Hội An – tình yêu của tôi

Chủ nhật - 27/10/2019 21:42
Những người sinh ra và lớn lên ở Hội An, hoạt động và lập nghiệp ở Hội An, có những kỷ niệm đằm thắm và những mối tình nồng nàn ở Hội An - những người con của phố Hội, yêu dào dạt và sâu thẳm mảnh đất này âu cũng là đương nhiên, bởi có nơi nào đẹp hơn, đáng yêu hơn quê hương của mình. Nhưng kỳ lạ thay với những người khác - với cả các bạn nước ngoài - dù chỉ một lần đến Hội An, cũng đều bị quyến rũ, bị chinh phục bởi Hội An, cái đô thị cổ nhỏ bé và êm đềm này.
Những mái rêu mình như không đâu có. Những bức tường cũ kỹ với những mảng vữa đã bong ra. Những con phố hẹp, không thể hẹp hơn, với những căn nhà ống mà khi bước vào ta vừa thấy ấm áp vừa thấy mát lành. Những con mắt cửa ngơ ngát và thân tình. Những bức chạm gỗ tinh mỹ, đen bóng, ánh lên bề dày năm tháng.
         
Dòng sông Thu Bồn, ghe thuyền tấp nập, tôm cá tươi ngon, ở bên kia sông, làng quê với những vườn cây sum suê xanh biết, đất mịn mát chân, những trái bắp thơm ngọt những nhành mai rực rỡ. Và Cửa Đại sóng vỗ, tuyệt trời xanh. Chúng ta yêu vẻ đẹp hình hài của Hội An. Chúng ta yêu vẽ đẹp tâm hồn của Hội An. Hội An chỗ nào cũng bắt gặp những nụ cười, những ánh mắt hồn hậu mến khách, những gương mặt tin cậy, cởi mở, dịu dàng. Chúng ta mê đắm cùng người Hội An trong những lễ hội Long chu, Bả trạo đầy màu sắc, âm thanh và những giọng hò mênh mang sông nước.
         
Bùi Xuân Phái - Phái phố - đã đến đây. Ông đã thật sự phát hiện vẻ đẹp mới của Hội An. Phố cổ làm thăng hoa bút vẽ của ông hay chính ông đã làm phố cổ thêm đẹp mê hồn?
         
Với danh họa Lưu Công Nhân: “ở Hội An ngồi đâu cũng vẽ được tranh, đứng đâu cũng tìm ra góc đẹp. Hãy leo lên một cái gác cao nhìn xuống những đầu hồi của hai dãy phố, mới thấy cái tài hoa của cha ông ta xưa về nghệ thuật đô thị hai đường phố cổ Hội An là bố cục chặt chẽ của những góc vuông vừa cổ điển lại vừa hiện đại của một Môndrian hay Juan Gris. Toàn bộ đô thị cổ Hội An là những bức tranh đã vẽ sẵn. Tôi đến Hội An một ngày mưa như trút nước. Định ở lại một tuần rồi đi. Thế mà chỉ vì mê vẻ đẹp của Hội An, tôi đã sống trọn một năm. Tết cũng không về nhà”. Nhớ Lưu Công Nhân những ngày ấy. Hội An mưa se lạnh. Anh dậy rất sớm và lặng lẽ ôm giá vẽ đi khắp nơi. Có bà bán hàng ở chợ thương hại anh: “Ai hành ông mà ông dậy thiệt sớm, lui cui đây đó”. Chính tình yêu Hội An và niềm say mê nghệ thuật đã “hành” anh, đem đến cho anh bút lực để làm cho bút lực Lưu Công Nhân đầy sức sống tươi mới cho đến hôm nay.
         
Nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên, ở Hội An hồi sáu, bảy tuổi, hình như chỉ có vậy mà viết nên những dòng kỳ bút: “Hội An chẳng là quê; Mà là hương, khổ thế; Quên quê ai có thể; Hương ư, ôi dễ gì; Yêu ở đâu thì yêu; Về Hội An xin nhớ; Hôn một lần ở đó; Một đời vang thủy triều”. Thay tất cả những người “Hội An chẳng là quê”, nhà thơ phát hiện Hội An tình yêu của chúng ta, đã thành mùi hương theo suốt cả cuộc đời, nhà thơ “Khuyên” chúng ta chớ yêu ở Hội An song ngược lại, Hội An tình yêu của chúng ta thành khúc hát vô tận vô biên của thủy triều.

Đô thị cổ mà có bao nhiên năm tuổi? Người ta đã tìm thấy ở đây dày đặc những di chỉ của nền văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sử. Thuở xa xưa, Hội An từng có tên Đại Chiêm - một cảng thị của Marco Polo. Bốn thế kỷ trước, Hội An đã trở thành một trung tâm thương mại quốc tế lớn của Đàng Trong, của vùng
 
Đông Nam Á với những thương thuyền, thương điếm của Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan… những khu phố của người Nhật, người Tàu.

Có lẽ đây là nơi “mở cửa” sớm nhất và khá thành công ở nước ta. Gắn liền với sự giao lưu văn hóa mà qua đan xen của nhiều dòng đã hiển hiện một bản sắc dân tộc đậm đà, Hội An đang là đề tài cho biết bao luận văn, công trình nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, về kinh tế, du lịch, xã hội khác… Hội An đã và sẽ là nguồn cảm hứng phong phú của các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà điện ảnh, nhiếp ảnh, các nhà nghệ thuật… Anh bạn kiến trúc sư Ba Lan Kazimier Kwiatkowski sau khi lững thững đi qua nhiều con phố Hội An cổ đã thốt lên “Với tôi đến Hội An là khám phá, tôi vui mừng như Chritophe Colombus khi tìm ra Mỹ châu”.
         
Ông R. Burns, Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) xem “Hội An là một Venise” ở phương Đông” và đoán chắc “Hội An sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở vùng Đông Nam Á”.

Nghe những lời ca ngợi Hội An, chúng ta càng nhớ Nguyễn Tuân. Năm 1985, khi gặp lại Hội An sau gần nữa thế kỷ xa cách. Nguyễn Tuân sững sờ “Hội An vẫn còn nguyên vẹn như xưa bất chấp bom đạn hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ… Quê hương ta đã đổ vỡ nhiều quá. Nhỏ như cái bát, cái chén nay còn giữ được vẫn là quý. Huống hồ đây là một thị trấn, một thành phố”.

Chúng ta đang có trong tay một tài sản vô giá. Không kỳ vĩ như Angkor, như Vạn Lý Trường Thành, như Borobudur, Hội An có nét độc đáo của nó. Các chuyên gia UNESCO, bằng trí tuệ và tâm huyết giúp chúng ta đưa Hội An vào danh sách các di sản Văn hóa thế giới. Các bạn Nhật đã hết mình lao động nghiên cứu, tài trợ hợp tác với chúng ta tu sửa một số ngôi nhà cổ, không chỉ để lại đôi dấu xưa của khu phố Nhật, mà để cùng chúng ta giữa cho hôm nay và ngày mai một quần thể di tích mang trong lòng nó cuộc sống đời thường của hàng ngàn người.

Sẽ là vô nghĩa nếu không nói là có tội, nếu như Hội An - một may mắn lịch sử - còn tồn tại qua biết bao biến động giờ đây lại bị chúng ta làm cho nó biến dạng, tiêu vong và rồi từ trong các cao ốc bê tông chúng ta nuối tiếc “phố cũ đâu rồi, bóng tịch dương”.

 Sẽ là không thể chấp nhận được nếu như tham vọng bảo tồn Hội An mà không đem lại cuộc sống ngày càng đầy đủ, văn minh hơn cho những con người, những gia đình đã bao đời sinh sống trong đô thị cổ, bởi vì chính họ đã gìn giữ cho Hội An có vẻ đẹp hôm nay. Chúng ta đã nghe những lời kêu cứu từ Hội An, những lời cảnh báo về sự ra đi của Hội An. Trước mắt chúng ta - bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa Hội An là sự nghiệp đầy thử thách. Nhất định chúng ta, những người con Hội An, những người bạn của Hội An sẽ nối vòng tay lớn vượt qua thử thách, bởi lẽ từ nơi trái tim mình chúng ta đều chung một tiếng nói: Hội An - tình yêu của chúng ta.

Tác giả: NNC.Nguyễn Đình An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây