Năm 1933, khi bị địch giam cầm ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Thái được cán bộ cách mạng ở trong tù tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng sản, hướng dẫn phương pháp hoạt động chính trị, tập hợp quần chúng. Sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Thái về quê lập ra tổ chức tập hợp thanh niên tại Kim Bồng, đó là Hội đọc sách Kim Bồng. Các thành viên chủ chốt của Hội gồm các đồng chí: Nguyễn Thái (chủ trì), Lê Vinh, Hoàng Kim Ảnh (thủ quỹ). Sau một thời gian ngắn, số thành viên tăng đến khoảng 15 người, chủ yếu ở Ngọc Thành như các đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hàng, Huỳnh Lý, Nguyễn Thế Sanh(1),… Các hội viên đã chung tiền mua sách, báo, mượn sách của một đồng chí là cựu tù chính trị ở Tam Kỳ (làm rể ở Kim Bồng) và mượn báo “Tiếng Dân”, “Phong Hóa”(2) của ông Nguyễn Sĩ Huynh, Huỳnh Huân để đọc. Đến năm 1934, Hội trang bị thêm nhiều sách báo công khai (có một số sách mượn của Quan Hải Tùng Thơ - thuộc Đảng Tân Việt) như: Nhân loại tiến hóa sử; Học thuyết Đác - Uyn; Duy vật sử quan; sách của Tự lực Văn đoàn; Tự điển Hán - Việt... để phục vụ bạn đọc(3). Từ Hội đọc sách này, nhiều thành viên đã được giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều hoạt động cải thiện dân sinh, phong trào đấu tranh biểu tình như sau:
Qua đọc sách báo, các hội viên đã nhận thức rằng, cần phải tạo điều kiện để các em học sinh được học hành tốt, nâng cao trình độ nhận thức về hoàn cảnh lịch sử. Do vậy các hội viên đã mở một lớp học, dạy cho các em học sinh khó khăn lớp 1, lớp 5 tại đình làng, thu hút hàng chục em tham gia. Tại các lớp học, các hội viên đã gieo vào tâm hồn các em tinh thần yêu nước, lòng căm thù trước những tội ác của thực dân. Về sau đã có em ý thức được vấn đề này, đi theo cách mạng, tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ làng quê, làng nghề, các học viên đã đi thu nhặt gỗ tại các trại mộc trong làng, xây dựng một chiếc cầu dài trên 15m, rộng 2m bắt qua sông Ngọc Thành cho nhân dân đi lại thuận tiện, nhất là vào mùa mưa bão, làm giảm rủi ro, thương vong cho nhiều người.
Hội đọc sách còn quan tâm đến các công việc hỗ trợ tang tế, chủ trì tổ chức lễ truy điệu công nhân Huỳnh Liễn, quê ở Kim Bồng chết vì bệnh sốt rét do đi làm cho tư sản Pháp ở vùng núi. Thông qua đám tang này, các thành viên của hội đã lên tiếng tố cáo sự bóc lột nhân công của tư sản Pháp, thu hút được sự đồng tình trong nhân dân.
Đầu năm 1935, để có thể tuyên truyền chính trị rộng rãi hơn, thu hút thêm bạn đọc, Hội đọc sách đã làm một tờ báo viết tay, lấy tên là báo “Lời bạn”, đăng những tin, bài, thơ có nội dung về tuổi trẻ, ca ngợi tinh thần yêu nước... Ở xóm Giữa (thường gọi là Kim Bồng giữa) có nhóm đọc sách do đồng chí Nguyễn Phe (Tấn, Ưng) chủ trì cũng đã cho ra đời tờ báo “Tim non” mang nội dung ca ngợi tình yêu lứa đôi, quê hương, đất nước. Cuối năm 1936, các hội viên viết, gửi bài và đã được đăng trên báo “Tiếng dân” số ra ngày 22/12/1936, nói lên ý nguyện của thanh niên Kim Bồng là quyết tâm đi theo cách mạng.
Trong lúc phong trào đọc sách, viết báo ở Kim Bồng đang phát triển thì vào ngày 26/7/1936, Trung ương Đảng chủ trương: “... chủ động thành lập Mặt trận dân tộc phản đế, nhằm tập hợp tất cả các đảng, tất cả các tầng lớp quần chúng để tranh đấu đòi những yêu sách tối thiểu” và phát động đấu tranh công khai theo khuynh hướng đòi dân chủ, dân sinh. Từ đây, đã có nhiều tờ báo công khai của Đảng, Mặt trận Dân tộc như báo “Nhành lúa”, báo “Lao động”, báo “Tiếng dân”... ra đời. Trước nhiệm vụ đó, các hội viên của Hội đọc sách phải ngừng viết báo, tập trung đẩy mạnh phong trào đọc sách báo lan rộng khắp toàn xã để thu hút, tập hợp quần chúng nhân dân. Các hội viên đã đọc những sách, báo nói về Đảng, đấu tranh kháng Pháp cho thợ mộc, nề vào giờ nghỉ trưa, đọc cho bà con đi trên các chuyến đò ngang từ Kim Bồng qua Hội An để đông đảo bà con nhận thức tốt hơn về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngoài ra, ở xóm Trong (Kim Bồng Trong), dù chưa thành lập được Hội đọc sách nhưng ông Khương Đình Tư đã đến “Tủ sách hiếu học” mượn sách, báo về giao cho các thầy giáo Huỳnh Chưởng, thầy Nghĩa... đọc cho học sinh nghe, sau đó trả lại, mượn sách khác.
Kết quả của phong trào đọc sách đã mang lại cho Hội đọc sách Kim Bồng một lực lượng quần chúng để tham gia vào các đợt đấu tranh chính trị và các hội đoàn công khai. Trong năm 1937, qua hiệu sách Việt Quảng ở Đà Nẵng, các hội viên đã nắm được thông tin: sẽ có một cuộc biểu tình lớn vào ngày 28/2/1937 khi đoàn điều tra tình hình của Pháp ở Đông Dương do Guýt - Tanh - Gô - Đa làm trưởng đoàn đến Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Thái đã huy động 20 thợ mộc, nề Kim Bồng tham gia trong đoàn biểu tình khoảng 4000 người của Quảng Nam - Đà Nẵng để thể hiện nguyện vọng “tự do dân chủ” “ngày làm việc tám giờ”, “thả tù chính trị” cho người dân trong tỉnh. Những người Kim Bồng tham gia biểu tình vô cùng phấn khởi bởi lần đầu tiên họ được tham gia một cuộc biểu dương lực lượng công khai, được nói lên nguyện vọng của giai cấp mình.
Vào tháng 7/1937, đồng chí Phan Xuân Hoàng thay mặt Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp tại rừng Cửa Đại, tuyên bố thành lập Ban vận động cách mạng Hội An để tập hợp quần chúng tham gia các phong trào, các tổ chức cách mạng. Do những thành công trong công tác vận động quần chúng tham gia Hội đọc sách, đấu tranh trong đoàn biểu tình đón tiếp Guýt - Tanh - Gô - Đa... các đồng chí chủ chốt trong Hội đọc sách Kim Bồng được Tỉnh ủy tin cậy, giao cho nhiều nhiệm vụ trong Ban vận động cách mạng Hội An. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thái làm thành viên Ban vận động, phụ trách vùng Kim Bồng, đồng chí Hoàng Kim Ảnh cũng là thành viên của Ban nhưng phụ trách Hội ái hữu ngành thợ mộc, nề của Kim Bồng, Cẩm Phô, Trường Lệ. Từ đây, các đồng chí Thái, Ảnh đầu tư thêm hàng chục đầu sách, nhiều tờ báo chính trị, mỗi tờ có đến 5, 6 bản để cho anh em thợ mượn đọc, nâng cao kiến thức chính trị. Môi trường hoạt động của các đồng chí Thái, Ảnh cũng được mở rộng, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng ở Cẩm Phô, Trường Lệ... và đồng chí Hoàng Kim Ảnh ngày càng có đóng góp đáng kể cho phong trào cách mạng Hội An.
Đến giữa năm 1938, Đoàn Thanh niên dân chủ Hội An được ra đời, trong đó có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thanh Sơn ở Hội đọc sách Kim Bồng và hoạt động tuyên truyền sách báo trong thanh niên lại được đẩy mạnh và mở rộng.
Cũng từ những kinh nghiệm hoạt động của Hội, đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Thái, Nguyễn Phe đến Đà Lạt lập nhóm “Tiến bộ” làm nòng cốt thúc đẩy phong trào công nhân ở Đà Lạt phát triển. Do vậy, nhóm “Tiến bộ”, “Hội đọc sách” có quan hệ khăng khít với nhau và thể hiện sự phát triển, lan tỏa của Hội đọc sách Kim Bồng.
Sau đó, theo chỉ đạo của Ban vận động cách mạng Hội An, Hội đọc sách Kim Bồng mở “Tiệc trà chia tay”, một hình thức hội họp công khai đầu tiền cho thợ mộc, nề về quê ăn Tết vào mồng 4 Tết âm lịch tại trại mộc của ông Nguyễn Hàng, ấp Vĩnh Hưng. Tiệc trà đã thu hút hơn 350 người tham gia buổi tiệc. Trong buổi tiệc, các đồng chí Nguyễn Thái, Hoàng Kim Ảnh, Lê Vinh... phân tích về số phận cực khổ của người thợ, về quyền lợi công nhân, sự bóc lột của tư bản Pháp, khích lệ họ tham gia cách mạng, đấu tranh cho quyền lợi công nhân ở nơi họ đang làm việc.
Tiếp theo đó là tháng 9/1938, thực dân Pháp tăng thuế môn bài, thuế ruộng đất từ 10 - 50% so với năm 1937, khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn hơn, càng phẫn uất hơn đối với sự cai trị của chính quyền thực dân. Tỉnh ủy chủ trương phát động quần chúng đấu tranh đòi bãi bỏ dự án tăng thuế bằng nhiều hình thức. Ở Hội An, phong trào đấu tranh chống tăng thuế do hai đồng chí phụ trách, trong đó có đồng chí Hoàng Kim Ảnh. Các đồng chí này vận động gần 100 thợ mộc, nề, thợ giày, thợ cắt tóc, thợ máy ở Hội An ký vào đơn kiến nghị bác bỏ dự án tăng thuế của chính phủ Nam Triều. Đồng thời với phong trào quần chúng, tại Viện dân biểu Trung kỳ, ông Phan Thanh - Dân biểu Trung Kỳ (miền Trung) đưa ra bản kiến nghị, biện luận yêu cầu giảm thuế thành công.
Từ những hoạt động của Hội đọc sách Kim Bồng, có nhiều cá nhân đã từng bước trưởng thành, trở thành những nòng cốt trong phong trào cách mạng của Hội An như Hoàng Kim Ảnh, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hàng, Lê Vinh... Về sau những hạt giống này đã trở thành những đảng viên và Chi bộ Kim Bồng được thành lập vào cuối năm 1940. Cũng chính những hội viên Hội đọc sách Kim Bồng đã trở thành những đảng viên đầu tiên của tổ chức Đảng Hội An được tái lập vào cuối năm 1941./.
Chú thích
([1]) Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Phe và các hồi ký của đồng chí Hoàng Kim Ảnh, Phan Trí.
(2) Báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, tòa soạn ở Huế.
(3) Dẫn từ Lịch sử Đảng bộ Hội An 1930 - 1975, xuất bản năm 1996, tr 47 và Hồi ký đồng chí Hoàng Kim Ảnh năm 1986, sách đã dẫn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền