Các thành viên chủ chốt của Hội gồm các đồng chí: Nguyễn Thái, Lê Vinh, Hoàng Kim Ảnh. Sau một thời gian ngắn, số thành viên tăng đến khoảng 15 người, chủ yếu ở Ngọc Thành như các đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hàng, Huỳnh Lý, Nguyễn Thế Sanh… Các Hội viên đã chung tiền mua sách, báo, mượn sách của một đồng chí là cựu tù chính trị ở Tam Kỳ và mượn báo “Tiếng Dân”, “Phong Hóa” của ông Nguyễn Sĩ Huynh, Huỳnh Huân để đọc. Đến năm 1934, Hội trang bị thêm nhiều sách báo công khai (có một số sách mượn của Quan Hải Tùng Thơ - thuộc Đảng Tân Việt) như: Nhân loại tiến hóa sử, Học thuyết Đác - Uyn, Duy vật sử quan, sách của Tự lực Văn đoàn, Tự điển Hán - Việt... để phục vụ bạn đọc.
Qua đọc sách báo, các Hội viên đã nhận thức rằng: Cần phải tạo điều kiện để các em học sinh được học hành tốt, nâng cao trình độ nhận thức về hoàn cảnh lịch sử và đã mở một lớp học dạy cho các em học sinh khó khăn ở lớp 1, lớp 5 tại Đình làng, thu hút hàng chục em tham gia. Tại các lớp học, các hội viên đã gieo vào tâm hồn các em tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.
Sau đó, buổi nói chuyện để vận động nhân dân giảm bớt nghi lễ trong cúng tế, bài trừ mê tín, dị đoan, cưới hỏi theo nếp sống mới được tổ chức và bước đầu đem lại đời sống văn minh ở xã nhà lúc bấy giờ. Đặc biệt, các Hội viên đã quyên góp, thu nhặt gỗ tại các trại mộc trong làng, xây dựng một chiếc cầu dài trên 15m, rộng 2m bắt qua sông Ngọc Thành cho nhân dân đi lại thuận tiện, nhất là vào mùa mưa bão, làm giảm rủi ro, thương vong cho nhiều người.
Những công việc của Hội đọc sách thực hiện rất thực tế, đã gây cảm tình sâu sắc trong nhân dân, tạo điều kiện tốt để tập hợp lực lượng cách mạng về sau.
Đầu năm 1935, để có thể tuyên truyền chính trị rộng rãi hơn, thu hút thêm bạn đọc, Hội đọc sách đã làm một tờ báo viết tay, lấy tên là báo “Lời bạn”, đăng những tin, bài, thơ có nội dung về tuổi trẻ, ca ngợi tinh thần yêu nước... Ở Xóm Giữa có nhóm đọc sách do đồng chí Nguyễn Phe tập hợp cũng đã cho ra đời tờ báo “Tim non” mang nội dung ca ngợi tình yêu lứa đôi, quê hương, đất nước. Cuối năm 1936, các Hội viên viết bài có giá trị được trên báo “Tiếng dân”, bài viết phản ánh tinh thần yêu nước và quyết tâm thay đổi những tiêu cực của xã hội cũ.
Vào ngày 26/7/1936, Trung ương Đảng chủ trương: Các tổ chức Đảng, mỗi một đồng chí phải hết sức chủ động thành lập Mặt trận dân tộc phản đế, nhằm tập hợp tất cả các đảng, tất cả các tầng lớp quần chúng để tranh đấu đòi những yêu sách tối thiểu và phát động đấu tranh công khai theo khuynh hướng đòi dân chủ, dân sinh. Từ đây, đã có nhiều tờ báo công khai của Đảng, Mặt trận Dân tộc là báo “Nhành lúa”, báo “Lao động”, báo “Tiếng dân”... ra đời. Các Hội viên của Hội đọc sách phải ngừng viết báo, tập trung đọc những sách, báo nói về Đảng, đấu tranh kháng Pháp cho thợ mộc, nề vào giờ nghỉ trưa, đọc cho bà con đi trên các chuyến đò ngang từ Kim Bồng qua Hội An để đông đảo bà con nhận thức tốt hơn về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngoài ra, ở xóm Trong (Kim Bồng Trong), dù chưa thành lập được Hội đọc sách nhưng ông Khương Đình Tư đã đến “Tủ sách hiếu học” mượn sách, báo về giao cho các thầy giáo Huỳnh Chưởng, thầy Nghĩa... đọc cho học sinh nghe, sau đó trả lại, mượn sách khác.
Nhìn lại “Hội đọc sách Kim Bồng” có thể thấy rằng đọc sách, thu thập kiến thức để thực hiện các nhiệm vụ, để tuyên truyền các giá trị văn hóa cách mạng là rất cần thiết không chỉ trong bối cảnh thời kỳ Tiền Khởi nghĩa mà còn có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.