Để giữ gìn những giá trị của khu phố cổ được bảo tồn toàn vẹn như ngày hôm nay, ngay từ những năm 1985, khi giá trị khu phố cổ Hội An được quan tâm, chính quyền địa phương đã xây dựng quy chế tạm thời, đồng thời việc xác định và khoanh vùng khu vực bảo vệ khu phố cổ, khảo sát, đánh giá phân loại di tích cũng được thực hiện nhằm quản lý và bảo tồn các giá trị kiến trúc của khu phố cổ. Trong đó, khu vực bảo vệ I với 1117 di tích (bảo tồn nguyên trạng) khoảng 3,5 ha thuộc ba phường Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong, khu vực bảo vệ IIA và IIB (bảo tồn cảnh quan) thuộc các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong và Cẩm Nam. Việc đầu tư tu bổ thuộc nguồn ngân sách Nhà nước cũng được quan tâm ngay từ sau khi Hội An được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, cho đến nay có đến 224 di tích được triển khai thực hiện. Các di tích được tu bổ từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm được thực hiện góp phần lớn cho việc chống xuống cấp các di tích, loại bỏ được các di tích xuống cấp ra khỏi danh mục có nguy cơ sụp đổ. Bên cạnh đó, các dự án tôn tạo cơ sở hạ tầng từ nguồn ngân sách Tỉnh và Trung ương cũng được triển khai thực hiện góp phần đảm bảo tính bền vững hơn cho khu phố cổ Hội An như dự án tôn tạo cơ sở hạ tầng, dự án ngầm hóa điện sinh hoạt và chiếu sáng, dự án lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, dự án kè chống sạt lở cho khu phố cổ… Với đặc trưng riêng là khu Di sản sống, xác định với hơn 90% di tích trong khu phố cổ Hội An thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Vì vậy, việc bảo tồn khu phố cổ không chỉ là từ chính quyền địa phương mà phải xuất phát từ người dân, là những người sở hữu di tích, hưởng lợi từ chính di tích của họ, do đó trách nhiệm đóng góp trong việc bảo tồn di sản của người dân cần phải được phát huy, bằng nhiều hình thức vận động, tuyên truyền. Trong thời gian qua việc đóng góp trong công tác bảo tồn của người dân là đáng nghi nhận với 1494 giấy phép tu bổ, sửa chữa di tích được cấp từ chính quyền địa phương, điều này đã phát huy được sức mạnh cộng đồng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích và nâng cao ý thức bảo vệ di sản, góp phần lớn cho công tác bảo tồn di sản Hội An.
Công tác bảo tồn phải đi đôi với việc phát huy giá trị, vì vậy việc xây dựng phương án phát huy các giá trị di tích trong khu phố cổ trong thời gian qua cũng đã được các ngành chức năng và Thành phố quan tâm, các di tích được tổ chức thành những điểm tham quan, mua sắm cho du khách, các di tích thuộc sở hữu nhà nước, sau khi tu bổ, các ngôi nhà được tái sử dụng làm các bảo tàng chuyên đề, nhà triển lãm, và biểu diễn nghệ thuật cổ truyền làm điểm tham quan cho du khách, nhiều ngôi nhà cho thuê kinh doanh lấy kinh phí tái đầu tư cho công tác bảo tồn, các di tích tư nhân - tập thể, nhiều ngôi nhà có giá trị lịch sử - kiến trúc được sử dụng làm điểm tham quan cho du khách như nhà cổ Tấn Ký, Quân Thắng, Phùng Hưng, các hội quán người Hoa như Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông, Triều Châu…, từ đó chủ nhà được hưởng lợi từ di sản của mình, các ngôi nhà khác không nằm trong điểm tham quan cũng trở thành cửa hàng, cửa hiệu buôn bán. Thực trạng các di tích sử dụng cho mục đích kinh doanh, buôn bán tăng rõ từ năm 1999 đến nay điều này mang lại nguồn thu lớn phục vụ kinh tế - xã hội địa phương, giúp đời sống người dân ổn định. Việc khai thác, phát huy giá trị các di tích trong khu phố cổ đã góp phần thu hút lượng khách đến Hội An ngày càng tăng và trở thành nguồn thu lớn để phát triển kinh tế của địa phương.
Mặc dù Hội An đã đạt được những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng Di sản vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức, đó là tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch…, điều này sẽ tác động mạnh lên tính toàn vẹn, chân xác, giá trị văn hóa và cảnh quan khu phố cổ… Ngoài ra, Hội An còn đứng trước các nguy cơ cháy, nổ do hoạt động quá tải bởi các dịch vụ cho du lịch, những áp lực của vấn đề dân số và thành phần dân cư trong khu phố cổ là mặt trái của tốc độ phát triển du lịch cũng là những vấn đề đặt ra hiện nay cho khu phố cổ Hội An.
Theo số liệu thống kê hàng năm về tình hình sai phạm trong công tác tu bổ di tích có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Những sai phạm chủ yếu rơi vào các trường hợp: tu bổ không có giấy phép, tu bổ không đúng theo giấy phép được cấp hoặc vi phạm nguyên tắc tu bổ di tích. Các di tích thuộc diện buộc UBND Thành phố phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phần lớn do việc khắc phục các hành vi sai phạm chậm so với quy định, ý thức giữ gìn di tích chưa cao, cố tình làm trái với quy định. Tình trạng lén lút sửa chữa di tích không phù hợp với nguyên tắc bảo tồn vẫn còn. Việc sai phạm trong tu bổ di tích của người dân thường mắc phải như: sai phạm dẫn đến sự thay đổi diện mạo, hình thức kiến trúc, các cấu kiện cấu thành di tích, sự thay đổi về không gian, chức năng bên trong và cảnh quan xung quanh di tích, sai phạm trong việc sử dụng vật liệu, chất liệu trong công tác tu bổ di tích, sai phạm về phương pháp và kỹ thuật trong quá trình tu bổ di tích, sai phạm dẫn đến sự biến đổi về không gian công cộng và cảnh quan chung khu phố cổ… Bên cạnh đó việc sử dụng di tích của người dân hoặc những người thuê nhà kinh doanh, buôn bán vẫn còn nhiều hạn chế, không theo quy định quản lý của khu phố cổ phổ biến là có sự can thiệp cải tạo không gian làm ảnh hưởng đến không gian truyền thống di tích và cảnh quan khu phố cổ. Qua khảo sát các di tích thuộc các tuyến đường chính trong khu phố cổ, chúng tôi nhận thấy các không gian bên trong di tích (đặc biệt là không gian nếp nhà trước di tích) phần lớn đã được chủ di tích hoặc người thuê mặt bằng kinh doanh đã cải tạo, trang trí, trưng bày hàng hóa và sử dụng không phù hợp với các quy định cũng như không gian và cảnh quan khu vực I khu phố cổ, đó là:
- Sử dụng các loại vật liệu hiện đại, dễ cháy trang trí, trưng bày bên trong di tích. Hình thức trưng bày, trang trí hiện đại, không phù hợp với không gian di tích.
- Thiết bị chiếu sáng nhiều màu sắc, cường độ, mật độ cao, hình thức trang trí hiện đại.
- Các vật dụng, thiết bị sử dụng trưng bày hàng hóa có hình thức hiện đại, không đúng quy cách, màu sắc quy định, che chắn hầu hết không gian của di tích.
- Cải tạo nội thất (tháo dỡ một phần, xây dựng thêm các chi tiết bên trong di tích) làm thay đổi yếu tố gốc của di tích.
- Sử dụng các loại vật liệu che chắn các không gian sân trời biến nơi này trở thành không gian kinh doanh theo mục đích của chủ di tích (người thuê).
Tháo dỡ các hệ cửa, vách ngăn là một bộ phận không tách rời của di tích để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh.
Việc khai thác di sản quá mức, sự thiếu ý thức của người dân trong sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán và sử dụng di tích trong khu phố cổ cũng đã làm mất mỹ quan chung cho đô thị, trong đó đặc biệt quan tâm đến các vấn đề trưng bày hàng hoá, lắp đặt các thiết bị phục vụ sinh hoạt, che chắn, phơi phóng tại các vị trí mặt tiền di tích, việc lắp đặt biển hiệu, quảng cáo không đúng quy định. Số lượng các hàng quán vỉa hè, gách hàng rong tăng đột biến khiến khu phố cổ trở nên quá tải và xô bồ cũng như việc xắp xếp không theo đề án buôn bán dẫn đến mất cảnh quan và hình ảnh chung.
Sự chuyển hóa các không gian sống trong từng di tích cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi nếp sống, giá trị văn hóa ứng xử trong từng ngôi nhà trong khu phố cổ, đó là hệ quả của việc các cửa hàng, cửa hiệu phát triển nhanh và ào ạt dẫn đến sự thay đổi, biến dạng không gian và công năng sử dụng của ngôi nhà. Thay vì trước đây các ngôi nhà tồn tại một hoặc vài thế hệ sống trong đó với không gian thờ tự, sinh hoạt, bếp…, dành một phần không gian phía trước để buôn bán nhỏ, thì nay toàn bộ không gian chỉ để phục vụ cho mục đích kinh doanh, các không gian truyền thống bị tháo dỡ hoặc thu nhỏ.
Nếp sống và văn hóa truyền thống trong khu phố cổ sẽ thay đổi khi các cửa hàng, cửa hiệu truyền thống dần bị xóa bỏ hoặc di chuyển ra bên ngoài khu phố cổ hay việc chuyển nhượng hoặc cho thuê toàn bộ ngôi nhà và chuyển ra sống ở khu vực bên ngoài khu phố cổ của những gia đình nhiều thế hệ, thay vào đó là những người ở nơi khác đến sẽ làm mất dần những giá trị phi vật thể, cách ứng xử, giá trị văn hóa trong tộc họ, gia đình…. của cộng đồng dân cư trong phố cổ.
Di sản văn hóa được xem như là nguồn “tài nguyên xã hội”, bản thân nó chứa đựng những giá trị văn hóa - tinh thần và giá trị kinh tế - vật chất, những lợi ích từ việc khai thác giá trị di sản văn hóa phải được cân nhắc, không chỉ vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi, khai thác một cách bừa bãi, thiếu có kiểm soát. Giữ gìn di sản văn hóa trước hết là vì cộng đồng dân cư, vì đó là tài sản văn hóa của cộng đồng. Vì vậy, việc bảo tồn trước hết là trách nhiệm chung của cộng đồng, phải xuất phát từ ý thức của cộng đồng, với ý nghĩ giữ gìn di sản nói chung và di sản Hội An nói riêng trước hết vì con người sống trong di sản chứ không phải chỉ vì bản thân di sản, nếu chúng ta không hiểu biết giá trị của nó thì không thể bảo vệ di sản. Bảo tồn những giá trị di sản có nghĩa là chúng ta đang xây dựng và làm sống lại một không gian sống với những giá trị chiều sâu ký ức của bản thân nó, chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều hơn những giá trị tinh thần của các thế hệ đi trước là những giá trị văn hóa vô giá, giúp chúng ta sống tốt hơn cho cuộc sống hôm nay.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền