Cào Hến - nghề "thụt lui"

Thứ hai - 25/11/2013 23:02
Người làm nghề cào Hến ở Cẩm Nam - thành phố Hội An vẫn thường quen gọi nghề này một cách hình ảnh là nghề “thụt lui”, vì trong quá trình hành nghề, người làm nghề dùng cái cào lội bộ dưới sông thực hiện động tác đi thụt lùi cào Hến.
        Công cụ chính để thu được hến là cào được làm bằng tre. Bộ phận cào có dạng hình máng chữ nhật kết hợp với dây đai và cán cầm. Để sử dụng cào này, người cào bên cạnh có sức khỏe cần phải có sự khéo léo, tinh tế và kết hợp nhuần nhuyễn cử động của các bộ phận trên cơ thể mới có thể sử dụng được. Trước khi cào, người cào đưa dây đai vòng qua người xuống vắt giữ ở hông, tay cầm chắc cán cào. Tùy theo chiều cao của người cào mà dây đai và cán cào làm dài ngắn cho phù hợp mới có thể cào được. Thông thường khi nâng cán cào thẳng tay, dây đai cũng thẳng là vừa. Lúc này, khuỷu tay hơi ép sát thân người. Đầu tiên, người cào bước 1 chân lui về sau đồng thời kết hợp hai động tác: nhún người xuống và nâng cán cào thẳng tay. Động tác này nhằm mục đích đưa miệng cào ăn sát mặt đất rồi cào Hến vào trong khuôn. Liền sau đó cán cào nâng lên, miệng khuôn theo đó cũng được nâng lên. Lúc này hỗn hợp Hến, cát, … sẽ được trải đều ra trên mặt khuôn, và như một động tác sàn, cát sẽ lọt qua nan tre, chỉ còn lại con Hến.
         Thông thường người cào chọn vùng nước cạn, sâu lắm thì đến cỡ tầm ngực vì như thế dễ thực hiện thao tác cào. Tuy nhiên, thực tế hành nghề, có lúc người cào còn phải cào ở những vùng nước sâu đến quá đầu người, có khi 2 – 3 mét nước vì nơi đó ít người khai thác, Hến sinh nhiều hơn. Thao tác cào ở vùng nước này cơ bản không khác so với vùng nước cạn. Tuy nhiên cào ở vùng nước sâu yêu cầu sức khỏe cũng như kỹ năng của người cào tốt hơn mới có thể thực hiện được. Mỗi lần cào, người cào phải lặn xuống nước, chân bám chặt vào mặt đất để giữ thăng bằng và thực hiện chuỗi thao tác giống như cào trên cạn. Khi nổi lên lấy hơi, cào vẫn để ở dưới đáy sông, người cào thoát khỏi dây đai chuyển sang cầm tay hoặc lấy chân móc giữ chuẩn bị cho lần cào sau.
         Cứ thế người cào di chuyển thụt lùi cho đến khi Hến nhiều thì nâng cào lên trút Hến vào rổ. Chính động tác cào Hến như vậy mà người làm nghề ở địa phương từ bao đời nay vẫn truyền tụng nhau câu ca:
Ai về Cồn Hến thì về
Cơm ăn ba bữa, làm nghề thụt lui
         Nhiều năm trước đây, người cào Hến ngày ngày ngâm mình dưới nước cùng với cái cào để bám nghề mưu sinh mặc cho đêm sương giá lạnh đã trở nên quá đỗi quen thuộc ở Cẩm Nam. Hiện nay, người làm nghề đa phần chuyển sang hình thức chống sào với chiếc nạo dài đứng trên ghe máy cào, vừa đỡ mất sức, vừa mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên cào “thụt lui” vẫn còn được một số gia đình cố gắng duy trì. Điều đó sẽ không chỉ có ý nghĩa giữ lại kỹ năng hành nghề độc đáo mà còn tạo nét văn hóa đặc sắc riêng có của vùng quê sông nước này.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây