Dựa vào cộng đồng bảo vệ giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở Cù Lao Chàm gắn với phát triển bền vững

Chủ nhật - 15/09/2019 21:06
1. Cách tiếp cận tổng thể của hội thảo dựa trên quan điểm của UNESCO về phát triển bền vững

Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc (UN) lần thứ 70 đã thông qua chương trình mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Có 17 mục tiêu  chung và 169 mục tiêu cụ thể đã được thông qua. Các mục tiêu này là sự tích hợp, gắn kết và cân bằng ba khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, coi đó là một trong những nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững, năm 2016, Đại hội đồng Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã sửa đổi và bổ sung một chương mới trong tài liệu Hướng dẫn thực hiện Công ước. Chương này có tên là “Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia”. Vậy phát triển bền vững trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể bao gồm những nội dung gì?

Trước hết, mục tiêu chung của bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững là hướng tới “phát triển xã hội toàn diện”; “phát triển kinh tế toàn diện”; “sự bền vững về môi trường”; “hòa bình và an ninh”.

Thứ hai, mục tiêu cụ thể của bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững là: Một xã hội toàn diện với phát triển an ninh lương thực; y tế; giáo dục có chất lượng; đảm bảo bình đẳng giới và bảo vệ tài nguyên nước. Một nền kinh tế toàn diện tạo thu nhập và sinh kế bền vững, có công ăn việc làm hiệu quả và tử tế cho người dân; có tác động tích cực của du lịch tới di sản mà vẫn đảm bảo việc bảo vệ di sản. Một quốc gia phát triển phải có môi trường bền vững mà ở đó các tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ được ghi nhận. Những tác động của môi trường trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được xem xét và giải quyết tích cực. Ở đó có việc duy trì khả năng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu trên cơ sở cộng đồng. Một quốc gia phát triển bền vững là quốc gia có sự gắn kết và công bằng xã hội, ngăn chặn và giải quyết xung đột, có hòa bình và an ninh lâu bền thông qua việc công nhận, thúc đẩy và tăng cường tận dụng triệt để sự đóng góp của hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cho việc điều hành dân chủ và các quyền con người bằng việc đảm bảo sự tham gia rộng rãi nhất có thể của các cộng đồng, nhóm người và các cá nhân.

Thứ ba, UNESCO yêu cầu: nếu các kế hoạch, chính sách và chương trình phát triển ở mỗi quốc gia có liên quan hoặc có ảnh hưởng đến di sản văn hóa phi vật thể thì phải “tích hợp một cách đầy đủ khía cạnh bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào trong các kế hoạch, chính sách và chương trình phát triển của mình ở tất cả các cấp”. Điều đó có nghĩa là phải tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; phải đảm bảo lợi ích tối ưu cả về vật chất lẫn tinh thần cho những cộng đồng chủ thể đang nắm giữ sáng tạo văn hóa đó; phải đảm bảo sự tham gia rộng rãi của họ trong các kế hoạch dự án; phải có sự tham vấn các nhà chuyên môn về lĩnh vực văn hóa để đảm bảo sự tích hợp, gắn kết và cân bằng của phát triển bền vững. Bởi vì “di sản văn hóa phi vật thể được coi như là một nguồn lực chiến lược cho phát triển bền vững” nên nghiên cứu khoa học cùng với các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể sẽ phải có sự tham gia của cộng đồng, phải đảm bảo việc nhận diện, bảo vệ, khai thác các giá trị di sản để phát triển và đảm bảo bản quyền của họ.

Thứ tư, các giải pháp được định hướng như sau: Ghi nhận, tôn trọng, đề cao di sản văn hóa phi vật thể trong xã hội, nhấn mạnh vai trò của nó trong việc đảm bảo nguồn lương thực, nguồn tài nguyên, trao truyền các kĩ năng sống nhất là trong nông nghiệp và các hoạt động sinh sống, ứng xử xã hội khác. Xác định và đánh giá các cơ hội mà di sản văn hóa phi vật thể có thể tạo ra thu nhập và duy trì sinh kế cho các cộng đồng, nhóm người và các cá nhân; tạo công ăn việc làm hiệu quả và tử tế cho các cộng đồng, nhóm người và các cá nhân. Ghi nhận, tôn trọng và phát huy các tri thức và tập quán của cộng đồng liên quan đến khoa học địa chất và đặc biệt là khí hậu, khai thác tiềm năng của chúng nhằm góp phần vào việc giảm bớt rủi ro, hồi phục sau thiên tai, đặc biệt là thông qua việc tăng cường gắn kết xã hội và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu. Ghi nhận, thúc đẩy và tăng cường sự đóng góp mà di sản văn hóa phi vật thể có thể đem lại cho việc ngăn ngừa các tranh chấp và giải quyết xung đột một cách hòa bình; điều hành dân chủ và các quyền con người thông qua việc đảm bảo sự tham gia rộng rãi nhất có thể của các cộng đồng, nhóm người và các cá nhân.

2. Di sản văn hóa phi vật thể Cù Lao Chàm - Nhận diện, kiểm kê để bảo vệ và phát triển bền vững

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể và di sản thiên nhiên đa dạng, phong phú, bản sắc. Từ năm 2001, Việt Nam đã có Luật di sản văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam lại là một trong 30 quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước 2003 của UNESCO, là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào các danh mục di sản của UNESCO; hầu hết các tỉnh và thành phố đã triển khai chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Hơn 300 di sản đã được đưa vào danh mục bảo vệ ở cấp độ quốc gia và gắn với phát triển bền vững. Vậy ở Cù lao Chàm có những di sản gì và làm thế nào để bảo vệ và phát huy tất cả trong một mối quan hệ gắn kết hài hòa và tốt nhất?

Di sản văn hóa phi vật thể theo khái niệm mà UNESCO đưa ra trong Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có những điểm chính như sau:

- Là sáng tạo văn hóa của cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân, được truyền từ đời này sang đời khác.

- Là những giá trị, được cộng đồng đó và các cộng đồng có liên quan nhìn nhận như là những đặc trưng của họ, rất là quan trọng đối với họ. Họ muốn được thực hành, bảo vệ và trao truyền cho các thế hệ con cái mai sau để giữ bản sắc và vì lợi ích của chính cộng đồng đó.

- Những thực hành văn hóa đó chỉ trở thành di sản khi được xã hội (các cộng đồng khác) chia sẻ, ghi nhận và phải được hội nhập với đời sống đương đại, đảm bảo quyền của con người và không xung đột với các tập quán của các cộng đồng khác.

Từ khái niệm nói trên của UNESCO, khái niệm này đã được vận dụng triệt để trong Luật sửa đổi một số điều của Luật di sản văn hóa, ở đây xin bàn đến khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể ở Cù lao Chàm”. Di sản này ở đâu trong đời sống hôm nay?

Theo định nghĩa nêu trên cho thấy di sản văn hóa phi vật thể là một khái niệm mở. Di sản luôn được tái tạo, sáng tạo, trao truyền và lưu giữ từ đời này qua đời khác. Di sản có thể thay đổi về hình thái, về chủ thể thực hành và sử dụng nhưng giá trị cốt lõi, bản sắc của nó không thay đổi.

Làm thế nào để nhận diện di sản này? Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là biện pháp bảo vệ di sản đầu tiên, quan trọng nhất mà UNESCO khuyến nghị đối với các quốc gia thành viên của Công ước. Được biết thành phố Hội An đã có những công trình nghiên cứu điều tra, thống kê di sản văn hóa phi vật thể từ cách đây cả chục năm. Những kết quả nghiên cứu này đang là cơ sở khoa học hữu hiệu cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An. Nhiệm vụ bảo vệ di sản Cù Lao Chàm cần được đặt trong mối quan hệ tổng thể, tích hợp với di sản văn hóa thế giới Hội An. Nếu như chưa có một dự án/một công trình nghiên cứu khoa học chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể ở Cù Lao Chàm thì đây là công việc đầu tiên cần làm ngay.

Theo mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO thì việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng có ý nghĩa góp phần “bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở cấp quốc gia” bởi vì trước hết các di sản này sẽ góp phần to lớn, là nền tảng văn hóa đảm bảo một nền giáo dục có chất lượng của một xã hội phát triển toàn diện “đảm bảo mọi người đi học đều đạt được kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát huy, phát triển bền vững”. Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới mà ở đó có các cư dân sinh sống lâu đời và luôn gắn bó chặt chẽ, tương tác với cộng đồng cư dân ở Hội An. Họ là chủ thể của biết bao di sản thuộc loại hình tri thức dân gian, đó là các kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản lương thực thực phẩm, chữa bệnh. Những di sản này góp phần vào nội dung lương thực, y tế và sức khỏe cộng đồng trong mục tiêu phát triển bền vững. Nghề thủ công truyền thống của Cù Lao Chàm từ xa xưa cho đến ngày nay vốn đã là thu nhập, sinh kế của người dân và các cộng đồng có liên quan nay một lần nữa cần được khẳng định để tiếp tục mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, tạo ra “công ăn việc làm hiệu quả và tử tế”. Cùng với nghề thủ công truyền thống, lễ hội và các di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ở Cù Lao Chàm sẽ là cơ sở bền vững cho phát triển du lịch văn hóa của Cù Lao Chàm để “đến năm 2030 đạt được các kế hoạch và triển khai phát huy du lịch bền vững tạo công ăn việc làm và phát huy giá trị văn hóa và sản phẩm của địa phương”. Trong các di sản thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng cùng với di sản tri thức dân gian và di sản lễ hội còn có biết bao tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ liên quan đến Cù lao Chàm?. Việc bảo vệ nó sẽ đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, thông qua việc “khai thác tiềm năng của di sản nhằm góp phần vào việc giảm bớt rủi ro, hồi phục sau thiên tai, đặc biệt là thông qua việc tăng cường gắn kết xã hội và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu”. Chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An và Cù Lao Chàm sẽ đảm bảo được sự gắn kết và công bằng xã hội theo yêu cầu “phát huy tính toàn diện của xã hội, kinh tế, chính trị cho tất cả không kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tôn giáo hoặc các hoàn cảnh kinh tế khác”. Mọi cộng đồng đều được tôn trọng bởi vì di sản của họ được ghi nhận, đề cao và phát huy. Không có sự phân biệt giữa các cộng đồng có số lượng đông người hay ít người hoặc là dân bản địa hay dân từ nơi khác đến; tập quán và tín ngưỡng khác nhau; một số cộng đồng bị thiệt thòi sẽ được quan tâm. Việc lựa chọn các di sản để bảo vệ khẩn cấp, để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong tương lai sẽ phải có tiêu chí rõ ràng, được cộng đồng đề cử, thảo luận và thống nhất. Vai trò của cộng đồng tham gia vào chương trình kiểm kê phải rõ ràng và hiệu quả. Cộng đồng sẽ được tập huấn, được hướng dẫn, được hỗ trợ trong suốt quá trình kiểm kê và kết quả kiểm kê chính là kết quả đã được cộng đồng nhận diện, xây dựng và đề cử. Đây là một yếu tố quan trọng cho tính thực tiễn và bền vững của chương trình kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Hội An và Cù Lao Chàm.

Suy cho cùng việc bảo vệ di sản văn hoá hay di sản thiên nhiên, di sản vật thể hay di sản phi vật thể đều là bảo vệ con người – chủ thể của các di sản văn hoá đó. Những người dân, những nhà quản lý sinh sống trong di sản, nắm giữ di sản cần phải nhận thức được giá trị và tương tác với di sản một cách có chuyên môn với sự hiểu biết đầy đủ và có đạo đức nghề nghiệp./.
 

Tác giả: TS.Lê Thị Minh Lý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây