Nhà cửa hiệu và hanoak đều có trục thị giác, tuy nhiên, nhà cửa hiệu ở Hội An có sự đối xứng trên cả mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt; còn hanoak thường thì không đối xứng như vậy.
Không gian trong hanoak có một trục thị giác mạnh mẽ, các trục có thể theo chiều dọc hoặc ngang. Trong trường hợp không gian hình chữ nhật, trục thị giác xuất hiện dọc theo cạnh dài. Cửa sổ hoặc cửa ra vào đặt ở hai bên của trục này sẽ kết nối trực quan bên trong với bên ngoài.
Nhà cửa hiệu Hội An cũng có trục thị giác mạnh mẽ, lối đi từ trước ra sau thường nằm chính giữa nhà, do đó, vào ban ngày, người đi đường có thể nhìn xuyên suốt theo chiều dọc ngôi nhà. Do có sự đối xứng trên mặt bằng, mặt đứng và cả mặt cắt, điều đó làm cho ngôi nhà có dáng vẻ cân đối, hài hòa
(tính đối xứng cũng là đặc trưng chung của kiến trúc truyền thống Việt Nam).
2.2 Hệ khung gỗ: Trong nhà cửa hiệu bằng gỗ, phần quan trọng nhất của cả nhà trước và nhà sau đều được tạo thành từ một không gian gồm 3 gian chiều ngang và 3 gian chiều sâu. Trên cơ sở đó, nhà được mở rộng thêm hiên, một nếp mái độc lập khác nằm ngay sau 3 gian nhà chính, gọi là nhà phụ. Lối vào chính nằm giữa nhà, hiên trước.
Cấu trúc 3 gian x 3 gian này có thể tìm thấy trong các sảnh đường
(chùa, dinh thự…) của kiến trúc gỗ truyền thống Hàn Quốc. Dựa theo cuốn sách TAmA 2002: "
cấu trúc 3 x 3 gian là loại phổ biến nhất trong số công trình kiến trúc gỗ truyền thống Hàn Quốc hiện có… Do đó nó có thể là đơn vị cơ bản trong việc thiết kế mặt bằng của nhiều loại công trình”. Tuy nhiên, trong hanoak, chiều sâu của ngôi nhà thường không lớn hơn một
kan (kan là khoảng không gian nằm giữa bốn cây cột), trải dài trên mặt bằng.
Hình dạng của hệ kết cấu đỡ mái của hanoak và nhà cửa hiệu cơ bản có phần giống nhau, tuy nhiên cách lợp mái và hệ thống chịu lực có đôi chút khác biệt:
- Hanoak: ngói - rui - đòn tay - trính - cột - nền đất.
- Nhà cửa hiệu: ngói - rui - đòn tay - kèo + trính - cột - nền đất.
Như vậy, có thể thấy được hệ mái của nhà cửa hiệu có phần phức tạp hơn. Kết cấu gỗ trong hanoak không có chạm khắc, trong khi đó, kết cấu gỗ trong nhà cửa hiệu không ít thì nhiều, đều được chạm khắc.
2.3 Hình thức cột: Người Hàn Quốc xưa có quan niệm “
trời tròn đất vuông”, hình tròn tượng trưng cho trời, cõi niết bàn, hình vuông tượng trưng cho đất. Vì thế, cột tròn được sử dụng cho các lăng tẩm, đền miếu, trường học Nho giáo… mang tính hướng thượng, những người dân thường không được phép dùng hình thức cột tròn này. Bởi vậy, với nhà ở truyền thống của người Hàn Quốc, cho dù của giai cấp trung lưu hay của giai cấp bình dân, ta chỉ thấy họ dùng cột vuông.
Người Việt Nam cũng có một truyền thuyết thể hiện quan niệm “
trời tròn đất vuông” này, về một loại bánh truyền thống dùng trong ngày Tết
(bánh chưng, bánh dày), tuy nhiên, áp dụng quan niệm này vào kiến trúc truyền thống Việt Nam
(cụ thể là hình thức cột), với tôi có phần lạ lẫm. Ở Hội An, Chùa Cầu dùng cột vuông; các hội quán
(Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam…) dùng cả cột tròn lẫn cột vuông
(thông thường, hệ khung chính dùng cột tròn, các vị trí hiên, hoặc tiền đình.. dùng cột vuông); với nhà cửa hiệu, có nhà dùng cột tròn, có nhà dùng cột vuông, có nhà sử dụng cả 2 hình thức cột nói trên. Nói chung, đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể để tìm ra quy luật sử dụng cột tròn hay vuông trong kiến trúc Hội An cả.
Với tôi, việc áp dụng quan niệm “
trời tròn đất vuông” vào kiến trúc truyền thống Hàn Quốc
(hình thức cột) là một điều hết sức mới mẻ và thú vị.
2.4. Hình thức cửa: Để đối phó với mùa hè nóng bức, cả hanoak lẫn nhà cửa hiệu đều tạo nhiều cửa đi và cửa sổ nhằm tạo sự thông thoáng cho ngôi nhà. Với hanoak, vào ban ngày, cửa được xếp lại, treo gọn lên trần nhà, tạo không gian sử dụng linh hoạt và thông thoáng tối đa; ban đêm, cửa được hạ xuống, trở thành vách ngăn phòng, tạo ra những không gian riêng tư. Điều này thể hiện sự thông minh và tinh tế của người Hàn Quốc. Với nhà cửa hiệu ở Hội An, việc trổ nhiều cửa, ngoài tác dụng tạo sự thông thoáng, còn giúp người đi ngoài đường có thể dễ dàng nhìn thấy hàng hóa trưng bày bên trong nhà
(vì chức năng chính của ngôi nhà là nơi buôn bán). Tuy nhiên, do có khác biệt về thời tiết, hình thức cửa được sử dụng có sự khác biệt, nhằm thích nghi với thời tiết khu vực đó.
+ Hàn Quốc có mùa đông rất lạnh và kéo dài, cho nên việc giữ hơi ấm cho ngôi nhà rất quan trọng, vì vậy, cửa đi và cửa sổ đều được dán giấy gạo
(một loại giấy truyền thống). Việc sử dụng giấy gạo rất hợp lý, vừa có thể giữ được hơi ấm không thất thoát ra ngoài, vừa giúp nhận được ánh sáng tự nhiên một cách tốt nhất. Hình thức cửa hầu hết không cầu kỳ, bên dưới là panô gỗ, bên trên là các song gỗ ngang và đứng kết hợp với nhau, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ nhất định - cái đẹp trong cái đơn giản.
+ Mùa đông ở Hội An - Việt Nam lạnh, tuy nhiên không quá lạnh như mùa đông ở Hàn Quốc, vì vậy việc dán kín cửa không thật sự cần thiết. Hình thức cửa đơn giản, bên dưới là panô gỗ, bên trên là các song gỗ đứng
(cửa thượng song hạ bản) hoặc song ngang
(cửa lá sách).
2.5. Ngói lợp: Tuy cách gọi tên ngói lợp có khác nhau
(ngói âm - dương hay ngói đàn ông - đàn bà), nhưng chúng cùng mang một ý nghĩa, dựa trên nguyên lý lợp mái giống nhau: một viên sấp - một viên ngửa. Tuy nhiên cũng có khác biệt. - Hanoak: ngói lợp gọi là Giwa, ngói đàn ông
(+) khác với ngói đàn bà
(-) về hình dáng, kích thước. Bề mặt ngói còn được phủ một lớp men màu nâu sậm. Vào mùa đông, màu của mái ngói tương phản với màu trắng của tuyết, tạo nên dáng vẻ nổi bật cho ngôi nhà.
- Nhà cửa hiệu: chỉ sử dụng một loại ngói, tùy theo vị trí của viên ngói lợp mà nó sẽ có tên gọi khác nhau
(viên nằm sấp là dương, viên nằm ngửa là âm). Người Hội An thích sử dụng màu nâu đỏ tự nhiên của ngói, trong mùa mưa, ngói xuất hiện rêu phong, mang lại vẻ đẹp cổ kính cho ngôi nhà. Ở Hội An cũng có sử dụng loại ngói tương tự như Giwa, nhưng chỉ thấy ở một số ngôi chùa và hội quán của người Hoa.
Cách lợp mái cũng rất khác nhau. Với hanoak, ngói được lợp từ dưới lên, trong khi đó, với nhà cửa hiệu, ngói lại được lợp từ trên xuống. Hệ kết cấu đỡ mái cũng rất khác nhau.
2.6. Màu sắc và họa tiết trang trí: Trong hanoak hay nhà cửa hiệu, người ta thường sử dụng màu tự nhiên của các kết cấu gỗ, không sơn phết, hoặc chỉ đơn giản bao phủ một lớp dầu bên ngoài để bảo vệ khỏi côn trùng xâm hại. Điều này thể hiện quan niệm sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên của cả 2 dân tộc.
Với Hàn Quốc, trong các công trình lớn như đền đài, miếu mạo, các cấu kiện gỗ có nhiều họa tiết chạm trổ cầu kỳ, được sơn phết nhiều màu sắc. Với loại hình nhà ở, các cấu kiện gỗ, tường, trần, sàn thường đơn giản, không chạm khắc, không sơn phết, thậm chí một số thanh rui cong vênh vẫn được sử dụng, như một sự tôn trọng với thiên nhiên. Tuy nhiên, các chi tiết chạm khắc, trang trí cầu kỳ hơn có thể dễ dàng tìm thấy trong các vật dụng nội thất.
Ở Hội An, không chỉ các công trình lớn mới có các chi tiết chạm khắc trên cấu kiện gỗ, trong những ngôi nhà cửa hiệu, dễ dàng nhìn thấy các hoa văn chạm trổ trên vách gỗ, trên hệ vì kèo và cả trong vật dụng nội thất, trang trí phù điêu trên bức tường ở sân trời… tất cả đều mang ý nghĩa cầu chúc tốt đẹp. Với nhà của người bình dân, không ít thì nhiều, ở một số bộ phận của bộ kết cấu khung, có thể dễ dàng tìm thấy những điêu khắc đơn giản, thô mộc.
Có thể hiểu sự khác biệt này như sau: với Hàn Quốc, có sự tương đồng giữa các giai cấp, tầng lớp quý tộc hay bình dân, đều có mong muốn sống hòa hợp với thiên nhiên, sống khiêm tốn theo giáo lý Phật giáo và Nho giáo. Do đó, không gian nội thất của hanoak thường đơn giản, không cầu kỳ. Với Hội An, có lẽ vì nơi đây đã từng là thương cảng, nơi lưu trú của nhiều thương gia, việc chạm trổ cầu kì phần nào thể hiện sự thịnh vượng của gia chủ (
đây chỉ là ý kiến chủ quan của người viết). Vì vậy, trong một số ngôi nhà cổ, không gian nội thất có nhiều chi tiết trang trí tinh xảo.
Ví dụ, trong một số nhà cửa hiệu, ở nếp nhà phụ
(gắn liền với nếp nhà chính), hệ vì kèo
(trính chồng trụ đội) được chạm trổ cầu kỳ, vì đây là khu vực tiếp khách, thể hiện tính thẩm mỹ và sự giàu có của chủ nhà.
2.7. Ảnh hưởng của tôn giáo: Cả 2 dân tộc đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo. Điều đó thể hiện trong văn hóa, kể cả kiến trúc: khiêm nhường, giản dị, coi trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên... Tuy nhiên, sự biểu hiện có phần khác nhau.
a) Phật giáo: Với Hanoak, ảnh hưởng của Phật giáo không thật sự đậm nét như Nho giáo. Theo cuốn sách “
Hanoak - Traditional Korean homes”, Phật giáo cùng với Nho giáo tạo nên những đặc tính riêng của không gian nhà truyền thống: sự giản dị, không giả tạo và dáng vẻ trầm mặc. Mặc dù Phật giáo góp phần quan trọng tạo nên tính cách của người Hàn Quốc và cả đặc trưng kiến trúc, nhưng khu vực thờ cúng chỉ có bàn thờ ông bà tổ tiên chứ không hề có bàn thờ Phật. Theo ý kiến chủ quan của tôi, thật khó để nhận biết đâu là ảnh hưởng của Phật giáo, đâu là ảnh hưởng của Nho giáo trong hanoak.
Với nhà cửa hiệu, ảnh hưởng của Phật giáo có phần dễ nhận biết hơn. Đa số nhà cửa hiệu có bàn thờ Phật, họ đặt tượng Phật ở nơi trang trọng trong ngôi nhà, việc thờ cúng diễn ra vào ngày mồng 1 và rằm hàng tháng. Theo quan niệm Phật giáo, đời người phải trải qua 4 giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử, vì vậy, người Hội An rất chú ý đến số lượng đòn tay trên mỗi hệ mái, người ta đếm số lượng đòn tay sao cho rơi vào chữ “
sinh” hoặc “
lão”, tránh chữ “
bệnh” hoặc “
tử”, với niềm tin nó sẽ mang lại những điều tốt lành.
b) Nho giáo: Có thể nói rằng, Nho giáo tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội cũng như kiến trúc nhà ở truyền thống Hàn Quốc. Nho giáo quan niệm “
nam nữ thụ thụ bất thân”, do đó, việc bố trí không gian sống có sự phân định rạch ròi giữa nam và nữ, giai cấp và độ tuổi. Như đã đề cập ở trên, Nho giáo cùng với các tôn giáo khác đã tạo nên những đặc trưng rất riêng của nhà truyền thống Hàn Quốc.
Do ảnh hưởng của Nho giáo, ngay cả tầng lớp trí thức, kinh tế khá giả, những người có đủ khả năng có nhà ở và nội thất sang trọng, rất dễ thấy họ vẫn thực hiện sự kiềm chế và cố gắng giảm thiểu các nhu cầu tiêu dùng xa hoa. Việc tang lễ và thờ cúng tổ tiên được coi là vô cùng quan trọng trong một xã hội Nho giáo. Vì vậy, sadang
(nhà dành riêng cho việc thờ tự) được xây dựng ở vị trí cao nhất, phía sau an-ch'ae hoặc sarang-ch'ae.
Ở Hội An, nếp sống và việc bố trí không gian sống trong nhà cửa hiệu cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, tuy nhiên, nó không quá rạch ròi như trong hanoak. Chẳng hạn, nếp nhà trước thường chỉ dành riêng cho việc thờ cúng, buôn bán, tiếp khách… trong nếp nhà này thường chỉ dành riêng cho chủ nhà và những người đàn ông lớn tuổi, có bộ bàn tiếp khách, có nhà thì có thêm bộ phản gỗ chỉ dành riêng cho đàn ông ngồi, hạn chế phụ nữ, trẻ con sinh hoạt trong khu vực này. Phụ nữ thì có các phòng riêng ở nếp nhà sau hoặc các chái phụ. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên rất được coi trọng, do đó, bàn thờ thường đặt ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà. Do diện tích của nhà cửa hiệu nhỏ hẹp, bàn thờ Phật, ông bà được đặt bên trong nhà, chứ không có một ngôi nhà riêng biệt chỉ dành cho việc thờ tự giống như sadang ở hanoak. Tuy nhiên, ở Hội An lại có loại hình nhà thờ tộc, điều này không hề thấy trong kiến trúc truyền thống Hàn Quốc.
III. So sánh nhà cửa hiệu Hàn Quốc và Hội An: Do tài liệu về nhà cửa hiệu Hàn Quốc rất hạn chế, vì vậy việc so sánh giữa nhà cửa hiệu Hàn Quốc và Hội An khá khó khăn. Dựa trên tài liệu được cung cấp, tôi có một số nhận định sau:
- Nhà cửa hiệu Hàn Quốc được xây dựng vào thời kỳ Nhật đô hộ
(1910-1945), khoảng thời gian này bắt đầu xuất hiện nhà phố 2 tầng
(nếp nhà trước), khá muộn so với Hội An
(xuất hiện từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII). Về cơ bản, các yếu tố cấu thành nhà cửa hiệu Hàn Quốc
(hệ khung chịu lực, tường bao che, vật liệu, kết cấu mái…) khá giống với hanoak, tầng 2 được xây dựng dựa trên hệ khung cột - dầm tầng 1. Do đó, tôi sẽ không so sánh yếu tố này trong nhà cửa hiệu ở Hội An và Hàn Quốc.
* So sánh: 1. Giống nhau: (tính phổ biến của nhà phố) - Sự tiếp nối liền kề của các ngôi nhà là bản chất chung của nhà ở thành phố.
- Sự phân bố các không gian chức năng khá giống nhau: nếp nhà trước tiếp xúc với mặt đường dùng cho việc buôn bán, sân trời nằm giữa nhà, nếp nhà sau là không gian sinh hoạt.
- Trong trường hợp nhà cửa hiệu 2 tầng, tầng 2 cũng được dùng làm kho và văn phòng.
- Mặt tiền nhà cửa hiệu có nhiều cửa để thuận tiện cho việc kinh doanh.
- Hệ khung gỗ chịu lực chính, tường chỉ có chức năng bao che.
2. Khác nhau: - Nhà cửa hiệu Hàn Quốc không có hiên, trong khi đó, hầu hết các nhà cửa hiệu ở Hội An đều có hiên. Theo tôi, hiên là không gian giao lưu rất quan trọng giữa không gian công cộng ngoài đường phố và không gian riêng bên trong nhà, một khoảng không gian đệm, rất thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán.
- Do quá trình đô thị hóa, thửa đất ngày càng bị nhỏ hẹp, hàng rào bao quanh đã tịnh tiến dần, kết nối với tường bao che ngôi nhà, hanoak dần chuyển thành nhà cửa hiệu. Dầu vậy, thửa đất của nhà cửa hiệu Hàn Quốc khá lớn so với nhà cửa hiệu Hội An. Mặt bằng nhà cửa hiệu Hàn Quốc có bố cục hình chữ “
khẩu”, điều này không hề bắt gặp ở nhà cửa hiệu Hội An.
- Trong nhà cửa hiệu Hội An, lối đi từ trước ra sau nằm ở chính giữa nhà, tạo nên trục đối xứng; các không gian chức năng có sự liên kết với nhau, vách ngăn giữa nếp nhà trước
(kinh doanh) và nếp nhà sau
(ở) có nhiều cửa, đóng mở linh hoạt, cửa sẽ đóng lại khi cần sự riêng tư. Còn ở nhà cửa hiệu Hàn Quốc, lối đi chính nằm lệch hẳn về một bên, do đó, mặt đứng của ngôi nhà không có tính đối xứng. Hơn nữa, không gian của nếp nhà trước
(kể cả hệ khung gỗ) hoàn toàn độc lập, tách biệt với không gian sống phía sau. Nói cách khác, lối vào nếp nhà kinh doanh và nếp nhà ở, sinh hoạt là hoàn toàn khác nhau, dù cả hai nếp nhà đều cùng được xây dựng trên một thửa đất. Sự tách biệt này giúp không gian riêng tư tránh được sự ảnh hưởng của không gian chung
(khu vực buôn bán) một cách triệt để, tuy nhiên lại gây bất tiện trong sinh hoạt
(trong trường hợp chủ cửa hiệu cũng là chủ nhà, có sự bất tiện khi di chuyển từ khu cửa hiệu sang khu ở). Như vậy, cả nhà cửa hiệu Hàn Quốc và Việt Nam đều biểu hiện đặc tính riêng của từng địa phương, tuy nhiên về sự cấu thành cơ bản thì chúng rất giống nhau.
IV. Kết luận: Từ việc khảo sát, so sánh những điểm tương đồng và dị biệt trong kiến trúc truyền thống của 2 dân tộc Việt - Hàn, tôi có một số nhận xét sau:
1. Điều kiện tự nhiên của 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc vừa có những nét tương đồng vừa có những điểm khác biệt. Điều kiện tự nhiên có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc tạo ra những điểm tương đồng và dị biệt trong kiến trúc truyền thống của 2 dân tộc.
2. Với Hội An, ngày xưa các cư dân gốc Hoa được xem là thành viên chủ chốt trong xã hội
(cuối triều Minh (triều Minh 1368-1644), do biến động chính trị, nhiều người Hoa sang Hội An sinh sống, lập nên làng Minh Hương), phần lớn những ngôi nhà nơi đây được họ xây nên, họ trực tiếp sinh sống, mua bán trong những ngôi nhà này. Mặc dầu Hội An tiếp nhận cả tư tưởng
(Nho giáo) lẫn hình thức kiến trúc Trung Quốc và dung hòa nó với văn hóa, kiến trúc địa phương để tạo nên bản sắc riêng của Hội An, tuy nhiên, dấu ấn của văn hóa Trung Quốc vẫn thể hiện khá rõ nét.
Hàn Quốc cũng chịu tác động của văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó thể hiện về mặt “
tư tưởng” nhiều hơn là trong “
kiến trúc”. Chẳng hạn, người Hàn Quốc rất coi trọng Nho giáo
(văn hóa Trung Quốc), áp dụng tư tưởng Nho giáo vào việc phân chia không gian sử dụng trong nhà truyền thống một cách nghiêm ngặt; sử dụng các họa tiết trang trí Trung Quốc
(Hán tự, các con vật tưởng tượng như rồng, phượng hoàng…), tuy nhiên, hình thức kiến trúc lại ít tương đồng với kiến trúc Trung Quốc, vẫn có những nét đặc trưng rất riêng của Hàn Quốc.
3. Nhà cửa hiệu Hội An được sử dụng cho mục đích kinh doanh và ở, trong khi đó, hanoak chỉ được sử dụng cho mục đích ở. Đó là lý do tại sao cách tổ chức mặt bằng, phân chia không gian chức năng trong hanoak và nhà cửa hiệu khác nhau.
4. Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Trong các triều đại nhà Đinh, Lê, Lý, Phật giáo đã được Nhà nước công nhận là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Điều này tiếp tục vào triều đại nhà Trần, Phật giáo phát triển cùng với Nho giáo. Phật giáo suy thoái trong thời nhà Hậu Lê và được phục hưng dưới triều đại nhà Nguyễn. Dẫu có suy thoái hay cực thịnh, Phật giáo và Nho giáo vẫn cùng song song tồn tại, tác động đến văn hóa Việt Nam, đến tận mỗi làng xã. Nhiều ngôi chùa được xây dựng trong làng, xen kẽ với nhà dân, do đó, Phật giáo gắn liền với đời sống người dân một cách chặt chẽ. Tại Hội An
(và Việt Nam nói chung), bàn thờ Phật là hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình, nó được đặt bên cạnh bàn thờ tổ tiên, tại vị trí trang trọng trong ngôi nhà. Phật giáo và Nho giáo tác động đến kiến trúc nhà cửa hiệu ở một mức độ nhất định, dễ nhận biết. Phật giáo đến Hàn Quốc thông qua Trung Quốc trong thời kỳ Tam quốc (
57 BC - 688 AD) và phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, những ngôi chùa được xây dựng khá xa làng, cách biệt với khu vực sinh sống
(theo ý kiến của tôi), điều đó gây nên những bất tiện trong việc thực hành tôn giáo. Vì Phật giáo gây nhiều tệ tham nhũng trong thời Silla và Goryeo, dưới triều đại Joseon nên đã gặp sự đàn áp của chính quyền, việc xây dựng các ngôi chùa Phật đã bị tạm dừng, trong khi đó, việc xây dựng Văn miếu, trường học Nho giáo tại mỗi địa phương và đền thờ Khổng Tử lại được thúc đẩy. Nho giáo tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Coi trọng việc thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào ý thức đạo đức của mọi người dân. Đó là lý do tại sao ta không thấy có bàn thờ Phật trong hanoak, trong khi có hẳn một gian nhà riêng để thờ cúng ông bà. Do một số điểm tương đồng giữa Phật giáo và Nho giáo về ý niệm: đơn giản, khiêm nhường... ảnh hưởng của Phật giáo đến kiến trúc hanoak vẫn có thể nhận thấy, dẫu không thật sự rõ nét như Nho giáo.
Do hạn chế về thời gian nghiên cứu cũng như kiến thức hạn hẹp của tôi, ngoài những điểm tương đồng và dị biệt đã kể trên, chắc chắn còn nhiều điều tương đồng và khác biệt thú vị khác chưa được đề cập đến trong bài nghiên cứu này.
Tài liệu tham khảo * Tài liệu Anh ngữ: - Hanoak - Traditional Korean Homes. 2010. Nhiều tác giả. Nxb Hollym International Corp.
- Bukchon, a traditional Korean village of Historic and Cultural City, Seoul. Xuất bản bởi Bukchon Division, Seoul Metropolitan Government.
- TAmA 2002 - Traditional Architecture in modern Asia, October 17-19, 2002. Tổ chức tại Seoul National University, Seoul, KOREA.
- Traditional landscape architecture of Korea.
- Report on Hoi An Former International Port Town Conservation Cooperation Project - Cultural Properties Department, Agency for Cultural Affairs, Japan - March 2003.
-
www.wikipedia.org and www.google.com với các từ khóa: Korea, Korean traditional architecture, traditional Korean homes, hanoak, hanok…
* Tài liệu Việt ngữ: - Kiến trúc phố cổ Hội An, Việt Nam (2003) Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa, Nxb Thế Giới, Hà Nội, Việt Nam.
- Cẩm nang bảo tồn dành cho chủ du tích - Khu di sản thế giới Hội An, Việt Nam(2008), xuất bản bởi UNESCO Bangkok và UNESCO Hà Nội.
- TÁC ĐỘNG - Những ảnh hưởng của du lịch đối với Văn hóa và Môi trường ở Châu Á - Thái Bình Dương: Du lịch văn hóa và quản lý di sản ở Di sản Thế giới Hội An, Việt Nam (2008), Chịu trách nhiệm xuất bản: Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
- So sánh văn hóa dân gian giữa dân tộc Việt và dân tộc Hàn. 2009. Đại học Đà Lạt
(tài liệu tham khảo trên internet).