Đài được xây dựng trên một khuôn viên đất rộng (50m x 40m) có tường bao bọc xung quanh, xoay về hướng Bắc, đối diện với tòa miếu Khổng Tử qua trục đường Trần Hưng Đạo. Lối vào duy nhất là đại môn (cửa lớn) ở mặt tiền, được tạo bởi hai trụ, trên có gắn lồng đèn hình tháp. Đèn thắp sáng con đường, soi vào lòng người đến hành hương lễ bái. Bước khỏi đại môn, là hai trụ biểu sừng sững cao 5,6m đứng ở hai phía trước đài, mang ý nghĩa là trục vũ trụ nối giữa trời và đất. Trên trụ, mỗi bên có con lân ngồi chễm chệ, tượng trưng cho sức mạnh của vũ trụ, cho trí tuệ và sự trong sáng. Trên thân hai trụ nổi bật lên bốn vế câu đối, hai vế đối đắp chữ quốc ngữ:
Dạ sắt lòng son oai võ, chi sờn cơn sấm sét,
Thẻ vàng bia đá, anh hùng còn mãi tiếng non sông.
và vế đối chữ Hán, nguyên văn:
爲 世 植 綱 常 一 片 丹 心 懸 日 月, 與 天 爭 運 命 千 秋 大 節 共 山 河.
Phiên âm: Vị thế thực cương thường, nhất phiến đơn tâm huyền nhật nguyệt; Dữ thiên tranh vận mạng thiên thu đại tiết cộng sơn hà.
Tạm dịch: Vì nước giữ cương thường, một tấm lòng son, đôi vầng nhật nguyệt; Với trời tranh vận mạng, nghìn thu tiết lớn, muôn thuở non sông.
Tiếp đến là một hồ sen rộng, có lan can bốn phía, bốn bề có lối đi xây bậc cấp xuống để lấy nước tưới hoa quanh đài và hái sen vào mùa hạ. Hồ là nơi tụ nước bốn phương, còn mang ý nghĩa tụ phúc, sen tượng trưng cho sự tinh khiết, trong sạch. Một cây cầu vắt ngang qua hồ, nối đường vào đến với đài ở chính giữa hồ sen. Đầu cầu có hai cánh cửa sắt, tạo hình đôi chim phượng cách điệu mặt trời, những đám mây, tượng trưng của đất trời, khoảng không của vũ trụ, ứng phần dưới là hai quẻ Càn - Khôn (dương - âm) trong bát quái. Đôi chim phượng sải cánh giữa bầu trời, biểu trưng cho sự quần tụ hào khí văn nhân. Với ý nghĩa này, khi hai cánh cửa nhỏ ở trước đài khép lại muốn nói lên những gì ở bên trong cửa đã trở về với đất trời theo quan niệm “sinh ký, tử quy” (sống gửi, thác về). Cũng có nghĩa là chết thì hình hài xuống đất, mai một, còn cái linh khí, tinh anh thì trở về nơi sáng rõ trong trời đất vậy. Đài xây trên các trụ theo hình kim tự tháp, dưới chân đế rộng, có nhiều bậc cấp xung quanh để bước lên, đồng thời cũng tạo cho chân đài vững chãi, kiên cố, rồi nhỏ dần lên trên cao. Toàn bộ đài đặt trân trọng trên bệ bốn chân quỳ, bệ đỡ chân quỳ là khối hình chữ nhật lớn, bốn mặt nổi lên những bức phù điêu về cảnh quan tài nguyên thiên nhiên của Quảng Nam đó là: Ngũ Hành Sơn, Hải Vân quan, mỏ than Nông Sơn, đảo chim yến Cù Lao Chàm. Cảnh quan thiên nhiên này tượng trưng cho địa linh. Từ nơi địa linh sinh hào khí, chí khí con người, bay vút lên đài cao, tượng trưng cho nhân kiệt. Cái triết lý địa linh - nhân kiệt được gắn bó thể hiện một cách logic, thâm sâu là đó. Trên cùng của bậc cấp, nơi bốn góc bệ đài có tượng khối hình bốn con rồng, mỗi con một góc, uốn lượn từ chân đài, trườn theo bậc cấp vươn cao đầu lên phía trước, với tư thế có thể kiểm soát được cả bốn phương, tám hướng của đất trời. Với bốn con rồng, con vật linh bậc nhất trong hàng tứ linh, sừng sững, uy nghiêm dưới chân đài thì cái chất, khí của địa linh - nhân kiệt càng được vững chãi, lưu danh, sáng chói muôn đời. Trên chót vót đài cao có mái lợp ngói ống, gồm hai tầng, tượng trưng cho lưỡng nghi (âm - dương), mỗi tầng bốn mái, tượng trưng cho tứ tượng (thái dương, thái âm và thiếu dương, thiếu âm). Xoay quanh cái triết lý âm dương, tất cả muốn toát lên ý nghĩa logic, sự hài hòa của địa linh - nhân kiệt, trong nhân cách con người. Mặt trước đài, một hàng chữ Hán khắc trên đá (cẩm thạch): 廣 南 名 人 志 士 紀 念 臺 (Quảng Nam danh nhân chí sĩ kỷ niệm đài - Đài kỷ niệm danh nhân chí sĩ Quảng Nam). Mặt bên tả và bên hữu của đài từ trên cao xuống ta đọc được hai vế đối:
Nguyên văn Hán tự:
祖 國 有 靈 出 這 般 志 士 英 雄 相 與 引乎先 翊 乎 後,
前 民 已 遠 睹 今日 崇 臺 豐 偈 猶 能 論 其 世 思 其人.
Phiên âm:
Tổ quốc hữu linh xuất giá ban chí sĩ anh hùng tương dữ dẫn hồ tiên dực hồ hậu,
Tiền dân dĩ viễn đô kim nhật sùng đài phong kệ do năng luận kỳ thế tư kỳ nhân.
Tạm dịch:
Nước đã linh thiêng, sinh biết bao chí sĩ anh hùng, sau trước dắt dìu nhau tiến tới,
Người xưa tuy cách, nay nhìn thấy đài cao, chữ đá tháng ngày ghi nhớ mãi không quên.
Dừng lại bên đài kỷ niệm cao vút, vững chãi, tượng trưng cho trời (dương), soi bóng xuống mặt hồ sen, hồ hình vuông, tượng trưng cho đất (âm), thể hiện sự hòa hợp của đất trời, địa linh - nhân kiệt. Bốn bề thoang thoảng hương sen, lòng người nhẹ lâng, cơ hồ thoát tục, khi tâm trí ta hiểu được ý nghĩa sâu sắc của công trình, người muôn đời không thể không tự hào về mảnh đất địa linh của quê hương xứ Quảng và thành kính tưởng nhớ những nhân kiệt, các danh nhân chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Châu Thượng Văn... của Đất Quảng - Việt Nam.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền