Đôi điều trao đổi về kiến trúc nhà tại Hội An

Thứ ba - 17/12/2013 02:22
Với tính chất là một đô thị - thương cảng trung cận đại tại Hội An từ khá sớm đã hình thành hai khu vực cư trú mang một số đặc điểm riêng là nông thôn và phố thị. Khu vực phố thị nằm ở trung tâm nơi diễn ra các hoạt động buôn bán, dịch vụ và khu vực nông thôn gồm nhiều làng xã nằm ở xung quanh như các vệ tinh bao quanh hạt nhân. Sự phân biệt giữa hai khu vực này tuy không rõ ràng và không quá cách biệt nhưng không phải là “bất phân” như một số người nhận xét. Chỉ riêng về kiến trúc nhà ở thì trong hai khu vực này vẫn có nhiều điểm không giống nhau.
        Do đặc điểm về địa bàn cư trú, môi trường sinh hoạt và tập quán dân cư nên những ngôi nhà ở nông thôn mang những nét khác với ngôi nhà của tầng lớp thị dân nơi phố thị. Qua khảo sát chúng tôi thấy ở vùng nông thôn Hội An phổ biến có hai kiểu nhà: nhà tranh tre và nhà ngói gỗ. Đặc điểm của kiểu nhà tranh tre là có kèo chữ đinh, không có chái. Bộ khung được làm chủ yếu bằng tre, lợp bằng tranh rạ, tranh săn, hoặc lá dừa nước. Phên che bằng cót hoặc tấm lá dừa nước chứ không làm bằng đất sét nhồi rơm như nhiều địa phương khác, có lẽ do sợ lụt, vì lụt thì đất sét sẽ rã hoặc khi nước lớn, những vách đất này không thể tháo rời để thoát hiểm như phên cót, dừa. Nhà thường được làm thấp để tránh gió bão và có khu đĩ ở đầu hồi để thoát hiểm khi lụt lớn. Kiểu nhà thứ hai là nhà rường với bộ khung gỗ kiểu cột trốn kẻ chuyền, có chái, lợp chủ yếu bằng ngói và có tường vôi gạch bao quanh. Dân địa phương gọi đây là kiểu nhà “tam gian nhị hạ” (ba gian hai chái) hoặc về sau còn được gọi là nhà ngói để phân biệt với nhà tranh.
         Kiểu nhà thứ nhất là kiểu nhà phổ biến ở nông thôn gắn với cuộc sống của tầng lớp bình dân, của những người nông dân, ngư dân, thợ thủ công có đời sống không mấy dư dã. Kiểu nhà thứ hai là kiểu nhà của những gia đình phú nông hoặc của những người có của ăn của để. Ở vùng nông thôn, vào thời thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ chiếm đóng cũng đã xuất hiện một số nhà ngói mang phong cách kiến trúc thuộc địa. Đó là những ngôi nhà của một số gia đình khá giả hoặc của những công chức, quan lại thời Pháp thuộc. Các ngôi nhà này có sự kết hợp giữa kiến trúc bản địa với kiến trúc kiểu Pháp. Trước năm 1975, tại nhiều vùng nông thôn ở Hội An cũng đã xuất hiện kiểu nhà ngói với một hoặc hai phòng lồi kết hợp với hàng hiên phía trước. Đây là kiểu nhà ngói chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc ngoại nhập thời Mỹ chiếm đóng. Những ngôi nhà này hiện nay còn lại không nhiều do vậy đang cần sự quan tâm khảo sát, nghiên cứu để có cách ứng xử phù hợp, nếu không, đến một lúc nào đó chúng sẽ biến mất khỏi tầm mắt của chúng ta.
        Ở khu vực phố thị cũng có nhiều kiểu nhà, phổ biến là kiểu nhà phố, nhà rường và nhà ngói mang phong cách kiến trúc thuộc địa hoặc kiến trúc Pháp. Ngoài ra cũng có một số nhà ngói hoặc bê tông ảnh hưởng kiến trúc thời Mỹ chiếm đóng. Trong các kiểu nhà này thì nhà phố là kiểu nhà điển hình về kiến trúc ở khu phố cổ Hội An.
Thuật ngữ nhà phố được nhà dân tộc học Nguyễn Bạt Tụy đưa ra vào năm 1961 khi ông khảo cứu về những ngôi nhà xưa ở Quảng Nam, trong đó có các ngôi nhà ở phố Hội An. Đây là công trình khảo cứu khá tỉ mỉ, chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến kiểu nhà phố Hội An và một số kiểu nhà khác ở Quảng Nam được đăng trên Văn Hoá nguyệt san năm 1961. Thuật ngữ này có tính hợp lý khi dùng để phân biệt kiểu nhà của tầng lớp thị dân ở Hội An với các kiểu nhà khác như nhà rường, nhà vườn Huế, nhà mái lá Bình Định.vv...
         Gần đây một số nhà nghiên cứu kiến trúc Nhật Bản dùng từ “shop house” để chỉ các ngôi nhà phố Hội An và được dịch là “nhà cửa hiệu”. Trong trường hợp này chúng tôi thấy sử dụng từ “nhà phố” thì chính xác và phù hợp hơn.
        Đặc điểm của kiểu nhà phố đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hoá - kiến trúc đề cập trong nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, ấn phẩm. Các nhà nghiên cứu kiến trúc của trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) cũng đã loại hình hoá quá trình phát triển của các ngôi nhà phố ở Hội An. Điều cần nói thêm là những ngôi nhà kiểu hình ống này không phải chỉ có mặt ở Hội An mà nó cũng đã có mặt ở phố cổ Hà Nội, ở một số khu phố của người Hoa như Lộc Cảng (Đài Loan), PêNang (Malaixia)... Tuy nhiên, do ra đời và phát triển tại vùng đất cửa sông ven biển và thường xuyên chịu tác động của mưa gió bão lụt như Hội An nên những ngôi nhà kiểu này được làm bằng vật liệu kiên cố, mái ngói lợp âm dương, có gác lững, gác xép cũng như ô kéo hàng để bảo quản hàng hoá lúc lũ lụt. Việc thông hai mặt đường hoặc một mặt giáp sông một mặt giáp đường phố cũng là một biện pháp để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá từ tàu thuyền lên nhà và cũng để đối phó với lụt. Mặt khác, đây là những ngôi nhà đa chức năng chứ không phải đơn thuần để ở hoặc buôn bán. Các chức năng này như che mưa nắng, sinh hoạt gia đình hàng ngày, buôn bán, dịch vụ, nấu nướng thức ăn, cất trữ hàng hoá, thờ tự, cho thuê, tổ chức vui chơi giải trí .vv... được kết hợp một cách thường xuyên trong từng ngôi nhà, từ đó hình thành nên những không gian phù hợp với từng chức năng. Các không gian này có thể đa dạng về quy mô, cách bài trí nhưng rất thống nhất về vị trí, kiểu thức kiến trúc, tạo nên đặc điểm riêng cho các ngôi nhà phố Hội An.
        Cũng cần nói rằng kiểu thức này được hoàn thiện dần từ khá sớm trong lịch sử thông qua con đường giao lưu - tiếp biến văn hoá mang tính đô thị - thương nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trước đây ở Hội An. Năm 1999, trong đề tài nghiên cứu về xã Minh Hương tôi đã thử thống kê sự mô tả nhà ở của người xã này qua một số khế ước mua bán nhà cửa và thu được kết quả khá thú vị:
 
TT Địa chỉ lưu giữ tư liệu Địa chỉ nhà ghi trong khế ước Niên đại Nguyên văn nội dung bằng chữ Hán Nội dung dịch tiếng Việt
1 127 Trần Phú Xứ Hổ Bì xã Hội An 1804 Ngõa gia nhất tòa, tam gian song hạ Nhà ngói một toà ba gian hai chái
2 02 Nguyễn Thị Minh Khai Xã Lang Châu 1821 Ngõa gia nhất tòa tam gian nhị hạ hữu chuyên tường tứ hướng Nhà ngói một toà ba gian hai chái bốn phía có tường gạch
3 02 Nguyễn Thị Minh Khai Xã Cẩm Phô 1842 Ngõa gia nhất tòa tam gian nhị hạ, cập hữu chuyên tường tứ hướng Nhà ngói một toà ba gian hai chái bốn phía có tường gạch
4 23 Trần Phú ấp Hương Định xã Minh Hương 1808 Ngõa gia nhất tòa tam gian cập trù gia nhất tòa Nhà ngói một toà ba gian cùng nhà bếp một toà
5 132 Trần Phú ấp Hương Thắng xã Minh Hương 1812 Ngõa gia nhất tòa tam vị nhị gian cập trù gia nhất tòa Nhà ngói một toà ba vì hai gian cùng nhà bếp một toà
6 102 Trần Phú ấp Hương Thắng xã Minh Hương 1812 Ngõa gia nhất tòa nhị gian trù gia nhất tòa Nhà ngói một toà hai gian, nhà bếp một toà
7 29 Trần Phú ấp Hương Định xã Minh Hương 1815 Ngõa gia nhất tòa tam gian Nhà ngói một toà ba gian
8 132 Trần Phú ấp Hương Thắng xã Minh Hương 1823 Ngõa ốc nhất sở tiền hậu nhị tòa tứ diện chuyên tường cụ túc Nhà ngói một cỡ trước sau hai tòa bốn phía có tường gạch
9 42 Trần Phú ấp Hương Định xã Minh Hương 1824 Ngõa gia nhất tòa tứ vị tam gian tính thảo bạc cập trù gia đẳng Nhà ngói một toà bốn vì ba gian cùng thảo bạc và nhà bế
 
10 145 Trần Phú ấp Hương Thắng xã Minh Hương 1838 Ngõa gia nhất ốc cập thảo bạc gia, hoành gia nhất tòa Nhà ngói một nếp cùng thảo bạc, nhà ngang một toà
11 29 Trần Phú ấp Hương Định xã Minh Hương 1881 Ngõa gia nhất ốc tính bình kiều gia nhất ốc Nhà ngói một nếp, nhà cầu không có lầu một nếp
12 55 Trần Phú ấp Hương Định xã Minh Hương 1922 Ngõa gia nhất ốc tam gian kiều lâu nhất ốc trù gia nhất ốc cộng tam ốc song khai môn bản thượng hạ cụ túc Nhà ngói một nếp ba gian, nhà cầu có lầu một nếp, nhà bếp một nếp, tổng công ba nếp, trên dưới cửa bản song khai đầy đủ.

         Qua bảng thống kê ta có thể xác định một số vấn đề. Thứ nhất, về kiến trúc trong bảng thống kê ta thấy có hai kiểu nhà chủ yếu, đó là kiểu nhà ngói “tam gian nhị hạ” (từ số 1 đến số 3) và kiểu nhà ngói kết hợp với nhà bếp và sau này thêm nhà cầu, thảo bạc (từ số 4 đến số 12). Loại nhà tam gian nhị hạ với đặc điểm luôn có hai chái. Đây chính là ngôi nhà rường truyền thống của người Việt, kiểu thức của nó ổn định qua thời gian. Năm 1804, nó được mô tả là “ngõa gia thất toà tam gian song hạ” đến năm 1842 nó vẫn được mô tả tương tự. Trong khi đó kiểu nhà thứ hai, luôn luôn không có chái, càng về sau càng có sự mở rộng thêm nhiều hạng mục. Năm 1808, nó được mô tả “ngõa gia nhất toà tam gian cập trù gia nhất toà”, năm 1838 là “ngõa gia nhất ốc cấp thảo bạc gia, hoành gia nhất toà”, đến năm 1922 là “ngõa gia nhất ốc tam gian kiều lâu nhất ốc, trù gia gia nhất ốc, cộng tam ốc song khai môn bản thượng hạ cụ túc”. Đây cũng chính là diện mạo đầy đủ về kiến trúc của các ngôi nhà phố Hội An hiện tồn, chúng gồm nhiều nếp, hẹp về chiều ngang, dài về chiều sâu gồm các hạng mục nhà chính, thảo bạc (gian nhà nối với nhà chính về phía sau có vì chồng rường mà dân địa phương gọi là trính Nhật Bổn), nhà cầu, nhà bếp,...
         Sự hoàn thiện dần qua các năm thể hiện ở bảng kê cho phép chúng ta hình dung về một quá trình giao lưu - tiếp biến văn hoá kiến trúc đã diễn ra giữa các thành phần cư dân Việt, Hoa, Nhật Bản, Phương Tây tại Hội An và những bước đi của các ngôi nhà phố Hội An. Thứ hai, cũng theo bản kê chúng ta thấy rằng địa bàn phân bố của nhà rường là các xã Hội An, Cẩm Phô, Lang Châu. Trong khi đó các nhà phố chỉ xuất hiện tại các ấp Hương Định, Hương Thắng của xã Minh Hương, là các ấp nằm tại trung tâm phố thị. Điều này phù hợp với khảo sát thực tế cho phép xác định các ngôi nhà phố tuyệt nhiên không có mặt tại các vùng nông thôn.
         Như vậy, chúng ta thấy rằng những ngôi nhà Hội An, kể cả ở nông thôn và phố thị đã có sự phát triển, hoàn thiện dần qua thời gian theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của cư dân địa phương. Qua quá trình này, tại Hội An đã định hình nên kiểu nhà phố - nhà của tầng lớp thị dân mang những nét riêng có về kiến trúc, về giao lưu - tiếp biến văn hoá trong lĩnh vực kiến trúc. Đây chính là kiểu kiến trúc điển hình của loại hình nhà ở Hội An, tạo nên giá trị nổi bật của di sản văn hoá Hội An nói chung, di sản văn hoá kiến trúc Hội An nói riêng.
         Trong những năm qua chúng ta đã tập trung khảo sát, tìm hiểu về các di tích nhà ở trong khu phổ cổ Hội An và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề vẫn ở trong tình trạng cảm nhận, cảm tính như vấn đề xác định giá trị của các ngôi nhà cổ ở Hội An, kể cả vùng nông thôn và phố thị, đặc trưng kiến trúc của chúng và những vấn đề liên quan đến văn hoá gia đình, đời sống tâm linh cùng các hình thức văn hóa phi vật thể khác kết tinh trong những ngôi nhà này. Sự đối chiếu so sánh giữa nhà phố Hội An với các kiểu nhà phố tại các nước trong khu vực, với nhà phố tại các khu phố cổ ở Nhật Bản, Trung Quốc… để tìm ra những giá trị riêng có, mang tính địa phương liên quan đến ngôi nhà của tầng lớp thị dân Hội An vẫn chưa được tiến hành. Các kiểu nhà khác của địa phương như nhà tranh tre, nhà rường. nhà kiểu Pháp hoặc nhà điển hình cho kiến trúc thời Mỹ chiếm đóng vẫn chưa được khảo sát, lập hồ sơ, chưa có những khảo cứu để xác định số lượng, giá trị bước đầu. Thậm chí, tên gọi các chi tiết kiến trúc, các hạng mục trong những ngôi nhà Hội An vẫn chưa được sưu tầm, tập hợp để thống nhất trong sử dụng, nghiên cứu dẫn đến một số nhầm lẫn kéo dài chưa được đính chính.
         Chúng ta thường hay nói về những vấn đề bao quát, khái quát nhưng khi đi vào chi tiết, cụ thể thì lại rất lúng túng và hoang mang do thiếu cơ sở dữ liệu và kiến thức chính xác. Đối với sự hiểu biết về các ngôi nhà ở - kiến trúc nhà tại Hội An cho đến nay cũng ở trong tình trạng như vậy.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây