Nghề cào hến ở Cẩm Nam

Thứ tư - 18/12/2013 20:33
Địa hình Cẩm Nam là một bãi đất bồi, xung quanh được bao bọc bởi hạ lưu sông Thu Bồn. Địa danh Cồn giữa xứ gắn với Cẩm Nam là để chỉ cho đặc điểm địa hình của vùng đất nằm giữa dòng sông này.
        Đến Cẩm Nam, người dân Hội An và nhiều du khách sẽ biết đến một nghề truyền thống riêng có của Cẩm Nam so với các địa phương khác ở Hội An, đó là nghề cào hến. Là một nghề dân dã nhưng nhờ đó mà ẩm thực Hội An càng trở nên phong phú hơn bởi có thêm những món ăn được chế biến từ hến. Nghề cào hến đã được hình thành lâu đời trong quá trình lao động sản xuất của người dân Cẩm Nam qua nhiều thế hệ và vẫn còn được duy trì trong đời sống cộng đồng hiện nay.
         Đến nay, qua khảo cứu, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy tư liệu nào xác định thời điểm xuất hiện của nghề cào hến ở Cẩm Nam. Những người làm nghề hiện nay cho rằng nghề này đã có từ lâu đời nhưng không biết được thời điểm xuất hiện cũng như ông tổ/tộc họ nào khai sinh ra nghề này. Ông Trần Trung Tấn ở khối Hà Trung năm nay đã 85 tuổi, mặc dù ông đã không còn làm nghề này cách đây khoảng 20 năm nhưng ông cũng đã có thâm niên hơn 50 năm làm nghề. Ông cho biết, gia đình ông đã có 4 đời làm nghề này. Những người có thâm niên trong nghề ít nhất 30 năm như các ông: Lê Viết Cho (hiện ở Thanh Hà, từng sống ở thôn Nam Ngạn - phường Cẩm Nam trước đây), Huỳnh Viết Quỡn (khối Châu Trung), Nguyễn Đê (khối Thanh Nam Tây), Huỳnh Hỉ (khối Hà Trung), Huỳnh Viết Kén (khối Châu Trung), Đặng Văn Tám (khối Xuyên Trung),… cũng cho biết gia đình họ có 3 đời gắn bó với nghề. Nếu tính mỗi đời có khoảng 30 năm làm nghề tiếp nối nhau thì nghề này muộn nhất đã có từ đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề là tính chất tự phát, quy mô gia đình và hình thức truyền dạy theo kiểu cha truyền con nối nên có lẽ thời gian xuất hiện sẽ còn sớm hơn và không thể tách khỏi quá trình tụ cư lập nghiệp của cư dân Cẩm Nam trong các giai đoạn lịch sử lâu dài trước đó.
        Gia phả tộc Huỳnh ở Cẩm Nam hiện nay cho biết: “dòng dõi Huỳnh môn ở tại quận Giang hạ, sinh từ đất Bắc vào đến làng này. Thời kỳ Nam tiến Bình Chiêm – triều Lê Hồng Đức, hạ thành Đồ Bàn bắt sống Trà Toàn, tổ tiên chúng ta theo phong trào ấy vào Nam di dân lập nghiệp, đến nơi đây cùng liệt quý vị tôn hiển các tộc phái. Xưng là Đông phái tộc, khai lập xã hiệu lấy tên là làng Cẩm Phô. Long phi Giáp Dần niên(1). Gia phả tộc Trần Trung cũng có đoạn viết: “Đầu tiên lấy hiệu là Hoa Phố, sau đó chính thức lấy hiệu Cẩm Phô - về mặt hành chính xã quá rộng nên phải chia nhiều ấp để dễ bề kiểm soát và lấy chữ Trung làm chuẩn đề cho các ấp. Phía Đông gồm: Châu Trung, Xuyên Trung, Hà Trung, Trung Giang. Phía Bắc có Tu Lễ, Xuân Lâm, Trường Lệ. Phía Tây là ấp Chương Phô (2). Ngoài ra, trên tấm bia mộ tổ tộc Lê có đoạn: “…cụ từ miền Bắc vào (không rõ tỉnh) cùng thời các cụ trong tộc họ: Huỳnh, Trần, Nguyễn đến khai phá Thuận, Quảng. Các cụ khai khẩn mấy trăm mẫu đất ruộng, phía Đông, Tây có sông bao bọc trở thành một làng tuyệt đẹp (3). Như vậy, qua các nguồn sử liệu gia phả, văn bia nêu trên phần nào minh chứng cho quá trình lập làng ở Cẩm Phô (Cẩm Nam là một phần của địa giới Cẩm Phô lúc bấy giờ) đã diễn ra từ cuối thế kỷ XV mà các tộc Trần, Huỳnh, Lê, Nguyễn được xem là các tộc tiền hiền có công rất lớn trong quá trình này. Thời gian sau đó, các tộc Phạm Công, Đỗ Văn, Phạm Văn, … tiếp nối định cư ở Cẩm Nam cho đến ngày nay tạo nên cộng đồng dân cư đông đúc.
          Đến vùng đất mới, những cư dân người Việt ở đây vẫn lấy nông nghiệp - một nghề cổ truyền làm căn bản trong hoạt động kinh tế của mình. Dần dần, do được cư ngụ trên địa bàn có điều kiện sông ngòi, họ đã khai thác nguồn lợi thủy sản phong phú dưới sông phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, trong đó có hến. Nước sông Cẩm Nam do có sự giao thoa giữa hai nguồn nước ngọt từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về với nước mặn ở Cửa Đại tạo nên diện tích mặt nước lợ rộng lớn. Đây là môi trường lý tưởng để hến sinh sôi phát triển. Người ta thường quen gọi nơi đây bằng cái tên cồn hến để chỉ cho ý nghĩa này. Dần dần quy mô khai thác lớn hơn, sản phẩm làm ra theo đó cũng nhiều hơn. Họ bắt đầu ý thức được việc cần phải chế biến rồi đem đi bán/trao đổi rộng rãi nhằm tăng thêm thu nhập, có điều kiện giải quyết các nhu cầu của cuộc sống. Lợi ích mang lại từ hến ngày càng thấy rõ trong khi đầu tư cho nghề không lớn nên người tham gia ngày một đông.
          Theo hồi cố của nhiều vị cao niên, thời điểm trước năm 1975, ở Cẩm Nam có hơn 70 gia đình ở các thôn: Trung Tín, Nam Ngạn, Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung làm nghề (mỗi gia đình có ít nhất 3-4 người tham gia nên số lượng người làm nghề là khá đông), nhiều gia đình lấy đó làm nghề mưu sinh chính của mình(4). Từ sau năm 1975, số lượng gia đình làm nghề tuy có giảm nhưng vẫn còn tương đối lớn rải khắp các địa phương này. Năm 1989, số người trong độ tuổi lao động của nghề nông và cào hến chiếm 30% (5) tổng số người lao động ở Cẩm Nam. Khoảng từ đầu những năm 1990, khi các thôn Trung Tín, Nam Ngạn bị sạt lở, dân cư di dời đến sinh sống ở các địa phương khác, trước đó ở thôn Xuyên Trung, nhiều gia đình đi theo phong trào kinh tế mới, một số thôn khác cũng có gia đình bỏ nghề do quá cơ cực làm cho số lượng người làm nghề giảm đi đáng kể. Năm 1997, chiếc cầu bê tông bắc qua Cẩm Nam được xây dựng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Cẩm Nam nói chung, trong đó có nghề làm hến. Đặc biệt sau năm 1999, thời điểm du lịch có xu hướng phát triển khi đô thị cổ Hội An được tổ chức UNESCO công nhận là di sản Văn hóa Thế giới, khách du lịch có nhu cầu thưởng thức món ăn từ hến Cẩm Nam càng nhiều, cùng với đó, hàng chục hàng quán mọc lên kinh doanh món ăn từ hến đã níu kéo nhiều gia đình tiếp tục bám nghề. Hiện nay, các khối Thanh Nam Tây, Thanh Nam Đông, Châu Trung, Hà Trung (năm 2008 Cẩm Nam chuyển từ đơn vị hành chính xã sang phường) còn tổng cộng 31 gia đình làm nghề, trong đó nhiều nhất là ở khối Hà Trung.
          Cùng với sự biến đổi của thời gian, nghề cào hến ở Cẩm Nam trong quá trình tồn tại đã có nhiều thay đổi so với trước đây, thể hiện chủ yếu ở các mặt:
           - Công cụ cào hến: Trước năm 1975, người làm hến đã phát minh ra chiếc cào bộ bằng tre để cào hến. Đây là một trong số các công cụ tiêu biểu của nghề đánh bắt sông nước ở Hội An. Kết hợp với công cụ này là chiếc ghe mê, một loại ghe nhỏ, gọn được đan bằng tre, có chiều dài khoảng từ 5-6m, rộng khoảng 1m. Từ sau năm 1975, người cào hến sử dụng thêm cái nạo cùng với ghe săn làm bằng gỗ để cào hến (ban đầu là ghe bơi, sau chuyển sang ghe máy). Bên cạnh hình thức cào bộ thì cào hến trên ghe máy với chiếc nạo là hình thức hành nghề chủ yếu của người dân trong những năm gần đây.
            - Về địa bàn khai thác: Trước đây, sông Thu Bồn ở khu vực Hội An (Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Hà) đến đoạn ở Câu Lâu (Điện Bàn) do có nhiều bãi cạn, hến sinh nhiều nên đây là địa bàn khai thác chủ yếu của người làm nghề. Hiện nay, do nguồn nước bị ôi nhiễm hơn trước, địa hình bãi bồi có nhiều thay đổi làm cho hến ở các địa bàn này ít đi. Do đó bên cạnh địa bàn khai thác truyền thống, người làm nghề còn phải đi xa hơn, thậm chí đến các vùng sông Trường Giang (chợ Bà…) khai thác.
           - Về mùa vụ và thời điểm khai thác: Dựa vào kinh nghiệm hành nghề, người cào hến trước đây thường khai thác từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch. Thời điểm khai thác cũng tùy theo con nước trong ngày. Việc thay đổi hình thức cào hiện nay giúp cho người dân có thể hành nghề quanh năm, chỉ trừ những ngày mưa bão, lũ lụt. Thời gian khai thác hàng ngày cũng không còn phụ thuộc nhiều vào con nước.
           Theo ý kiến của nhiều người dân làm nghề, mặc dù không còn dồi dào như trước nhưng lượng hến hiện nay vẫn có thể đảm bảo khai thác thường xuyên. Cùng với sự phát triển của du lịch, nghề cào hến ở Cẩm Nam đang có được những điều kiện thuận lợi để duy trì, phát triển. Dẫu còn nhiều khó khăn, những người làm nghề địa phương vẫn luôn cố gắng bám nghề bởi đó không chỉ là nghề để mưu sinh mà còn là sự tâm huyết, là trách nhiệm của người hậu sinh đối với nghề cổ truyền của cha ông bao đời để lại.
 
* Chú thích:
(1), (2) Nguyễn Chí Trung, Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2005, trang 60, 61, 62.
(3) (5) BCH Đảng bộ xã Cẩm Nam, Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Cẩm Nam (1945 - 1975), lưu hành nội bộ, 1992, trang 8, 10.
(4) Thẻ học sinh của một học sinh ở làng Thanh Nam - Cẩm Nam học trường Trần Quý Cáp - Hội An, thẻ cấp ngày 03/7/1968 trong đó có ghi nghề nghiệp của phụ huynh học sinh này là làm hến.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây