Người Cộng sản trong lớp áo lái xe nhà sứ và một đám cưới giả

Thứ tư - 31/01/2018 03:25
Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của những bậc tiền bối, chúng ta bắt gặp nhiều chuyện thật thú vị thể hiện sự sáng tạo, mưu trí và đầy bản lĩnh. Trong bài viết này xin giới thiệu hai mẫu chuyện về đồng chí Phan Văn Định, Huỳnh Lắm và Trần Thị Dư, là những người gieo “hạt giống đỏ” đầu tiên ở Quảng Nam.
Người Cộng sản trong lớp áo lái xe nhà sứ

          Tháng 4 - 1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Nam được thành lập. Phan Văn Định - thành viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đà Nẵng được tổ chức khéo léo bố trí vào thế chân cho tài xế riêng của Công sứ Cô-lôm-bô để tham gia hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Hội An. Với tấm bằng lái xe loại ưu, biết chữa ô tô, giỏi tiếng Pháp, lại từng là tài xế riêng cho một bác sĩ người Pháp ở Đà Nẵng nên anh có đủ tiêu chuẩn mà Công sứ tuyển dụng. Nhưng với con mắt thực dân cáo già, ngay từ đầu Cô-lôm-bô đã nghi vấn và muốn “thử lửa” anh chàng tài xế riêng của mình.

          Hôm đầu tiên đến nhận việc đúng vào ngày cuối tuần, Phan Văn Định được lệnh lái xe đưa vợ chồng Công sứ đi Đà Nẵng. Trên đường đi, Công sứ Cô-lôm-bô lục vấn anh về gia đình, tuổi tác, quê quán, sở thích… rồi đột ngột hỏi:
 
Tôi biết ở Đà Nẵng có một tổ chức cách mạng thanh niên. Nghe nói anh cũng đứng trong tổ chức đó phải không?
 
Phan Văn Định bình tĩnh tắt máy, dừng xe:
 
          - Tôi muốn làm cách mạng thì dại gì chui vào một nơi mà lúc nào cụ sứ cũng kè kè, vô ra đều có lính xét hỏi. Tôi lấy làm hãnh diện và mong cầu vinh khi được làm tài xế riêng cho ông. Nhưng ngay bữa đầu mà ông còn nghi ngờ như thế, tôi xin phép trả lại cho ông tay lái!
 
          Nói xong, anh bước ra khỏi xe, Công sứ Cô-lôm-bô vẫn không đổi sắc mặt, thản nhiên mở cửa sau bước lên ngồi vào buồng lái, mở máy xe và nói tỉnh bơ:
 
          - Hãy ngồi vào ghế sau với cô Hê-len (vợ hắn), để tôi cầm lái. Bây giờ anh không đủ bình tĩnh nữa rồi!
 
          Cô-lôm-bô mỉm cười đầy ngụ ý nhưng thấy Phan Văn Định vẫn đứng bên vệ đường tỏ ý bỏ đi, nên bước ra khỏi xe nắm lấy vai anh và đẩy về phái xe:
 
          - Anh là người có tư chất, tốt lắm! Tôi thử chơi như vậy, anh đừng tự ái làm gì!
 
           Phan Văn Định thầm nghĩ: Nếu cứ tiếp tục làm căng sẽ hỏng việc. Anh đổi giọng nói nhẹ:
 
          - Tôi nghe nói ông là người Pháp lịch lãm nên mới tìm đến làm việc cho ông. Nghề của tôi không nên uy hiếp tinh thần, tôi cần phải tỉnh táo và thoải mái đầu óc. Nếu xảy ra chuyện gì, tôi thì chẳng sao vì đây là Tổ quốc tôi, còn ông và bà Hê-len nơi chôn nhau cắt rốn ở tận chính quốc xa xôi!
 
          Vợ chồng công sứ nhìn anh sững sờ. Phan Văn Định bước lại buồng lái:
 
          - Ông hãy xuống ngồi ghế sau, trách nhiệm đưa ông bà đi đến nơi về đến chốn là của tôi!
 
          Từ đó Phan Văn Định trở thành người lái xe của tòa sứ.

          Với bộ đồ sốp-phơ mang biển hiệu nhà sứ R.F (Résidence - Fai Foo) anh đã trở thành đầu mối quan trọng của tổ chức và phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Ngày 28-3-1930, Tỉnh ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập, Phan Văn Định được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.

Một đám cưới giả

          Từ khi Phan Văn Định trở thành người lái xe của nhà sứ thì ga-ra tòa sứ trở thành nơi in ấn, cất giấu tài liệu của Tỉnh ủy. Sang năm 1930, trùm mật vụ La-boóc-đơ được cử sang làm Công sứ ở Quảng Nam thay cho Cô-lôm-bô.

          Một lần, La-boóc-đơ bất ngờ kiểm tra ga-ra, tự tay mở các thùng phụ tùng, lật các tấm bạt đậy xe và thỉnh thoảng liếc nhanh cặp mắt thăm dò anh tài xế đang “ngậm bồ hòn” gắng mỉm cười như không có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng, La-boóc-đơ bước tới thùng đựng đồ nghề sửa xe. Điếng người vì dưới đáy thùng ấy là hòm tài liệu mật nhưng Phan Văn Định vẫn làm vẻ tỉnh bơ:
          - Ngài để tôi mở cho, thùng đồ nghề bẩn quá!

          Thấy anh tài xế mở nắp thùng xáo tung những cờ lê, mỏ lết, kìm, ốc vít… lổn ngổn, La-boóc-đơ quyệt mồ hôi trán:

          - Thôi được! Xếp cả vào, đưa xe về Cửa Đại tắm biển!

          Sau sự việc trên, Phan Văn Định bàn với các đồng chí trong Tỉnh ủy:

         - Ga-ra nhà sứ đã không an toàn, ta phải mua một cái nhà để làm cơ quan bí mật cho Tỉnh ủy hoạt động. Để che mắt địch, anh Lắm và chị Dư đang yêu nhau nên tổ chức lễ cưới rồi đến ngôi nhà đó ở.
Huỳnh Lắm cân nhắc:

          - Làm như thế khác nào “Thưa ông tôi ở bụi này!”. Vì nhà tôi nghèo xơ xác, một mẹ già với túp lều tranh, giờ bỗng dưng lại có tiền cưới vợ, mua nhà riêng thì làm sao bịt mũi được bọn mật thám! Hay là ta tìm cho cô Dư một người chồng giả?

          Phương kế đó được các đồng chí trong Tỉnh ủy nhất trí. Thế là Huỳnh Lắm trở thành ông mối sốt sắng đi tìm một người chồng giả cho người yêu của mình, chuẩn bị lễ cưới, đăng ký xin phép lý trưởng… Người được chọn là một đảng viên thuộc chi bộ đảng của Duy Xuyên đang làm nghề hớt tóc ở Hội An. Ngày cưới diễn ra như thật, chú rể khăn đóng, áo dài, quần the, còn cô dâu thì đầu chít khăn điều mỏ quạ, tai đeo đôi khuyên vàng trước sự chứng giám của đông đủ bà con họ hàng, bạn bè.

          Cặp vợ chồng mới cưới đưa nhau về ở trong một căn nhà tranh vách trét đất sét ở Xóm Da (Cẩm Phô - Hội An) đã được mua sẵn. Hàng ngày, “chồng” ôm hòm đồ nghề đến tệm hớt tóc Trương Cảnh Mai, còn “vợ” làm nghề tiên ký nhận hàng về bán lấy hoa hồng. Gian buồng kín được dành riêng cho đồng chí Trần Đại Quả (đặc phái viên của Xứ ủy Trung Kỳ) và các đồng chí hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Quảng Nam. Nơi đây trở thành cơ quan in báo “Lưỡi Cày”, tờ báo đầu tiên của Tỉnh ủy.

          Sau này cơ quan Tỉnh ủy bị lộ, cả “ông mối”, “cô dâu” và các đồng chí đều bị bắt. Trải qua những năm tháng chịu đựng bao hà khắc của nhà tù, sau này “ông mối” Huỳnh Lắm và “cô dâu” Trần Thị Dư lại gặp nhau trong một mái ấm gia đình hạnh phúc thật sự.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Lanh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây