Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu phố cổ Hội An - Một vài quan điểm tiếp cận trong bối cảnh hiện nay

Thứ hai - 16/12/2013 20:26
Di sản kiến trúc là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa, đồng thời là một thành tố có vai trò lớn trong việc minh chứng quá trình lịch sử và bản sắc riêng của mỗi đô thị di sản. Sự tồn tại của di sản kiến trúc sẽ chịu nhiều tác động của sự phát triển đô thị là điều tất yếu. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, cùng với công cuộc đổi mới để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đô thị thì việc bảo vệ và phát huy bộ phận di sản kiến trúc là công việc hết sức cần thiết. Để những giá trị vốn có của nó được lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ mai sau một cách toàn vẹn, đòi hỏi phải có những phương pháp tiếp cận và can thiệp một cách thích hợp, đây là công việc khó khăn và thách thức.
         Với đô thị cổ Hội An, trong nhiều năm, cùng với những chính sách phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên toàn địa bàn thành phố, công cuộc bảo tồn di sản luôn được quan tâm hàng đầu và có thể nói là chìa khóa cho những hoạch định phát triển đô thị của địa phương. Công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ được quan tâm từ nhiều năm trước, đặc biệt là sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới cho đến nay, bên cạnh sự tập trung lớn về nguồn tài chính, thì việc đầu tư cho nguồn nhân lực chuyên môn cũng được quan tâm và đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể. Nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển của một đô thị di sản trong những thời điểm khác nhau, đặc biệt là trong thời điểm quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, công tác quản lý cũng phải có những quan điểm tiếp cận phù hợp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề xuất một vài quan điểm tiếp cận về công tác bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu phố cổ Hội An trong bối cảnh hiện nay.
          Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu phố cổ là bảo tồn bản sắc và những yếu tố làm nên bản sắc đó, vì vậy việc cần thiết và duy nhất làm tiền đề cho mọi hành động của công tác bảo tồn là làm rõ những bản sắc đặc trưng của nó.
        Khu phố cổ Hội An nằm bên dòng sông Thu Bồn, được biết đến như một thương cảng cổ được hình thành từ những năm của thế kỷ XVI, với hơn 1.400 di tích thuộc nhiều thể loại khác nhau, cùng với diện mạo kiến trúc đa dạng, chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau, đã tạo cho khu phố cổ có những bản sắc đặc trưng riêng biệt và độc đáo về cảnh quan, kiến trúc đô thị và được thể hiện ở:
         Hình thái đô thị khu phố cổ là một thương cảng, mà phần đô và phần thị ngày càng phát triển mở rộng. khu phố được xác định bởi hệ thống giao thông theo kiểu bàn cờ, cùng với những đường kiệt nhỏ quanh co, uốn lượn tạo nên các không gian phố vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống, các đơn vị ở là những lô đất chia lô được hình thành ngay từ sơ khai và được kế thừa trong suốt quá trình mở rộng đô thị, mạng lưới đô thị là những tuyến phố đan xen với nhau, các khoảng không gian trống của đô thị được tạo lập một cách ngẫu nhiên, mang nhiều đặc tính thú vị, đó là sự cộng hưởng giữa các không gian công cộng và khoảng trống bên trong di tích, là khoảng sân trời, sân trong hết sức đa dạng và phong phú. Sự đa dạng về thể loại di tích được phân bố một cách hợp lý, có hệ thống và được xây dựng san sát, đan xen với nhau với khoảng lùi, chiều cao, số tầng được kiến tạo độc đáo tạo thành những nhịp điệu với sắc thái riêng biệt. Không gian cảnh quan với khoảng mở duy nhất là dòng sông thu bồn chạy dọc theo chiều dài của khu phố, tạo cảm giác êm đềm và thơ mộng. Tất cả các yếu tố trên đã tạo cho khu phố cổ Hội An có hình thái đô thị đặc trưng, riêng biệt và trở thành một đô thị điển hình của Đông Nam Á trong lịch sử.
         Hình dáng và sắc thái di tích là yếu tố tạo nên những nét đặc trưng cơ bản của bản sắc khu phố cổ. Với hơn 1.400 di tích gồm nhiều loại hình khác nhau, trong đó 1.268 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng-miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và mộ, mỗi loại hình di tích kiến trúc trong khu phố cổ đều có những đặc điểm, sắc thái riêng. Sự tổng hòa nhiều phong cách kiến trúc của các nền văn hóa khác nhau, cùng những nét đặc trưng cơ bản về kích thước, tỉ lệ, phong cách, vật liệu, màu sắc và cách tổ chức không gian bên trong di tích là những yếu tố tạo nên hình dáng và sắc thái riêng biệt cho khu phố cổ.
          Mối quan hệ và sự kết nối giữa khu phố cổ với môi trường, cảnh quan bao gồm những yếu tố mang tính hiện hữu hoặc kết quả từ sự can thiệp của con người cũng là những nét chính làm nên bản sắc này. Khu phố cổ Hội An có vị trí nằm bên dòng sông Thu Bồn là khoảng mở chính yếu về không gian cho sự kết nối giữa khu phố cổ với môi trường tự nhiên xung quanh, là đặc điểm cơ bản liên quan đến khía cạnh môi trường, cảnh quan đô thị, một trong số tiền đề cho sự phát triển, yếu tố này góp phần vào những đánh giá tích cực và tạo nên sức lôi cuốn, là cánh cửa mang lại cái nhìn toàn cảnh và hình ảnh đặc trưng đối với khu phố cổ.
        Sự cần thiết cho công tác bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu phố cổ là phải đưa ra được những nguyên tắc đặc thù cho mỗi hình thức can thiệp, nhằm giữ gìn và làm tăng thêm giá trị những bản sắc đặc trưng vốn có của nó. Áp dụng cho trường hợp khu phố cổ Hội An có thể là:
         Trùng tu: thực hiện trên các nguyên tắc tuân thủ theo thứ tự ưu tiên, can thiệp tối thiểu, sử dụng kỹ thuật truyền thống. Sự cần thiết trong công tác trùng tu là phải duy trì tính xác thực của lịch sử, tôn trọng đúng mức về các giá trị thẩm mỹ và tính toàn vẹn của hình thể kiến trúc di tích. Phải tạo mọi điều kiện cho công tác lưu giữ lâu dài và chuyển giao tối đa các yếu tố nguyên gốc cũng như tính chân xác của di tích cho thế hệ tương lai. Thực hiện việc can thiệp vào di tích phải dựa vào những nghiên cứu và đánh giá mang tính khoa học trên cơ sở làm rõ những yếu tố gốc. Các cấu kiện, vật liệu mang yếu tố gốc đang tồn tại phải được giữ lại đến mức tối đa nếu có thể, công tác trùng tu phải tính đến tính xác thực về vật liệu, kể cả các vật liệu mang tính kết dính và bao phủ bề mặt.
         Bổ sung và mở rộng: mọi bổ sung phải tôn trọng cách tổ chức không gian truyền thống của khu phố, hạng mục được bổ sung và mở rộng phải làm tăng giá trị của tổng thể bản thân di tích, trên nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa và tương hợp đối với công trình hiện có và cảnh quan xung quanh về bố cục, tỉ lệ, kết cấu xây dựng và hình dáng kiến trúc. Đặc biệt cần chú ý đến nhip điệu, sự sắp đặt các không gian chức năng truyền thống và tỉ lệ các khoảng mở (sân trước, sân trời, sân sau) trong khối tích cơi nới. Bảo đảm duy trì chức năng sử dụng của di tích là một trong những yếu tố bản sắc chính tạo nên di tích.
          Phục hồi, cải tạo, xây mới: mỗi công trình được phục hồi, cải tạo hoặc xây mới có thể góp phần làm tăng giá trị của tổng thể khu phố, cũng có thể làm tổn hại đến giá trị vốn có của nó. Sự tích tụ của những công trình xây dựng mới không thích hợp sẽ dẫn đến sự mất bản sắc riêng của khu phố cổ. Vì vậy, việc phục hồi, cải tạo hay xây mới một công trình trong khu phố cổ cần phải được cân nhắc kỹ về nhiều khả năng, vì những hậu quả xấu về cảnh quan là tiềm ẩn. Do đó, bên cạnh những nguyên tắc được nêu trong trường hợp “Bổ sung và mở rộng” đối với trường hợp này, khi thực hiện cần quan niệm công trình như một bộ phận của khu phố, phải được đánh giá, xem xét, dự báo những khả năng về sự đóng góp tích cực của chúng đối với không gian và cảnh quan khu phố cổ, thông qua các mối quan hệ giữa công trình mới - di tích hiện hữu, công trình mới - cảnh quan hiện hữu, công trình mới - không gian công cộng, thông qua các yếu tố về chiều cao, phong cách kiến trúc, tỉ lệ kiến trúc, vật liệu... Một công trình phục hồi, cải tạo hay xây mới được đánh giá là tốt khi bản thân nó tạo được sự kết nối với lịch sử và phù hợp với cảnh quan hiện tại. Công trình được phục hồi, cải tạo, xây mới phải đạt được mục đích tăng chất lượng cảnh quan và khả năng nhận biết đặc trưng của cảnh quan kiến trúc khu vực hơn là sự thể hiện bản chất của mình trong tổng thể, cần thiết phải xét đến yếu tố tương hợp hơn là yếu tố phù hợp với cảnh quan đô thị. Tính tương hợp không đơn giản là việc lặp lại hình dáng của di tích có sẵn, hay lặp lại hệ thống các thành phần kiến trúc của các công trình lân cận mà phải được xem xét dựa trên mối quan hệ của bản thân nó với những ký ức của khu phố thông qua tư liệu để xác định các yếu tố cần được ưu tiên về chức năng, vị trí, khoảng lùi, cũng như nhịp điệu và tỉ lệ bố cục kiến trúc công trình.
          Cảnh quan: Giá trị của một khu vực đô thị lịch sử không những phụ thuộc bản thân các di tích, mà phần lớn là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố trong đó không gian, khoảng trống đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên một quần thể có giá trị bảo tồn. Với cách nhìn nhận như vậy, nội dung bảo tồn khu phố cổ Hội An không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn bản thân từng di tích hay tổ hợp các di tích, mà còn phải gìn giữ trạng thái nối kết của quần thể di tích khu phố cổ với cảnh quan xung quanh, đặc biệt cảnh quan các khu ở mới đang được hình thành tại những khoảng trống có ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan khu phố cổ.
           Việc khơi thông dòng sông Thu Bồn chạy dọc theo khu phố cổ về phía Tây đã tạo cho đô thị cổ có thêm nhiều điểm nhìn đẹp và thơ mộng. Công viên, mặt nước, các mảng cây xanh được bổ sung, cảnh quan xung quanh khu phố cổ được cải thiện đáng kể, nhưng kèm theo đó, nhiều loại hình công trình khác nhau được xây dựng ngày một nhiều nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố, điều này có những ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan khu vực. Vì vậy, quan trọng là xác định phạm vi gây ảnh hưởng của các công trình bao quanh đối với khu phố cổ để tạo nên một môi trường không gian phù hợp, phải tạo được những điểm nhìn có lợi cho di sản với nhiều hướng tiếp cận khác nhau, trong đó kiến trúc cảnh quan phải được chuyển hóa dần từ không gian di tích đến không gian đương đại. Cần thiết phải có những quy hoạch cụ thể trong việc phát triển cảnh quan khu vực này, đặc biệt là hạn chế các công trình có khối tích và chiều cao lớn nhằm đảm bảo không phá vỡ không gian vốn có của nó đồng thời phải để lại những điểm nhìn thú vị làm tăng thêm vẻ đẹp của khu vực.
         Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu phố cổ phải được hoạch định trên những quan điểm cụ thể và mang tính chiến lược, dự báo lâu dài phù hợp với từng bối cảnh. Một vài quan điểm đối với khu phố cổ Hội An có thể là:
         - Quá trình bảo tồn đô thị cổ là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có tầm chiến lược, ngay cả khi chưa có khả năng thực hiện cũng cần có những ứng xử thích hợp.
       - Bảo tồn đô thị phải hạn chế đến mức tối đa sự chịu tác động sức ép của phát triển kinh tế và phát triển đô thị. Vì vậy, phải xây dựng những tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng của khu di sản tại các thời điểm khác nhau trong quá trình phát triển đô thị để điều chỉnh phù hợp.
         - Việc giáo dục nhận thức trong cộng đồng là yếu tố quyết định nhất đối với công tác quản lý, bảo tồn di sản, đây là công việc phải làm trước nhất, mang tính liên tục và lâu dài.
        - Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị không phải là bảo tồn những công trình - di tích có giá trị trong một khu vực lịch sử mà công tác bảo tồn phải vượt ra cả không gian, cảnh quan bên ngoài bao gồm những khu vực có thể làm cho di sản ấy chịu ảnh hưởng trực tiếp.
        - Công tác bảo tồn khu Di sản là công việc đòi hỏi có sự tham gia của cơ quan ở trên nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực, do đó cần phải có một kế hoạch tổng thể, trong đó công tác bảo tồn khu vực lịch sử phải được dự báo trong sự phát triển chung của thành phố.
        - Công tác bảo tồn phải được thực hiện trên cơ sở khoa học và phải có đánh giá, kiểm chứng để điều chỉnh cho phù hợp trong từng thời điểm khác nhau, không áp đặt những ý nghĩ chủ quan cho công tác bảo tồn.
       Dung hòa giữa bảo tồn và phát triển là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày một phát triển như hiện nay. Giá trị của di sản là mong manh, luôn bị đe dọa và không thể tái tạo. Vì vậy, việc khai thác sử dụng, hay đặt những vấn đề về công tác bảo tồn ở mọi thời điểm đòi hỏi chúng ta phải hết sức cân nhắc và có những hướng tiếp cận phù hợp♥

Tác giả: Võ Duy Trung

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây