Đời sống văn hóa tín ngưỡng của ngư dân làng Phước Trạch

Thứ hai - 30/10/2017 04:17
Làng Phước Trạch xưa, nay thuộc địa phận phường Cửa Đại, thành phố Hội An. Theo một số tư liệu và những kết quả nghiên cứu, làng Phước Trạch được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XVII bởi các bậc tiền hiền của các tộc Trương, Trần, Lê, Phạm từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào.
          Trải qua thời gian, nhiều tộc họ từ các vùng miền khác đến đây định cư, cùng với các tộc tiền hiền khai hoang, mở rộng cương vực của làng. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản nên dần hình thành nên làng chài Phước Trạch và được duy trì đến hiện nay. Trải qua thời gian, trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong lao động sản xuất, người dân làng chài Phước Trạch đã dần hình thành các giá trị văn hóa đặc trưng được thể hiện qua các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, những kiêng kỵ, những tri thức phong phú về biển cả, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hội An.
bai phuong

          Cũng như bao làng xã người Việt tại Hội An, tín ngưỡng và nghi lễ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân làng Phước Trạch. Điều kiện sống và lao động của ngư dân nơi đây gắn liền với môi trường sông nước, biển cả đầy thách thức và hiểm nguy đe dọa đến sinh mạng của họ. Vì lẽ đó, tôn giáo tín ngưỡng đóng vai trò “điểm tựa” quan trọng, tạo nên niềm tin trước biển cả bao la. Cũng như những người nông dân, ngư dân làng chài Phước Trạch luôn thờ kính ông bà, tổ tiên, lập bàn thờ nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, tiến hành các nghi lễ cúng tế trong năm. Bên cạnh đó, họ còn tôn thờ các vị thần phù trợ, bảo hộ cho nhân dân trong làng như Thành Hoàng, Cá Ông, Ngũ Hành. Trong cuộc sống mưu sinh với nghề biển, ngư dân nơi đây gắn bó mật thiết với con thuyền, cùng nhau lênh đênh nơi biển cả bao la, đối diện với những hiểm nguy luôn rình rập xung quanh mình. Do đó, các ngư dân luôn nguyện cầu những vị thần linh chở che, hộ mạng cho mình trong cuộc sống mưu sinh đầy hiểm nguy, từ đó dần hình thành nên các công trình tín ngưỡng có liên quan đến sông nước và biển cả. Trong hệ thống thờ tự các vị thần linh biển ở làng Phước Trạch, Cá Ông (Nam Hải ngọc lân) được xem là một vị phúc thần, luôn cứu giúp những ngư dân chẳng may gặp hiểm nguy trên biển cả. Người dân nơi đây đã lập nên lăng thờ Cá Ông gọi tên là Tứ Chánh Vạn. Hằng năm tại đây diễn ra lễ hội Cầu Ngư linh đình vào ngày 16 tháng 2 âm lịch. Theo thông lệ, lễ hội này thường diễn ra trong 3 ngày. Lễ chính diễn ra vào ngày 16/2 với nghi thức đại lễ tế thần. Ngày trước đó diễn ra nghi thức lễ nghinh thần, lễ túc. Ngày sau lễ chính diễn ra phần hội gồm có diễn xướng chèo bả trạo, hát bội (hát tuồng) và các trò chơi dân gian như đua thuyền, lắc thúng chai,... Ngư dân làng chài Phước Trạch còn có tục “để tang” khi Cá Ông lụy (chết). Theo thông lệ, người đầu tiên gặp Cá Ông lụy được tôn làm trưởng nam, phải để tang 100 ngày. Xác Cá Ông được cư dân thực hiện các nghi lễ mai táng, chôn cất trong khu vực lăng Tứ Chánh Vạn, đến khi đã đủ 3 năm thì ngư dân làng tiến hành nghi lễ cải táng, lấy “ngọc cốt” cho vào quách, đặt ở trong lăng thờ phụng, hương khói.

          Trong quá trình lao động, ngư dân nơi đây cũng có những tục lệ và kiêng kỵ riêng. Ngày lành, giờ tốt là yếu tố đầu tiên được ngư dân quan tâm để mở đầu cho mùa đánh bắt thủy sản của mình. Bên cạnh đó, trong hoạt động đánh bắt họ cũng kiêng cữ nhiều vấn đề khác liên quan đến tàu thuyền là phương tiện đi đánh bắt chính của họ như cữ những người vừa bốc mộ, người phụ nữ có thai, người có tang mới,… xuống ghe thuyền. Khi chuẩn bị xuất hành đi đánh bắt, không được mang vịt lên thuyền. Đối với những người có tang chưa qua 100 ngày thì không được đi biển. Trước khi đi biển, người đàn ông không được gần gũi vợ, không ăn cơm khê. Khi đánh bắt không được làm rơi dụng cụ hành nghề xuống biển vì như vậy sẽ làm động Bà Thủy. Nếu lỡ làm rơi đồ xuống biển thì phải làm “hình thế” (hình nộm) thả xuống biển, sắm sửa lễ vật cúng Bà Thủy để tạ lỗi. Trong quá trình đánh bắt, không được nói những từ ngữ như “úp”, “lật”, “chìm” vì ngư dân quan niệm rằng những từ này sẽ mang đến những điều xui xẻo.

          Ngư dân làng Phước Trạch có tính cách chất phác, phóng khoáng, hòa mình với thiên nhiên, xem biển cả như là quê hương, con thuyền như ngôi nhà thứ hai của mình. Cuộc sống gắn bó, làm bạn với biển đã dần trở nên quen thuộc, hình ảnh về biển cũng luôn gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của ngư dân nơi đây. Trong quá trình lao động đánh bắt giữa biển cả bao la, để giảm bớt sự mệt nhọc, gian khó, ngư dân làng chài Phước Trạch thường ngâm nga những câu hò, điệu lý gắn liền với sông nước, biển cả như hò kéo chài, hò kéo lưới, hò ra khơi, hò chèo ghe… Không chỉ thế, vào những dịp lễ tế tại địa phương, những câu hò, điệu hát đó cũng được ngâm nga qua chất giọng mộc mạc của ngư dân nơi đây. Bài hát phổ biến được ngư dân ngâm nga trong quá trình hành nghề có thể kể đến bài “vè các lái” về hải trình đi buôn dọc biển bằng ghe bầu ngày xưa.
 
Ghe bầu các lái đi buôn
Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
Bắt từ Gia Định kể ra
Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
….”
 
          Hiện nay, trong hoạt động khai thác thủy hải sản, người dân làng Phước Trạch đã tiếp thu nhiều kỹ thuật đi biển và phương tiện đánh bắt hiện đại ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Tuy đời sống xã hội hiện đại tác động ít nhiều làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của cư dân ven biển làng Phước Trạch, nhưng với sự tồn tại và biểu hiện mạnh mẽ của tín ngưỡng dân gian, có thể khẳng định về sự bền vững của văn hóa mang đậm sắc thái biển nơi đây.
         
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây