Đình làng Thanh Hà

Thứ ba - 05/11/2013 04:26
Cùng với sự hình thành của Thừa Tuyên đạo Quảng Nam là làn sóng di cư của cư dân vùng Bắc bộ, Bắc Trung bộ vùng đất mới Quảng Nam từ thời cuối thế kỷ XV đời vua Lê Thánh Tôn. Trong dòng người Nam tiến đó, có các vị thủy tổ tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Bùi, Ngụy, Phạm, Lê, Võ từ Thanh Hóa, Nghệ An đã chọn Thanh Hà làm nơi lập nghiệp, lập làng và làng Thanh Hà.
          Theo gia phả tộc Nguyễn Viết thì “xét lại nguồn gốc xa xưa, thì từ những ngày đầu tiên triều nhà Đinh, họ Nguyễn Viết này ở xã Hương Giang tỉnh Thanh Hóa, Bắc kỳ. Vâng lệnh triều đình vào phương Nam làm tri huyện huyện Diên Khánh thuộc doanh Quảng Nam”. Làng Thanh Hà xưa cũng là một làng đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, có đóng góp vào lịch sử phát triển của Hội An như Binh bộ thượng thư Nguyễn Điển, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu và nhiều người thợ gốm, thợ ngói, nông dân trồng rau, hoa cây cảnh tài hoa.
          Làng Thanh Hà có vị trí giáp sông, cận biển, tiếp giáp làng Cẩm Phô, gần cảng thị Hội An xưa kia, có địa hình phong phú gồm đất ruộng có chứa đất sét, đất cát trắng nên cư dân ở đây sống bằng nhiều nghề khác nhau và đã hình thành nên những làng nghề nổi tiếng như gốm Nam Diêu, rau Trà Quế, nghề buôn ghe bàu, nghề trồng thuốc lá, nghề nông, đánh bắt sông nước. Sự lớn mạnh của các ngành nghề ở Thanh Hà xuất phát sự cần cù, tài hoa trong lao động của người dân đồng thời còn có lý do từ vị trí gần phố cảng Hội An, thuận tiện trong việc tiếp nhận, trao đổi hàng hóa. Với sự phát triển như vậy nên hệ thống công trình tín ngưỡng làng xã của Thanh Hà cũng khá qui mô và đầy đủ. Trong đó, cư dân Thanh Hà xây dựng nên đình làng Thanh Hà ở ấp An Bang vào khoảng thế kỷ XIX để thờ các vị thần, các vị tiền hiền, tiền nhân của làng. Theo mô tả của nhiều bô lão ở Thanh Hà thì Đình làng lúc bấy giờ rộng năm gian, lợp ngói âm dương của làng Thanh Hà, có nhiều cột gỗ to. Nhưng đến năm 1947, di tích nằm trong diện tiêu thổ kháng chiến, đình bị đốt cháy nhiều ngày mới ngưng lửa. Đến năm 1953, bà con làng Thanh Hà xây dựng lại đình ở ấp Hậu Xá, nay là khối VII – Thanh Hà để tiếp tục thờ tế thần linh và tiền nhân.
          Đình Thanh Hà hiện nay tọa lạc tại số 128, đường Hùng Vương, nằm cách miếu các ấp Thanh Chiếm, Nam Diêu, An Bang, Bàu Súng từ khoảng 1,5 - 3,0km về phía Đông, cách miếu ấp Trà Quế, miếu ấp Trảng Kèo khoảng 3km về phía Nam. Mặt tiền đình quay về hướng Nam, khuôn viên rộng lớn, bố cục công trình theo kiểu đình truyền thống gồm Tam quan, sân đình, tường rào, bình phong, cột cờ, cây đa và đình thờ. Tam quan có kiểu dáng rất đẹp và mang dấp cổ kính với ba mái ngói mềm mại che ba lối đi vào đình. Bên ngoài có 3 bức hoành được đắp chữ Hán, bức ở giữa ghi 3 chữ Thanh Hà Đình. Bên trong tam quan là sân đình rộng, nền sân lát gạch đất nung lục giác được tỏa bóng rợp mát bởi cây sợp to lớn. Có một bình phong cuốn thư án ngữ giữa sân, mặt ngoài đắp vẽ đồ án 3 con sư tử màu xanh mà người xưa gọi là Thái sư Thiếu sư. Mặt trong bình phong đắp vẽ đồ án Tùng lộc mềm mại, sinh động. Bên trong bình phong là đỉnh hương hình chữ nhật, chân quì.
           Đình gồm 3 gian hai chái, 2 lòng nhưng khá rộng, kết cấu không gian gồm hiên, tiền đường, hậu tẩm. Đình có một hệ mái lợp ngói âm dương do làng Thanh Hà sản xuất, trên mái là đồ án con giống lưỡng long tranh châu. Nhưng hệ mái có chiều sâu nên thợ xây dựng phải làm hai hệ vì kèo để đỡ mái, đây là một mái khá đặc trưng ở Hội An và cũng thường thấy ở một số di tích trong Khu phố cổ. Hệ vì kèo chính là cột trốn kẻ chuyền xuyên suốt hậu tẩm và tiền đường. Nhưng tại tiền đường người ta tạo nên một mái giả và dựng thêm một hệ vì kèo chịu lực nữa theo kiểu trính chồng trụ đội.Ở tiền đường có treo 3 bức hoành gỗ sơn đỏ, chữ vàng. Hậu tẩm gồm 5 ngai thờ, ngai thờ chính giữa làm được đắp cẩn mảnh sứ một chữ Hán nghĩa là Thần. Hai bên án thờ Thần là 2 ngai thờ tiền hiền, hậu hiền của cả làng Thanh Hà bao gồm 13 ấp.
          Có thể nói đình Thanh Hà là một công trình văn hóa truyền thống lớn nhất của làng Thanh Hà. Mặc dầu các ấp khác của làng Thanh Hà đều có miếu riêng nhưng vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm tất cả cư dân thuộc các thành phần quan chức, nông dân, thợ gốm, ngư dân, người buôn ghe bầu... đều đến đình Thanh Hà để tham gia lễ tế Xuân cầu an, tưởng nhớ đến công đức các vị thần cai quản làng xã, các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai lập, gây dựng cơ nghiệp cho con cháu làng Thanh Hà. Tuy đình làng Thanh Hà hiện nay được xây dựng từ năm 1953 nhưng có thể nói đình làng có không gian đặc trưng của một đình làng miền Trung và kiểu dáng kiến trúc khá cổ kính. Thiết nghĩ không gian văn hóa đình làng Thanh Hà cần được phát huy trong những sinh hoạt văn hóa kết hợp với du lịch để có thể gìn giữ và làm sống động hơn một di tích có vị trí khá thuận lợi.
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây