Theo tư liệu, lần tu bổ tam quan chùa Bà Mụ gần đây nhất là vào năm Khải Định năm thứ 7 (tức năm 1922). Bia tu bổ di tích lập năm này hiện đặt trong nhà bia phía trước non bộ ở sân chùa Quan Âm (Minh Hương Phật tự) có ghi: “Tự Đức năm Mậu Thân, tú tài khoa hương Trương Chí Thi tiên sinh làm lại cửa tam quan trước chùa. Tăng cao trụ, biển, hai cửa vào ra đối nhau rất nguy nga, giữa có vòng mặt trăng rộng sáng chói. Cảnh hai cung càng thấy mỹ quan đủ thấy khí hùng tráng phong tư văn hóa trong làng. Khách bác cổ Âu, Á đến du lãm chẳng ai là không khen, chụp ảnh cho là kiến trúc đẹp nhất Quảng Nam. Lâu ngày phải sửa lại, thức giả đều nói: bảo tồn cổ tích ngày nay là một vấn đề lớn, người trước dựng nên, người sau phải noi dấu”. Qua đây có thể thấy rằng việc bảo tồn tam quan chùa Bà Mụ nói riêng và bảo tồn cổ tích nói chung đã được người xưa rất coi trọng.
Năm 2016, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tiến hành tu bổ hạng mục tam quan chùa Bà Mụ. Trước khi triển khai tu bổ, Trung tâm đã phối hợp với nghệ nhân đắp vẽ Đỗ Cường, người chịu trách nhiệm chính trong công tác tu bổ, phục hồi các chi tiết trang trí trên tam quan tiến hành khảo sát vật liệu được sử dụng tại tam quan để có đánh giá sơ bộ. Kết quả khảo sát cho thấy ở di tích tam quan chùa Bà Mụ có nhiều vật liệu xây dựng truyền thống đặc trưng mà hiện nay không còn được sử dụng rộng rãi, cụ thể:
- Về gạch xây: là loại gạch vồ với rất nhiều kích thước khác nhau được sử dụng tại di tích. Nhiều chi tiết trang trí cũng được xây tạo hình bằng gạch vồ, sau đó tô trát vữa vôi để tạo dáng vẻ hoàn thiện.
- Về ngói lợp: tuy tam quan có diện tích lợp mái rất nhỏ, nhưng lại sử dụng nhiều loại ngói. Hàng ngói úp là ngói ống, hàng ngói ngửa là ngói cong (2 loại – chưa kể ngói lót) với kích thước lớn, dày hơn loại ngói sẵn có trên thị trường rất nhiều. Đuôi mái còn có hàng ngói diềm với hoa văn trang trí đẹp mắt, tinh xảo. Ngói ống nhỏ dùng để tạo hình trang trí trên bờ nóc, bờ chảy.
- Vữa xây, trát tường, hom tường: là loại vữa vôi truyền thống, công thức chế tạo khá phức tạp, dùng để làm chất kết dính, tô trát sơ bộ bề mặt.
- Vữa vôi trát hoàn thiện mặt ngoài tạo bề mặt láng mịn như trát mác-tic ngày nay nhưng lại cứng chắc như vữa xi măng, đắp vẽ các chi tiết hoa văn trang trí.
- Các chi tiết khuôn hoa văn trang trí đúc sẵn được làm từ đất cao lanh kết hợp với than củi. Khuôn hoa văn gồm có 03 loại hoa văn, được trang trí tại nhiều vị trí trên tam quan.
Từ kết quả đó, Trung tâm thực hiện tu bổ tam quan bằng các nguyên, vật liệu, cách thức chế tạo truyền thống dựa theo kinh nghiệm của nghệ nhân Đỗ Cường và một số nghệ nhân khác.
Với vữa vôi xây, trát tường, hom tường: nguyên liệu gồm vôi hến, cát vàng, mật mía, nhớt bù lời (bời lời), keo da trâu, giấy súc. Công tác chuẩn bị vật liệu được tiến hành ít nhất 07 ngày trước khi thực hiện phần tô trát có sử dụng vữa vôi. Vữa vôi được trộn tại công trình, trong một hộc gỗ có hình lòng máng, chôn hộc xuống đất, miệng hộc ngang bằng nền đất để dễ dàng thao tác khi trộn vữa và giữ ẩm cho vữa.
Với vữa vôi trát hoàn thiện mặt ngoài thì nguyên liệu chỉ gồm vôi hến, keo da trâu, giấy súc, được trộn ngay tại công trình. Sau khi trộn đều, hỗn hợp có màu trắng ngà. Sau khi tạo hình, bề mặt tường hoàn thiện và hoa văn màu gì, chỉ cần trộn thêm màu và vẽ lên bề mặt đó. Bề mặt hoàn thiện này khá mỏng, láng mịn tương tự như bã mác-tíc hiện nay.
Gạch vồ, các viên ngói buộc phải thay mới tại tam quan đều được Trung tâm đặt làm riêng hoàn toàn theo phương pháp thủ công để đảm bảo nguyên tắc bảo tồn.
Trong các vật liệu xây dựng truyền thống kể trên có một số nguyên liệu chế tạo khá hiếm trên thị trường, phải tìm mua ở các khu vực khác trong tỉnh hoặc các tỉnh khác. Quá trình chế tạo vật liệu cũng khá phức tạp, phải làm bằng thủ công và trải qua nhiều công đoạn. Việc chế tác ngói diềm và khuôn hoa trang trí đòi hỏi phải có khuôn đúc riêng cho từng loại, khá kì công.
Việc tu bổ tam quan chùa Bà Mụ với vật liệu đúng như vật liệu truyền thống đã dùng tại di tích là hết sức cần thiết để đảm bảo tính chân xác trong tu bổ. Đặc biệt, riêng về vữa vôi xây, trát và vữa vôi hoàn thiện mặt ngoài được chế tạo theo đúng cách thức mà các bậc tiền nhân đã làm để tránh sự không tương thích giữa vật liệu cũ và mới, sẽ dễ dàng gây ra những hư hỏng mới, gây hại cho các cấu kiện kiến trúc cũ. Hơn nữa, các nghệ nhân biết cách chế tác các vật liệu truyền thống hiện còn không nhiều. Kiến thức về cách chế tác các vật liệu này hiện đang mai một dần, không lâu nữa có thể mất hoàn toàn. Do đó, việc chế tạo các vật liệu xây dựng truyền thống dùng để tu bổ tam quan, kết hợp với việc ghi âm, làm tư liệu về quy trình chế tạo vừa đảm bảo tuân theo nguyên tắc bảo tồn, vừa có cơ sở, tư liệu nghiên cứu khoa học về vật liệu truyền thống.
Việc tu bổ hạng mục tam quan chùa Bà Mụ đã hoàn tất vào năm 2016. Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện giai đoạn 2 của dự án, gồm các hạng mục như sân vườn, hồ nước, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, nhà vệ sinh… Hy vọng trong thời gian đến, sau khi hoàn thành tu bổ, tam quan chùa Bà Mụ sẽ trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền