Đình Đại Càn Tân Hiệp

Thứ tư - 18/12/2013 04:39
Đình làng là một thiết chế văn hóa của làng xã được xây dựng để vừa làm nơi hội họp, đón tiếp thượng cấp, đồng thời cũng là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của cư dân địa phương. Đồng thời, đình làng còn là nơi thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền là những người có công với làng xã trong việc khai cơ lập ấp, xây dựng và phát triển làng xã đó. Bên cạnh đó còn thờ các vị thần được triều đình ban sắc phong thờ tự, tế theo điển lễ quốc gia do nhà nước phong kiến quy định như Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thánh nương, thần Bạch Mã Thái Giám, thần Thiên Y A Na, Thành Hoàng Bổn xứ, Ngũ Hành Tiên Nương,...
         Ở Hội An, hầu hết các làng xã đều xây dựng  thiết chế này để phục vụ nhu cầu nói trên. Đặc biệt tại xứ Cù Lao cách trở biển khơi lại có đến hai ngôi đình với quy mô đồ sộ, đó là đình Tiền hiền (còn gọi là lăng Tiền hiền) và đình Đại Càn. Theo các tài liệu còn lại cho biết xã Tân Hiệp xưa là xứ Cù Lao, phường Tân Hiệp trực thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang. Cư dân định cư trên đảo chủ yếu làm nghề đánh cá mưu sinh, bên cạnh việc làm ăn sinh sống người ta đã tạo dựng nhiều công trình tín ngưỡng trên mảnh đất Cù Lao xứ, trong đó có đình Đại Càn. Đình có vị trí tọa lạc giữa khu dân cư thuộc thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp. Hiện nay đình đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại một bức bình phong theo dạng cuốn thư, một trụ biểu vuông, một tấm bia đá trang trí rồng mây mang phong cách hậu Lê đã bị mưa gió bào mòn, còn sót lại chưa đầy 20 chữ. Theo những chữ còn sót lại trên văn bia cho biết đình được xây dựng vào thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 22 (1761) với quy mô to rộng nhưng do bão táp, chiến tranh đình đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn lại bình phong, trụ biểu và bia đá.
         Theo hồi cố của các cụ cao tuổi trong làng và qua những dấu vết còn hiện hữu cho ta thấy, trước đây, đình có quy mô rất lớn và có thể nói đây là ngôi đình lớn nhất trên đảo Cù Lao Chàm (trừ di tích Phật giáo Chùa Hải Tạng).  
         Nhiều người dân trên đảo vẫn còn nhớ rõ rằng ngôi đình có quy mô rất lớn, được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 hè (3 gian 2 chái), có tiền đường, hậu tẩm. Toàn bộ hệ khung chịu lực được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Trong đình có bố trí các gian thờ lớn để thờ Đại càn Quốc gia Nam hải tứ vị và những vị thần Tả ban, Hữu ban.
         Nói về lý do xây dựng ngôi đình, nhiều vị cao niên kể rằng, từ xưa ông bà đã truyền lại là cùng giống như thần Nam hải Ngọc lân, Đại Càn tứ vị thánh nương là những vị thần rất linh hiển, vị thường hay hiển linh cứu giúp những tàu thuyền bị nạn trên biển, có công bảo vệ sự bình an cho nhân dân nên được nhà vua phong là Thượng đẳng thần, do đó mà trong các văn tế của làng thường xưng tán là Hàm hoằng Quang Đại Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng Đại Càn Quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần. Ngoài ra, các vị cao niên còn cho biết thêm vào khoảng thời vua Thiệu Trị ở Tân Hiệp gặp một trận bão lớn làm hư hại rất nhiều công trình trong đó có chùa Hải Tạng và đình Đại Càn. Chùa Hải Tạng bị sụp nên phải dời về vị trí hiện nay, đình Đại Càn cũng bị hư hỏng nặng và do đình có quy mô quá lớn, nhân dân không đủ khả năng trùng tu nên dần bị đổ nát, vì thế chỉ còn sót lại một ít dấu vết như hiện nay, trong đó giá trị nhất là tấm bia đá và bức bình phong. Bia được làm bằng sa thạch, kích thước lớn, trán bia trang trí đề tài lưỡng long tranh châu, diềm bia trang trí quỳ long, văn khắc đã  bị mòn hơn 90%, chỉ còn đọc được mấy chữ : “Cù Lao xứ ... nguy nga ... tán viết ... Cảnh Hưng nhị thập nhị niên...”. Cách móng nền hậu tẩm 17m hiện còn bức bình phong kiểu cuốn thư với kích thước khá lớn dài 3,1m; rộng 0,46m, cao 2m. Mặt trước đắp hình long mã phụ hà đồ bằng mảnh sứ rất uy nguy sống động, mặt sau đắp chữ thọ theo lối triện thư, hiện nay bình phong đang là tường che nhà bếp của nhà dân.
         Tuy hiện tại ngôi đình không còn tồn tại nguyên vẹn nhưng thông qua những gì còn lại phần nào đã giúp chúng hình dung về quy mô trước đây của di tích, đồng thời còn góp phần cho việc nghiên cứu đánh dấu sự có mặt, định cư sinh sống và tập tục tín ngưỡng của cư dân Cù Lao xứ vào thời kỳ trước đây cũng như hiện nay. Đặc biệt là bức bình phong của ngôi đình có thể nói là bức bình phong lớn nhất, đẹp nhất trong các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở Cù Lao Chàm.
         Để bảo tồn di tích quý giá này, vµo năm 1997 Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã tiến hành khảo sát, đánh giá về giá trị cũng như lập phiếu khảo sát bước đầu, lập hồ sơ cho di tích. Đến tháng 6 năm 2003, Trung tâm đề xuất UBND Thành phố và được thống nhất tiến hành xây dựng nhà bia để bảo quản bia đá, giữ lại phế tích của ngôi đình. Hiện nay, Trung tâm đang tiếp tục đo vẽ, khoanh vùng bảo vệ, đề xuất giải tỏa và từng bước hoàn thành hồ sơ khoa học cho di tích để có cơ sở xếp hạng di tích sau này.

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Lương

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây