10 năm thành phố Hội An với công tác nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Thứ ba - 27/03/2018 03:12
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố, sự phối hợp hỗ trợ của các địa phương, ban ngành, đoàn thể của thành phố, sự đồng thuận, hợp tác của các tầng lớp nhân dân, sự giúp đỡ của các tổ chức, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ viên chức, lao động trong đơn vị, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và đạt những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong công tác nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An.
          Về lĩnh vực nghiên cứu: Từ năm 2008 đến nay có 13 công trình nghiên cứu khoa học các cấp được thực hiện, trong đó 06 đề tài cấp ngành, 01 đề tài cấp tỉnh, 06 đề tài cấp thành phố. Thực hiện 03 đợt khai quật khảo cổ, 05 chương trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu chuyên đề. Những hoạt động này đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa Hội An qua các thời kỳ. Qua nghiên cứu, đơn vị đã in ấn, xuất bản được tổng cộng 24 đầu sách. Đặc biệt từ năm 2008, đơn vị bắt đầu biên tập, phát hành bản tin chuyên môn định kỳ quý/lần. Đến nay, Bản tin đã phát hành được 41 số với khoảng 500 bài nghiên cứu, giới thiệu về di sản văn hóa Hội An và hàng ngàn tin tức - sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố.

          Về công tác quản lý di sản văn hóa Hội An: Ngoài việc phối hợp với các cơ quan liên quan thanh mưu cho UBND thành phố ban hành những quy định về quản lý di sản, đơn vị đã chủ trì xây dựng và tham mưu UBND thành phố trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025, trình UBND thành phố ban hành 03 Quy chế và 03 Cơ chế liên quan đến quản lý, tu bổ di tích. Hiện nay đang triển khai xây dựng để trình cấp thẩm quyền ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An theo Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính Phủ Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
 
cuong3
Tu bổ Tam quan chùa Bà Mụ. Ảnh: Hồng Việt

          Nhiều nội dung của công tác quản lý di sản được thực hiện đạt kết quả tốt, nổi bật là: Tham mưu UBND thành phố phê duyệt Phương án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn xã Cẩm Thanh, hoàn thành Kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa đối với khu phổ cổ Hội An, đang xúc tiến xây dựng Kế hoạch quản lý di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An, triển khai lập phương án tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tại 05 địa phương, thành lập mạng lưới cộng tác viên bảo tồn di sản trong khu phố cổ với 33 thành viên, triển khai việc thành lập 99 tổ quản lý di tích trên địa bàn thành phố, phối hợp với các địa phương trích lục sơ đồ đất cho hơn 140 di tích ngoài khu phố cổ, dựng bia cắm mốc bảo vệ cho gần 100 di tích, lắp đặt bảng chỉ đường di tích ở 03 địa phương Cẩm Thanh, Cẩm Kim và Tân Hiệp, đặt bảng thông tin cho nhiều di tích thuộc các loại hình trên địa bàn thành phố, thực hiện diệt - phòng trừ mối cho toàn bộ khu phố cổ và 31 di tích ngoài khu phố cổ có nguy cơ bị mối xâm hại.
 
cuong
Hạ giải tu bổ di tích nhà 33 Trần Phú. Ảnh: Hồng Việt

          Công tác nghiên cứu, lập và bổ sung hồ sơ di tích được thực hiện thường xuyên. Năm 2008, đơn vị đã tham mưu thành phố ban hành danh mục di tích của từng địa phương để thuận tiện cho công tác quản lý. Từ đó đến nay, Trung tâm tham mưu bổ sung 07 di tích có giá trị vào danh mục này nâng tổng số di tích hiện nay trên toàn địa bàn thành phố là 1432 di tích. 100% di tích nằm trong danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố được lập hồ sơ lưu trữ phục vụ nghiên cứu, quản lý. Qua công tác này, Trung tâm đã trình và được xếp hạng  01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 35 di tích cấp tỉnh. Trung tâm cũng chủ trì lập hồ sơ trình và được công nhận Khu Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An vào năm 2009.

          Công tác nghiên cứu, quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng. Đã tiến hành kiểm kê 17 nghề truyền thống, trong đó 02 nghề được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghề mộc Kim Bồng và nghề khai thác yến sào Thanh Châu. 02 di sản văn hóa phi vật thể khác là tết Trung Thu và nghề gốm Thanh Hà cũng hoàn thành hồ sơ trình các cấp xem xét. Lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 14 nghệ nhân trên địa bàn thành phố. Thực hiện 10 đợt tham vấn tư liệu ký ức. Từ năm 2012, đơn vị tham mưu UBND thành phố phát động hoạt động “Phục dựng cây nêu ngày tết” ở các điểm di tích, cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư. Đến nay hoạt động này duy trì liên tục qua 7 năm. Các hoạt động lễ hội được tăng cường quản lý, tổ chức chặt chẽ, chu đáo.

          Về công tác tu bổ: Từ năm 2008 đến nay đã thực hiện tổng cộng 227 công trình tu bổ di tích nhà nước và hỗ trợ tu bổ di tích tư nhân - tập thể với tổng vốn đầu tư gần 104,83 tỷ, trong đó vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là 5,9 tỷ, vốn ngân sách tỉnh là 15,03 tỷ, vốn ngân sách thành phố là 69,38 tỷ, vốn tài trợ nước ngoài là 0,9 tỷ, xã hội hóa trong dân là 13,62 tỷ.

          Trên lĩnh vực quản lý tu bổ di tích nhà ở của nhân dân trong khu phố cổ, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã hướng dẫn, khảo sát và tham mưu UBND thành phố cấp phép hơn 2383 trường hợp tu bổ di tích.
 
cuong2
Lễ hội Tết Nguyên tiêu tại di tích Chùa Ông. Ảnh: Hồng Việt

          Về công tác phát huy: Trung tâm chủ trì, phối hợp tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tập huấn các cấp về quản lý, bảo tồn di sản, trong đó phụ trách tổ chức một số cuộc hội thảo lớn: hội thảo về di tích chùa Cầu, chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, chí sĩ Trần Quý Cáp, hệ thống thương cảng miền Trung,… Năm 2008, đơn vị phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố mở chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản hàng tuần. Đến nay đã có 520 chuyên mục được lên sóng. Phối hợp với các kênh truyền hình Việt Nam, truyền hình địa phương xây dựng và phát sóng nhiều phim tài liệu, phóng sự chuyên đề về lịch sử - văn hóa Hội An như về giếng cổ, các di tích Nhật Bản, các nghề truyền thống, lễ hội,...; Thực hiện DVD phim tư liệu Hội An - vùng đất anh hùng, Hành trình Faifo - Hội An,…
 
cuong1
Lễ hội Tết Nguyên tiêu tại di tích Chùa Ông. Ảnh: Hồng Việt

          Trong 10 năm qua, các điểm bảo tàng, di tích do đơn vị quản lý thường xuyên được đầu tư nâng cấp trưng bày. Từ 2008 đến nay, có 02 điểm bảo tàng/nhà lưu niệm được khai trương nâng số điểm bảo tàng, di tích do đơn vị quản lý hiện nay là 08 điểm. Hiện nay đang xúc tiến các công việc để thành lập thêm 01 bảo tàng chuyên đề về nghề y truyền thống. Các điểm này đều đã được đưa vào tuyến tham quan khu phố cổ. Từ năm 2008 đến năm 2017, bình quân mỗi năm 08 điểm này đón gần 1 triệu lượt khách tham quan.

          Hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” được thực hiện từ năm 2013. Đến nay đã tổ chức được 40 lần với 7120 lượt học sinh tham gia. Đề án giáo dục di sản học đường được triển khai thực hiện và đã hoàn thành bộ tài liệu, tổ chức dạy thử nghiệm trong khối lớp 1 và lớp 6.

          Có thể thấy, những kết quả nêu trên đã góp phần vào những thành tựu chung của thành phố Hội An trong 10 năm qua về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói riêng, về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố nói chung. Đây sẽ là tiền đề, động lực để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây