Cao Bá Quát với Hội An, Quảng Nam

Chủ nhật - 20/05/2018 22:30
Trên văn đàn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX nói riêng, trong suốt chiều dài văn học sử nước nhà nói chung, Cao Bá Quát là một gương mặt có ấn tượng sâu sắc và khác thường. Sâu sắc, khác thường bởi cuộc đời và bởi những sáng tác. Cuộc đời thì tài hoa nhưng thăng trầm và có kết cục bi thảm. Còn thơ văn thì nổi tiếng “Thần siêu, thánh Quát” với những tác phẩm đóng dấu son rực rỡ cho văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, đến nỗi một người khó tính như vua Tự Đức đã phải hạ bút: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán…”. Trong số đó, có những tác phẩm viết về Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng, Quảng Nam.
           Cao Bá Quát (1808 - 1855) tự là Mẫn Hiên, hiệu Cúc Đường, Chu Thần người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, văn hay chữ tốt. Năm 14 tuổi trúng tuyển kỳ thi khảo hạch(1) ở Bắc Ninh. Năm 23 tuổi đỗ Á nguyên tại trường thi Hà Nội nhưng đến khi duyệt quyển bộ Lễ đánh xuống đỗ cử nhân hạng cuối. Sau đó ông đi thi Hội nhiều lần nhưng đều bị đánh hỏng. Năm 1841 lúc 31 tuổi nhờ quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, ông được triệu vào kinh để làm hành tẩu bộ Lễ, một chức quan nhỏ và đây cũng là thời điểm bắt đầu những thăng trầm, đúng hơn là những bi kịch của ông trên hoạn lộ đến mức có lúc bị khép tội chết, bị giam cầm, tra tấn do sửa các quyển thi hay nhưng phạm quy, bị đưa đi Dương trình hiệu lực (đi phục vụ hành trình sang Tây Dương, Malacca, Singapore, Indonesia) để lấy công chuộc tội, bị phát vãng đi công cán ở Đà Nẵng, Quảng Nam, đi làm giáo thụ ở Quốc Oai một vùng heo hút hẻo lánh và tham gia khởi nghĩa ở Mỹ Lương năm 1854 đến nỗi bị tử trận, thủ cấp bị giả nhỏ rải xuống sông để răn chúng, còn gia đình thì bị tru di tam tộc(2).

          Đó là cuộc đời của một văn nhân, một thi sĩ mà di cảo còn lại mặc dù đã bị thu đốt, cấm tàng trữ, lưu hành vẫn lên đến con số 1353 bài thơ, 21 bài văn xuôi, 11 bài ký, 10 truyện truyền kỳ(3), trong đó có những tác phẩm được xem là đỉnh cao của văn học Việt Nam giữa đầu thế kỷ XIX.

         Sinh thời, Cao Bá Quát đến Quảng Nam, Đà Nẵng hai lần và cả hai lần đều ở trong tâm thế của kẻ làm quan bị biếm trục khỏi triều đình trung ương để công cán chuộc tội. Lần thứ nhất là năm 1843 - 1844, sau khi ra tù vì tội chữa quyển thi ông bị phát phối vào Đà Nẵng để chờ ngày xuống tàu đi Hạ Châu(4) và lần thứ 2 vào năm 1847 khi đang làm việc ở viện Hàn Lâm bỗng dưng ông bị phát vãng vào Đà Nẵng, Quảng Nam. Với tâm hồn của một thi sĩ, tuy thời gian lưu lại ngắn và ở trong tình trạng không vui vẻ gì nhưng Cao Bá Quát đã đi lại nhiều nơi ở Quảng Nam - Đà Nẵng từ Hải Vân sơn, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Điện Bàn cho đến Hội An để thăm thú dân tình, thưởng ngoạn cảnh vật. Đến đâu ông cũng để lại những trước tác có giá trị. Thời gian ở Quảng Nam ông đã từng dạy học ở Điện Bàn và có tình cảm gắn bó với mảnh đất này cho nên khi được quay ra Huế ông đã làm bài thơ “Được tha, lại bổ vào viện Hàn lâm, sắp khởi hành, các học trò đến đưa tiễn, theo vần cũ viết lại”, trong đó có những câu thật cảm động:
Níu áo trước làm gió thu, bước đi dùng dằng
Dường như còn ngoảnh đầu lại, tiếc hòn đá ngồi câu bên sông Điện(5)

          Trong rất nhiều giai thoại về ông, có câu chuyện, khi ở Quảng Nam, ông đã đến thăm nhà một cụ đồ địa phương, nghe đâu là thân sinh của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh. Nghe thấy ông văn hay chữ tốt nhiều người đến xin chữ. Một người làm đôi lồng đèn thờ mẹ, đến xin ông câu đối chữ Nôm. Ông cầm bút viết luôn vào lồng đèn.
 
Trước mẹ dạy con, gió chiều nào che chiều nấy, con dạ
Giờ con thờ mẹ, đèn nhà ai nhà nấy rạng, mẹ ơi(6)

          Cái tài tình của câu đối này là sử dụng điêu luyện những thành ngữ phổ biến tại địa phương và khi đọc lên ta biết ngay đó là câu mô tả chiếc lồng đèn. Điều kỳ thú nữa là sau hơn 150 năm, từ chiếc lồng đèn dạo nọ, ngày nay nghề làm lồng đèn đã trở nên cực thịnh ở Hội An. Tuy nhiên, những chiếc lồng đèn có đề những câu đối, câu thơ như Cao Bá Quát thì không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa phổ biến nhằm làm tăng giá trị văn hóa và sức hấp dẫn của sản phẩm này.

          Cao Bá Quát đã đến Hội An, một thương cảng - thành phố buôn bán nhộn nhịp lúc bấy giờ, có lẽ không phải vì công vụ mà để du ngoạn (theo Trần Tình văn của Cao Bá Nhạ thì người chú Cao Bá Quát của mình rất có máu buôn bán). Tại đây ông đã sáng tác nên tác phẩm “Du Hội An phùng Vị Thành ca giả” (Dạo chơi Hội An gặp ca nữ Vị thành) - một viên ngọc quý trong kho tàng thi ca Việt Nam. Bài thơ viết bằng chữ Hán, thể ngũ ngôn bát cú:
 
Cộng thán tương phùng vãn
Tương phùng thị khách trung
Quản huyền kim dạ nguyệt
Hương quốc kỷ thu phong
Lệ tận tôn nhưng lục
Tâm bôi chúc tự hồng
Cựu du phương lạc lạc
Nhất khúc mạc từ chung

           Nhiều tác giả, nhà thơ nổi tiếng đã dịch bài này sang tiếng Việt, trong đó có nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Nguyễn Bội Liên:
Gặp nhau đều tiếc muộn màng
Huống nơi đất khách tình càng đắng cay
Sáo đàn trăng sáng đêm nay
Quê hương đã mấy thu chày xa khơi
Be nồng, lệ đã cạn rồi
Tro lòng nguội, đuốc còn soi sáng hồng
Bạn xưa nay mấy người cùng
Hát cho trọn khúc, đầy cung hẹp gì(7)

           Bài thơ không giấu được tâm trạng u hoài trước thời cuộc, trước hoàn cảnh, nó như điềm báo cho những giông bão sắp xẩy ra trong cuộc đời bất hạnh của nhà thơ tài hoa nhưng mệnh bạc này.

           Đối với Hội An, nhà thơ đã để lại một bài thơ và một giai thoại. Đó là những đóa hoa vừa quý hiếm vừa tuyệt đẹp góp phần tôn vinh bề dày văn hóa của vùng đất Hội An, nơi không chỉ nồi tiếng về hoạt động thương nghiệp ngoại thương mà còn nổi tiếng bởi là nơi lưu dấu của nhiều văn nhân, thi sĩ.

         Cũng cần phải nói rằng, tuy ở trong tâm trạng ưu thời mẫn thế và bất đắc chí nhưng Cao Bá Quát không vì thế mà buông xuôi, trái lại ông có cái nhìn rất mẫn cảm và những dự cảm khác thường. Chính ông cách đây hơn 150 năm đã có dự cảm về hiểm họa xâm lăng đến từ phía biển. Trong bài thơ “Thập ngũ dạ đại phong” (Đêm rằm gió lớn), ông đã viết.
 
Nhất dạ trường phong hãm hải đài
Thuận An môn ngoại lãng như lôi
Thiên thu thiện tác Chu lang khí
Yếu đã Hồng Mao cự hạm hồi
                                                 Dịch nghĩa
Đêm qua sóng biển thét gầm vang
Hải trấn rùng mình - cửa Thuận An
Ngàn thu nộ khí Chu lang vẫn
Đuổi bạt tàu Tây chạy ngút ngàn
                                                                                 (Hoa Dân dịch)

          Cảnh bất công giữa giàu - nghèo, giữa kẻ chiếm đóng và người bản xứ cũng được ông đề cập khá sớm trong bài “Hạ Châu tạp chí”:
Lâu các trùng trùng giáp thủy tân
Tùng âm lương xứ dị hoa xuân
Thiết ly vô tỏa quy xa nhập
Cá cá ô nhân ngự bạch nhân”
                                                   Dịch nghĩa
“Bên sông lầu gác trập trùng
Hoa chi dưới bóng cây từng tốt tươi
Xe về cổng sắt mở rồi
Hầu xe da trắng rặt người da đen
                                                                              (Vị Chữ, Hoa Dân dịch)

            Trong hoàn cảnh bế quan tỏa cảng của triều Nguyễn, trong môi trường học  hành thi cử nặng về tầm chương trích cú của nước nhà ông sớm nhận thấy sự cần thiết phải cải cách lối học từ chương và mở cửa giao lưu với bên ngoài, điều mà sau đó hơn nửa thế kỷ các nhà Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, đã hô hào, cổ súy. Đọc bài thơ sau của Cao Bá Quát chúng ta thấy sự tương đồng đến kỳ lạ giữa Cao Bá Quát và những nhà Duy Tân sau này:
 
Tân Gia(8) từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi
Không đi khắp bốn phương trời
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai(9)
                                                                         (Thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, bản dịch tiếng Việt không rõ tác giả)

          Những bài thơ trên của Cao bá Quát cho đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự cho dù tình hình đất nước, xã hội hôm nay đã khác trước rất xa.
 
 
         Hội An, Quảng Nam là một trong những địa phương đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của Cao Bá Quát và ngược lại chính nhà thơ đã tô điểm cho Hội An, Quảng Nam lung linh, rạng rỡ hơn trong sáng tác của mình. Để cụ thể hóa thực tế này, chúng tôi nghĩ rằng cần làm một tổ hợp nghệ thuật với tỉ lệ như thật (1/1) khắc họa cảnh Cao Bá Quát đang ngồi sáng tác tại một góc phố Hội An. Trên bàn có thể là bài thơ Du Hội An phùng Vị Thành ca giả đang được nhà thơ sáng tác. Du khách, mọi người trong lúc tham quan có thể dừng chân ngồi lại chụp ảnh cùng ông, để được nghe giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cũng như những sáng tác về Hội An, Quảng Nam của nhà thơ tài hoa này. Du khách có thể mua những chiếc lồng đèn có đề câu đối của Cao Bá Quát hoặc những bức thư họa về bài thơ Du Hội An. Một kỷ niệm/trải nghiệm như vậy lẽ nào không hấp dẫn và thú vị. Và đây cũng là cách để chúng ta bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ đối với nhà thơ.       
 
* Ghi chú:
  1. Kỳ thi chọn học trò đi thi Hương.
  2. Một hình phạt thời Phong Kiến là giết sạch ba họ gồm họ cha, họ mẹ, họ vợ (chồng).
  3. Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia.
  4. Địa danh sử dụng vào thế kỷ 19 chỉ các vùng Malacca, Penang, Singapore
  5. Sông Điện Bàn hoặc Vĩnh Điện.
  6. Theo Vũ Ngọc Khánh - Những giai thoại về Cao Bá Quát, Internet.
  7. Nguyễn Bội Liên (1996) - Gió trăng cố quận, NXB Đà Nẵng, trang 8.
  8. Tức Tân gia ba (Singapore).
  9. Những bài thơ này trích từ tác phẩm Thơ Chữ Hán của Cao Bá Quát, nguồn Internet.
 
 
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây