Chính sách của nhà nước phong kiến đối với Hội An những vấn đề đặt ra hiện nay

Thứ hai - 28/05/2018 21:53
Hội An xưa là một đô thị thương cảng quốc tế lớn của Việt Nam ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Trong đó, giai đoạn thịnh hành nhất là dưới thời các chúa Nguyễn, đến thời Tây Sơn và đầu triều Nguyễn, Hội An bắt đầu suy tàn. Sở dĩ Hội An có được vị thế đó trong lịch sử, bởi do nhiều nguyên nhân: vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, chính sách của các nhà nước phong kiến… Trong đó, các chính sách của chúa Nguyễn, với tư cách là nhà nước cai quản xứ Đàng Trong, đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
          Theo chúng tôi, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của xứ Đàng Trong và sự hưng khởi của Hội An nói riêng bắt nguồn từ chính sách nhất quán của các chúa Nguyễn là mở rộng kinh tế đối ngoại, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài đến trao đổi buôn bán với trong nước, phát huy thế mạnh của các vùng đất, các cảng khẩu phục vụ cho kinh tế hàng hóa. Từ đó chúa Nguyễn thiết lập những tổ chức quản lý phù hợp với các điểm mậu dịch đối ngoại. Đó là những điểm mới- điểm sáng tạo của chúa Nguyễn so với các nhà nước phong kiến Việt Nam trước đó.

         Đi vào cụ thể các chính sách của nhà nước phong kiến đối với Hội An, bước đầu chúng tôi thấy có một số điểm đáng lưu ý sau đây:

         1. Việc mở rộng kinh tế đối ngoại với bên ngoài, kêu gọi sự hợp tác giao lưu giữa nước ngoài với trong nước.

         Trong hoàn cảnh quan hệ thương mại quốc tế và ven biển Đông Nam Á đã trở nên sầm uất nhộn nhịp từ đầu thế kỷ XVI, các chúa Nguyễn đã bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của sự hợp tác giao lưu với bên ngoài nhằm đưa Đàng Trong hội nhập với thế giới.

         Đây là một nhận thức mới, tiến bộ phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Thực hiện nhận thức đó, từ cuối thế kỷ XVI các chúa Nguyễn đã chủ động viết thư, gửi quà cho nhà nước Nhật. Từ năm 1601 đến năm 1606, hằng năm Nguyễn Hoàng và Tokugawa đều có thư từ trao đổi với nhau[1]. Riêng năm 1611, trong thư gửi Kato Kiyamasa có kèm theo tặng phẩm Nguyễn Hoàng viết: “… Xin ngài cho tàu trở lại xứ chúng tôi vào năm sau”[2].

          Chính sách mở cửa giao lưu với nước ngoài còn được các chúa Nguyễn thực hiện ngay trong quan hệ hôn nhân và gia đình của các hoàng gia. Năm 1604, Nguyễn Hoàng nhận Hunamoto Yabeije, một thương gia và cũng là phái viên đầu tiên của chính quyền Tokugawa làm con nuôi[3]. Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái cho vua Chân Lạp Chey Chetta II và một thương gia Nhật tên là Araki Shutaro đồng thời nhận ông này vào dòng họ quý tộc Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng[4].

          Không những thế các chúa Nguyễn còn sử dụng người châu Âu trong triều đình, đặc biệt là người Bồ Đào Nha, để chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn thiên văn và dạy toán cho hoàng gia… Đồng thời thông qua họ để liên lạc và nhờ vả chính phủ các nước cung cấp vũ khí, kim loại và các đồ dùng xa xỉ khác. Các chúa Nguyễn còn trực tiếp tham gia vào công việc mua bán với các thương nhân nước ngoài. Điều này được TS. Li Tana công bố trong cuốn “Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18”: “Tình hình ở đây lại vô cùng khác Đàng Ngoài. Vì sản phẩm gần như duy nhất người Hà Lan mua ở Đàng Trong là tơ, nên triều đình dễ dàng nắm độc quyền và kiểm soát việc buôn bán này. Ngược lại, vào thời này, không có việc phủ chúa nắm độc quyền ở Đàng Trong. Sau này khi phủ chúa giữ độc quyền buôn bán kỳ nam, vàng, một lượng hàng lớn như đường, tơ và các thứ khác vẫn còn được trao đổi tự do và hàng ngày tại các thị trường địa phương[5]

          Như vậy một loạt chủ trương và hoạt động của các chúa Nguyễn đã đưa xứ Đàng Trong hội nhập vào luồng thương mại thế giới, bắt đầu ở cấp độ nhà nước sau đó là các thương nhân. Sự hội nhập đó đã giúp cho một số cảng thị của Việt Nam (lúc đó Hội An là cảng thị lớn nhất) có điều kiện giao lưu với bên ngoài.

         2. Quảng Nam và Hội An ngày càng được các chúa Nguyễn coi trọng và dành ưu tiên  số một trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

         Một điều dễ nhận thấy là chúa Nguyễn Hoàng ngay từ đầu đã rất coi trọng xứ Quảng Nam. Năm 1570 ông được cử kiêm quản Quảng Nam; năm 1602 sau khi dứt tình với chúa Trịnh, ông đã đi kinh lý vùng Quảng Nam và nhận thức ngay được tầm quan trọng của vùng đất này: “Mùa thu tháng 7, Nhâm Dần (1602); sai hoàng tử thứ 6 làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa, một số quân thì bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này… sai dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (Duy Xuyên), xây kho tàng chứa lương thực, sai hoàng tử thứ 6 trấn giữ”[6]

        Do sớm được các chúa Nguyễn chú trọng nên vùng Quảng  Nam đã nhanh chóng phát triển kinh tế hàng hóa, tập trung được nhiều sản vật xuất cảng ra nước ngoài qua trung tâm thương mại Hội An. Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” đã viết: “Từ Quảng Châu đến Sơn Nam (Phố Hiến) về thì cũng chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền Thuận Hóa (Thanh Hà – Huế) về cũng chỉ mua được một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam (Hội An) về thì các hàng không món gì là không có, các nước phiên không kịp được… Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thuận Hóa, Điên Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa… đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đây để mang về nước. Trước đây hàng hóa nhiều, dù trăm chiếc tàu to cùng một lúc cũng không hết được[7]. Như vậy, tiềm lực kinh tế đã được khơi dậy và Hội An mặc nhiên trở thành trung tâm thương mại lớn nhất, quy tụ hàng hóa cả khu vực rộng lớn xứ Đàng Trong.

          3. Đối với các thương nhân nước ngoài đến Hội An, nhà nước phong kiến đã dành một quy chế ưu đãi nhằm kêu gọi và cuốn hút họ. Trước hết ngoài quan hệ hôn nhân với nhà chúa như đã nói trên, các thương nhân được tự do cư trú, lập phố buôn bán và được tự do lấy vợ người Việt, trở thành những kiều dân, hoặc tự do đi lại khắp vùng thu mua hàng hóa.

           Đây là một quy chế tương đối ưu đãi, đặc biệt là đối với thương nhân người Hoa và người Nhật. Hai khu phố Nhật và Hoa còn lưu lại ở đô thị Hội An đã minh chứng điều đó. Điều đáng lưu ý là các trung tâm thương mại này không quá xa đô thành như xứ Đàng Ngoài. Vị trí dinh Chiêm thay đổi ngày càng tiến gần đến Hội An cũng như sự xích lại gần nhau giữa Kim Long, Phú Xuân và phố cảng Thanh Hà ở Huế. Ngoài Hoa kiều và Nhật kiều, thương nhân Đông Nam Á đến Đàng Trong và Hội An còn có Xiêm, Cao Miên, Batavia, Manila. Họ không dựng phố, lấy vợ ngượi Việt nhưng có mặt khá thường xuyên.

          Ngược lại, thương gia Quảng Nam cũng xuất hiện ở các nước láng giềng như ý kiến của một thương gia người Hoa ở Xiêm “chúng tôi quen với người dân Quảng Nam thỉnh thoảng tới Xiêm và chúng tôi đã gặp họ ở đây[8].

          Đối với người phương Tây, họ không có thói quen nhập cư như người Hoa, Nhật, nhưng được phép đặt thương điếm để tiện việc giao dịch. Hội An trở thành nơi duy nhất của xứ Đàng Trong được chúa cho phép lập thương điếm, như thương điếm của người Hà Lan mở từ năm 1633 đến 1654. Đối với thương nhân nước ngoài một điều rất quan trọng nữa là họ thường được nhà nước giao cho trọng trách liên lạc với chính quốc. Họ làm thêm công việc chuyển thư từ ngoài giao, trực tiếp mua kim loại, vũ khí, hàng xa xỉ mà nhà nước Việt Nam cần.

          4. Chúa Nguyễn đã có một hệ thống tổ chức quản lý điều hành chặt chẽ việc thông thương buôn bán ở Hội An.

         Điều này trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn viết rất rõ rằng ở chính quyền trung ương chúa Nguyễn đặt ra một cơ quan phụ trách ngoại thương hoàn bị gọi là Tàu ty: “Cai tàu, tri tàu mỗi chức 1 viên, cai bạ tàu, tri bạ tàu, cai phủ tàu, ký lục tàu, thủ tàu nội mỗi chức 2 viên, cai phòng 6 người, lệnh sử 30 người, toàn thuế binh 50 người, kinh tàu 4 đội 70 người, thông sự 7 người[9]. Hoạt động của cơ quan này chủ yếu ở Hội An và không thường xuyên “Hàng năm cứ tháng giêng thì các viên cai bạ, trị bạ, lệnh sử, cai phủ, ký lục của tàu ty đều phải vào phố Hội An xứ Quảng Nam, chia sai những người thuộc quân am hiểu tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù Lao Chiêm và cửa Đà Nẵng, thấy có tàu buôn các nước đến đấy thì phải xét hỏi tất cả, quả là tàu buôn bán chịu thuế thì đem thuyền trưởng và tài phó tàu ấy vào phố Hội An để trình cai bạ xét thực khải lên và trình quan cai tàu để truyền cho tuần ty đem dân phụ lũy đến hộ tống vào cửa đậu ở sở tuần, lệnh sử và các nha đến xem, thuyền trưởng và tài phó kê khai số khách, điêm mục, xong mới cho qua sở tài mà lên phố để đậu[10]

          Xem như thế thì biết quy chế hoạt động của cơ quan ngoại thương ở Hội An rất chặt chẽ. Sở tuần Hội An chịu trách nhiệm trực tiếp vấn đề thuế má, đồng thời phối hợp với Tàu vụ - như một cơ quan liên ngành – của triều đình trong việc giao dịch với bên ngoài. Mặc dù chưa tìm thấy tài liệu nào của nhà nước dành quy chế hải cảng duy nhất cho Hội An, nhưng thực tế cho thấy, Hội An đã tự mình trở thành một trung tâm kinh tế lớn, một thương cảng lớn nhất Việt Nam.

         Cũng cần nói thêm rằng các viên chức trong Tàu vụ không hoàn toàn là người Việt Nam. Một tài liệu viết về cảng Thanh Hà ở Huế nói rằng chúa đã sử dụng người Hoa vào các chức cai tàu, ký tàu. Dù sao thì họ cũng là những người thạo việc nên dễ dàng quản lý việc này cũng như cố vấn cho nhà nước. Một bầu không khí cởi mở thân thiện được tạo ra giữa nhà nước và thương gia. Điều này lý giải sự đóng góp rất lớn, gấp hàng chục lần người Việt, của thương gia Nhật trong việc xây dựng các ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn[11] và quan trọng hơn, thu hút thương gia đến với Hội An đông đảo hơn các trung tâm thương mại khác ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

           5. Trong quá trình phát triển và suy tàn của Hội An, chúng ta cũng dể dàng thấy được những điểm hạn chế trong chính sách của nhà nước đối với mậu dịch đối ngoại, mà càng về sau càng rõ ràng. Hệ thống thuế phức tạp và không công bằng đối với mọi đối tượng thương gia. Tàu thuyền phương Tây thuế nặng hơn vùng Đông Nam Á. Riêng đối với thương thuyền từ các địa phương Trung Quốc đến Hội An mức thuế cũng khác nhau. Trên các cảng Việt Nam, mức thuế mỗi nơi cũng mỗi khác. Nạn biếu xén, quà cáp và tình trạng tham nhũng của các viên chức ngày càng gia tăng. Trải qua thời mở cửa, ức thương, bỏ qua các cơ hội có thể hội nhập với bên ngoài. Hơn nữa, vua Minh Mạng, vào năm 1835, ra đạo dụ dành quy chế hải cảng duy nhất cho Đà Nẵng, không cho phép tàu phương Tây ra vào các cửa biển khác để dễ bề kiểm soát, đã làm cho trung tâm Hội An dần dần nhường ưu thế của mình cho Đà Nẵng. Những chính sách trên đã phần nào hạn chế sự phát triển tiếp theo của Hội An, kéo theo sự suy tàn của Khu kinh tế này.

          Như vậy, thông qua việc tìm hiểu những chính sách cụ thể của các triều đại phong kiến đối với Hội An – Quảng Nam chúng ta nhận thấy:

        1- Vùng đất Hội An – Quảng Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng khu kinh tế mở với định hướng phát triển quan hệ thương mại quốc tế. Nơi đây có cửa cảng Hội An (Cửa Đại), có sự hợp lưu của 3 nguồn sông lớn: nguồn sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Chiên Đàn và có nhánh sông Cổ Cò nối với cửa Hàn Đà Nẵng. Bởi vậy, từ Hội An tàu thuyền có thể ngược xuôi lên rừng xuống biển. Đó là điểm thuận lợi để Hội An mở rộng địa bàn sản xuất, giao lưu trao đổi hàng hóa không chỉ với quốc tế mà còn với các vùng dân cư khác nhau trong khu vực, như vùng ven biển, đầm hồ, vùng đồng bằng – trung du, vùng rừng núi… Đặc biệt Hội An từng là đô thị cổ, cửa cảng cổ. Trong lịch sử nhiều thương gia nước ngoài đã dòm ngó, đặt chân đến và họ đã hiểu biết về Hội An, đã từng coi Hội An là một trong những thị trường đầu tư ở Việt Nam. Đó là những thuận lợi cần phải được khai thác triệt để.

          2 – Muốn xây dựng Hội An thành khu kinh tế mở và định hướng phát triển quan hệ thương mại quốc tế, chúng ta phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo cho các hoạt động tối thiểu của khu kinh tế thương mại. Phải chú trọng sản xuất nguồn hàng xuất khẩu của địa phương, kết hợp với việc khai thác, chế biến hải sản với việc khai thác lâm thổ sản ở vùng núi rừng Quế Sơn, Tra My, Hiên, Giằng… Chính sự phong phú các mặt hàng trao đổi buôn bán ở vùng này sẽ có tác dụng trực tiếp “mời gọi” các nhà tư bản nước ngoài đến hợp tác, đầu tư ở khu Kinh tế mở Hội An – Chu Lai này.

         3- Cần phải xây dựng một cơ chế quản lý khu kinh tế mở thật hợp lý… Trong đó, yêu cầu có tính nguyên tắc là phải năng động, cởi mở trong quan hệ thương mại. Tạo nên môi trường thuận lợi nhất cho sự hợp tác của các thương nhân trong và ngoài nước đến Hội An – Chu Lai.

         Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, có chính sách đúng, mạnh dạn trong quan hệ hợp tác đầu tư, có cơ chế quản lý phù hợp với xu thế lịch sử, nhất định chúng ta sẽ nắm bắt được những vận hội mới, để xây dựng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một khu vực, một vùng đất. Hội An – Chu Lai hôm nay cũng đang đứng trước những vận hội mới cần được chúng ta kịp thời nắm bắt
 
Huế 5 – 2000
Trích sách: Từ Cảng thị Hội An xưa đến Khu kinh tế mở Chu Lai hôm nay,

(Kỷ yếu hội thảo Hội An tháng 6 năm 2000) – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam
 
 

[1] Li Tana – Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18; NXB Trẻ, 1999, trang 88.
 [2] Minh Đô sử, tài liệu được lưu giữ tại Viện Sử học Hà Nội.
[3] Li Tana – Sđđ. Trang 93-94.
[4] Vũ Minh Giang – Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật; Kỷ yếu “Đô thị cổ Hội An” KHXH, H, 1991, trang 211.
[5] Li Tana – Sdd… trang 135
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực lục, Sh, H, 1962, trang 42.
[7] Lê Quý Đôn, toàn tập, T1: Phủ biên tạp lục, KHXH, H, 1977, tr.234.
[8] Li Tana, Sđd… trang 115.
[9] 10 Lê Quý Đôn Toàn Tập, Sđd… trang 231
 [11] Vũ Minh Giang – Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật ở Hội An, kỷ yếu “Đô thị cổ Hội An” Sđd, trang 209.

Tác giả: Ts: Nguyễn Văn Mạnh - Nguyễn Văn Đăng - Đại học Khoa học Huế

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây