Hoạt động tu bổ di tích ở Hội An trong thời gian qua luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm một cách đặc biệt, được sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế về bảo tồn di tích kiến trúc gỗ, đặc biệt là của các chuyên gia Nhật Bản. Do đó đã được các cơ quan, tổ chức quản lý, bảo tồn di tích trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác bảo tồn di tích ở Hội An hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự xuống cấp hiển nhiên của di tích theo thời gian, tác động của yếu tố tự nhiên, và đặc biệt là áp lực phát triển kinh tế xã hội cùng với những nhu cầu của cuộc sống ngày càng hiện đại... Và tính chân xác trong công tác tu bổ di tích ở Hội An cho đến nay chỉ đạt được ở một mức độ nhất định.
Những khó khăn về vật liệu dùng trong tu bổ di tích ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và tuổi thọ công trình tu bổ. Cấu kiện với chất liệu/vật liệu gốc với kỹ thuật truyền thống phải giữ lại tối đa, tuy nhiên nếu không có phương pháp xử lý hiệu quả, thích hợp đối với các chất liệu/vật liệu gốc vốn đã cũ kỹ, hư hỏng thì việc sử dụng lại các cấu kiện này không đảm bảo an toàn, nhất là đối với các ngôi nhà gỗ có nhiều người sinh hoạt bên trong, vì chỉ sau một thời gian ngắn thì tiếp tục bị xuống cấp và cần phải tu bổ gấp. Với các cấu kiện cần thay thế, chất liệu/vật liệu mới theo kỹ thuật truyền thống buộc phải được sử dụng để thay thế vật liệu/chất liệu cũ/gốc hiện nay rất khó hoặc không có để mua, sử dụng, hơn nữa, nếu có thì chất lượng cũng không tốt, không thật sự đảm bảo so với trước đây, như: ngói âm dương, gạch, gỗ, vữa vôi truyền thống; vật liệu dùng để sơn, quét bảo quản các cấu kiện gỗ như dầu mù u, dầu rái, sơn ta… cũng rất hạn chế sản xuất, sử dụng.
Như vậy các công trình được gọi là tu bổ, tôn tạo, hay phục hồi di tích hiện nay phải sử dụng vật liệu chưa đảm bảo yêu cầu theo đúng nguyên tắc bảo tồn. Về phương pháp, kỹ thuật thi công cũng vậy. Tay nghề của đội ngũ thợ thi công tu bổ vẫn còn hạn chế, rất ít thợ lành nghề, nghệ nhân. Bên cạnh đó, một khó khăn không thể không kể đến đó là nhiều khi có sự không tương hợp giữa nguyện vọng, mục tiêu bảo tồn của cơ quan quản lý, cán bộ bảo tồn với ý muốn của chủ di tích, của người dân bởi họ là người trực tiếp quản lý, sử dụng, sinh sống bên trong những di tích, lợi ích kinh tế của họ gắn chặt với di tích.
Ngoài ra, cơ chế quản lý đầu tư tu bổ di tích hiện nay vẫn đang được áp dụng theo quy trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tương tự như các công trình xây dựng mới, cho nên việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ mang tính khoa học trong tu bổ di tích khó thực hiện. Kinh nghiệm, chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật quản lý tu bổ mặc dù đã được nâng cao khá nhiều nhưng vẫn chưa bắt kịp với những yêu cầu mang tính nguyên tắc về bảo tồn di tích.
Như vậy, với những tồn tại kể trên, di tích sau khi được tu bổ, sửa chữa, dù được hướng dẫn, cấp phép nhưng cũng phần nào bị trẻ hóa và ít nhiều xa lạ với chính cái gốc của nó và với cả khu đô thị di sản. Các di sản kiến trúc luôn phải đối mặt với nguy cơ ngày càng suy giảm giá trị, thậm chí sẽ chỉ như cái hình mẫu không hồn.
Trong những năm qua, thành phố Hội An đã và đang làm những gì tốt nhất trong khả năng, cố gắng tập trung mọi nguồn lực, kêu gọi sự đầu tư trong và ngoài nước để có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân trong công tác tu bổ di tích, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa thật sự trọn vẹn như mong muốn. Để khắc phục một phần nào những hạn chế nêu trên và làm tốt hơn công tác bảo tồn ở Hội An trong thời gian đến, thiết nghĩ cần phải:
- Ưu tiên sử dụng vật liệu truyền thống và phương pháp, kỹ thuật truyền thống trong bảo quản và tu bổ di tích nói chung cũng như các cấu kiện của di tích nói riêng.
- Tăng cường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về di tích để từ đó có phương án bảo quản, tu bổ di tích chính xác, phù hợp.
- Đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu phục vụ công tác tu bổ, như: gỗ xây dựng, các loại sơn phủ truyền thống bảo vệ gỗ như dầu mù u, sơn ta, gạch ngói…
- Có các chính sách phù hợp hơn cho công tác tu bổ, cụ thể là cơ chế quản lý đầu tư tu bổ di tích, định mức tài chình về vật liệu, nhân công, nhất là công nghệ nhân.
- Có chính sách đãi ngộ tốt các nghệ nhân nghề truyền thống như nghệ nhân làm mộc, lợp ngói âm dương, đắp vẽ... Đào tạo và đãi ngộ những người trẻ theo học các nghề truyền thống, trong lĩnh vực bảo tồn.
- Việc dựng nhà bao che để tu bổ di tích thuộc sở hữu tư nhân trong Khu phố cổ khó thực hiện do các ngôi nhà sát vách nhau, không gian chật hẹp, tăng chí phí mà chủ di tích phải trả,... Song, khi tu bổ các di tích sở hữu cộng đồng như đình, lăng, miếu... do nhà nước làm chủ đầu tư, việc dựng nhà bao che di tích cần xem xét thực hiện để có thể giữ gìn, bảo quản các cấu kiện tốt hơn trong suốt quá trình tu bổ.
Hy vọng trong thời gian đến, những vấn đề trao đổi ở trên sẽ được quan tâm một cách đúng mức hơn để công tác bảo tồn di tích ở Hội An có những chuyển biến tích cực mới, góp phần bảo tồn bền vững di sản văn hóa Hội An để chuyển giao cho thế hệ mai sau.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền