến Loan

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây