Tài liệu thứ nhất là một đơn xin sữa chữa nhà của ông Huỳnh Cẩm Thành nhà số 185 đường Nhật Bổn, văn bản có niên đại 1932, được viết bằng ngôn ngữ Pháp văn và Hán văn trên chất liệu giấy dó.
Bản dịch(2):
Faifo ngày 26 tháng 7 năm 1932
Kính gửi: Quan Công sứ Pháp tại Faifo
Kính gửi quan công sứ
Tôi ký tên dưới đây là Huỳnh Cẩm Thành buôn bán ở Faifo. Rất trân trọng kính xin quan vui lòng cho phép tôi được sửa chữa một đôi chỗ lặt vặt trên mái ngói và gạch lót trong nhà tọa lạc trên đường cầu Nhật Bổn số hiệu nhà 185.
Kính mong quan nhận nơi đây lòng kính trọng và cảm tạ của tôi.
Kẻ dưới nhỏ mọn: Huỳnh Cẩm Thành
Số 451
Đồng ý cho phép sửa chữa nhỏ các công việc thích nghi với nhà ở sẵn có. Faifo ngày 30 tháng 7 năm 1932.
Chủ sự công chánh ký tên và dấu
Cho phép làm theo chuẩn phép trên đây
Công sứ ký tên
Faifo ngày 30 tháng 7 năm 1932
Tài liệu thứ hai là một văn bản thuê nhà của ông Lý Hòa và ông Lý Nhã, có niên đại Khải Định năm thứ 6, được viết bằng Hán Văn
Bản dịch:
Họ Lý, Lý Hòa và Lý Nhã tại xã Minh Hương
Nay làm tờ mượn nhà ngói cư trú, nhân việc ngày… tháng 2 năm này chúng tôi có bán đứt thổ phố này cho hiệu Phước Hưng đã nhận bạc đầy đủ rồi, nay chúng tôi xin thuê mướn lại để ở trong phố này, hạn trong một năm, tiền thuê là 48 đồng cứ mỗi tháng giao ra 4 đồng, đến sang năm vào ngày đầu tháng 2 thì chúng tôi phải dời đi giao phố này cho chủ mua nhận lại không được có lời trái lẽ nào, sợ nói miệng vô bằng nên lập tờ này lưu chiếu, nay tờ giao trả lại toàn sở 5 nhà phố ngói cùng khám thờ thần một cái, khám thờ ông bà một cái trên dưới đều đủ, mỗi tháng giao trả bạc nhà lấy biên lai chiếu nhận.
Ngày 15 tháng 2 năm Khải Định thứ 6
Lý Hòa, Lý Nhã thủ ký
Người viết tờ mướn nhà Hưng Trai ký tên
Qua hai văn bản này chúng ta có thể phần nào hiểu được quy định chặt chẽ về việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, thuê mướn nói theo ngôn ngữ hiện nay là “xin phép” và “cấp phép”. Mặc dù một sữa chữa nhỏ trong nhà nhưng muốn thực hiện được cũng cần sự đồng ý, bút phê của quan công sứ Pháp, hơn nữa, việc trả lời đơn từ của nhân dân thời bây giờ cũng được thực hiện nhanh chóng, theo văn bản trên, ngày viết đơn là 26 tháng 7 năm 1932 ngày trả lời đơn thư là 30 tháng 7 năm 1932. Việc quản lý chặt chẽ xây dựng trong khu phố cổ dưới thời Pháp thuộc góp phần cho việc gìn giữ được diện mạo di sản văn hóa khu phố cổ Hội An hiện nay.
Hiện nay, những tài liệu Hán Nôm có nội dung là giấy tờ mua bán, thuê mướn đất đai, nhà cửa qua các thời kỳ đang được lưu trữ tại Trung Tâm và trong nhân dân khá phổ biến, đáng tiếc là chúng tôi chưa có điều kiện để thống kê số tư liệu này. Tuy nhiên, qua số tư liệu này chúng ta cũng có thể thấy sự biến động về việc thay tên, đổi chủ ở các ngôi nhà trong khu phố cổ qua các thời kỳ diễn ra liên tục và không ổn định và hệ quả của nó là sự biến động dân số trong khu phố cổ một cách cơ học, điều mà hiện nay cũng đang diễn ra vốn là một tất yếu.
* Chú thích:
1. Nguồn tư liệu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An
2. Bản dịch Nguyễn Bội Liên
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền