Vài nét về kiến trúc đình làng ở Hội An

Thứ ba - 17/12/2013 03:06
Trong tiến trình lịch sử dân tộc, từ khi vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành thành công và lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471), quá trình di dân từ khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ vào khai phá vùng đất mới Nam Trung bộ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nhiều làng/xã ở xứ Quảng nói chung, khu vực Hội An nói riêng dần dần được hình thành.
       Tại Hội An, bia mộ tổ tộc Trần Văn ở thôn Võng Nhi - xã Cẩm Thanh cho biết vào năm Cảnh Thống Mậu Ngọ (năm 1498), làng Võng Nhi đã được lập. Đây là làng được lập sớm nhất ở Hội An hiện nay được biết đến với niên đại rõ ràng. Ngoài ra, căn cứ gia phả tộc Nguyễn Viết ở làng Thanh Hà và tộc Huỳnh ở làng Cẩm Phô có thể suy đoán 2 làng Thanh Hà và Cẩm Phô được thành lập khoảng cuối thế kỷ XV. Trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An viết năm 1553 đề cập đến 2 làng ở Hội An là Cẩm Phô và Hoài Phô[1]. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đến năm 1570 kiêm lãnh trấn Quảng Nam là sự kiện chính trị trọng đại dẫn đến sự mở rộng phạm vi làng xã và hình thành thêm nhiều làng xã khác ở Hội An vào cuối thế kỷ XVI, XVII như làng Thanh Châu, Để Võng, Hoa Phô, Hội An, Xuân Mỹ, Kim Bồng... Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật ở động Hoa Nghiêm - Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng) niên đại năm 1640 có đề cập đến một số làng xã ở Hội An như làng Cẩm Phô, Hội An,… Theo thống kê, trên mảnh đất Hội An có khoảng hơn 20 làng xã[2] được thành lập từ cuối thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Cũng trong thời gian này đến đầu thế kỷ XX, một số làng xã ở Hội An sát nhập thành làng lớn hơn hoặc chia tách thành những làng nhỏ hơn, một số khác thì thay đổi tên gọi[3].
       Với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, tín ngưỡng của làng, đình là thành phần quan trọng hàng đầu không thể thiếu trong các công trình kiến trúc thuộc thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền, là hình ảnh thân quen với rất nhiều người gắn với bao kỷ niệm vui buồn của cuộc sống. Về thời gian hình thành, đình làng ở Hội An xuất hiện muộn hơn so với khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, gắn liền với quá trình thành lập các làng xã ở Hội An. Hiện nay chưa có tư liệu để xác định niên đại hình thành cụ thể của từng ngôi đình. Tuy nhiên, theo lẽ thường, mỗi khi có xã hiệu chắc hẳn sẽ có đình làng dù đó là ngôi đình được làm tạm bợ bằng tranh tre. Do nằm trong môi trường địa lý bất lợi, đặc biệt là sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh và ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nên nhiều đình làng ở Hội An bị sụp đổ hoàn toàn, nay chỉ còn lại nền móng cũ như đình Thanh Đông, đình Thanh Nhất ở Cẩm Thanh,... hay được nhân dân làm lại trên nên móng cũ với kiểu kiến trúc hiện đại như đình Thanh Tây,… hoặc phải chuyển dời vị trí đến nơi khác như đình Xuyên Châu Trung, đình Minh Hương (Minh Hương tụy tiên đường),... Theo một số nhà nghiên cứu, đình ở Hội An là tên gọi chung cho 2 thiết chế văn hóa làng/xã, đình thờ thần và từ đường thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng. Và, dù lịch sử hình thành làng/xã ở Hội An lâu đời nhưng kiến trúc đình làng được hoàn chỉnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu XX[4].
         Qua khảo sát, tại một số làng/xã ở Hội An, ngoài ngôi đình chung của làng còn có đình ấp. Hiện nay, nhiều đình làng, ấp ở Hội An vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị nguyên gốc. Dưới đây là danh mục các đình làng, ấp tiêu biểu hiện nay ở Hội An.

TT Tên đình Địa chỉ hiện nay Làng xã cũ
I Đình làng    
1 Đình Xuân Mỹ Nam Diêu - Thanh Hà Phường Xuân Mỹ
2 Đình Thanh Hà Hậu Xá - Thanh Hà Làng Thanh Hà
3 Đình Cẩm Phô Hoài Phô - Cẩm Phô Làng Cẩm Phô
4 Đình ông Voi An Thắng - Minh An Làng Hội An
5 Hội An tiên tự An Thái - Minh An Làng Hội An
6 Đình Minh Hương (Tụy tiên đường Minh Hương) An Định - Minh An Làng Minh Hương
7 Đình Sơn Phong Phong Niên - Sơn Phong Làng Sơn Phong
8 Đình Sơn Phô Sơn Phô II - Cẩm Châu Làng Sơn Phô
9 Đình An Mỹ An Mỹ - Cẩm Châu Làng An Mỹ
10 Đình Để Võng Sơn Phô1 - Cẩm Châu Làng Đế Võng
11 Đình tiền hiền Kim Bồng Trung Châu - Cẩm Kim Làng Kim Bồng
12 Đình tiền hiền Tân Hiệp Bãi Làng - Tân Hiệp Phường Tân Hiệp
II Đình ấp    
1 Đình ấp An Bang An Bang - Thanh Hà Ấp An Bang - làng Thanh Hà
2 Đình ấp Bộc Thủy Nam Diêu - Thanh Hà Ấp Bộc Thủy - làng Thanh Hà
3 Đình ấp Tu Lễ Hoài Phô – Cẩm Phô Ấp Tu Lễ - làng Cẩm Phô
4 Đình ấp Xuân Lâm Xuân Lâm - Cẩm Phô Ấp Xuân Lâm - làng Cẩm Phô

       Theo văn bia, xà cò tại di tích và các nguồn tư liệu lịch sử khác, dưới thời phong kiến, nhiều ngôi đình làng, ấp ở Hội An đã được tu bổ, sửa chữa nhiều lần. Đình Ông Voi được tu bổ vào năm Gia Long 17 (1818) và Thành Thái 19 (1907); Đình Cẩm Phô (Cẩm Phô Hương Hiền) được tu bổ vào năm Gia Long 17 (1818) và Thành Thái 15 (1903); Đình Tiền Hiền Kim Bồng được kiến tạo năm Tự Đức 6 (1853) và tu bổ năm Bảo Đại 16 (1941); Đình Sơn Phô lập năm Thành Thái 2 (1890) và tu bổ năm Duy Tân 8 (1915);…
         Về vị trí, đình làng, ấp cũng như nhiều công trình kiến trúc thuộc thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền khác ở Hội An thường được xây dựng ở nơi đắc địa nhất của làng theo thuật phong thủy, nằm trên gò đất cao ở trung tâm của làng hoặc vị trí thuận lợi về giao thông, có phong cảnh hữu tình, nhìn ra sông. Đình làng Hội An - đình Ông Voi tọa lạc trên gò đất cao ở trung tâm phố Hội An, ngay trục giao thông chính, tả hữu nối liền điểm đầu và cuối của khu phố là thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn, mặt nhìn ra sông tấp nập tàu thuyền buôn bán và xa xa là núi Trà Kiệu làm bình phong[5]. Cặp câu đối: Phước chỉ thanh linh tề tả hữu, Kiệu sơn chính khí trấn Tây Nam” khắc ở trụ đá trước đình đã phản ánh rõ nét vị trí phong thủy của đình. Đình Cẩm Phô, đình Xuân Mỹ, đình Sơn Phong,... đều trên gò đất cao, mặt nhìn ra sông, ngay vị trí thuận lợi nhất về giao thông của làng.
         Về phương hướng, hầu hết đình làng, ấp ở Hội An có mặt tiền nhìn về hướng Nam, Tây Nam như đình Xuân Mỹ, đình Thanh Hà, đình Cẩm Phô, đình Ông Voi, đình Minh Hương, đình Sơn Phô, đình Sơn Phong, đình tiền hiền Kim Bồng, đình ấp Xuân Lâm, đình ấp An Bang. Một số trường hợp mặt tiền nhìn về hướng Tây, Bắc hoặc Đông như đình ấp Bộc Thủy xoay hướng Bắc; đình ấp Tu Lễ, Hội An tiên tự xoay hướng Tây, đình An Mỹ xoay hướng Đông[6].
         Đình làng, ấp ở Hội An có bố cục mặt bằng tổng thể truyền thống gồm phía trước là tam quan, tiếp đến là bình phong, khoảng sân rộng, chánh điện, hậu tẩm, hai bên là nhà Đông và nhà Tây. Tuy nhiên, do điều kiện về diện tích đất, kinh tế,… và theo quan niệm của mỗi làng mà trong bố cục tổng thể có thể có thêm tiền đình (nhà tiền vãng), phương đình (bái đình), nhà hội hương hoặc không có tam quan, bình phong, nhà Đông và nhà Tây. Trường hợp đặc biệt chỉ có chánh điện và hậu tẩm. Theo tư liệu điều tra năm 1943 về làng xã ở Hội An, bố cục tổng thể của một số ngôi đình như sau:
        - Đình Ông Voi: Cổng tam quan - hai trụ cờ, cặp voi, miếu thờ Ba Bà (Bô Bô, Bạch Thố, Phiếm Ái), Thành Hoàng, Ngũ Hành[7] - tiền đình - chánh điện - hậu tẩm (2 tầng) - nhà Đông, nhà Tây. Ngoài ra còn có 2 giếng nước ở phía sau nhà Đông.
        - Đình Cẩm Phô: Cổng (hai trụ đá) - bình phong (kiểu chiếc đỉnh và 2 độc bình lớn) - phương đình (bái đình) - chánh điện - hậu tẩm[8] - nhà Đông, nhà Tây.
        - Đình Minh Hương: Cổng - nhà hội hương (hai bên sân đình) - tiền đình - chánh điện - nhà Đông, nhà Tây. Phía sau nhà Tây là bếp, phía trước nhà Tây có lối dẫn qua Minh Hương Phật tự và Quan Công miếu[9].
        - Đình Để Võng: Bình phong (bên  phải là con rùa bằng đá, bên trái là con lân bằng vôi gạch) - tiền đường - chánh điện - hậu tẩm[10].
        - Đình Sơn Phô: Cổng (hai trụ vôi gạch) - bình phong - chánh điện - hậu tẩm - nhà Đông, nhà Tây[11].
        - Đình An Mỹ: Hai trụ vôi và bình phong - chánh điện - hậu tẩm[12].
        - Đình Thanh Nam: Bình phong - chánh điện - hậu tẩm - nhà Đông,nhà Tây[13].
        - Đình Thanh Đông: Bình phong - chánh điện - hậu tẩm[14].
       Theo kết quả khảo sát hiện nay, bố cục tổng thể của một số đình như sau:
        - Đình Xuân Mỹ: Nhà bia làm bình phong - chánh điện - hậu tẩm. Phía trái cách nhà bia một khoảng là miếu thờ Lục vị tiên nương.
        - Đình Thanh Hà: Cổng tam quan - bình phong - chánh điện.
        - Đình Sơn Phong: Cổng - bình phong - tiền đình - chánh điện - hậu tẩm - nhà Đông.
        - Đình tiền hiền Tân Hiệp: Cổng - bình phong - chánh điện.
        - Đình tiền hiền Kim Bồng: Tam quan - bình phong - chánh điện - hậu tẩm.
        - Đình tiền hiền Hội An: Tam quan - tiền đình - chánh điện - nhà Đông.
        - Đình ấp Tu Lễ: Tam quan - chính điện.
        - Đình ấp Bộc Thủy: Cổng và bình phong - chánh điện - nhà Tây.
        - Đình ấp Xuân Lâm: Cổng - bình phong - chánh điện - hậu tẩm.
        - Đình ấp An Bang: Cổng - bình phong - tiền đình - chánh điện - hậu tẩm.
        - Đình Xuyên Châu Trung: Cổng - bình phong - chánh điện.
        Tam quan xây bằng gạch, vữa vôi, trụ hình tròn kẻ chỉ hoặc hình vuông[15]. Bình phong là hạng mục quan trọng trong tổng thể kiến trúc đình làng, ấp ở Hội An. Bình phong thường cách tiền đình hoặc chánh điện (nếu không có tiền đình) qua sân rộng và hình thức lẫn đề tài trang trí cũng hết sức đa dạng. Tại một số ngôi đình, liền kề với mặt trong của bình phong là bàn cúng âm linh dùng để cúng âm linh vào những dịp lễ tế như đình ấp Xuân Lâm, đình làng An Mỹ,… Hầu hết các bình phong của đình làng, ấp đều làm theo kiểu cuốn thư. Tuy nhiên, tại một số đình kiểu bình phong hết sức độc đáo với bên trên cuốn thư xây dựng khám thờ nhỏ như đình ấp Bộc Thủy, hoặc xây một đỉnh to với hai bên là hai độc bình lớn làm thành bình phong thay thế cho cuốn thư như đình Cẩm Phô. Đề tài trang trí trên bình phong chủ yếu sử dụng hình thức đắp nổi vẽ màu hoặc đắp nổi cẩn mảnh sành sứ kết hợp với vẽ màu. Riêng bình phong đình ấp An Bang không có đề tài trang trí mà chỉ quét vôi nhiều màu kết hợp với câu đối Hán Nôm. Đề tài, chi tiết trang trí ở bình phong hình cuốn thư được thể hiện ở hai mặt trước và sau của bình phong tại nhiều ngôi đình.

TT Tên đình Kiểu bình phong Trang  trí mặt trước Trang trí            mặt sau Bàn cúng âm linh
1 Đình ấp Bộc Thủy Kiểu cuốn thư với bên trên có khám thờ Đề tài “Long mã phụ hà đồ” theo hình thức đắp nổi kết hợp với cẩn mảnh và vẽ màu. Đầu long mã hướng về bên trái Đề tài “Lý ngư vọng nguyệt” theo hình thức đắp nổi kết hợp với vẽ màu  
2 Đình làng Thanh Hà Kiểu cuốn thư với bên trên gắn trang trí hình con dơi cẩn mảnh. Đỉnh hai bên của cuốn thư trang trí hoa sen Chính giữa là đề tài Sư tử mẹ và sư tử con, hai bên là rồng dây và câu đối Hán Nôm, bên dưới là hai quả Phật thủ    
3 Đình ấp Xuân Lâm Kiểu cuốn thư. Đỉnh hai bên của cuốn thư trang trí búp sen Chính giữa là đề tài “Long mã phụ hà đồ”, bên trái là đề tài mai điều và chum lựu, bên phải là đề tài tùng lộc và chùm đào Chính giữa là đề tài tùng lộc, hai bên là đề tài hoa điểu, quả lựu Quần bàn đắp nổi oản quả
4 Đình ấp Xuân Mỹ Kiểu cuốn thư Trang trí con hổ trên núi Trang trí chim đại bàng trên biển  
5 Đình Sơn Phong Kiểu cuốn thư Chính giữa là đề tài Long mã phụ hà đồ, hai bên là mai lan cúc trúc và câu đối Hán Nôm, bên dưới là chùm lựu Trang trí đề tài tùng lộc  
6 Đình Xuyên Châu Trung Kiểu cuốn thư Chính giữa là đề tài “Long mã phụ hà đồ”, hai bên là chữ Thọ và Phúc    
7 Đình làng Sơn Phô Kiểu cuốn thư Chính giữa là đề tài “Long mã phụ hà đồ”, hai bên là mai lan cúc trúc   Quần bàn vẽ nhành hoa
8 Đình làng An Mỹ Kiểu cuốn thư. Đỉnh hai bên của cuốn thư trang trí búp sen Chính giữa là đề tài “Long mã phụ hà đồ”, hai bên là mai lan cúc trúc Chính giữa là chữ Phúc lớn, hai bên là quy, hạc  
9 Đình làng Để Võng Kiểu cuốn thư kết hợp hai bên là tượng rùa và lân Trang trí chim phượng Trang trí rồng  
10 Đình Tiền hiền Kim Bồng Kiểu cuốn thư Chính giữa là đề tài “Long mã phụ hà đồ”, hai bên là hoa điểu. Chính giữa là lư hương, bút, sách. Hai bên là bình hoa và oản quả. Quần bàn vẽ chân quỳ.

         Các hạng mục như tiền đình, chính điện, hậu tẩm, nhà Đông và nhà Tây có hệ khung chịu lực bằng gỗ với cột gỗ tròn hoặc vuông, vì kèo kiểu kẻ chuyền và kiểu trính chồng trụ đội; mái lợp ngói âm dương, có mái kết cấu kiểu hai tầng với cổ diêm được trang trí nhiều đề tài sinh động như mái đình ấp Bộc Thủy; tường bao xây gạch vữa vôi; hệ cửa mặt tiền thường làm theo kiểu thượng song hạ bản; nền láng xi măng hoặc lát gạch đất nung. Hầu hết các hạng mục như nhà Đông, nhà Tây, tiền đình có bố cục kiểu ba gian; hậu tẩm có bố cục một gian. Riêng chánh điện có bố cục kiểu ba gian hoặc ba gian hai chái. Duy nhất đình làng Xuân Mỹ có bố cục kiểu một gian hai chái. Một số ngôi đình có hậu tẩm vươn lên cao so với chính điện như ở đình ấp An Bang. Đặc biệt, hậu tẩm đình Ông Voi được xây dựng với kết cấu hai tầng. Đây là kiểu hậu tẩm duy nhất ở Hội An và hiếm gặp ở nơi khác, tạo cho đình Ông Voi mang nét độc đáo riêng về nghệ thuật kiến trúc. Một trường hợp đặc biệt khác trong kiến trúc đình làng ở Hội An là đình Cẩm Phô với sự hiện diện của phương đình ở phía trước giống như nhiều hội quán của người Hoa ở Hội An. Kết quả khảo sát cho thấy, trong bố cục tổng thể và kết cấu, kiến trúc một số ngôi đình làng, ấp ở Hội An có ảnh hưởng bởi lối kiến trúc tín ngưỡng của người Hoa tại Hội An.
         Theo kết quả khảo sát, ngoài công năng che nắng, che mưa, gìn giữ những cấu kiện gỗ bên dưới và các thành phần vật chất nằm bên trong nội thất, mái đình ở Hội An còn là nơi thể hiện, phô diễn nhiều giá trị nghệ thuật thông qua các đề tài, chi tiết trang trí cầu kỳ, độc đáo bằng hình thức đắp nổi kết hợp cẩn sành sứ và vẽ màu, đặc biệt là ở mái chánh điện và hậu tẩm. Ngoài ra, diềm mái và bờ chảy phía trước của một số ngôi đình có gắn các đĩa sứ nhằm làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, cổ kính và bề thế của ngôi đình. Các đề tài, chi tiết trang trí trên bờ nóc, bờ chảy của đình làng ở Hội An chủ yếu là đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”, “Lưỡng long tranh châu”, các con vật trong tứ linh, đĩa sứ, hình con cá, hoa điểu, hoa quả,… Thông thường trên mái chánh điện được trang trí nhiều đề tài khác nhau, trong khi đó trên mái hậu tẩm chủ yếu trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt” hoặc “Lưỡng long tranh châu”. Các đề tài, chi tiết trang trí trên mái của một số ngôi đình ở Hội An cụ thể như sau:

TT Di tích Chánh điện Hậu tẩm Ghi chú
1 Đình làng Xuân Mỹ Diềm mái trước trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu”. Bờ chảy trang trí hình con lân, quy, dao lá và đĩa sứ. Bờ nóc trang trí hai bên là hai con cá, chính giữa là bình hồ lô. Bờ đắp ngang giữa mái trước trang trí chim phượng ở hai bên, tiếp đến bên trái là đề tài tùng lộc, cành hoa và chùm đào, bên phải là đề tài mai điểu, cành hoa, chùm lựu. Chính giữa bên dưới là con dơi, bên trên là bụi hoa sen.
2 Đình ấp An Bang   Diềm mái trang trí đĩa sứ. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”. Bờ chảy trang trí dao lá.  
3 Đình ấp Bộc Thủy Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu”. Long cách điệu kiểu rồng dây. Bờ chảy trang trí dao lá.    
4 Đình làng Thanh Hà Diềm mái trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”. Bờ chảy trang trí dao lá    
5 Đình làng Cẩm Phô Đắp bờ ngang ở diềm mái trang trí các đề tài hoa điểu, tùng lộc trong từng ô. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu” bên trên, bên dưới trang trí các đề tài hoa điểu, tùng lộc trong từng ô.   Mái phương đình giật thành hai cấp, trang trí chim phượng (9 con).
6 Đính ấp Tu Lễ Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu”. Long cách điệu kiểu rồng dây. Bờ chảy trang trí dao lá.    
7 Đình ấp Xuân Lâm Diềm mái trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu” ở bên trên, bên dưới trang trí hoa điểu trong từng ô. Bờ chảy trang trí lân, quy, phụng. Bờ nóc trang trí hình Lưỡng nghi. Bờ chảy trang trí dao lá.  
8 Hội An tiên tự Bờ nóc trang trí rồng ở hai bên, chính giữa là bình hồ lô.   Diềm mái trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”. Long cách điệu kiểu rồng dây.
9 Đình ông Voi Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”. Long cách điệu kiểu rồng dây. Bờ chảy trang trí dao lá.    
10 Minh Hương tụy tiên đường Diềm mái trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài Lưỡng long vọng nguyệt. Long cách điệu kiểu rồng dây. Bờ chảy trang trí hình con lân.    
11 Đình Sơn Phong Bờ nóc  trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu”. Bờ chảy trang trí dao lá, lân. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”. Long cách điệu kiểu rồng dây.  
12 Đình Sơn Phô Diềm mái trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”. Long cách điệu kiểu rồng dây. Bờ chảy trang trí dao lá.    
13 Đình An Mỹ Diềm mái trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt” ở bên trên, bên dưới trang trí  nhành hoa theo từng ô. Bờ chảy trang trí dao lá. Bờ chảy trang trí dao lá.  
14 Đình Để Võng Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long vọng nguyệt”. Long cách điệu kiểu rồng dây.    
15 Đình Tiền hiền Kim Bồng Diềm mái trang trí đĩa tráng men. Bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu” ở bên trên, bên dưới trang trí cành hoa ở giữa, bên phải là chùm lựu, bên trái là chùm đào. Bờ chảy trang trí con lân.   Bờ đắp ngang giữa mái trước trang trí chim phượng và quy.

          Các đề tài trang trí trên mái (các con vật trong bộ tứ linh, dao lá) được thực hiện theo kiểu đắp tạo hình (đối với con lân) hoặc đúc sau đó cẩn mảnh và vẽ màu (long, quy, phượng, dao lá). Toàn bộ được thực hiện riêng sau đó mới được gắn lên mái. Phần lớn các con vật như rồng, phượng, rùa được đắp cẩn mảnh một mặt (mặt trước). Riêng đối với đình An Mỹ, rồng được đắp cẩn mảnh cả hai mặt trước và sau. Các đề tài trang trí như chùm quả, nhành hoa, tùng lộc được đắp và cẩn trực tiếp trên mái.
          Đình làng ở Hội An là một trong những thành phần cơ bản của thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền, là trung tâm văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng và là biểu tượng văn hóa của mỗi làng xã. Chính vì thế, đình làng ở Hội An được xây dựng không chỉ hướng đến sự bền vững lâu dài với việc sử dụng những vật liệu tốt mà còn phải khẳng định những giá trị thẩm mỹ về kỹ thuật kiến trúc lẫn các hình thức, chi tiết trang trí trên công trình kiến trúc từ bố cục tổng thể đến các thành phần chi tiết. Bên cạnh đó, những yếu tố phong thủy của ngôi đình cũng được đặc biệt xem trọng nhằm cầu mong sự bình an, phát triển của làng xã. Trải qua quá trình lịch sử, đình làng ở Hội An có những thay đổi nhất định theo hướng ngày càng hoàn thiện hóa, quy chuẩn hóa. Do một số điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi làng xã mà quy mô kiến trúc lẫn hình thức trang trí mỹ thuật của đình làng có sự khác nhau. Hiện nay, đình làng ở Hội An trở thành một bộ phận quan trọng trong di sản kiến trúc làng xã được cộng đồng cư dân gìn giữ, bảo tồn chu đáo.



[1] Dương Văn An (1997), Ô Châu cận lục, Nxb KHXH, Hà Nội, trang 43.
[2] Làng Võng Nhi, Hoài Phô, Cẩm Phô, Thanh Hà, Hội An, Cổ Trai, Thanh Châu, Xuân Mỹ, Kim Bồng, Để Võng, Hoa Phô, An Mỹ, Tân Hiệp, Minh Hương, Hòa Yên, Phước Trạch, Đại An/An Bàng, An Thọ, Đại An, Phong Niên, Mậu Tài, Tân Hòa/An Phong.
[3] An Thọ, Đại An, Phong Niên, Mậu Tài sát nhập thành làng Sơn Phòng; làng Thanh Châu chia nhỏ thành làng Thanh Đông, Thanh Tây, Thanh Nam, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam; Hoa Phô đổi thành Sơn Phô, Đại An đổi thành An Bàng, Tân Hòa đổi thành An Phong.
[4] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Trung tâm QLBT Di tích Hội An xuất bản năm 2005, trang 306.
[5] Trần Văn An (2013), Đình làng Hội An - Đôi điều suy nghĩ, tập san Văn hóa Hội An xuân Quý Tỵ, Phòng Văn hóa – Thông tin Hội An xuất bản năm 2013, trang 109-111.
[6] Trước lần tu bổ gần đây nhất, đình xoay hướng Tây Nam. Khi tu bổ, theo đề xuất của các vị cao tuổi trong làng cũng như phù với cảnh quan chung, thuận tiện về giao thông và căn cứ vào giá trị lịch sử của đình nên đã thống nhất chuyển đổi mặt tiền nhìn về hướng Đông. 
[7] Hiện nay hai trụ cờ, miếu thờ Ba Bà, Thành Hoàng và Ngũ Hành không còn
[8] Hiện nay không còn hậu tẩm
[9] Hiện nay lối đi không còn, nhà bếp đổi sang phía sau nhà Đông.
[10] Hiện nay có thêm tam quan.
[11] Hiện nay làm thêm tam quan, không còn nhà Đông, nhà Tây.
[12] Đình này bị sụp đổ, gần đây đã được tu bổ lại và xoay hướng đình.
[13] Đình này đã bị sụp đổ hoàn toàn.
[14] Đình nay nay chỉ còn nền móng
[15] Tam quan trụ hình vuông: Đình Thanh Hà, đình Để Võng, đình Minh Hương, đình tiền hiền Hội An, đình tiền hiền Kim Bồng, đình Cẩm Phô. Tam quan trụ hình tròn kẻ chỉ: Đình ấp Tu Lễ, đình Sơn Phô.
 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây