Dân y Hội An, một thời hoa lửa

Thứ hai - 14/05/2018 03:19
Năm 1964, phong trào cách mạng ở Hội An phát triển mạnh, ta giành quyền làm chủ nhiều nơi. Thị ủy Hội An chỉ đạo thành lập Ban dân y thị xã để lo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thực hiện nhiệm vụ cứu thương các lực lượng cách mạng. Trên cơ sở đó, bộ khung Ban dân y được hình thành, cấp xã cũng hình thành trạm dân y. Địa bàn đứng chân chủ yếu của Ban dân y Hội An hồi đó là Cẩm Thanh, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), có lúc di chuyển qua Bình Dương (Thăng Bình).

Mỹ đổ quân, chiến tranh càng khốc liệt, địch thường xuyên đưa quân càn quét, máy bay trực thăng lùng sục, nên người thầy thuốc trong chiến tranh cũng không phải chỉ thuần túy làm chuyên môn. Họ vừa lo cứu chữa thương bệnh binh, vừa lo vận chuyển lương thực, thuốc men, kiếm cái ăn cho cả trạm… Đặc biệt, tất cả phải lo đào hầm chống phi pháo, xây dựng hầm phẫu dã chiến, hầm bí mật để ẩn núp và giấu thương binh khi địch càn. Ông Trần Văn Hội - nguyên Trưởng ban Dân y Hội An thời đó kể: “Khi các trận đánh nổ ra, chúng tôi nhờ nhà dân để làm trạm phẫu dã chiến, nhờ nhân dân nuôi giấu thương binh. Nhiều gia đình còn đưa vật liệu, dỡ cả nhà ở để làm công sự. Chúng tôi còn đào các hầm bí mật, như ở Duy Nghĩa hầm giấu thương binh được đào bên vách các bờ ruộng cao, cửa được ngụy trang như vách đất, có địch càn thì đưa thương binh vào đó”.

          Đối với địa phương nằm sâu dưới đồng bằng như Hội An, nguồn thuốc men trên căn cứ chuyển xuống rất ít ỏi nên Ban dân y phải mua từ vùng địch ra. Mỗi lần sắp có chiến dịch, cơ số thuốc cần chuẩn bị rất lớn. May là hệ thống dân vận, binh địch vận ở Hội An làm rất tốt công việc này. Nhờ vậy các trạm thuốc tây ở Hội An giúp bán rất nhiều thứ thuốc thiết yếu. Đặc biệt các bác sĩ Vĩnh Toàn, Trần Hơn đã mua hộ rất nhiều thuốc quý cùng y cụ. Việc chuyển những thứ này lọt qua các trạm kiểm soát dày đặc của địch để ra căn cứ cũng không phải dễ, nhiều người đã bị bắt tra tấn tù đày. “Nhiều lúc thiếu thuốc men trầm trọng, chúng tôi phải học hỏi, vận dụng kiến thức y học dân gian để đáp ứng tình hình. Nghe bà con bảo lấy xác ve khô đốt rồi tán bột rắc lên vết thương sẽ lành, tôi làm theo vậy mà nó lành thật; rồi lấy lá giằng nấu thành cao rửa vết thương cũng rất tốt” - bà Nguyễn Thị Thi, từng là y tá Ban dân y Hội An kể. Không chỉ thuốc men, các loại bông băng cũng rất thiếu, riêng băng sau khi sử dụng được giặt sạch phơi khô để dùng lại nhiều lần.

          Ác liệt là vậy nhưng những thầy thuốc, nhân viên của Ban dân y Hội An đã kiên cường bám trụ, phục vụ chiến đấu, giành lại sự sống cho đồng bào, chiến sĩ. Kết hợp tốt với quân y Tiểu đoàn 2, Thị đội Hội An trong việc tải thương, điều trị thương binh trong các trận đánh vào quận lỵ Hiếu Nhơn, khu công binh Chi Lăng, trận miếu Bà Tuấn, đồn Phước Trạch… Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là những ngày Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Trong ký ức ông Trần Văn Hội, thời chống Mỹ vẫn còn in những hình ảnh sống động. Hội An là chiến trường trọng điểm của tỉnh Quảng Đà. Quân chủ lực có các Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 đánh vào nội thị; khoảng 12.000 quần chúng vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình cùng với Hội An, được huy động cùng tham gia đấu tranh chính trị. Chiến sự nổ ra ác liệt, rồi địch tổ chức phản kích dữ dội, ta phải lui ra vùng ven; bộ đội, dân đấu tranh chính trị bị thương vong nhiều, lại thêm thương binh vùng đông Duy Xuyên chuyển xuống, ngoài Điện Bàn, Hòa Vang theo đường biển chuyển vào, tất cả gần 700 ca thương binh mà Ban dân y Hội An chỉ có 36 người. Trong lúc đó Mỹ ngụy đổ quân bịt hết hành lang vùng giáp ranh căn cứ khiến ta không lui về được. “Các bác sĩ, y sĩ, y tá đã làm việc không kể ngày đêm để giải quyết ca thương. Đồng bào vùng cát Duy Xuyên cũng dành từng lon sữa, quả trứng gà, nải chuối đề chăm sóc thương binh, nhường nhà cửa, hầm trú ẩn cho thương binh nằm. Riêng cán bộ nhân viên Ban dân y Hội An đã gom cho trạm phẫu mượn 1 lạng vàng để mua nhu yếu phẩm nuôi thương binh, một thời gian lâu sau mới trả lại được. Với thành tích xuất sắc, Ban dân y Hội An đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba” - ông Trần Văn Hội nhớ lại.

          Trong thời chiến, người thầy thuốc đồng thời cũng là chiến sĩ thực thụ. Dân y Hội An ngày ấy có những tấm gương chiến đấu rất dũng cảm, như nữ y tá Huỳnh Thị Lựu đã xông pha dưới làn đạn địch để băng bó cho thương binh, khi bị thương chị dũng cảm nằm lại trận địa đánh cản địch cho đồng đội rút lui. Chị Lựu đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đặc biệt ngày 2.9.1969, ông Trần Văn Hội dùng đại liên của du kích Cẩm Thanh đón đầu bắn rơi chiếc F105 của Mỹ. Tháng 7.1971, y sĩ Giàu và nữ y tá Đặng Thị Thúy đã dùng lựu đạn ném xuống thuyền bọn lính đồn Phước Trạch khi chúng trên đường đi càn về, gây thương vong 12 tên, thu được 1 máy PRC25 và 1 súng M79. Năm 1972, khi trạm xá của Ban dân y Hội An dời lên Xuyên Trà (Duy Trung, Duy Xuyên) một hôm địch cho 3 trực thăng đổ biệt kích xuống đồi Cấm Nhọn để lùng sục vùng căn cứ, 3 cán bộ, nhân viên Ban dân y cùng một du kích là thương binh đã hồi phục tổ chức đánh địch. Sau khi bám địch cẩn thận, nhóm chia làm 2 mũi bất ngờ nổ súng vào 8 tên biệt kích khi chúng ngồi nghỉ dưới gốc cây cốc. Trận đánh này đã đem lại khá nhiều chiến lợi phẩm, nhận được sự khâm phục của quân dân địa phương đối với thầy thuốc dân y Hội An.

           Đội ngũ dân y Hội An cũng có nhiều tấm gương rất dũng cảm, như Phạm Quang được phân công về Cẩm Thanh công tác, khi bị địch phát hiện hầm bí mật đã cùng du kích địa phương tung lên đánh trả, diệt 5 tên địch, sau đó hy sinh. Hay y tá Nguyễn Thị Hoa bị thương nặng trong khi phụ mổ đã để lại câu nói đầy dũng khí và bi tráng: “Em sẽ chết thôi, để thuốc dùng cho đồng chí khác, đừng cấp cứu em”. Có người bị địch bắt, giả đầu hàng khai báo, dẫn bọn địch vào bãi mìn khiến chúng thương vong lớn; có những y sĩ, y tá về công tác vùng địch hậu Cẩm Hà, Cẩm Thanh gặp lúc xe tăng địch đi càn, rút xuống công sự mật đã bị xe cán sụp hầm chôn vùi… Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ban dân y Hội An đã tự đào tạo được gần 200 người, chủ yếu là y tá để bổ sung lực lượng tại chỗ; ra khỏi chiến tranh, toàn ban có 60 người hy sinh, 16 người bị địch bắt tù đày. Hôm nay, nhắc lại truyền thống vẻ vang của Ban dân y Hội An, những thầy thuốc thời kháng chiến luôn tự hào về những năm tháng sống đẹp của mình.

Tác giả: Duy Hiển

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây