Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Hội An sau ngày hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết

Thứ hai - 13/01/2014 20:35
Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ ta đã buộc thực dân Pháp ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thế nhưng những điều khoảng của hiệp định chưa kịp thi hành thì đế quốc Mỹ đã vội nhảy vào miền Nam lập nên chính quyền tay sai nhằm thực hiện âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp xâm lược toàn bộ Việt Nam và toàn cõi Đông Dương.
         Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam nói chung, của Hội An nói riêng theo chỉ đạo của Trung ương Đảng lúc này là dùng lực lượng chính trị của quần chúng đấu tranh đòi đối phương phải thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện mục tiêu hòa bình và thống nhất nước nhà. Ở Hội An, trong các năm từ 1954 đến 1956, nhiều cuộc đấu tranh chính trị với nhiều hình thức khác nhau đã liên tục diễn ra thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
         Tại Hội An, Mỹ - Diệm âm mưu đưa bọn tay sai, phản động do chúng lựa chọn và chỉ định vào Hội đồng hương chính nhằm thiết lập bộ máy ngụy quyền đến từng xã thôn. Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, quần chúng nhân dân ở các địa phương đấu tranh đòi địch không được áp đặt nhân sự mà phải tiến hành bầu cử công khai. Nhân dịp này, ta đưa đảng viên hoạt động hợp pháp ra ứng cử. Nhiều đảng viên được bầu vào Hội đồng hương chính và giữ những chức vụ quan trọng như chủ tịch, trưởng công an. Thông qua những đảng viên này mà ta nắm được những âm mưu, kế hoạch của địch để lãnh đạo nhân dân đấu tranh kịp thời như làm căn cước tạm, chống kê khai hộ khẩu, …
         Các hoạt động hội họp, mítting, biểu tình, ký tên vào bản kiến nghị đòi chính quyền Diệm hiệp thương tổng tuyển cử theo nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng diễn ra sôi nổi khắp nơi trên địa bàn Hội An trong năm 1955. Ngày 20/7/1955, nhân dân Hội An tổ chức một cuộc biểu tình lớn trong nội thị. Đoàn biểu tình xuất phát từ chợ tiến theo các trục đường, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu Nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ , Hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà … Sau khi diễu hành qua các công sở địch, đoàn biểu tình tiến về tỉnh đường Quảng Nam và tìm mọi cách vào trong cơ quan tỉnh đường đưa hàng trăm bản kiến nghị đòi hiệp thương cho bọn ngụy quyền. Tiếp đó ngày 23/8/1955 lại nổ ra cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân Hội An ủng hộ cuộc biểu tình của nhân dân Đà Nẵng. Hàng trăm quần chúng nòng cốt mang các bản kiến nghị đòi hiệp thương ra Đà Nẵng tham gia biểu tình, đưa kiến nghị vào cơ quan đại diện của Ủy hội quốc tế để tố cáo âm mưu phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ của Mỹ - Diệm.
        Các cuộc đấu tranh chống thủ đoạn Trưng cầu dân ý, Bầu cử quốc hội  của chính quyền Diệm cũng diễn ra sôi nổi trên khắp địa bàn Hội An. Trong các cuộc đấu tranh này, quần chúng nhân dân đã có những hình thức sáng tạo để đối phó với thủ đoạn của kẻ địch. Tại các điểm bỏ phiếu Trưng cầu dân ý, thay vì bỏ phiếu do địch phát ra, nhân dân đã bỏ truyền đơn mang theo vào thùng phiếu. Có những nơi nhân dân giả vờ cãi nhau ầm ĩ gây mất trật tự, lại có nơi các chị em giả vờ chuyển dạ để gây rối, … Để chống cuộc Bầu cử quốc hội, nhân dân đã tìm mọi cách để né tránh, thay vào đó viết các khẩu hiệu đòi địch hiệp thương để tổng tuyển cử tiến đến thống nhất nước nhà.
       Bên cạnh giương cao khẩu hiệu đấu tranh đòi hiệp thương, quần chúng nhân dân còn tổ chức nhiều cuộc đấu tranh để vạch trần tội ác mà địch gây ra như cuộc biểu tình tố cáo thủ đoạn giết hại tàn bạo đối với các đồng chí Nguyễn Nhạc và Đinh Gờm - là những đảng viên hoạt động hợp pháp của ta; hay các lần đấu tranh giằng co bảo vệ Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Vĩnh Thành trong những năm 1954 - 1955,…
       Những cuộc đấu tranh quyết liệt của quần chúng nhân dân trong hơn hai năm sau ngày hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã minh chứng cho sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Thị ủy Hội An lúc bấy giờ. Hiệu quả mang lại từ phong trào này sẽ là cơ sở để Thị ủy tiếp tục củng cố, phát triển và lãnh đạo lực lượng chính trị đấu tranh, đưa cách mạng Hội An tiếp tục giành thắng lợi to lớn hơn trên những chặng đường đấu tranh gian khổ phía trước.
            -------------------
        Tài liệu tham khảo:
       - Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), 1996.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây