Năm 1947, Nguyễn Văn Việt chỉ mới là cậu bé 12 tuổi nhưng đã là một cơ sở liên lạc tin cậy của cách mạng. Ngày ngày anh ra vào vùng nội ô nắm bắt tình hình để cung cấp cho cán bộ ta vạch kế hoạch đánh địch. Bên cạnh đó, với sự mưu trí, gan dạ, anh đã dẫn đường cho nhiều lượt cán bộ, bộ đội về hoạt động ở khu vực Trường Lệ quê anh. Những lúc cán bộ hội họp, anh làm nhiệm vụ cảnh giới. Khi tình hình nguy cấp, anh trở thành người chiến sĩ chiến đấu quả cảm để bảo vệ an toàn cho cán bộ. Tháng 2/1948, trong khi đang đưa đoàn cán bộ về Trường Lệ hoạt động thì bị địch phát hiện, phục kích. Anh cùng đồng đội đã nhanh trí giải vây an toàn cho đoàn cán bộ. Trận này anh bị thương và bị địch bắt. Bọn địch ra sức tra tấn nhưng không khai thác được gì ở anh. Cuối năm 1948, anh được thả tự do. Về lại quê hương, anh tiếp tục hoạt động liên lạc đến năm 1953.
Năm 1955, anh tham gia đội du kích địa phương, tích cực xây dựng lực lượng đánh địch tại chỗ. Anh đã vận động nhân dân Trường Lệ đào 30 hầm bí mật che giấu cán bộ. Riêng nhà anh có đến 3 hầm và 1 phênh đôi. Nhiều lần anh cùng đồng đội tổ chức chống lại những đợt đi càn của địch, bảo vệ vững chắc cho cơ sở cách mạng mà anh đã dày công gầy dựng. Với những đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng trong nhiều năm, đến năm 1964, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Niềm vinh dự lớn lao ấy đã thôi thúc anh cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa cho cách mạng.
Sau hội nghị chuyên đề về công tác nội ô và vùng yếu của Thị ủy vào tháng 3/1966, Ban cán sự công tác nội ô được thành lập do đồng chí Trương Minh Lượng - Phó Bí thư Thị ủy làm trưởng ban. Ngôi nhà của anh được Ban cán sự công tác nội ô tin tưởng chọn làm trụ sở hoạt động. Nhiều tài liệu mật của Thị ủy được đưa về cất giấu tại đây. Cán bộ các nơi cũng thường xuyên đến họp bàn công tác. Để bảo vệ trụ sở và cán bộ ta về công tác, Đội công tác đặc biệt đã được thành lập dưới sự chỉ đạo của Thị ủy. Nguyễn Văn Việt được bầu làm Bí thư kiêm chính trị viên của Đội công tác này.
Bên cạnh nhiệm vụ đó, Đội công tác của anh còn tham gia và trực tiếp thực hiện nhiều trận đánh gây cho địch những tổn thất nặng nề. Tiêu biểu là vào tháng 2/1967, Đội công tác đặc biệt do anh chỉ huy bẻ gãy cuộc tấn công của một trung đội ngụy, tiêu diệt và làm bị thương 36 tên. Những chiến công của Đội dưới sự chỉ huy của anh đã tạo tiếng vang lớn, làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ ta quyết tâm đánh thắng kẻ thù.
Sáng ngày 18/10/1967, Đội công tác đang canh trực để đồng chí Trương Minh Lượng họp với cán bộ chuẩn bị kế hoạch tấn công địch trong tết Mậu Thân 1968 trong ngôi nhà anh. Từ hướng nhà lao Hội An, địch bất ngờ tấn công vào trong xóm. Anh cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu ngăn chặn bước tiến của địch để cán bộ ta lẫn thoát. Nhưng do tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, đồng đội của anh lần lược hy sinh. Để tài liệu không phải rơi vào tay địch, anh quyết định đốt cháy ngôi nhà cùng số tài liệu bên trong. Không để địch bắt, anh cũng đã tự thiêu mình trong ngọn lửa để giữ trọn khí tiết kiên trung của người cách mạng. Sự hy sinh của anh là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí ở lại quyết tâm chiến đấu cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Ghi nhận đóng góp của anh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, ngày 24/6/2005, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Văn Việt.
* Tài liệu tham khảo:- Báo cáo thành tích của liệt sĩ Nguyễn Văn Việt đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2004.
- Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An 1930 - 1975.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền