Những nhà xưa ở Quảng Nam

Thứ ba - 11/02/2014 22:58
“Những nhà xưa ở Quảng Nam” là một khảo cứu khá công phu về kiến trúc ở Quảng Nam trong đó có các ngôi nhà phố Hội An của tác giả Nguyễn Bạt Tụy được đăng trên Văn hóa nguyệt san xuất bản ở miền Nam trước năm 1975. Trong số này, Ban biên tập bản tin xin được giới thiệu phần tiếp theo của bài khảo cứu in trong Văn hóa nguyệt san số 60, từ trang 398-404 để bạn đọc tham khảo.
NHÀ PHỐ
          Nhà phố là những nhà để buôn bán, cất ở chỗ thành thị, ngay mặt đường. Tiếng phố 鋪  (hay …) vốn đồng nghĩa với tiệm , tức là cửa hàng, và được dùng ở miền Trung và miền Nam sát với nghĩa vốn có của nó. Nhưng ở Bắc, từ nghĩa “nhà buôn bán” chuyển sang nghĩa “đường có nhà buôn bán” không xa, nên mới có những tiếng phố xá, thành phố, phố phường. Bởi vậy, khi một người Bắc lần đầu tiên vào Nam; thầy nói “mướn phố làm ăn” thì lấy làm lạ lắm; chớ có biết đâu rằng mình đã quên mất nghĩa gốc mà dùng tiếng ấy theo một nghĩa biến. Cố nhiên sự nói nghĩa ấy không có hại gì mà còn giúp cho sự diễn đạt những ý niệm tinh vi hơn, để phân biệt một “con đường thường” với một “con đường buôn bán”, nhưng thiết tưởng cũng không nên quên nghĩa gốc của tiếng phố.
        Nói đến nhà phố ở Quảng Nam thì phải nói đến Hội An, một nơi xưa kia buôn bán khá phồn thịnh với người nước ngoài, người Tàu, người Âu, nhất là người Nhật, và nay là tỉnh lị Quảng Nam. So với Đà Nẵng, Hội An nhỏ thua xa và chỉ là một thị trấn tầm thường, thiếu hẵn những cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Nhưng không đâu gợi cho ta được một mối hoài cổ man mác bằng những phố Hội An, quanh co nhỏ hẹp, với hai dãy nhà xưa hai bên, nhắc cho ta những Phố Hàng Giấy, Hàng Bạc thuở trước Hà Nội.
        Đa số các nhà ở đây đều có cột gỗ, phải nói là đều lủng củng những cột  gỗ, dầu hai bên đã có tường. Mặt nhà thường lụp xụp, với cái cửa đi ở giữa và hai khuôn cửa lùa hai bên. Nhiều nhà có gác, và tiếng gác ở đây dùng mới đúng, vì chỉ một tầng nữa cơi lên để chứa đồ hay để ở một cách chật chội thấp thỏi, mặc dầu nó gốc ở tiếng các (閤), vốn gợi được một ý cao sang hay phong nhã mà những tiếng đài các, khuê các, tú các lâu ngày đã khiến ta gán hẵn cho nó trong các tiếng đôi.
       Ở ngoài Bắc thì cái “gác” là cái “lầu” ở Trung và Nam, và tiếng lầu này là một tiếng nho xưa lâu dần đã mất thanh hạ bình đi trong phương pháp phiên thiết mà thành tiếng nho nay lâu (樓). Ta vẫn tưởng lầm lâu là tiếng nho mà lầu là tiếng nôm, thậm chí còn cho rằng lâu đã biến thành lầu, theo cái thứ tự lộn  ngược mà ta còn nhận thấy trong những cặp liêm → liềm, di → dì vv (1). Quan niệm nguồn tiếng như thể không khác gì nói rằng cài nhà cổ lỗ ở Hội An cất sau những toà bin đinh tối tân ở Sài Gòn!
Nhưng đã bàn phiếm về “ở” thì xin có thêm vài lời dông dài về “ăn” với cùng tiếng lầu ấy. Tiếng này đã lập thành những tiếng ghép lầu dài, cao lầu ở miền trong, đối với lâu đài, cao lâu ở miền ngoài. Riêng tiếng cao lầu hay cao lâu lâu ngày mất hẵn nghĩa “lầu cao” mà thành nghĩa “tiệm ăn có lầu cao” ở Bắc hay ở Nam, trong khi ở Huế nó lại là một gánh hay xe đẩy rong bán vừa phở vừa cái món ăn mà người ta gọi là “hoành thánh” ở Nam, “mằn thắng” hay “sực tắc” ở Bắc. Tuy vậy cũng chưa đến nổi nào, nếu cái “lầu cao” của chúng ta chỉ mới thấp xuống còn vài chục phân thôi và từ thế bất động nó thành chuyển động. Đàng này nó còn nhỏ đi nữa, đổi từ thể đặc ra thể lỏng - đặc lẫn lộn và di chuyển được từ ngoài thẳng vào bộ máy tiêu hoá của ta; lần đầu tiên tới Huế, tôi đã ngạc nhiện làm sao khi thấy người ta mua “năm đồng cao lầu” và “thời” nó một cách ngon lành!
o0o
      Nay trở lại vấn đề của chúng ta, tôi xin mời các bạn bước chân vào một căn nhà phố ở Hội An. Trước hết ta gặp hai con mắt cửa, hai cục gỗ tròn, thường dày 4, 5 ph, đường kính 20 ph, chung quanh gọt thành múi khế nhọn hay tròn cạnh tuỳ nhà, giữa đục một lỗ cắm vào một cái then xuyên qua đố cửa và bổ cửa, rồi mé trong chặn bằng một cái chốt xuôi. Thực ra thì cái then kia mới cần thiết, vì nó dùng để gò đố cửa vào bổ cửa, và con mắt cửa chỉ đóng vai trò một “đầu con tán” to loe ra mà thôi. Nhưng có lẽ để tăng phần diêm dúa cho mặt nhà nên lâu dần người ta chạm trỗ nó cho dễ coi, thậm chí còn gán cho nó một giá trị quan trọng chỉ kém cái đòn đông một bậc mà thôi: “thứ nhất đòn đông, thứ nhì mắt cửa”. Bởi vậy ở những nhà còn giữ lề lối xưa, cứ Tết đến người ta lại tháo mắt cửa ra, lau chùi sạch sẽ, rồi cắt một tấm vải điều vuông mới, khoét lỗ, trịnh trọng lồng vào then cho sát mặt sau mắt cửa, rồi lại tra tất cả vào trên cửa mà để vậy suốt năm.
       Con mắt cửa này thường chỉ thấy ở mặt tiền nhà ngoài, phía trên cái cửa song khai, nhưng ở những nhà có hai lớp đôi khi mặt trước nhà trong cũng có. Có thể nói rằng nó là một đặc điểm của những nhà phố cũng như của những đền chùa Quảng Nam. Vượt qua đèo Hải Vân về phía Bắc, đến Huế, cái mắt cửa hình như đã mệt mỏi lắm rồi và thu nhỏ lại chỉ bằng nắm tay nếu không lẩn trốn đâu mất cả. Bởi vậy ta chỉ thấy lẻ tẻ vài nhà ở khu Gia Hội còn có những con mắt cửa, mà vẻ xinh xắn nhắc tới những bữa cơm xứ Huế với những chén đĩa nhỏ xíu xìu xiu.
       Qua khỏi cái nhìn xoi mói của cặp mắt cửa, bây giờ ta chạm trán với những hàng từng bốn cây cột một: lòng ba, lòng nhì, lòng nhất, rồi lại lòng nhất, lòng  nhì, lòng ba. Mỗi cột đều kê bằng đá táng, và ở những nhà kĩ, bằng đá giăm  trống nữa. Về tiếng giăm này, ở bài trước, tôi đã có một nhận xét về viết đúng, nhưng ở đây cũng cần thêm một nhận xét về nói đúng, kẻo những bạn đọc Quảng Nam hay đã qua Quảng Nam có điều chi thắc mắc. Số là ở Quảng Nam vần am, cũng như các vần có a khác đều phát âm với một /a/ có giọng /o/, nghĩa là với phần giữa mặt lưỡi hơi đưa về phía sau hơn khi phát ra một /a/ bình  thường, và môi hơi chúm tròn lại. Trái lại, các vần ăm, ắp đều phát âm như am, áp, khiến giăm trống sẽ nghe ra thành giam trống. Do đó những ai tới Quảng Nam, thầy nói /tám/ thì phải hiểu là tắm, mà /tәóm/thì lại phải hiểu là tám.
      Ở bài trước, nói về nhà vườn, ta đã biết rằng cái thảo bạc hay cái vỏ cua thường ở trước nhà. Ở đây trong các nhà phố, nó lại nhũn nhặn hơn mà ở về phía sau và chiếm khoảng giữa hai hàng cột lòng nhì và lòng ba hậu: thực ra thì ở nhà phố, cái thảo bạc dùng làm chỗ tiếp khách và trưng bày đồ đạc, nên nó ở phía sau là phải. Ở vài nhà khá sâu, tiếp theo cái thảo bạc lại có cái vỏ cua cơi thêm ra mà cần đến một hàng cột lòng tư, trước khi vào tới sân.
         Từ nhà ngoài vào trong hiếm khi ta phải dầm mưa dãi nắng mà qua sân, vì luôn luôn có một lớp nhà cầu chạy dài một bên mà nối hiên sau lớp ngoài với hiên trước lớp trong. Nhà cầu này nhiều khi được bít ván kín chung quanh, có cửa đi, cửa sổ riêng, mà thành hẳn một buồng, với một dẻo hiên chừa ra để qua lại dễ dàng. Ở những nhà có gác, nhà cầu cũng có thể có hai tầng như nhà chính, và kiểu này làm ta nhớ đến những nhà xưa ở Hà Nội sâu tới hơn 30 mét, có tới ba lớp nhà mà cần đến hai nhà cầu.
         Bây giờ đến nhà trong thì cửa không còn thuộc loại song khai nữa, mà có ba khuôn bản khoa như ở nhà vườn. Ở đây cũng đố ngang, đố xuôi, cũng khuôn  nhận ở trên, ngạch ở dưới, và đôi khi hai con mắt cửa, như đã nói ở trên. Còn kèo, cột, trính, xuyên thì cũng như ở lớp ngoài, nghĩa là như loại nhà rường ba  gian không chái, và nếu có gì đáng kể thì đó là cái khuôn cụi rất thường xuyên, cũng nhận thấy ở nhà ngoài, và đã có tả ở bài trước.
Nhân đây cũng nên nói thêm rằng kiểu khuôn cụi này, cũng có riêng về nhà  vườn, ở các miền Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhưng ở Quảng Trị và Thừa Thiên thì nó thường không hạn chế ở gian chính, mà ăn lan ra cả hai gian bên, che kín bởi những liên ba thượng và hạ ở mặt trước. Đó là cái rầm thượng, tức là một thứ trần ở trong phạm vi hai hàng xuyên trước và sau, giữa các cột lòng nhất tiền và hậu.
        Đối với cái rầm thượng, ở Quảng Trị xưa kia còn có loại rầm hạ, như một thứ bục cao 25 ph, lát ván dày, kê trên đất từ cột nhất hậu ra mé sau, chiếm suốt ba gian, khiến cả đông phòng lẫn tây phòng cũng cao lên. Loại rầm hạ này vốn có nhiều ở vùng Vinh Linh (nay ở bên kia vĩ tuyến 17) và ở vùng Nam Đông (thuộc quận Gio Linh và là một bãi chiến trường đẫm máu trong thời kháng  chiến), nhưng vì những biến cố dồn dập đã không còn để lại được một chút vết  tích nào nữa.
Tuy vậy, không phải là không kiếm ra được một cái khuôn cụi ở Thừa Thiên. Những ai đã vào trong Đại Nội, thăm cung Diên Thọ, chịu khó đi ra mé sau, dọc theo một hành lang đưa sang bên tả, sẽ thấy một cái thuỷ tạ có tên là Trường Du, làm theo kiểu “nhà vuông khuôn cụi”, với 4 hàng cột ở bất cứ phía nào và đủ đòn đôông (tiếng Thừa Thiên), 4 đầm, 4 quyết, 2 kèo tiền, 2 kèo hậu, hai trến (tiếng Thừa -Thiên) và hai xuyên.
        Ở những nhà Hội An có gác, ván gác được đỡ bởi những cây trung quân, tức những cây gỗ lớn bắc ngang mà ở Bắc người ta gọi là rầm. Thành thử cùng một tiếng rầm mà chỉ hai bộ phận khác nhau ở Bắc và ở Quảng Trị, Thừa Thiên (với thêm tiếng thượng), và cùng một bộ phận “rầm” lại có hai tiếng gọi khác nhau ở Bắc và ở Quảng Nam. Nhưng chỉ có thế mà thôi đâu! Chính cách gọi tên các cột cũng hơi khác đi nữa, nếu ta đi từ Quảng Nam lên phía Bắc. Ở đây người ta nói “cột lòng nhất, lòng nhì, lòng ba” thì ở Thừa Thiên lại nói “cột hàng nhất, hàng nhì, hàng ba”. Lên đến Quảng Trị các tiếng ấy thường rút lại còn “cột nhất, cột nhì, cột ba”, nếu không gọi theo tiếng địa phương là cột  mạ (đôi khi cột mệ) và cột con mà giữ nguyên như thế lên Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.
o0o
        Còn lại vài chi tiết, tưởng cũng cần nói cho hết.
      Mặc dầu đã có tường hai bên rồi, nhiều nhà phố còn có thêm một lớp ván đóng khuôn phủ ngoài tường cho đẹp, nhất là ở những chỗ thảo bạc hay vỏ cua, gọi là ván lòng trính. Cũng cái khuôn ván này, ở những nhà vườn Thừa Thiên, để ngăn ba gian giữa với “đông phòng” ở bên tả và “tây phòng” ở bên hữu, lại gọi là đố-bản , đôi khi là đố lòng trến. Ở những nhà làm kĩ, dưới chân đố bản có thể có cái quì, cũng gọi là chân quì , như kiểu chân sập mà nay ở Nam, cũng như ở Bắc trước kia, đều có thấy. Rồi tiếng đố bản này lên đến Quảng Trị, nhất là về bên kia vĩ tuyến ở hạt Vinh Linh, người ta chỉ còn gọi rút lại là đố, khiến cái “đổ” Quảng Nam, như đã tả ở bài trước, không phải là cái “đổ” Quảng Trị, vốn còn chia ra đố lụa làm bằng những tấm ván xoi mương “sập lưỡi gà” mà ken bằng đi, và thứ đồ nhất đổ nhất bản, cứ một tấm ván rộng gọi là “bản”, lại ken một tấm hẹp mà dày hơn gọi là “đố”.

Đường Trần Phú nay - Ảnh Hồng Việt
 
      Cũng như ở nhà vườn, nhà phố Hội An muốn che cái đầu rui ở chân mái cho đẹp phải cần đến những cái diềm. Kiểu diềm phổ thông nhất là kiểu đường xoài, cột ở những đường cắt vào cạnh dưới ván diềm cho lồi ra lõm vào. Lác đác, không phải ở nhà phố mà ở nhà vườn, ta thấy thêm một kiểu chắc hơn, là kiểu diềm vấu, nghĩa là thứ diềm ván thẳng băng, cứ cách vài rui lại đục lỗ mà luồn một rui dài trổ đầu to xù ra và khoẳm lên như hình cái “vấu” mà chặn phía ngoài diềm. Nhưng phải lên đến Huế mới thấy một kiểu diềm khác công phu hơn nhiều, gọi là diềm Tàu, cốt ở những cây gỗ dày mà dài, mặt ngoài  xoi “lòng lác”, “lòng nứa” hay “mũi lưa”, mặt trong có bao nhiêu rui thì đục bấy nhiêu mộng để tra đầu rui vào rồi khoan lỗ đóng chốt cho diềm khỏi “chạy”. Thật là cả một công trình mỹ thuật, nếu ta biết rằng mỗi cái rui gỗ mít đều bào kĩ để khi nó lên nước, màu đỏ bầm của nó tương phản với vẻ tươi sáng thứ ngói liệt sơn keo trắng ken liền mà lót trên rui trước khi phủ một lớp ngói khác lên trên. Lớp ngói trên này đã “gầy lòng tư rưỡi” ở trong mà thành “lợp lòng tư” ở ngoài, khiến khi trời mưa, nước không còn cách nào mà tạt được qua kẽ ngói nữa.
     Các cánh cửa bản khoa ở Quảng Nam làm khá sơ sài và đều có 4 tầm, mỗi tầm có ô trên, ô dưới, ô giữa rồi còn lại là các buồng song, nghĩa là những song cắm ngang dọc để chắn khoảng trống giữa ô trên và ô giữa, và cái bản dài, nghĩa là một tấm ván dài che kín khoảng trống giữa ô giữa và ô dưới. Nhân tiếng song này cũng nên có một nhận xét về ngôn ngữ. Nguyên nó nghĩa là “cửa sổ” nên những cây gỗ chắn ở cửa sổ gọi là trấn song. Lâu dần tiếng đôi trấn song mất phần trấn đi mà còn song, khiến khi ta nói “trấn song sắt” hay “song sắt” thì ta nghĩ ngay đến những thanh sắt chắn ở cửa sổ, chớ hình ảnh cái cửa sổ, như còn thấy trong song đào, song the, đã lu mờ mất rồi. Ngay những người còn dùng tiếng đôi kia bây giờ cũng có một ý niệm quá mập mờ về vai trò “trấn” nên ưa nói và viết là chấn song, một tiếng không thấy ghi trong các tự vị, dầu là với ch hay với tr.
       Trong các kiểu song, ta kể được song bài cốt ở những cây song thẳng cắm theo chiều dọc ở buồng song, song kim qui, làm thành những hình lục lăng như cái mai rùa mà dài, song âm dương có hai lớp, ngoài thì cố định, trong thì đẩy qua đẩy lại được để trám vào chỗ hở của lớp ngoài. Nhưng đáng chú ý là loại song rút ở Thừa Thiên gọi là song chữ công ở Quảng Trị, cốt ở từng cặp song bắt ngang rồi đến từng cặp bắt dọc để càng vào trong càng nhỏ dần mà cuối cùng là một đôi dọc.
      Cũng như đã thận trọng về đòn đông và mắt cửa, nhiều nhà còn kĩ lưỡng cả về số song cửa sổ. Trong kiểu song bài, nếu chỉ làm ba bốn cây thì hai số ấy sẽ trùng với hai điều tệ nhất rong “tứ khổ”, khi tính từ “sinh” qua “lão” đến “bệnh” và “tử”. Nếu làm bảy, tám cây thì hai số ấy cũng gần trùng với “bệnh” và “tử” khi tính tiếp đi. Bởi vậy ta thường thấy số song chỉ trong vòng 5 (nhằm “sinh”) hay 6 (nhằm “lão”), vì không được sướng thì ít nhất cũng cố tìm đến cái khổ tương đối nhẹ hơn. Ngay trong cảnh “lão”, người ta vẫn kiếm cách yêu sách ông Trời cho thêm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, nên trong lối song rút hai cây dọc ở giữa ngụ ý cầu mong cho “toàn ôông toàn mụ”, như thường thấy ở Thừa Thiên. Nhưng lên đến Quảng Trị thì kiểu song thật là “chữ công”, nghĩa là thường chỉ có 1 thanh dọc ở giữa, có lẽ vì các “cây - yôông” (vợ chồng trẻ) hay “ôông-mụ” (vợ chồng già) trên ấy quá tin ở tình keo sơn của họ mà bất chấp cả định mệnh.
      Đó cũng là trường hợp của số ván ở các rầm thượng, bao giờ cũng là 5 để nhằm đúng “sinh”, dầu đó là kiểu rầm làm liệt, nghĩa là có ván ken liền, hay kiểu rầm lòng thư, nghĩa là có ván để hở khe, xoi móc, mà xập những tấm gỗ nhỏ 6 ph ở giữa.
      Chính theo lối kiêng cữ này mà ngay số các đòn tay trên mái cũng phải tính cho thật kỹ: lên đến đòn đông thế nào cũng phải là “sanh” hay cùng lắm là “lão”, vì:
“Không nghe anh thì tan cửa hại nhà,
Nghe anh thì hai 7, 13 cực lòng.”
     Nếu tính từ chân mái lên, cái nhà có 13 đòn tay bao giờ cũng có 7 đòn phía trước, 7 đòn phía sau, vì đòn đông chung cho hai phía, nên mới nói là hai 7=13. Mà ở hàng thứ 7 thì cái đòn đông nằm đúng ở cái khổ thứ ba là “bệnh” rồi còn gì! Hèn chi người Âu vẫn kiêng con số ác độc 13 ấy! Và số đòn tay, kể cả đòn đông, ở một căn nhà, không riêng gì ở Quảng Nam mà ở nhiều nơi khác, thường là 9 hay 11.
     Ngoài ra, để kết thúc phần này, phải lên đến Quảng Trị, chỗ không còn có sự sai giọng âm cuối nữa, ta mới có thể so sánh tiếng trến ở Thừa Thiên với trếng trống ở Quảng Trị và nhận ra rằng trếng hợp với trính từ Quảng Nam trở vào hơn. Ta thấy rằng đèo Hải Vân vẫn là một ranh giới cực kì quan trọng đối với các giọng miền cũng như với các tiếng miền trong ngữ ta vậy./.
 
 

[1] Xem Ngôn ngữ học Việt Nam, trang 59
 

Tác giả: Nguyễn Bạt Tụy

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây