Thủ lĩnh "báo đen" và những điều chưa kể

Thứ sáu - 06/10/2017 03:44
Những cái bóng thoắt ẩn, thoắt hiện ở nội thành Hội An với bao trận đánh kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề, gieo rắc sự hoang mang khiến kẻ thù ngày đêm lo sợ, đặc biệt là thủ lĩnh biệt động thành mà địch gắt gao truy tìm và đặt biệt danh “báo đen”. Ngay cả khi bị bắt giam, đày đi Côn Đảo, họ vẫn giữ vững bản lĩnh cách mạng…

images1380152 7b
Các biệt động thành Hội An chụp hình lưu niệm vào năm 1973
- sau 6 năm bị giam ở Côn Đảo. Ảnh chụp lại từ hình tư liệu
 
 
          Chậm rãi kể lại những mẩu chuyện không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Đinh Văn Lời (trú phường Cẩm Nam, TP.Hội An) bỗng bật cười với một chi tiết. Số là đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều người trước đây từng làm cảnh sát, an ninh dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sống tại Hội An khi gặp ông vẫn hỏi rằng: “Ông có biết “báo đen” mà lực lượng cảnh sát, an ninh VNCH truy lùng khi đó là ai?”. Họ hỏi ông Lời vì biết rằng trước đây ông có tham gia hoạt động cách mạng tại Hội An, chứ không ngờ rằng mình đang hỏi chính thủ lĩnh “báo đen” một thời. Ngay cả ngày xưa, rất nhiều lần trưởng đồn cảnh sát VNCH tại Hội An lui tới xưởng mộc Đinh Văn Lời để dò xét nhưng không chút mảy may nghi ngờ thành viên chủ lực của biệt động thành Hội An, lại là một thiếu niên chưa đầy 18 tuổi.

           Nỗi ám ảnh “báo đen”

          Với vai trò Đội trưởng biệt động thành Hội An từ năm 1967, ông Đinh Văn Lời rất hạn chế việc đồng đội tham gia các trận đánh táo bạo trong nội thành, bởi sợ bị lộ và thiệt hại nặng cho lực lượng. Do đó, ngoài ông Lời, chủ yếu chỉ có hai đồng đội khác là Phan Công Đủ và Bùi Xuân Thanh cùng tham gia tổ chức các trận đánh, gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng địch và được chúng gắn cho biệt danh “báo đen”. Ông Phan Công Đủ (quê xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) kể, ngày ấy ở Hội An điện rất hạn chế do sử dụng máy nổ, chỉ thỉnh thoảng vào ban đêm mới có vài ngọn đèn đường heo hắt, đã có hàng chục lần địch rải quân bố ráp tiêu diệt cho bằng được những cái bóng thoắt ẩn, thoắt hiện dưới ánh đèn mờ sau các trận bị phục kích nhưng không tài nào bắt được. Còn ông Đinh Văn Lời cho hay, có những thời điểm ông và đồng đội đã phải giở nắp cống chui xuống bò gần cả cây số để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hay nằm trên nóc những ngôi nhà cổ để tránh sự truy lùng của địch.
 
Ông Đinh Văn Lời khẳng định, trong những tháng ngày bị giam ở Côn Đảo, ông cùng 16 đồng đội là biệt động thành Hội An kiên quyết chống chào cờ địch, giữ vững khí tiết cách mạng. Ông Lời cũng trân trọng những hy sinh của các tù nhân khác để sẻ chia với biệt động thành Hội An. Đơn cử như trường hợp ông Văn Đức Long - hiện là Trưởng ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo tại Đà Nẵng - đã từng nhiều lần gồng mình chịu những trận đòn thập tử nhất sinh che chở các biệt động thành có sức khỏe yếu hơn để họ tăng thêm nhuệ khí chống địch.
         Nói về sự táo bạo của lực lượng biệt động thành Hội An, ông Lời bộc bạch rằng có những trận đánh mà đến bây giờ vẫn khó quên. Như trận đánh vào tối 23.9.1967. Nắm bắt được quy luật hoạt động của địch, trong đó hàng đêm thường đỗ xe ở các ngã tư đường phố rồi đi đánh bạc, ông Lời cùng đồng đội tiếp cận mở nắp 2 thùng xe bọc thép rồi đặt mìn hẹn giờ. Nghe mìn nổ, địch tỏa ra chỗ xe đậu thì tiếp tục bị lực lượng biệt động thành phục kích đánh bằng lựu đạn. Điều địch không thể ngờ là, chính ông Lời nhân lúc hỗn loạn nhảy vào tham gia đưa binh sĩ địch lên cáng đi cứu thương, để tạo “bằng chứng ngoại phạm”, rồi cũng nhân lúc hỗn loạn đó ông vòng ra đánh tiếp một trận nữa trước khi rút đi trong bóng đêm.

          Cuối chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (năm 1968), cơ sở bí mật bị lộ, nhiều đồng đội của ông Lời đã hy sinh, ông và một số chiến sĩ khác bị bắt. Ông bị địch bắt và tra tấn dã man hòng buộc khai ra người chỉ huy biệt động thành Hội An, tung tích bí ẩn của thủ lĩnh “báo đen”. Sau một hồi kiên quyết không khai, bị một tên gián điệp chĩa súng vào đầu đòi thủ tiêu, ông đã mưu trí khai ra danh tánh của tên gián điệp và cho biết đó là chỉ huy lực lượng biệt động thành Hội An. Quả nhiên địch trúng “chiêu” ly gián của ông, Tỉnh trưởng lúc đó đã ra lệnh tước vũ khí, tống giam và tra tấn gần 1 tháng đối với chỉ huy “báo đen” mà thời gian qua chúng sử dụng làm gián điệp. Sau này, khi nhận ra bị lừa, địch âm thầm cài người vào phòng giam các biệt động thành Hội An hòng khai thác tin tức để truy tìm thủ lĩnh “báo đen” nhưng đã bị ông Lời phát giác.

          Chống chào cờ địch ở Côn Đảo

         Ngay từ khi ở nhà lao Hội An, mỗi ngày các tù nhân là lực lượng biệt động thành chỉ được cấp nửa chén cơm và muối rang, không có nước tắm. Tại đây, đã có một nữ biệt động là Nguyễn Thị Phương kiên trung, hy sinh ngay trên bàn thẩm vấn. Nhận thấy mối nguy hiểm quá lớn từ các biệt động thành Hội An, ngày 3.7.1968, tỉnh trưởng Quảng Nam đã gửi công văn khẩn đến Tòa án Quân sự mặt trận Vùng I chiến thuật yêu cầu truy tố gấp 34 chiến sĩ biệt động thành mà cảnh sát VNCH bắt được. Chỉ chưa đầy một tháng sau, một nửa trong số này lập tức bị đày ra Côn Đảo. Trước khi bị đày ra Côn Đảo, 17 đồng chí biệt động thành Hội An bị giam ở khám Chí Hòa một tuần, tại đây họ vẫn kiên quyết chống chào cờ và không khai bất cứ điều gì. Vừa đặt chân lên Côn Đảo, ngay tại bến tàu, các biệt động thành Hội An cùng gần 150 người khác đã phải hứng những đòn thù dằn mặt của địch. Ông Đinh Văn Lời kể: “Mới vừa bước lên bến, chúng tôi bị đánh tới tấp bằng báng súng từ hai hàng lính VNCH chờ sẵn. Hai hàng lính này kéo dài tới gần cây số”. Kèm theo những trận đòn là lời dằn mặt đầy thách thức: “Đây là Côn Đảo chớ không phải đất liền đâu, tụi bay nghe chưa!”.
 
images1380153 bn

Ông Đinh Văn Lời (phải) và ông Phan Công Đủ, những thành viên
đội biệt động thành Hội An năm xưa. Ảnh: QUỐC TUẤN
 
          Để chiêu dụ các chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là tìm mọi cách để tù nhân phải chào cờ VNCH, quản giáo ở nhà tù Côn Đảo hầu như ngày nào cũng lặp đi lặp lại công việc mềm dẻo kêu gọi tù nhân “chấp hành nội quy” đến gọi từng người vào phòng trống rồi dùng đòn roi, tra tấn bắt phải khuất phục. Để khủng bố tinh thần và trả thù vì không đạt được mục đích khuất phục tù nhân, địch chuyển sang cách ném lựu đạn cay vào các buồng giam. Ông Phan Công Đủ cho biết: “Tôi được tổ chức phân công sẵn sàng nhảy ra ôm lựu đạn nhúng vào thùng nước tiểu để xì hơi. Mọi việc chỉ gói gọn trong khoảng 10 giây, nếu chậm chân cả buồng giam sẽ chịu hậu quả nặng nề”. Chính quyền VNCH xem việc tù nhân chào cờ là sự thành công, bởi nó thể hiện sự khuất phục về mặt ý chí.

          Ở Côn Đảo, xác định bên ngoài song sắt mới là ngục tù, còn phía trong là cơ sở cách mạng, dù bị tách biệt với thế giới bên ngoài tuy nhiên các biệt động thành Hội An vẫn nắm vững mọi tin tức, chủ trương của cách mạng. Ông Đinh Văn Lời là người nhận tin tức từ cấp trên thông qua radio chôn trong tường hoặc các mẩu giấy từ các lần đưa cơm, tạp dịch, rồi truyền lại cho tù nhân ở buồng giam khác. Dù gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng ông Lời và đồng đội vẫn biết được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, nghe đầy đủ bản di chúc của Người hay các tin thắng trận giòn giã từ các mặt trận…, và vững tin tranh đấu chờ ngày được trở về đất liền.

           Sau Hiệp định Pari 1973, ông Lời được trao trả tại Lộc Ninh, sau đó về công tác ở Tiểu đoàn 10 lực lượng an ninh khu 5. Tháng 3.1975, ông cùng với đơn vị tham gia giải phóng các địa phương của tỉnh và giải phóng Đà Nẵng.

 

Tác giả: Quốc Tuấn

Nguồn tin: baoquangnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây