Hiện không có nguồn tư liệu thư tịch nào đề cập đến ngôi miếu. Thông tin về ngôi miếu chủ yếu từ nguồn điều tra hồi cố của các vị cao niên địa phương. Theo điều tra hồi cố thì vị trí ngôi miếu ban đầu nằm lệch về phía Tây, cách vị trí ngôi miếu hiện nay khoảng vài mét (hiện là một phần của nhà văn hóa thôn). Lúc bấy giờ, ngôi miếu quay mặt về hướng Nam tương tự như ngôi miếu hiện nay, có quy mô kiến trúc 3 gian (kích thước khoảng 600 x 400cm), phần hiên rộng khoảng gần 200cm; tường xây, mái lợp ngói âm dương; bên trong bố trí 3 bệ thờ. Cạnh ngôi miếu vài mét (phía đông) có một cây cổ thụ, gốc cây to đến khoảng vòng tay của 3 người ôm lại, cây cao, tỏa tán rộng. Cây này có trái chín màu vàng, ăn được nhưng vỏ rất cứng (cứng như đá), phải đập thật mạnh mới vỡ được. Chính vì thế mà người dân địa phương gọi tên cho cây đó là cây Đá và ngôi miếu xóm cạnh cây này được đặt tên là miếu cây Đá (hiện không có một thực thể sống nào còn lại ở địa phương để có thể nhận biết về tên khoa học và đặc điểm của loại cây này). Hàng năm, nhân dân tổ chức cúng tế vào ngày 10/3 âm lịch. Cũng lệch về phía đông gần ngôi miếu còn có nền thờ Thần Nông, cách ngôi miếu vài trăm mét về phía Tây Bắc có miếu Bà (Ngũ Hành).
Trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ ta thường về địa phương trú chân trong các hầm bí mật của nhà dân. Do địa thế khu vực ngôi miếu là cồn đất cao, cây Đá cũng cao lớn nên lực lượng du kích đã bố trí điểm canh gác trên cây Đá này. Từ đây có thể quan sát tình hình trong một phạm vi lớn. Khi phát hiện địch từ nội ô kéo ra hay từ các đồn trú phía Tây xuống có thể sớm báo động cho cán bộ, nhân dân tránh trú an toàn.
Khoảng năm 1969, lính Nam Triều Tiên đóng đồn ở khu vực UBND xã Cẩm Hà hiện nay tổ chức đợt càn quét, cày ủi nhà dân và một số công trình công cộng. Ngôi miếu cùng với cây Đá, nền Thần Nông, miếu Bà cũng bị san ủi hoàn toàn. Sau năm 1975, nhân dân địa phương dựng lại khám nhỏ để phục hồi lại việc thờ cúng tại ngôi miếu. Năm 1998, nhân dân địa phương đã xây dựng lại ngôi miếu hiện nay, có quy mô nhỏ hơn và dịch chuyển vị trí so với ngôi miếu ban đầu. Cũng vào thời điểm xây dựng lại miếu, nhân dân địa phương đổi ngày cúng từ ngày 10 tháng 3 Âm lịch sang ngày 10 tháng Giêng và duy trì mãi cho đến nay.
Hiện ngôi miếu nằm trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Cửa Suối (cũ), quay mặt tiền về hướng Nam. Tổng thể ngôi miếu có bình phong, miếu thờ.
Bình phong có kích thước tổng thể rộng 247cm, dày 20cm, cao 134cm. Chính giữa mặt ngoài bình phong đắp nổi cẩn sành đề tài “Long Mã phụ hà đồ”, hai bên đắp nổi các mảng tường tạo dáng tổng thể bình phong hình cuốn thư. Mặt trong bình phong không trang trí, chỉ xây bệ thờ âm linh. Quần bàn đắp nổi chữ Hán cách điệu (chữ “Thọ”?). Hai bên đặt hai đôn làm bằng vôi gạch vốn không thuộc ngôi miếu nhưng nguồn gốc từ đâu vẫn chưa xác định được. Từ bình phong qua khoảng sân láng xi măng rộng 830cm đến miếu thờ.
Miếu thờ có tổng diện tích xây dựng khoảng gần 13,5m2, tường bao quanh xây gạch, nền láng xi măng; trong đó riêng phần hiên có diện tích khoảng 8m2, mặt tiền hiên không xây tường bao, chỉ bố trí 02 trụ bê tông tiết diện vuông đỡ mái. Đòn tay mái bằng gỗ, mái lợp tôn fibro ximăng. Từ hiên vào không gian thờ tự bên trong qua bộ cửa 4 cánh khung gỗ, panô bằng gỗ - kính.
Phía trên cửa gắn bảng đá đề 3 chữ Hán, phiên âm là: Cửa Suối miếu, các dòng lạc khoản đề chữ Hán, phiên âm là: Tuế thứ Mậu Dần niên bổn ấp đồng tái tạo. Hai bên gắn cặp câu đối chữ Hán khắc trên bảng đá, phiên âm là: Miếu vũ trang nghiêm quy nhất sở, Cửa tiền hậu thế vĩnh hưng long.
Không gian thờ tự có diện tích khoảng 5,3m2, mái lợp ngói âm dương, diềm mái gắn đĩa sứ, bờ chảy đắp thẳng, bờ nóc gắn con giống cặp rồng dây cách điệu, hệ đỡ mái bằng gỗ. Bên trong không gian này bố trí 3 bệ thờ; trong đó bệ thờ giữa có kích thước lớn hơn, hai bệ thờ bên có kích thước bằng nhau. Quần bàn các bàn thờ vẽ màu chữ Thọ cách điệu. Trên tường bệ thờ ở giữa gắn bia đá khắc chữ Hán, phiên âm là: Kính thành; hai bàn thờ hai bên cũng đề các dòng chữ Hán, phiêm âm là: bàn thờ bên trái: Tả ban liệt vị, tường biên đề: Tả âm linh liệt vị; bàn thờ bên phải: Hữu ban liệt vị, tường biên đề: Hữu âm linh liệt vị. Toàn bộ vật thờ tự tại ngôi miếu đều bằng chất liệu sứ hiện đại.
Mặc dù còn có một số công trình khác cũng bị hư hại trong chiến tranh nhưng sau ngày giải phóng, chỉ có ngôi miếu này được phục dựng lại cho thấy sức sống mạnh mẽ của nó trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư đại phương. Không chỉ trước đây, hiện ngôi miếu cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần mang tính truyền thống và vì thế có ý nghĩa quan trọng trong việc cố kết cộng đồng địa phương để cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Sự tồn tại của ngôi miếu là nguồn tư liệu thực địa có giá trị góp phần minh chứng cho sự hình thành và phát triển lâu dài của cộng đồng dân cư địa phương, góp phần vào công tác nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của làng Thanh Hà nói riêng, ở Hội An nói chung trong lịch sử. Ngoài ra, đây còn là một địa điểm ghi dấu ấn trong quá trình đấu tranh cách mạng của địa phương. Dưới góc độ kiến trúc, nghệ thuật, ngôi miếu góp phần làm phong phú về mặt kiến trúc xây dựng, nghệ thuật trang trí của loại hình lăng/miếu ở Hội An nói riêng, về di tích tín ngưỡng cộng đồng nói chung.
Từ những giá trị của ngôi miếu, UBND thành phố Hội An đã quyết định bổ sung ngôi miếu này vào danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố tại văn bản số 374/TB-UBND, ngày 27/5/2019. Đây là điều kiện để các cấp chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương tăng cường hơn nữa trong việc quản lý, chăm nom và phát huy giá trị của ngôi miếu trong thời gian đến.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền