Giữ mãi lời ru cho tuổi thơ phố cổ

Chủ nhật - 15/09/2019 21:40
Dân gian xưa có câu rằng “Đố ai nằm võng không đưa/Ru con không hát đò đưa không chèo”. Đã từ bao đời, người dân hát ru để đưa trẻ con chìm vào giấc ngủ như một lẽ tự nhiên của đất trời, của tình yêu thương không điều kiện dành cho trẻ thơ. Còn với đứa bé, có lẽ không gì êm đềm, dịu dàng hơn thanh âm du dương được cất lên từ tình yêu, niềm âu yếm của cha, mẹ, ông bà, chắt chiu qua những câu ca, điệu hò thân thương của xứ sở.
Ở Hội An, hát ru là loại hình văn hóa dân gian đã có từ lâu đời. Những bài ca dao, điệu hò, câu vè da diết vang lên bên vành nôi, trên cánh võng đong đưa hay giữa vòng tay ôm ấp của bà, của mẹ cứ thấm dần, thẳm sâu vào tâm hồn mỗi con người. Trải qua bao đời bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con, con truyền cho cháu… ngâm nga khúc điệu êm ái của quê hương, họ thay nhau gìn giữ, bồi đắp, làm giàu có thêm nét văn hóa độc đáo ấy cho muôn đời con cháu.

Buổi ban đầu, hát ru như một phản xạ bản năng của người mẹ giúp con dịu bớt sự ức chế khó chịu khi cơn buồn ngủ kéo đến trĩu nặng đôi mi.Về sau, tiếng hát ru đã trở thành một thể loại dân ca trữ tình trong sinh hoạt văn hóa gia đình với chức năng giáo dục và thẩm mỹ sâu sắc.

Để cho đứa bé đang gắt gỏng, khóc thét kia quên đi cảm giác bức rức, bực bội, người hát ru vừa nhanh tay đưa tao nôi vừa đọc thật to những bài vè có nhịp điệu nhanh, tiết tấu dồn dập kiểu như:

- Cốc cốc là gốc tre khô
Thùm thùm là da trâu thúi
Hụi hụi là mi đuổi tau
Lao xao là tau nhảy mất
 
- Chập chập chen chen
Mẹ Rằng đi chợ,
Mẹ Rợ ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt chặt đuôi
Bắt ruồi chặt cánh
Đòn gánh có mấu
Cá sấu có tai
Con nai có sừng
 
Bánh canh thì ngọt
Roi vót thì đau
Hàng trầu hàng cau
Là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái
Là hàng bà già
Hàng bông hàng hoa
Là hàng con nít.

Khi con đã ngưng tiếng khóc, nghĩa là chịu hướng sự chú ý đến tiếng nói của người mẹ, chờ ngóng xem điều gì đó đang diễn ra thì giọng mẹ cũng hạ thấp dần và bắt đầu hát, dịu dàng như rót mật vào tai. Mở đầu của khúc ru chưa phải là lời hát mà mới chỉ đưa hơi, lấy giọng bằng những hư từ “À…ơ”. Việc lấy hơi, ngoài mục đích gây chú ý cho đứa bé, còn là để tạo đà cho lời hát ngân dài mềm mại. Giai điệu phần thân tương ứng với một cặp thơ lục bát hoặc nhiều hơn, do đó nét giai điệu của hát ru sẽ được lặp lại nhưng có sự thay đổi đôi chút để phù hợp với thanh điệu của lời ca.

Bằng những câu ca dao rút ra từ vốn hiểu biết của mình, người mẹ ngân thành lời ru, tiếng hát, trao cho đứa trẻ biết bao tình cảm yêu thương quê hương, đất nước với những tên sông, tên núi, tên làng cùng thói quen, tập tục sinh hoạt bao đời.
 
Hà ơ…ơ…ơ…!
Bồng con mà bỏ vô nôi
(Chớ) …để mẹ đi chợ (…ơ…ơ…) mua vôi ăn trầu
(Mà) mua vôi (ì) chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Bất (ờ…ơ) Nhị (ơ…mua cau Bất Nhị mà) mua trầu (mà) Hội An.

Hà… ơ…!
(Chứ) kể từ ông bộ kể ra
Cây trâm Trà Lý bước qua Bần Bầu
Tam Kỳ chợ bạn Câu Lâu
(Chứ) Vĩnh Điện (hứ) Bà Rén (hừ…hớ hớ ơ) nhịp cầu đôi quê
Thương nhau ai dỗ đừng nghe
Củi xanh mới (hờ…ơ)đượm (ơ…ớ…ơ) củi tre mau tàn (…ơ ớ ơ…)
 
Lời ru phác họa nên những nét đầu tiên về các mối quan hệ xã hội, cung cách giao tiếp, ứng xử trong gia đình, làng xóm; tạc vào tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ. Có lời ru gợi ra cả một thước phim tự sự dài, gởi gắm bao tâm tư, tình cảm, ân nghĩa ở đời:

Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu nhành cây đa
Cực lòng thiếp phải nói ra
(Chứ) chờ trăng trăng lặn (mà) chờ hoa hoa tàn
Tang tích tang lòng càng thương nhớ
Tang tích tịch bạn chớ nghe ai
Trăm năm đá nát vàng phai
Đá nát mượt đá, vàng phai mượt vàng
Biển rộng mượt biển sông dài mượt sông
Hẹn cùng nhau đây vợ đó chồng
Ngọn đèn lưu ly thiếp xách (chứ) mâm tơ hồng chàng bưng
Mặt nhìn nhau nước mắt rưng rưng
Nước mắt chi cất cớ, bạn biểu đừng vô duyên
Ngó lên trên rừng, thấy cặp cu đương đá
Ngó xuống dưới biển, thấy cặp cá đương đua
Biểu bạn về lập miễu thờ Vua
Lập lăng thờ Mẹ, lập chùa thờ Cha.

Hát ru còn là hình thức truyền thụ vốn dân ca, thơ nhạc, tri thức dân gian cho con trẻ một cách gần gũi, tự nhiên mà sâu đậm nhất vì đó là tiếng lòng của ông bà, cha mẹ dội vào tiềm thức trẻ thơ; là suối nguồn dạt dào nuôi dưỡng tâm hồn lớp lớp người con của xứ sở. Cố Giáo sư Trần Văn Khê từng tâm sự với các bà mẹ trẻ rằng “Trong thế hệ của chúng tôi, nét nhạc đầu tiên đến với mỗi người từ lúc mở mắt chào đời là qua tiếng hát ru. Cùng một lúc với dòng sữa ấm của mẹ truyền sang cơ thể của em bé, những câu thơ dân gian, hay điệu nhạc dân tộc được rót vào tiềm thức của đứa trẻ”. Nhưng tiếc rằng, cũng như ở nhiều địa phương khác, ngày nay tiếng hát ru huyền dịu ấy đã dần thưa vắng trên quê hương Hội An. Từ phố phường cho đến chốn thôn quê, chẳng còn mấy người biết ầu ơ ru con bằng những khúc hát, lời thơ mộc mạc mà sâu lắng trong vốn quý dân tộc. Thay vào đó, với sự hỗ trợ của công nghệ cùng các phương tiện nghe nhìn hiện đại, người ta dùng nhạc trẻ, nhạc sáng tác cho thiếu nhi… để ru con.Từ thuở còn nằm nôi, nếu như trẻ con xưa được đắm mình trong những làn điệu đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thì trẻ con ngày nay đã bị tách biệt, trở nên xa lạ hẳn. Đó không chỉ là thiệt thòi của thế hệ những người trẻ hôm nay mà còn là nguy cơ đứt đoạn một mối dây tuyệt đẹp của văn hóa dân tộc được truyền dẫn qua bao đời.

Dẫu biết đó là hệ quả thường tình một khi môi trường xã hội đổi thay cùng nhiều biến chuyển về điều kiện vật chất, văn hóa văn nghệ… nhưng để thế hệ hôm nay và ngày mai không lạc lõng với văn hóa ông cha, không đánh mất mình giữa những lối sống, luồng văn hóa mới du nhập, họ rất cần được cổ vũ tinh thần để quan tâm tìm hiểu, khơi dậy ý thức bảo tồn và tình yêu với văn hóa truyền thống; cần những câu lạc bộ hát ru để được truyền dạy, tập tành, biết hát ru, say mê hát ru và tự hào khi có thể hát ru con bằng tiếng nói dịu dàng, thanh âm thánh thót của ngàn xưa để lại.
 

Tác giả: Thái Thị Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây