Tổ tiên 4 đời là Khởi nghĩa kiệt tiết công thần Trung lộc hầu, người Áng Độ, Nghi Lộc, Nghệ An, theo phò Nguyễn Hoàng và đến sống tại Quảng Nam. Hương Hải đã sinh ra tại vùng đất này, tại làng Bình An thượng, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam hiện nay vào năm 1628. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Hương tiến và được bổ làm Tri phủ Triệu Phong. Năm 1652 ông đến thụ giáo với thiền sư Lục Hồ Viêm Cảnh, được đặt pháp hiệu Minh Châu Hương Hải và pháp hiệu Huyền Cơ Thiện Giác, tiếp đến lại tới học đạo với thiền sư Khoan Đại Thâm. Rồi 3 năm sau, ông từ quan và đi xuất gia lúc mới 30 tuổi, tu tập trong một am nhỏ có ba gian trên đảo Tiêm Bút La hay còn gọi là Cù Lao Chàm. Như vậy, có thể nói Hương Hải thiền sư là một trong những người đầu tiên “mở đạo” ở nơi đảo này.
Thời gian thiền sư ở đảo Cù Lao Chàm khoảng mười năm. Trong lời bạt của tác phẩm Hương Hải thiền sư ngữ lục do một trong những đệ tử mô tả về hành trạng tu tập và việc Tổ Hương Hải của mình chống lại ma quỷ trên đảo như sau: “... Vào sau canh hai, môn đồ sư bổng thấy một con ma đến, thân dài hai trượng, da đen đứng ở trước sân, một lúc rồi biến mất. Đến canh ba, thấy một con rắn lớn đến bò quanh mình sư. Sư không thể nhúc nhích. Lúc ấy tổ sư thu mình lại, dời đến trước Phật, chỉ nghĩ đến sức mạnh của thần chú. Một lúc, nó bỗng biến mất. Lại một phen gây quậy khác. Ban ngày bỗng nhiên mây đen nổi lên che trước sân, hóa làm phong ba dữ dội, gãy cây tróc nhà, cát bay đá chạy, một lúc mới hết. Tới ba tháng, lại một phen gây quậy nữa. Ban đêm núi vắng bổng nghe tiếng mèo kêu ước hơn một vạn con, cũng tiếng kêu gào. Tám tháng sau, lại một phen gây quậy. Đêm vắng canh khuya, tổ sư mật niệm ngồi ngay ngắn trước bàn Phật đèn đuốc sáng choang, rực rỡ như ban ngày. Bỗng thấy ma quân trai gái vây quanh bốn phía, có đứa cầm giáo cầm mác, có đứa dắt trâu dắt ngựa dắt voi, trong lòng bụng đau không thấy đèn sáng, mắt toàn thấy ma tinh, không thấy tượng Phật. Lúc ấy, tổ sư tận lực trì chú, bí mật nhiều cách cũng không có linh nghiệm. Bấy giờ tổ sư lập chí Kim cang, nghĩ tới lửa Tam muội, quyết định đốt thân mình tiêu cả thế giới, tiêu cả thân tâm, quả nhiên thấy nghiệm. Một lúc ma cảnh đều không thấy nữa. Lại thấy ánh sáng đêm vắng núi xanh không ai biết tới. Đến sáng hôm sau trong lúc tổ sư ngẫm nghĩ, bèn bỏ trở về làng cũ là xã Bình An thượng thuộc đội thợ đóng thuyền của phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam. Tổ bảo với các người xóm giềng cũ: “cái chỗ cù lao đó, từ lúc được mở mang đến nay, vẫn không nhờ đâu để được khai hóa, đó là đất cung ma núi ác, việc mở đạo cũng thật là khó”.
Ngoài ra trong tác phẩm này cũng đề cập đến một số thông tin về di tích ở Cù Lao Chàm thông qua lời mô tả trong đoạn có một người thỉnh cầu Hương Hải thiền sư: “đêm đến mà cầu thỉnh ta thì nghi là có sự việc gì khoản khúc đây” ngưới Mán nói “một xóm làng của thần có ba đền cũ ở núi Tiêm bút la. Một miếu là của Cao Các Đại Vương, một miếu là của Phục Ba Đại Tướng Quân và một miếu là của thần Bô Bô Đại Vương. Hôm tổ sư về làng đến ngày thứ tư thì trong làng bỗng thấy ba vị thần đều nhập lên người ngồi đồng cùng nói ra một lời, tự xưng là thần của ba miếu, bàn tới việc ma tích cũ gây quậy đến mấy phen cùng hội đồng các ma quỷ yêu tinh làm phiền não và gia hại pháp sư. Ba chúng tôi ngồi xem thắng bại thế nào, bỗng thấy pháp sư biến hình biến tướng, không biết ở chỗ nào, bọn ma rút mất”.
Từ khả năng trấn quỷ ma đó, Hương Hải thiền sư được Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần mời thiền sư về trụ trì viện Thiền tịnh ở núi Quy Kỉnh. Đến năm 1648, quân Trịnh thua trong đợt giao tranh với quân đội Nguyễn, trong số tù binh quân Nguyễn bắt được có Gia quận công đã đến theo học với thiền sư và người này muốn vượt biển. Nguyễn Phúc Tần cho điều tra không có kết quả, bèn đưa thiền sư trở về Quảng Nam. Sau đó, vào tháng 3 năm Nhâm Tuất, tức năm 1682. Thiền sư cùng hơn 50 đồ đệ đi thuyền đến Vinh vào yết kiến Yến quận công Trịnh Điềm, đang giữ chức trấn thủ cùng đất này. Sau khi khám xét và điều tra được một tháng thì Trịnh Tạc đã cho Đường quận công đi đón tiếp thiền sư về kinh đô tiếp tục điều tra với những người như Lê Hy và đã xác định đúng thiền sư là người Áng Độ, Nghệ An. Bấy giờ, Trịnh Tạc mới mất, Trịnh Căn nối ngôi và ban cho sư áo mão, lương thực và tiền bạc, rồi cho về trấn Sơn Nam, giao Tước quận công Lê Đình Kiên giúp đỡ và thành lập viện Thiền tịnh, sau đó là chùa Nguyệt Đường tại phố Hiến. Chính trong thời gian ở tại chùa Nguyệt Đường này, thiền sư đã diễn dịch ra tiếng Việt 20 bộ kinh luận cùng một số thơ văn, thiền sư tịch vào ngày 12 tháng 5 năm 1715.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền