Di tích miếu Trung Châu

Thứ ba - 10/10/2017 22:34
Trong lịch sử, Cẩm Kim là một trong những địa phương được hình thành khá sớm với tên gọi là châu Kim Bồng. Tư liệu có được đến nay cho biết tên gọi này xuất hiện sớm nhất vào năm 1744. Cũng như các địa phương khác, quá trình định cư, lập nghiệp của cư dân địa phương đã dần hình thành nên các ấp, là khu vực cư trú riêng biệt của một tổ chức cộng đồng dưới cấp làng. Vào thời nhà Nguyễn, ở Kim Bồng có các ấp: Ngọc Uẩn, Ngọc Thành, Phước Thắng, Vĩnh Hưng, Trung Hà, Trung Châu, Đông Hà, Vĩnh Thành . Nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân mỗi ấp đã xây dựng nên miếu thờ riêng làm nơi cúng tế cầu an, mong cho xóm ấp được yên bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Miếu ấp Trung Châu ra đời cũng trong hoàn cảnh chung đó.
          Hiện chưa có tư liệu xác định cụ thể thời gian tạo lập ngôi miếu này. Hiện trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện giải thích cho việc xây dựng ngôi miếu rằng: Trước đây, địa phương xảy ra một trận lũ lớn. Trận lũ đã cuốn một ngôi miếu bằng gỗ từ trên nguồn trôi xuống. Xác ngôi miếu này trôi đến dạt vào địa phận của ấp. Nhân dân địa phương nghĩ có điềm lành nên đem bộ khung ngôi miếu này về dựng tại vị trí ngôi miếu hiện nay làm nơi thờ cúng chung của ấp. Lúc đó, ngôi miếu này đã bị mất đi 1 chân cột, chỉ còn lại 3 chân nên thường gọi là miếu Ba Giò. Sau này tên gọi này không dùng nữa mà gọi là miếu Trung Châu theo tên ấp/thôn cho đến hiện nay. Các cụ cao niên địa phương cho biết một thời gian sau đó, ngôi miếu bị hư hại. Nhân dân địa phương đã đóng góp sức người, sức của để xây dựng lại ngôi miếu này. Quy mô và hình thức kiến trúc ngôi miếu từ khi xây dựng đến nay không thay đổi. Hiện trạng ngôi miếu còn bảo lưu được nét kiến trúc truyền thống. Vì thế dựa vào đặc điểm này có thể đoán định ngôi miếu được xây dựng muộn nhất vào khoảng đầu thế kỷ XX.
 
mieu trung chau

Di tích miếu Trung Châu - Cẩm Kim 

          Trên mặt bằng tổng thể ngôi miếu có các hạng mục bình phong ở trục giữa khuôn viên, lệch về phía tây có ngôi miếu nhỏ, qua khoảng sân là đến miếu thờ.

          Bình phong có kích thước: 205 x 150cm. Cạnh bình phong có 2 trụ biểu tiết diện tròn, cao 220cm, đầu trụ gắn hình búp sen. Mặt ngoài bình phong xây khám thờ nhỏ sát mặt đất mà theo người dân địa phương thì đây là nơi thờ Ông Mốc, nghĩa là mốc giới định vị ranh giới đất của ấp Trung Châu với các ấp khác. Mặt trong bình phong xây các bệ thờ bố trí hình rẽ quạt để thờ âm linh. Lệch về phía tây bình phong có ngôi miếu nhỏ với lối kiến trúc khá cũ.

           Miếu thờ có kiến trúc tiền đường hậu tẩm với diện tích xây dựng khoảng 15m2. Tiền đường làm kiểu 1 gian với 2 mái ngói. Các mái lợp ngói âm dương, diềm mái gắn đĩa sứ tròn. Bờ nóc đắp hơi cong võng, trên gắn chi tiết trang trí theo đề án “lưỡng long chầu nhật”. Bờ hồi đắp giật cấp ở trên gần bờ nóc, phần còn lại hơi uốn lượn tạo sự mềm mại cho phần mái, cuối bờ hồi gắn hình dây lá. Hệ gỗ đỡ mái có rui, đòn tay bằng gỗ được chịu lực bởi hệ tường bao xung quanh. Cạnh mặt tiền miếu bố trí bộ cửa đi bằng gỗ 6 cánh theo kiểu thượng song hạ bản. Tường xây dày khoảng 24cm. Sát tường sau bố trí hai bên tẩm hai bàn thờ xây. Bàn thờ bên phải cẩn chữ Phúc, có kích thước 93 x 63 x 68cm. Mặt bàn thờ tạo 2 cấp lát gạch đỏ, quần bàn vẽ phong cảnh thôn quê. Trên tường tạo ô màu đỏ, bên trong đắp cẩn chữ Phúc khá đẹp, trên chữ này vẽ đề tài trúc - điểu. Bàn thờ bên trái cẩn chữ Thọ với hình thức kiến trúc giống với bàn thờ bên phải, trong đó quần bàn vẽ phong cảnh sông nước, phần tường phía trên chữ Thọ vẽ đề tài tùng - điểu.

          Hậu tẩm có kích thước 194 x 146cm, có 4 mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc đắp võng hình thuyền, phía trên gắn chi tiết trang trí hồi văn cách điệu đề tài “lưỡng long chầu nhật”. Đầu hồi hai bên hồi dạng hình tam giác, các mảnh sứ được gắn tạo đường chỉ bao quanh, bên trong có cẩn chi tiết trang trí bằng sứ nhưng đã bị bong tróc nhiều. Bờ nóc đắp cong võng kết hợp giật cấp khá cầu kỳ. Cuối bờ chảy gắn hình sóng nước. Ở không gian bên trong, từ tiền đường qua hậu tẩm có lối vào làm kiểu cuốn vòm, phía trên cửa đắp hình cuốn thư, bên trong viết hai chữ Hán lớn: Trung Châu. Trần hậu tẩm xây kiểu cuốn vòm. Sát tường sau bố trí bệ thờ Thần, quần bàn thờ lớp ngoài vẽ đề tài “long ngư hý thủy”.

          Mặc dù thời gian đã làm cho ngôi miếu ít nhiều có sự biến đổi nhưng hiện trạng vẫn còn được bảo lưu khá tốt những giá trị truyền thống về kiến trúc, mỹ thuật và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Đặc biệt về giá trị tinh thần, ngôi miếu từ lâu đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương. Tại di tích này, hàng năm, nhân dân địa phương duy trì cúng tế theo lệ vào ngày 12 tháng Giêng và ngày 12/7 âm lịch nhằm cầu cho xóm ấp luôn được bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong đó, lễ cúng tế dịp đầu Xuân được tổ chức linh đình theo nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo bà con trong thôn Trung Châu tham gia. Vào năm 2000, ngôi miếu được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa được bảo vệ của thành phố Hội An. Đây đã, đang và sẽ là những điều kiện quan trọng để các cấp chính quyền và nhân dân địa phương chung sức bảo vệ, gìn giữ di tích, thực hiện việc giáo dục truyền thống văn hóa của địa phương cho thế hệ trẻ và tạo mạch nguồn quan trọng để kết nối cộng đồng cùng chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đoàn kết, tích cực đóng góp để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây