Thông qua bức thư gửi cho tướng quân Toyotomi Hideyoshi của Phó Đô đường Phúc Nghĩa hầu họ Nguyễn vào năm 1591, mối quan hệ giao thương giữa Đại Việt và Nhật Bản được xác lập, mở ra một thời kỳ phát triển mới (1). Về phía Nhật Bản, bắt đầu từ năm 1600, các shogun (tướng quân) theo thể chế Mạc phủ nắm trong tay mình mọi quyền hành chính trị, ngôi vị Thiên hoàng lúc này chỉ còn mang tính nghi thức. Để quản lý các giới thương nhân, xác lập uy quyền và gây sức ảnh hưởng của mình ra bên ngoài, chính quyền Mạc phủ đã ban hành chế độ Shuin-sen (Châu ấn thuyền), kèo dài từ năm 1602 đến năm 1635. Theo đó, chính quyền Mạc phủ đã cấp phát các Goshuinjo (Châu ấn trạng), một giấy phép thông hành đặc biệt được đóng dấu đỏ, cho phép thương thuyền Nhật Bản vượt biển đi giao thương, buôn bán ở hải ngoại, trong đó có thương cảng Hội An - Đàng Trong của Đại Việt. Đồng thời việc nhà Minh ban hành chính sách hải cấm (cấm biển) từ năm 1371, nghiêm cấm các thương nhân người Hoa giao thương hàng hải với các nước, nhất là đối với Nhật Bản, từ đó đã khiến cho một số hàng hóa thông thương như trầm hương, tơ lụa, gốm sứ… giữa hai nước này bị cấm vận hoàn toàn. Để đảm bảo hoạt động giao thương hàng hải của mình, các thương thuyền Nhật Bản đã phải tìm đến các quốc gia như Ấn Độ, Xiêm La, Campuchia và Đại Việt… để mua các mặt hàng thay thế, hoặc dùng hải cảng của các nước này làm nơi trung chuyển hàng hóa từ Nhật Bản đi Trung Hoa và ngược lại.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là sự phát triển của kỹ thuật hàng hải và xuất phát từ nguyên nhân về chính trị, nhu cầu tìm kiếm thị trường buôn bán, trao đổi hàng hóa, việc các thương nhân Nhật Bản sớm có mặt ở thương cảng Hội An là một điều dễ hiểu và là hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế thương mại biển và mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, thương cảng Hội An đã thể hiện rõ nét vai trò và vị thế của mình ở nhiều khía cạnh khác nhau, yếu tố nội tại là cơ sở quan trọng để thương cảng Hội An khẳng định được điều đó. Nằm trong không gian địa - văn hóa của khu vực xứ Quảng với tiềm năng và nguồn lực dồi dào: “Xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bong, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đây” (2). Thêm vào đó là lợi thế về biển đảo tạo tiền đề cho sự phát triển thương cảng cũng như sự giao lưu văn hóa và xác lập quan hệ với các nước:“Đảo Đại Chiêm ở cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía đông, ngất ngưởng giữa biển, gọi là đảo Ngoạ Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm. Dân phường Tân Hợp ở phía nam núi, ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài thường trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đây để lấy củi, nước” (3). Cũng cần phải khẳng định rằng, trong hệ thống hải thương khu vực Đông Nam Á thời kỳ này, thương cảng Hội An có một vị thế chiến lược vô cùng quan trọng điều này đã được Christoporo Borri khẳng định: “cảng đẹp nhất có nhiều sản vật quý hiếm mà người ngoại quốc đều ghé thăm, cảng đó thuộc khu vực Quảng Nam” (4). Mặt khác, thương cảng Hội An nằm không quá xa thủ phủ chúa Nguyễn ở Thuận Hoá, các thương thuyền hải ngoại có thể giữ mối giao hảo trực tiếp với chính quyền Đàng Trong khi cần thiết và: “Cuối cùng, chúng ta phải thừa nhận rằng Hội An, cảng chính của Đàng Trong, cũng có vai trò của nó trong việc lôi cuốn các thương gia Nhật đến Đàng Trong. Đây là một trung tâm phân phối hàng được tổ chức khá tốt. Người Nhật có thể đến đây để mua hàng Trung Hoa và các nước Đông Nam Á một cách khá thuận lợi với mức thuế không cao lắm. Về phương diện nay, Hội An cũng giống một số cảng khác ở Đông Nam Á như Malacca, Patani, Banten” (5).
Như vậy, mối quan hệ thương mại là nền tảng, cơ sở để xác lập quan hệ bang giao Việt - Nhật và thương cảng Hội An là mắt xích gắn kết, là tiền đề, minh chứng cho mối quan hệ này. Trong bức thư của chúa Tiên Nguyễn Hoàng gửi cho tướng quân Tokugawa vào ngày 5 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 (Năm 1601 Tây lịch, năm Khánh Trường thứ 6 của Nhật Bản) có đoạn ghi: “…Nay nhiều lần đội ơn Gia Khang công có ý tốt đã sai Bạch Tân Hiển Quý (Shirahama Kenki) mang thuyền tới buôn bán, thông thương kết hiếu, lại đội ơn ban cho thư trát, đó là việc qua lại với quan Đô đường trước kia. Nay tôi vừa giữ chức Đô thống Nguyên súy, muốn theo việc trước hai nước giao thông, không may đến tháng 4 năm trước Hiển Quý đỗ thuyền ở cửa biển Thuận Hóa bị sóng gió làm hỏng thuyền, không nơi nương tựa. Quan Đại Đô đường ở Thuận Hóa không biết Hiển Quý là thương nhân lương thiện, tranh cãi với người trên thuyền, không ngờ quan Đô đường lỡ việc qua đời, các tướng súy đem quân báo oán, vả lại ngày ngày đều muốn giết chết Hiển Quý. Tôi ở Đông Kinh nghe được tin ấy, thương tiếc khôn xiết. Năm trước ta vâng mệnh triều đình, lại về trấn lớn, thấy Hiển Quý vẫn còn ở nước tôi, tôi vốn muốn phát thuyền đưa về, nhưng tiết trời chưa thuận nên kéo dài đến hôm nay. May thấy thương thuyền của quý quốc lại tới, Hiển Quý am hiểu mọi việc, tôi đều ưng ý. Nên kính cẩn chuẩn bị lễ bạc, tạm biểu lộ ý mọn, ngõ hầu nhận cho. Ngoài ra còn có một phong thư riêng, làm phiền dâng lên thượng vị. Sau này Hiển Quý về nước, hai nước kết làm anh em, hợp đạo trời đất. Nếu thật như thế, xin giúp cho quân khí như thuốc súng, sơn cùng khí giới để dùng vào việc nước, thì tôi vô cùng cảm tạ ơn đức, ngày sau sẽ cố sức báo ơn, hết lòng chúc tụng. Nay thư” (6). Qua đó cho thấy chúa Nguyễn Hoàng đã rất tích cực chủ động trong việc xác lập mối quan hệ bang giao Việt - Nhật: “Nguyễn Hoàng tỏ ra là người bạn hàng hăm hở hơn và thường đóng vai trò chủ động. Thái độ của ông chắc chắn đã khuyến khích người Nhật tới Đàng Trong…” (7). Ngoài việc xác lập mối quan hệ với chính quyền Mạc phủ và một số người đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản, các chúa Nguyễn cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mãi đặc biệt đối với các thương nhân Nhật Bản trong việc cho phép giới thương nhân này chọn địa điểm thích hợp để dựng phố buôn bán và định cư lâu dài dẫn đến sự ra đời “Phố Nhật” bên cạnh “Phố Khách” của người Hoa tại thương cảng Hội An: “Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Trung Quốc chọn một địa điểm và nơi thuận lợi để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán. Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy” (8). Tại đây, các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa sống theo từng khu phố riêng và sinh hoạt văn hóa theo tập tục riêng của mình, họ có quyền tự trị, được tư do buôn bán và phải nộp thuế với mức thấp, một số thương nhân còn được các chúa Nguyễn trọng dụng vào các công việc quan trọng như thông ngôn, hay làm Cai Phủ tàu chuyên coi trách, điều khiển thương thuyền, quản lý các công việc buôn bán ở phố cảng, hoặc giữ vai trò lãnh sự tại nơi này. Vào thời kỳ này, phố Nhật ở Hội An có khoảng 700 kiều dân Nhật Bản định cư (9), và có đến 10 dòng họ thương gia giàu có bậc nhất ở Nhật Bản đến buôn bán, lập hiệu buôn tại đây như Suminokura, Araki, Kiya, Sueyoshi, Funamoto, Hashito, Suetsugu, Hirano... Để tăng cường mối quan hệ bang giao và thúc đẩy ngoại thương, năm 1604 chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã nhận Hunamoto Yabeije - một thương gia đồng thời là phái viên đầu tiên của chính quyền Tokugawa tới Đàng Trong làm con nuôi, cũng như về sau chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái của mình là công chúa Ngọc Hoa cho thương gia người Nhật - ông Araki Sotaro vào năm 1619, đây là những dấu mốc quan trọng trong quan hệ bang giao Việt - Nhật. Theo số liệu thống kê các điểm đến của Chân ấn thuyền ở khu vực Đông Nam Á trong “Nghiên cứu phố Nhật ở Nam Dương” của Giáo sư Iwao Seiichi cho biết từ năm 1604 đến 1635 chính quyền Mạc phủ đã cấp 356 Chấu ấn trạng cho các thương thuyền ra hải ngoại giao thương, buôn bán, trong đó có 124 thương thuyền trực tiếp buôn bán với Đại Việt và 87 thương thuyền cập cảng thị Hội An, qua đó các chúa Nguyễn đã chính thức xác lập mối quan hệ bang giao với Nhật Bản trong giai đoạn này (10).
Sự phát triển của hệ thống thương mại hàng hải quốc tế cùng với các chính sách mở cửa giao thương của các chúa Nguyễn đã tạo tiền đề cho sự hưng thịnh của thương cảng Hội An trong suốt nhiều thế kỷ, biến nơi đây trở thành một trung tâm thương mại “liên vùng” và “liên thế giới”. Bên cạnh đó, thương cảng Hội An không chỉ đóng vai trò là một cảng thị quốc tế sầm uất mà còn là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó Nhật Bản là một minh chứng cụ thể. Qua việc xác lập mối quan hệ thương mại, thương cảng Hội An trở thành cầu nối, mắt xích quan trọng không thể thiếu trong việc gắn kết mối quan hệ bang giao Việt - Nhật trong lịch sử.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) Ngày 21/3/1591, vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) đã sai Phó Đô đường Phúc Nghĩa hầu Nguyễn Cảnh Đoan viết thư cho tướng quân Toyotomi Hideyoshi để xin kết mối giao thương giữa Đại Việt và Nhật Bản (theo Dương Sông Lam - Chuyện về bức thư ngoại giao gửi quốc vương Nhật Bản từ hơn 400 năm trước, Báo Công an nhân dân online), về sau trong bức thư của chúa Tiên Nguyễn Hoàng gửi Mạc phủ Tokugawa vào năm 1601 xin lỗi việc tấn công chiếc tàu của Kenki - một thương nhân Nhật Bản và xác lập quan hệ bang giao giữa Đàng Trong và Nhật Bản đã có nhắc đến việc qua lại thư từ này (theo Đoàn Lê Giang (2013), Ngoại phiên thông thư” 外蕃通書: Tập tư liệu tối cổ về quan hệ Việt - Nhật, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thành quả và triển vọng, Trường ĐH.KHXH&NV TP.HCM, Tr.378 - 393).
(2) Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Quyển VI, NXB Khoa học Xã hội, Tr.337.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn (1999), Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, Huế Tr.358 - 359.
(4) Christophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB TP.Hồ Chí Minh, Tr.91.
(5) Li Tana, 2014, Xứ Đàng Trong (Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18), (Nguyễn Nghị dịch), NXB Trẻ, Tr.111.
(6) Đoàn Lê Giang (2013), “Ngoại phiên thông thư” 外蕃通書: Tập tư liệu tối cổ về quan hệ Việt - Nhật, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thành quả và triển vọng, Trường ĐH.KHXH&NV TP.HCM, Tr.378 - 393.
(7) Li, Tana (1999), Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ XVII - XVIII (Bản dịch Nguyễn Nghị), NXB Trẻ, Tr.88-89.
(8) Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB TP.Hồ Chí Minh, Tr.92.
(9) Nguyễn Văn Kim, Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV - XVII, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.143.
(10) Nguyễn Văn Kim, Sđd, tr.125 - 126.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền